MÙA ĐÔNG ẤM ÁP
Biên tập: Hồ Thủy
Lưu hành nội bộ
LỜI NGỎ
Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh và cha Phêrô Nguyễn Vân Đông |
Trong một lần lên Pleiku bằng máy bay để đi Kontum, chúng tôi gồm có: Anh Nguyễn Thành Tấn, chị Trần Ngọc Hải và tôi: Hồ Thủy. Qua sự giới thiệu của chị Ngọc Hải, chúng tôi được biết và quen với Cha Đông vì chị Hải là người thân của Cha. Mặc dù thời gian ở gần Cha, tiếp xúc chuyện trò với Cha rất ít nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận được đây chính là "Thiên sứ của người nghèo khó, bệnh tật... ". Và trong lòng chúng tôi đã có sự kính phục, yêu mến lẫn ngưỡng mộ Cha.
Chuyến đi Kontum của chúng tôi thành công ngoài sự mong ước khi được Cha đưa đi viếng Đức Mẹ Măng Đen: đây là lần đầu tiên chúng tôi được viếng Đức Mẹ Măng Đen.
Trên quãng đường đi và về chúng tôi được nghe Cha kể rất nhiều chuyện, qua cách kể chuyện dí dỏm của Ngài chúng tôi không cảm thấy "đường đi sao mà xấu và xa quá".
Trước giờ ra phi trường để trở về Sài Gòn, tôi ngỏ ý với Cha là muốn được viết những câu chuyện về công việc mà Cha đã và đang làm, mỗi câu chuyện là một truyện ngắn, rồi tôi sẽ làm thành một "tuyển tập truyện ngắn" với tựa đề là: "Mùa Đông ấm áp". Nghe tôi "xin" như vậy thì Cha lưỡng lự. Nhưng khi về Sài Gòn rồi, tôi cứ gọi điện thoại; rồi email cho Cha, nói chung là "lì lợm làm phiền Cha", cuối cùng thì Cha cũng đành phải đồng ý nên bảo thư ký của Cha gởi cho tôi tập tài liệu "Những Điều Chia Sẻ " mà Cha đã kể bằng lời trong thời gian Cha bị bệnh và dưỡng bệnh vào năm 2011, rồi từ những lời kể của Cha, viên thư ký đã chuyển thể qua chữ viết. Cha căn dặn tôi là: "Chỉ đọc cho thỏa tính tò mò của con mà thôi".
Nhận được tập tài liệu này tôi rất mừng và đã in ra để đọc, càng đọc tôi càng xúc động, nhờ tập tài liệu này nên chúng tôi được biết về những công việc mà các vị Linh Mục Thừa Sai đã làm khi qua Việt Nam để rao giảng Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô cho người Dân Tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Rồi bây giờ, qua cách sống hòa đồng, khiêm tốn của Cha đối với mọi người, cùng những công việc Cha đang làm cho người Dân Tộc nghèo khổ, bệnh tật, các thai nhi bị phá bỏ được Cha chôn cất... nhất là những người đang bị bệnh phong cùi, thì Cha đã và luôn noi theo tấm gương của các bậc thầy và các vị Thừa Sai đi trước...
Tôi rất xúc động vì những trăn trở, những ưu tư khắc khoải của Cha về việc Giáo Hội Công Giáo Việt Nam chưa có một chương trình hay một kế hoạch cụ thể nào trong vấn đề Loan Báo Tin Mừng của Chúa Giêsu đến với mọi người, nhất là những người không Công Giáo, và Cha đã ao ước rất nhiều về điều đó.
Những điều Cha ao ước không phải là quá to lớn, hay khó khăn mà không thực hiện được, nhưng như chỉ vì:
• Một cây làm chẳng lên non!
• Một con én không làm nên Mùa Xuân!
Nhất là Cha luôn tha thiết kêu gọi mọi người hãy biết Chạnh Lòng nghĩ đến người khác.
Trong tập "Những Điều Chia Sẻ" này, Cha kể về những khó khăn, gian nan, vất vả của các vị Thừa Sai, các Linh Mục, cũng như các Nữ Tu trong công cuộc loan báo Tin Mừng cho người dân tộc thiểu số, những người ở các vùng xa xôi hẻo lánh, nhất là những việc mà các vị Thừa Sai, các Linh Mục, các tu sĩ, các nữ tu đã làm cho người dân tộc nghèo khổ, người bệnh tật phong cùi và cả những người bị tâm thần nữa... Cha Đông là người Đã, Đang và Sẽ còn tiếp tục với những công việc này.
Những lời tâm sự của Cha trong những ngày nằm bệnh viện mà tôi may mắn được đọc, ấy chính là cơ duyên của tôi...nên tôi cảm thấy mình cần phải làm công việc là: Từ lời kể của cha "để nghe" mà người thư ký đã chuyển thành những trang viết trên giấy. Nay tôi muốn viết thành một cuốn sách "để đọc".
Tập tài liệu Những Điều Chia Sẻ của Cha đầy ý nghĩa, rất có giá trị về tinh thần. Cả ba chúng tôi là anh Nguyễn Thành Tấn, chị Trần Ngọc Hải và tôi Hồ Thủy đều cùng chung một nhận xét về Cha như sau: Cha là một Sứ Giả của người Dân Tộc thiểu số, của những người nghèo khổ bệnh tật, những người khốn cùng, và tập Những Điều Chia Sẻ này chính là một Thông Điệp cần được phổ biến rộng rãi cho mọi người.
Khi tôi có ý định chuyển thể từ "văn nói để nghe" thành "văn viết để đọc" tôi có xin ý kiến của Cha, Ngài nói: "để Cha suy nghĩ xem có nên đồng ý cho con viết hay không? Bởi vì Cha ngại lắm nếu...nói về mình, hay... được người khác viết về mình". Nhưng vì tôi năn nỉ mãi nên cuối củng thì Cha cũng ... Chạnh Lòng... tuy nhiên Cha bảo tôi là phải giữ nguyên ý, kể cả từng câu, từng chữ cũng không được khác với tập tài liệu của cha, đồng thời Cha cũng không muốn đề tên Cha là tác giả. Tôi biết Cha sợ tôi sẽ "múa bút quá tay"... nên Ngài mới dặn dò như thế. Với Những Điều Chia Sẻ của Cha thì tôi chỉ là người chuyển thể và trình bày phần hình thức mà thôi.
Tôi rất vui với công việc này, tôi cũng mong rằng sau khi chuyển thể xong và in thành sách, rồi từ cuốn Sách này sẽ truyền tải tới con tim mọi người, để có thật nhiều người biết đến những người nghèo khổ, bệnh tật cần giúp đỡ, cũng như những người chưa biết đến Tin Mừng của Chúa, những người Dân tộc thiểu số đang sống ở những vùng xa xôi hẻo lánh, những người bị bệnh phong cùi... đang rất cần đến chúng ta, mà cha Đông là người đã lo cho họ từ mấy chục năm nay và Ngài vẫn còn đang lo…
Những người nghèo khó, khốn khổ bệnh tật, nhất là những người bị bệnh phong cùi đang có rất nhiều ở quanh ta, họ rất cần đến sự chung tay, chung lòng, góp sức của chúng ta.
Sáng Chúa Nhật khi chúng tôi dự Thánh Lễ ở nhà thờ Thăng Thiên, cha Đông đã giảng một bài giảng làm chúng tôi vô cùng xúc động, nhất là khi nghe Cha nói đến hai chữ Chạnh Lòng. Chỉ có hai chữ Chạnh lòng thôi nhưng mà thật đầy đủ ý nghĩa.
Với cảm nhận của chúng tôi thì cha Đông là một tấm gương sáng để chúng ta học hỏi và noi theo.
Cuốn sách này là cả tâm huyết của tôi, dù tôi chỉ làm công việc biên tập.
Biên tập: Hồ Thủy
Chú ý:
- Ai muốn in ra để đọc, xin dùng bản PDF sau đây.
- Đọc online