Truyện ngắn: Noel năm ấy

Quang X Nguyen

Họ là đôi vợ chồng hôn nhân khác đạo. Không biết giáo hội rộng ban ơn được phép chuẩn từ bao giờ, nhưng chắc là lâu rồi, ít nhất cũng từ thuở vua Bảo Đại với người đẹp Gò Công Nguyễn Hữu Thị Lan, tức Nam Phương hoàng hậu…

ảnh: dannews.info

Ngày ấy, ở các giáo x­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­ứ toàn tòng trên kênh, tình trạng hôn nhân khác đạo quả là hiếm hoi. Thế mà anh Lực, chị Thùy nên vợ thành chồng từ thuở “hai xoa ba đập”. Ngày ấy mọi sự đều khó khăn thiếu thốn. Họ làm gì có tiền mua­­­­­­­­ dép. Nhưng có tiền chăng nữa thì dép đâu mà mua?! Thế nên họ đi dép da người, da của chính mình, nghĩa là đi chân không, hay chân đất thì cũng thế. Vậy “hai xoa ba đập” là gì? Là gì ư? Là trước khi lên giường đi ngủ, người ta rửa chân giũ bụi bằng công thức xoa hai bàn chân vào nhau hai lần, đập hai bàn chân vào nhau ba lần, thế là bao nhiêu bụi bặm rơi rụng hết, lại sạch sẽ tinh tươm, không chừng còn thơm tho mùi cỏ dại, mùi lúa con gái, hương đồng gió nội nữa ấy chứ (?).

Rõ ràng đó là những năm khó khăn, thiếu đói, ăn bữa trước, lo bữa sau. Ấy vậy mà người ta cứ yêu nhau, cứ cưới vợ gả chồng, cứ sinh con đẻ cái.


Đó là năm đầu tiên của thiên niên kỷ thứ ba. Đã hơn hai mươi năm rồi, không một lần tham dự Thánh Lễ nào, cũng không một buổi kinh sáng tối nào, ông Lực không cầu xin Ơn Trên cho bà Thùy, vợ ông vào đạo. Lời cầu của ông phải quá, đúng quá, hợp lẽ đạo quá, hẳn là đẹp lòng Chúa, nhưng ông tự hỏi tại sao Chúa không nhận lời. Dù vậy ông vẫn một lòng cậy trông, luôn luôn sẵn sàng chờ “tin vui giữa giờ tuyệt vọng” rằng: Chúa có kế hoạch riêng của Chúa. Một lần ông nói điều ông hằng ấp ủ, bà trả lời nghiêm chỉnh nhất có thể:
– Tôi giữ lời hứa với ba xiếm (*) là không khi nào bỏ đạo ông bà truyền lại. Ông không nhớ hay sao? Cũng như ông thấy đó: tôi tôn trọng ông, gia đình dòng tộc bên chồng. Tôi tôn trọng cả đạo Chúa của ông. Do đó, tôi cũng đòi buộc ông giữ lời: “đạo ai người ấy giữ”. Ông biết mà, tôi thực sự để cho ông và hai con được tự do học đạo và hành đạo như đã thoả thuận lúc ban đầu. Ngày ấy tôi đã bảo:

-“Đôi ta như huệ với sen,
Nam mô mặc thiếp, a men mặc chàng”

Hay:

“ A men lạy Đức Chúa Trời,
Xin cho bên đạo bên đời lấy nhau”.

Ông đã không vỗ tay đôm đốp, một mực khen hay là gì?

Bà Thùy bị sạn mật đau lắm, phải phẫu thuật trên bệnh viện Bình Dân. Ông Lực đi nuôi bệnh, chăm sóc cho vợ. Các phòng bệnh chật cứng, như nêm cối, một giường ít nhất hai người nằm, người nuôi bệnh nằm dưới gầm giường. Thế nên thời gian cả nhập viện, cả xét nghiệm, siêu âm, chụp X – quang, đo đạc đủ thứ, cả ca mổ nột soi bóc luôn túi mật, cả thời gian hậu phẫu, tất cả mất đúng một tuần lễ, người ta cho bà xuất viện. Một buổi trưa tháng Tám năm ấy, ông Lực đưa bà từ bệnh viện về nhà. Nhà một lầu một trệt. Tầng trệt là nơi kê mười bộ bàn ghế để lúc khỏe bà bán đồ ăn sáng. Ông bế bà lên cầu thang. Bà nhẹ bẫng. Họ phải đi ngang qua phòng tắm, ngang qua hai phòng của hai con, tới phòng của hai ông bà. Vừa đặt bà xuống giường, nằm chưa yên, bà đã thở dài thườn thượt:
– Khổ thân ông, khổ thân hai đứa chúng nó. Đau với yếu, bệnh với tật, tôi đã không giúp được gì, lại còn làm phiền, làm khổ ba cha con…

Bà bỗng im bặt. Ông nhìn thấy vài hạt nước ứa ra từ mắt bà. Phục vụ có phải là bản tính của người nữ chăng? Có phải bà rỉ nước mắt vì đau yếu không phục vụ được ai, mà lại còn khiến chồng con phải phục vụ? Ông lau mắt cho bà bằng chiếc khăn giấy ướt, mới tinh:

– Em nằm yên, nhắm mắt lại, ngủ đi, đừng suy nghĩ gì cả, cho tâm hồn thanh thản…

Lạ thật, không hiểu tại sao bà thì một điều ông hai điều tôi, còn ông thì anh anh, em em ngọt sớt. Có phải từ sâu thẳm tư tưởng, bà cũng như mọi người đàn bà, đều oằn vai còng lưng, ngán ngẩm trước gánh nặng của thời gian ngày giờ năm tháng. Bà tìm tay ông:

– Tôi cảm ơn ông nhiều lắm. Nhưng tôi hỏi thật lòng, ông cũng phải trả lời thật lòng, nhé!

Ông phòng thủ:

– Tất nhiên rồi. Từ ngày quen nhau, rồi yêu nhau, rồi cưới xin, rồi nên vợ thành chồng, rồi sinh con đẻ cái tuy muộn màng, anh đã nói dối em bao giờ chưa?

– Hình như chưa. Ông là con người chân thật. Đến như đứa trẻ con, ông còn không nói dối huống chi với tôi, vợ ông. Tôi ưng ông ở điểm ấy, và nữa, vì ông cao hơn tôi hẳn một cái đầu theo cả nghĩa bóng và nghĩa đen. Nhưng tôi vẫn phải rào trước đón sau, cho yên tâm ấy mà. Tôi hỏi: Nếu được làm lại cuộc đời, biết tôi chỉ sinh được con gái, không được mụn con trai nào, lại đau yếu thế này, hao tiền tốn của thế này, ông có can đảm lấy tôi không?

Ông giật mình thót một cái, nhưng trả lời ngay, không cần phải suy nghĩ đắn đo:

– Anh cũng trả lời thật lòng. Ai cũng biết thời gian không quay trở lại, mà đời người có chỉ một lần, làm lại sao được. Mà nếu được làm lại cuộc đời thì dĩ nhiên rồi, anh chỉ yêu em thôi, dù có phải tìm em nơi chân trời góc bể, dù có phải chờ đợi cả một đời người… Cách nào thì cũng phải gặp nhau thôi. Duyên nợ mà. Nhưng mà…

– Nhưng, lại nhưng, nhưng mà sao?

– Nhưng em hỏi thật lòng, anh cũng trả lời thật lòng. Thật lòng thế này: Nếu lần sau anh cưới em thì em phải theo đạo cơ. Chứ em biết đấy, đạo ai người ấy giữ làm cho sinh hoạt trong gia đình chuệch choạc làm sao ấy…

Bà bóp chặt tay ông, nức nở:

– Chưa muộn mà. Đã muộn đâu? Bây giờ tôi, ấy quên, em, bây giờ em vào đạo được không, anh?

Bà đã gọi ông bằng anh, xưng em như thuở ban đầu. Ngay lập tức, nước mắt ông giàn giụa:

– Thật nhé, em. Cảm ơn em. Tạ ơn Chúa đã nhận lời con cầu xin. Chúa ơi! Kế hoạch riêng của Chúa đã viên thành trong gia đình này… Vậy nhé, em nhé!

Bà kéo ông về hiện thực:

– Ơ kìa! Anh lảm nhảm chi vậy? Nghe em hỏi đây: Em có phải học giáo lý không? Mình có phải làm lễ cưới lại ở nhà thờ không?

Như một nhà tu giảng dạy giáo lý cho một dự tòng, ông nghiêm trang:

– Muốn vào đạo, phải lãnh bí tích Thanh tẩy. Muốn được thanh tẩy, phải học giáo lý. Anh nhớ lời mẹ anh xưa kia: giáo lý công giáo nằm gọn trong bốn chữ: Giữ, tin, xin, chịu. Bây giờ là 1. Giữ mười điều răn Chúa và năm giới răn hội thánh. 2. Tin những điều trong kinh Tin Kính, 3. Xin trong kinh Lạy Cha, và 4. Chịu các phép bí tích… Còn em hỏi: Mình có phải làm phép cưới lại không, hả? Khỏi em ạ! Vì khi em được rửa tội theo nghi thức và ý muốn của hội thánh thì hôn nhân tự nhiên trước đó của hai đứa mình sẽ được ơn thánh của bí tích Rửa tội nâng lên hàng bí tích, mà không cần thêm bất cứ một nghi thức nào khác…

Chị Thùy lãnh bí tích thanh tẩy và dịp lễ Chúa Giêsu Kitô vua vũ trụ năm ấy. Xong lễ, cha xứ xuống đến cuối nhà thờ, đưa sổ Gia đình Công giáo cho hai ông bà. Cha chúc mừng:
– Mừng chị trở lại đạo…

Lạ thật, chị, một tân tòng mới tinh dám cả gan cãi lại cha xứ:

– Thưa cha, đạo là đường, đường để đi. Như vậy con chỉ đi đạo thôi, không trở lại đạo, vì con có bỏ đi đâu mà phải trở lại? Con càng không theo đạo vì “theo” rất gần với “a dua”. Con cũng không giữ đạo, vì đạo phải cho đi, không thể giữ khư khư…

Cha xứ lắc lắc đầu, ngán ngẩm. Cha thầm nghĩ:

– Chắc hẳn con mẹ này có đào, có bới lẽ đạo đây, chẳng vừa đâu!

Giáng Sinh năm ấy, trời đã quá nửa đêm. Tan lễ, họ dắt díu nhau về. Hai bên bờ kênh, gần như nhà nào cũng có một hang đá sang trọng, sáng trưng, dường như mất hẳn khung cảnh Bêlem nghèo nàn năm xưa. Những bóng đèn li ti xanh đỏ tím vàng trắng chập chờn, lung linh, nhấp nháy không ngơi. Đó đây, mỗi cột đèn, người ta treo những ngôi sao bốn, sáu, và hầu hết năm cánh làm bằng vật liệu truyền thống: tre trúc và giấy bóng màu, có khi bằng vật liệu mới: thép inox và những linh kiện điện tử đắt tiền. Tất cả đều đẹp, đều rực rỡ, không biết có thua kém hang đá Bêlem năm xưa nhiều lắm không? Trời se se lạnh, bà nép vào người ông. Bàn tay ông tìm bàn tay bà. Bà giũ tay, nói với ông:
– Mất nết vừa thôi. Vừa tan lễ, đông người thế kia không sợ người ta cười cho à? Anh không nhớ câu này hay sao: “Con cá làm ra con khô, vợ chồng già thương hết dzô”.

Ông cúi xuống, trán ông chạm mái tóc bà, tay ông nắm lấy tay bà cho bằng được:

– Anh chỉ nhớ câu: “Con cá làm ra con mắm, tình càng già càng thắm, mình ơi!”. Em biết rằng anh sẽ yêu em suốt đời cơ mà, càng già càng yêu.

Bà kiễng chân, véo mũi ông:

– Già đầu rồi mà còn lăng nhăng, lằng nhằng như chó giằng tã, mở miệng ra là yêu, yêu, yêu…

Ông cười thật to:

– Ha ha! He he! Cũng đúng đấy nhỉ! Tình yêu buổi xế chiều vừa dai vừa dài lê thê, không phải sao?

Tới nhà, ông bà thấy những bóng người lô nhô quỳ bên hang đá trước sân. Ông bà nắm tay nhau quỳ xuống với đàn con cháu. Lũ trẻ hát ca như thét gào, muốn xé rách màn đêm lạnh giá: “Hát khen mừng Chúa giáng sinh ra đời…”. Hát xong, tất cả lặng thinh hồi lâu. Ông nói rất nhỏ nhẹ, nhưng rót vào tai, vào lòng từng người:

– Đêm nay, đêm Noel đầu tiên của mẹ, của bà các con, cũng là đêm Noel đầu tiên chung cho đủ tất cả mọi người nhà mình. Tôi muốn nói với mọi người, và riêng với từng người một câu tôi nghe được từ mấy mươi năm về trước: “Con Thiên Chúa có giáng sinh một ngàn lần nơi máng cỏ Bêlem cũng chẳng ích lợi gì cho bạn, nếu Ngài không được sinh trong lòng bạn”, phải không, ạ?


(*) cha mẹ.­­­­­­