NHỮNG BÍ QUYẾT CỦA TGM FULTON J. SHEEN
Khi còn ở quê nhà, vào thập niên 80, tôi may mắn đọc được cuốn sách in ronéo, không ghi tên dịch giả mà chỉ ghi là “Tài liệu nghiên cứu của giới tu sĩ” - do các nữ tu gởi nhờ tôi “dấu giúp” trong thời gian sách báo trong nước bị kiểm duyệt gắt gao. Cuốn sách mang tựa đề là “Trên Đỉnh Cao Thập Giá”. Không biết do ai dịch nhưng sách thật hay. Tôi đọc lui, đọc tới, nghiền ngẫm mãi ; càng đọc càng thấy hay. Tôi đã chép lại cả cuốn sách vào 3 cuốn vở 100 trang.
Rồi tôi sang đến Hoa kỳ đầu thập niên 90. Sau khi tạm ổn định đời sống, tôi đi tìm ngay cuốn sách này bằng Anh ngữ, nhưng tìm mãi mà không thấy. Mãi về sau, nhờ đọc những cuốn sách khác mà tôi mới khám phá là, thật đáng ngạc nhiên, người ta đã dịch ba cuốn sách của Đức Tổng Giám Mục Fulton J. Sheen rồi đặt một tên khác chung cho cả ba cuốn. Đó là lý do mà cuốn sách tôi tìm không nằm trong số 61 cuốn mà Ngài đã viết.
Chắc quý độc giả đang thắc mắc : Đức cố Tổng Giám Mục Fulton J. Sheen là ai vậy ? Xin được ghi vắn tắt : ngài là vị Giám mục lỗi lạc nhất giáo hội Hoa Kỳ trong thế kỷ 20 (1895-1979); một con người thông minh xuất chúng, uyên bác, có đến 12 văn bằng Đại học. Ngài rất đạo đức thánh thiện đến độ người ta ví von rằng “trên bục giảng ngài là con sư tử, nhưng đối với Linh mục và giáo dân của mình, ngài là một con cừu non”.
Vào thập niên 60, Ngài nổi tiếng với chương trình thuyết giảng trên vô tuyến truyền hình Hoa Kỳ, với chủ đề “Đời Đáng Sống” (Life Is Worth Living) - với khoảng 30 triệu người xem ở Hoa kỳ, chưa kể ở Canada và các nơi khác, và bài giảng của ngài cũng được phát đi trên 150 đài phát thanh. Hàng ngày văn phòng của ngài nhận được từ 8 đến 25 ngàn lá thư, và 1 phần ba trong số thư này của những người không có đạo. Ngài đã đến Việt Nam một lần vào năm 1948, và giảng thuyết tại Nhà Thờ Đức Bà bằng tiếng Pháp.
Ngài có nhiều đặc điểm, có nhiều cái rất “triệt để” thí dụ yêu mến Giáo Hội triệt để, sùng kính Đức Mẹ triệt để, vv... Trong bài này tôi chỉ xin nêu hai điểm mà tôi cho rằng đó là bí quyết làm cho ngài thành công và nổi tiếng:
Thứ nhất là ngài có lòng sùng kính và phó thác một cách lạ lùng vào Đức Mẹ Maria.
Ngài kể như sau:
“Trong đời, tôi đã đi hành hương tại Đức Mẹ Lộ Đức 30 lần, và Đức Mẹ Fatima 10 lần. Lần đầu tiên tôi đi hành hương ở Lộ đức, là lúc tôi đang học tại Đại học Louvain (Bỉ). Tôi chỉ có đủ tiền tàu xe, chứ không có tiền để tiêu pha khi đến đó. Tôi hỏi mượn em trai tôi là Tom - cũng đang là sinh viên, nhưng cậu ta không có. Tôi nói với cậu: ”Thôi được rồi, nếu anh có đức tin mạnh đủ, dám đi đến Lộ Đức để mừng 5 năm ngày chịu chức Linh Mục, thì cứ để Đức Mẹ sắp xếp mọi sự cho anh chứ !”.
Tôi đến Lộ Đức “trống túi”, nhưng lại vào trọ trong một khách sạn sang trọng, loại 4 hay 5 sao gì đó. Tôi nghĩ rằng nếu Đức Mẹ muốn thanh toán tiền khách sạn cho tôi, thì số tiền phải trả nhiều hay ít đâu có thành vấn đề đối với Đức Mẹ. Tôi khấn một tuần cửu nhật. Đến sáng ngày thứ chín, tôi vẫn chẳng thấy động tĩnh gì cả, rồi đến buổi trưa cũng không thấy chi và đến chiều tối, cũng chưa có gì xảy ra! Tình hình nghiêm trọng rồi đây, tôi tự nhủ. Tôi liên tưởng đến việc Cảnh sát sẽ bắt tôi ở lại đó rửa chén bát để trừ vào tiền phòng. Không thất vọng, tôi quyết định “cho Đức Mẹ thêm một cơ hội nữa”. Lúc đó khoảng 10 giờ đêm, tôi đi đến hang đá Đức Mẹ. Thình lình một người đàn ông bệ vệ, mà sau đó tôi biết là người Mỹ, bước đến gần, vỗ nhẹ vào vai tôi và hỏi: “Ngài có phải là Linh mục người Hoa Kỳ không?”. Tôi trả lời: “Vâng”. Ông ta hỏi: ”Ngài có biết nói tiếng Pháp không?” Tôi trả lời: “Có”. Ông ta nói:“Ngày mai Ngài có thể đến thủ đô Paris để giải thích về nước Pháp cho vợ và con gái tôi được không?”. Ông ta đi bộ với tôi trở về khách sạn nơi tôi ở, rồi hỏi một câu mà có lẽ đó là câu hỏi tôi thích thú nhất trong đời: "Ngài đã trả tiền khách sạn chưa?”. Thế là tôi thoát nợ!
Thứ hai, ngài triển khai và vận dụng một cách tài tình, hết sức thông minh tư tưởng, triết lý của Tiến sĩ Hội Thánh Tôma Aquinô.
Ngài nghiền ngẫm không sót một chữ các tác phẩm của Thánh Tôma và biến lý thuyết cao siêu, cô đọng đó thành một triết lý đơn giản, dể hiểu cho mọi tầng lớp, mọi tín ngưỡng. Ngài kể như sau :
“Sau khi chịu chức Linh Mục, tôi được gởi đến Đại Học Công Giáo ở Hoa thịnh Đốn (Washington) nghiên cứu trong ba năm để hoàn tất học vị Tiến Sĩ Triết. Sau hai năm học tại đây, tôi cảm thấy mình chưa nắm đủ kiến thức để xứng đáng với bằng Tiến Sĩ Triết. Tôi tâm sự nỗi niềm ưu tư của mình với một giảng sư ở đại học này. Nghe tôi trình bày, ông ta hỏi: ”Linh Mục muốn gì ở giáo dục?” Tôi trả lời: "Tôi mong muốn được biết hai điều, thứ nhất là con người thế giới hôm nay đang nghĩ về điều gì ; thứ hai là làm thế nào để trả lời, hóa giải những sai lầm của triết lý đương đại bằng ánh sáng của triết lý Thánh Tôma.” Ông ta nói:” Linh mục sẽ không bao giờ tìm thấy điều đó ở đây, nhưng có thể tìm thấy tại Đại Học Louvain ở nước Bỉ.”
Cha Fulton J. Sheen đã lên đường đi đến Đại Học Louvain, ghi danh học lại từ đầu. Sau khi nhận học vị Tiến Sĩ, ngài nghiên cứu thêm hai năm để lấy một văn bằng cao hơn (Agrégé) và được mời ở lại giảng dạy tại Đại học nổi tiếng này. Trong thời gian nghiên cứu, vì không bị bắt buộc phải ở tại chỗ, ngài sang Roma ghi danh vào Học viện Thiên Thần (giống như St. Thomas Aquinas University) và nghiên cứu Thần học thêm một năm.
Mà Thánh Tôma Aquinô là ai, triết lý của Ngài như thế nào mà một con người thông minh lạ thường, tư tưởng vượt thời gian như Đức cố Tổng Giám Mục Fulton J. Sheen lại hâm mộ một cách triệt để, dùng triết lý đó làm nền tảng cho các sách báo, các bài giảng thuyết đầy hấp dẫn, thu hút được mọi đối tượng, mọi thành phần ? Phải chăng bản sắc triết lý độc đáo của Kitô giáo đã cảm hóa, thuyết phục được người nghe một cách tài tình?
Xin tóm tắt về cuộc đời Thánh Tôma Aquinô (1225-1274). Ngài là người Ý, có một bộ óc phi thường, là một nhà thần học gia triết lý (phylosophical theologian) lỗi lạc nhất của Giáo Hội từ trước đến nay. Lừng danh với bộ Thần Học Tổng Luận (Summa Theologica), vị linh mục dòng Đa Minh vô cùng đạo đức, khiêm tốn này được Giáo Hoàng đề nghị lãnh chức Tổng Giám mục Milan nhưng đã từ chối.
Cứ mỗi khi rước lễ là Ngài lại rơi nước mắt. Ngài có nhân đức trong sạch tuyệt vời. Ngài muốn đi tu, nhưng gia đình lại muốn Ngài trở thành một hiệp sĩ văn võ toàn tài. Chuyện kể rằng, khi đang tu trong Dòng, gia đình Ngài thuê người đến bắt cóc Ngài đem đi nhốt tại một nông trại. Mẹ Ngài đã thuê một thiếu nữ rất xinh đẹp, trong cả một năm trời, cố dụ dỗ Ngài lỗi đức trong sạch. Nhưng Ngài đã cương quyết cự tuyệt và đuổi thiếu nữ này đi (do đó người ta đặt cho Ngài biệt hiệu “Tiến Sĩ Thiên Thần”). Văn của Ngài viết rất cô đọng, sâu sắc, nhiều chỗ hết sức khó hiểu, và rất khó nhớ; đến nỗi có nhiều người đã dịch sai cả ý của Ngài, gây bao nhiêu là phiền toái. Tuy nhiên, càng đào sâu triết lý, tư tưởng của thánh Tôma, thì sự hiểu biết, lòng yêu mến Thiên Chúa nơi ta càng gia tăng.
Hãy tạ ơn Chúa đã ban cho chúng ta Đức Cha Fulton J. Sheen - một vị Ngôn sứ của thời đại, tài đức song toàn. (Án phong Thánh cho Ngài đã được mở tại Giáo đô Rôma). Ngài đã thành công nhờ vào hai bí quyết nêu trên.
Thiết nghĩ nếu người Kitô hữu chúng ta biết bắt chước ngài, trước tiên trong việc sùng kính Đức Maria và phó thác cuộc đời mình cho Mẹ, nhất là qua tràng chuỗi Mân Côi, chắc chắn chúng ta sẽ tiến triển mạnh mẽ trong đàng nhân đức. Kinh nghiệm cho thấy, những ai xa lìa Giáo hội cũng thường bắt đầu bằng sự lơ là, lạnh nhạt với Đức Mẹ. Thứ đến, nếu tiếp cận với sách báo của Đức cố Tổng Giám Mục Fulton J. Sheen, và triết lý của Thánh Tiến sĩ Tôma Quinô (Summa Theologica), chắc chắn chúng ta sẽ hết sức vững vàng trong niềm tín lý vào Thiên Chúa và Giáo Hội. Đây là điều hết sức cần thiết cho người Kitô hữu ngày hôm nay đang sống tại một đất nước văn minh, tự do, tri thức, nhưng lại có nhiều xu hướng, lắm triết lý hỗn tạp, vô cùng nguy hiểm cho đức tin.
Thay cho lời kết, tôi xin mượn ý tưởng của Đức Cha Fulton J. Sheen:
“Nếu hỏi Giáo hội Công Giáo có ý nghĩa như thế nào đối với tôi ? Xin được trả lời rằng Giáo hội là Đền Thờ Sự Sống mà tôi là một viên gạch sống động của Đền thờ đó. Giáo hội là Cây sinh trái Vĩnh cữu mà tôi là một nhành. Đó là Thân thể Mầu nhiệm của Đức Kitô mà tôi là một chi thể. Do đó đối với tôi : Giáo hội còn quan trọng hơn cả mạng sống của tôi, vì sự sống chất chứa trong đó quá vĩ đại, quá phong phú, nên tôi phải sống liên kết với Giáo Hội.
Giáo hội vẫn tồn tại nếu như không có tôi trong đó. Còn tôi - dù chỉ là một tế bào nhỏ nhoi thôi - nhưng tôi không thể sống một cách bình thường nếu tách ra khỏi Giáo hội. Sự sống của tôi là một phần của thân thể đó, cũng như cánh tay của tôi là một phần của thân thể tôi. Bởi thế tôi và Giáo hội đã kết hiệp, thẩm thấu, quyện lẫn lấy nhau một cách lạ lùng, đến nỗi tư tưởng của Giáo hội đã biến thành tư tưởng của tôi; tình yêu của Giáo hội là tình yêu của tôi; lý tưởng của Giáo hội cũng là lý tưởng của tôi. Tôi nghĩ rằng Chúa đã ban cho tôi ân sủng lớn lao nhất là được thông chia sự sống với Giáo hội. Tôi cũng nghĩ rằng nếu không may tôi mất đi sự kết hiệp này, thì chẳng khác nào một tai họa đau thương, thảm khốc nhất đang xảy đến với tôi”.
Phaolô Ngô Suốt
Tham khảo : “Treasure in Clay” của Fulton J. Sheen