Truyện ngắn: Đêm lễ hội

Quang X Nguyen

ĐÊM LỄ HỘI


Khi đêm xuống và bóng tối bao trùm thành phố thì những ngọn đèn chiếu sáng rực rỡ trong các lâu đài, trong những ngôi nhà, và các cửa hiệu. Những đám đông trong trang phục lễ hội tràn ngập đường phố. Gương mặt của họ thể hiện niềm vui yến tiệc.

Tránh xa sự ồn ào ầm ĩ của đám đông, tôi dạo bước một mình, suy ngẫm về Con Người mà sự vĩ đại của ngài đang được người ta tôn vinh, về vị Thiên tài của mọi thời đại, người đã chào đời trong sự nghèo khó, sống cuộc đời đức hạnh, và chết trên thập tự giá.

Rồi tôi ngẫm nghĩ về ngọn đuốc đang cháy, ngọn đuốc soi sáng ngôi làng khiêm tốn ở Syria bởi Chúa Thánh Linh… Ngài đang vận hành qua mọi thời đại, từ nền văn minh này đến nền văn minh khác để soi rọi chân lý của ngài.

Đến công viên, tôi buông mình xuống chiếc băng ghế thô mộc. Qua hàng cây trụi lá tôi quan sát những đường phố đông đúc người và lắng nghe những bản thánh ca cùng những khúc hát vọng đến từ đám đông trẩy hội.


Sau một tiếng đồng hồ chìm lắng trong trầm tư, tôi chợt nhìn sang bênh, ngạc nhiên nhận thấy đã có một người đang ngồi cạnh tôi. Với một nhánh cây nhỏ, người ấy chăm chú vẽ những hình ảnh mơ hồ trên mặt đất. Kinh ngạc bởi vì chẳng hề nghe tiếng động nào cho biết có người đến gần, nhưng tôi nhủ thầm, “Ông ấy trông cũng cô đơn như mình.” Quan sát kỹ, tôi nhận thấy người mặc trang phục kiểu cổ với mái tóc dài. Rõ ràng là một người đáng kính, đáng để chú tâm. Dường như đọc biết suy nghĩ của tôi, người nhẹ nhàng lên tiếng, “Xin chào, con trai.”

“Xin chào,” tôi kính cẩn đáp lời. Giọng nói của người dịu dàng đến lạ thường. Tôi hỏi người, “Có phải ông là người xa lạ mới tới thành phố này?”

“Vâng, ta là người lạ trong thành phố này, và trong mọi nơi khác,” người trả lời. Tôi tìm cách an ủi, “Trong những ngày lễ hội, người lạ cũng nên quên rằng mình là kẻ ngoại cuộc để cảm nhận sự tử tế và hào phóng của mọi người.” Người trả lời, giọng mệt mỏi, “Trong những ngày này ta cảm thấy còn xa lạ hơn nữa.” Nói xong, người ngước nhìn bầu trời trong sáng, chăm chú nhìn các vì sao, môi người rung lên như thể đã tìm thấy trong bầu trời hình ảnh của một xứ sở xa xôi. Thái độ lạ lùng của người khiến tôi chăm chú, “Đây là thời điểm trong năm mọi người tỏ ra tử tế với người khác. Người giàu nhớ đến người nghèo và người quyền thế đoái xem kẻ thấp hèn.”

“Vâng, nhưng sự thương xót nhất thời của kẻ giàu đối với người nghèo thật là cay đắng,” người đáp, “sự thương cảm của kẻ mạnh đối với người yếu đuối chẳng có gì khác hơn là sự biểu thị của kẻ bề trên.”

“Lời ông nói thật chí lý. Song, người nghèo không hề quan tâm người giàu đang nghĩ gì, và kẻ đói chẳng bận tâm đến việc miếng bánh họ đang thèm khát đã được nhồi và nướng như thế nào.” Tôi vặn lại.

Người đáp, “Người nhận lãnh chẳng nghĩ suy gì, nhưng người ban cho phải mang vác gánh nặng tự tra vấn xem mình làm việc thiện là vì tình người, vì lòng tương thân tương ái, hay vì sự tự tôn.”

Kinh ngạc vì sự thông tuệ của người, tôi bắt đầu chăm chú vào bề ngoài trông có vẻ cổ xưa cũng như trang phục khá kỳ dị của người. Rồi định thần, tôi hỏi, “Có lẽ ông đang cần giúp đỡ; ông có vui lòng nhận một ít tiền?” Cười buồn bã, người đáp lời, “Vâng, ta rất thiếu thốn, nhưng không phải thiếu vàng hay bạc.”

Ngạc nhiên, tôi hỏi lại, “Vậy thì ông thiếu gì?”

“Ta cần một chỗ ở. Ta cần một chỗ để gối đầu và suy nghĩ.”

“Xin ông vui lòng nhận hai đồng đê-na này mà đi tìm một quán trọ,” tôi nói.

Đượm vẻ thất vọng, người trả lời, “Ta đã đến từng quán trọ, gõ mọi cửa, nhưng vô ích. Ta đã bước vào tất cả hiệu thực phẩm, nhưng chẳng ai quan tâm đến ta. Ta không đói, ta chỉ bị tổn thương; không mệt mỏi, ta chỉ thất vọng; không tìm kiếm một chỗ trú thân, ta chỉ tìm một chỗ trong lòng người.”

Tôi nhủ thầm, “Thật là một kẻ lập dị! Lúc thì phát ngôn như một triết gia, lúc thì chẳng khác gì một kẻ tâm thần!” Khi tôi đang để dòng ý tưởng này tuôn chảy trong trí thì người khởi chăm nhìn tôi, giọng trĩu nặng, “Vâng, ta là một kẻ tâm thần, nhưng ngay cả một kẻ tâm thần cũng nhận ra rằng mình chỉ là một khách lạ không chỗ trú thân và là một người đói khát không tìm được thức ăn, bởi vì lòng người vô cảm.”

Tôi cất tiếng xin lỗi,”Tôi rất tiếc về những suy nghĩ nông nỗi ấy. Ông có vui lòng nhận sự giúp đỡ này mà đi tìm một chỗ trọ?”

Người nhìn tôi nghiêm khắc, “Ta đã gõ cửa của ngươi cùng mọi cánh cửa hàng ngàn lần rồi mà không ai chịu mở,”

Tin rằng mình đã gặp một kẻ tâm thần, tôi đề nghị, “Nào chúng ta cùng đi, về nhà tôi.”

Người chậm rãi ngẩng mặt, “Nếu ngươi biết ta là ai thì ngươi đã không mời ta về nhà.”

“Ông là ai?” Tôi hỏi, giọng run rẩy.

Người cất tiếng như âm thanh vang vọng của đại dương, “Ta là người làm đảo lộn thế gian, ta xây lại những gì mà các dân tộc đã hủy phá… Ta là cơn bão tố bứng nhổ mọi định kiến được vun trồng qua nhiều thời đại.

…Ta đến đem chiến tranh không phải hòa bình, bởi vì loài người chỉ hài lòng với những gì khốn khổ!”

Rồi thì, lệ rơi trên má, người đứng thẳng dậy. Trong vầng sáng bao quanh, người dang rộng tay. Khi nhận ra dấu đinh trên bàn tay người, tôi buông mình xuống đất, run rẩy khóc, “Ôi, Lạy Chúa Giê-xu người Na-xa-rét!”

Giọng đau buồn tột bực, người buông lời, “Mọi người đang làm lễ hội để tôn vinh Ta, đang sốt sắng tuân giữ truyền thống được đan dệt từ nhiều đời quanh danh Ta. Nhưng về phần Ta, Ta chỉ là một khách lạ lang thang trên khắp đất từ Đông sang Tây, mà chẳng một ai nhận biết Ta. Con cáo có hang, chim trời có tổ, song Con Người không có chỗ gối đầu.”

Trong khoảnh khắc ấy, tôi mở to mắt, ngẩng đầu nhìn quanh, nhưng chẳng thấy ai ngoài những cột khói trước mắt. Chỉ có âm thanh run rẩy của sự tĩnh lặng của đêm vang vọng từ chốn sâu thẳm của cõi Vĩnh hằng. Trấn tĩnh lại, tôi nhìn đám đông đằng xa đang ca hát, chợt một giọng nói vang lên từ bên trong, “Chính sức mạnh che chở con tim khỏi bị tổn thương lại ngăn cản con tim vươn đến sự vĩ đại. Ca khúc được hát lên thật là ngọt ngào, song bài hát câm nín của con tim mới là tiếng nói thuần khiết của thiên đàng.”

chuyển ngữ truyện ngắn Eventide of the Feast của Kahlil Gibran
Nguồn: https://enarty.wordpress.com/2017/12/10/dem-le-hoi/