"Người đi qua đời tôi..."

Quang X Nguyen

“NGƯỜI ĐI QUA ĐỜI TÔI...”



Quý độc giả thân mến,

Trong những ngày này, gia đình Nhà Dòng chúng tôi lay động bởi những xôn xao nhẹ nhàng, nhẹ nhàng nhưng không kém phần xao động, xao động của những niềm vui, xao động của những trăn trở và có cả nỗi buồn nữa.

Hôm kỷ niệm 80 năm ngày DCCT có mặt ở Việt Nam, 11 tháng 11 năm 2005, cha già Trần Hữu Thanh, người duy nhất còn lại trong Dòng, đã đi dọc hết lịch sử 80 năm ấy, ngồi xe lăn chia sẻ bài giảng làm xúc dộng những người tham dự Thánh Lễ Tạ Ơn tại Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Sài-gòn. Ông cụ đã làm cho rất nhiều người khóc, rồi chính ông cụ cũng khóc, khóc vì ơn Chúa quá lớn lao cho đời mình, cho anh em mình, cho cả Nhà Dòng mình.


Ơn Chúa dành cho mình một cách rất cụ thể, không ở trên mây trên gió, không xa vời, không lý thuyết rỗng, nhưng rất cụ thể, rất rõ ràng và vẫn còn đó để ta chiêm ngắm. Cha già nhắc đến công lao của các cha các thầy từ Canada đến Việt Nam lập Nhà Dòng, những hy sinh quá lớn, quá sự tưởng tượng của con người, mà ơn Chúa lại được các hy sinh ấy diễn đạt cho chúng ta nhận ra.

Chuyện rất giản đơn của đời một Thừa Sai, ra đi khi còn rất trẻû, trên dưới chưa đầy đôi mươi, rời quê hương xứ sở, đến một đất nước lạ xa, ngồi vào lớp học với người bản xứ, rồi lớn lên trên đất nước người ta, cả đời cho Việt Nam. Ngày chịu chức Linh Mục, không một người thân đến dự, không cha, không mẹ, không “lụa là gấm vóc”, không “yến tiệc linh đình”, không một cánh thiệp báo tin, không một tờ “phù hiệu” dành cho người thân. Chịu chức xong lủi thủi vào nhà, không một ai người ngoài Tu Viện đến “dâng quà kính chúc”, không diễn văn chào mừng, không băng vải tung hô!

Biến cố năm 75 đã xua các vị về nước. Ngày ra đi, các vị đã gạt nước mắt, đã cố nhìn lấy quê hương này một lần cuối. Ngày ấy, có ai nghĩ sẽ gặp lại nhau đâu ! Trong những ngày ”đêm trước đổi mới” ( tên của loạt bài trên báo Tuổi Trẻ mấy hôm nay, viết về cái thời đen tối sau năm 75 ), đôi lần trong những liên lạc hiếm hoi, cha già Olivier đã yêu cầu tôi viết thư bằng tiếng Việt Nam, “để cha không quên tiếng Việt” !

Năm năm về trước, năm 2000, khi một vài vị Thừa Sai còn đủ sức để sang Việt Nam thăm lại Nhà Dòng nhân kỷ niệm 75 năm hiện diện, có một vị đã mang theo một cái hộp, cái hộp đựng một ít đất ở Việt Nam, chỉ xin một điều, khi được Chúa gọi về, hãy lấy đất trong hộp đặt trên ngôi mộ của mình, rồi trồng lên một khóm hoa, gọi là để chết ở... Việt Nam.

Ngày kỷ niệm ở Hà Nội, đúng ngày 30 tháng 11, ngày của các Thừa Sai đầu tiên đặt chân đến Hà Nội Việt Nam 75 năm trước, cũng cha già Trần Hữu Thanh, chứng nhân sống của lịch sử Nhà Dòng đã chia sẻ trong Thánh Lễ. Cụ kể lại một câu chuyện về một người bạn Linh Mục Canada, vị Linh Mục này đã bị gạch chéo bài giảng mà ngài viết để nộp cho giáo sư trong chương học về giảng thuyết của Nhà Tập thứ hai (sau một thời gian làm Linh Mục, khoảng 9 hoặc 10 năm, các cha phải đi Nhà Tập Hai để khởi sự sứ mạng giảng Đại Phúc, sứ mạng truyền thống của Dòng), lời phê của giáo sư ghi rõ: “không phải văn chương Việt Nam!” Vị Linh Mục Canada ấy đã về phòng khóc nức nở, khóc trong đau khổ. Cha già giải thích: từ 12 tuổi đã sang Việt Nam, học và tu tại Việt Nam, nuôi chí giảng cho người Việt Nam, học tiếng Việt Nam, bây giờ đã 43 tuổi, soạn một bài giảng bị phê là không phải văn Việt Nam, sụp đổ hoàn toàn !

Kể xong câu chuyện, cha già kết luận: “Chính những hy sinh cộng với sự thánh thiện của các cha Thừa Sai Canada, đã gầy dựng nên Tỉnh Dòng chúng tôi hôm nay”.

Cha già Trần Hữu Thanh năm nay đã 90 tuổi, cả một đời Linh Mục của ngài ngược xuôi vạn nẻo đường, cả một đời Linh Mục của ngài đã tung hoành ngang dọc, cả một đời Linh Mục của ngài đã gây dựng nghiệp lớn cho Giáo Hội, cho quê hương, bây giờ về già, ngồi ngẫm nghĩ lại, kết luận với con cái, với mọi ngươi: “chính những hy sinh, cộng với sự thánh thiện mới làm nên sự nghiệp”, tôi bị đánh động vì kết luận này.

Thế hệ chúng tôi kém sự bén nhạy này, kém hẳn về sự bén nhạy với hai chữ hy sinh, hy sinh: hình như hai chữ này không có trong “tự điển” ! Chúng tôi đua đòi với nhau và đua đòi với thế gian, chúng tôi tìm sự vinh quang, chúng tôi tìm lời xung tụng, chúng tôi tìm sự thoải mái, chúng tôi quay quắt với ý riêng mình. Luật sống “bỏ ý riêng” lâu rồi đóng bụi, chưa bao giờ chúng tôi mở ra để lau chùi chứ đừng nói đến sử dụng. Xác định con đường, xác định mục đích, chúng tôi lao tới và bằng mọi cách, chúng tôi phải đạt được ý mình đã đề ra làm tiền đề. Với Bề Trên chúng tôi sẽ liệu cách để hợp thức sau, “tiền trảm hậu tấu”, chúng tôi sẽ tính toán để đặt Bề Trên trong hoàn cảnh sự việc đã rồi, chỉ có thể nói “yes” chứ không thể nói “no”, và nếu Bề Trên mạnh tay, tôi sẽ la làng lên rằng “sao mà khó thế ?”

Hy sinh và thánh thiện, chính sự hy sinh và thánh thiện làm nên sự nghiệp chứ không phải tài năng hay tri thức. Tôi như trẻ thơ vừa mới ngộ ra một điều tâm đắc, ý tưởng về hai nhân đức hy sinh và thánh thiện cứ theo tôi mãi, cho đến khi trên đường từ Hà Nội quay trở vào Nam, cùng chuyến đi, tôi gặp và ngồi cạnh một vị Linh Mục Triều khả kính, ngài rất nổi tiếng trong lãnh vực hoạt động từ thiện giúp đỡ người nghèo. Trong câu chuyện đường dài, ngài tâm sự với tôi về con đường thiêng liêng ngài đeo đuổi trong hoạt động tông đồ, ngài nói về cha già Olivier của chúng tôi, ngài nói về hình ảnh của cha già, tận tụy, hy sinh, đạo đức, hết lòng cho Chúa và cho người nghèo, ngài bảo, đó là hình ảnh gương mẫu cho ngài, cho đời Linh Mục của ngài.

Vẫn là hy sinh và thánh thiện.

Xin chân thành cám ơn những con người hy sinh và thánh thiện đã đi qua đời tôi...
Lm. VĨNH SANG, DCCT, đầu Mùa Vọng 2005

http://www.chungnhanduckito.net/tacgia/lm.sang/nguoidiquadoitoi.htm