TIẾNG ĐÀN MANG NGỌN LỬA TRÁI TIM
hình minh họa |
- Thủy ơi, nhà anh bị cúp điện, trống vắng quá, anh đến nhà Thủy chơi đàn được không?
Đó là cú phone của anh Nghĩa, người bạn khiếm thị cụt một bàn tay mà tôi đã kể trong CHUYỆN NGƯỜI MÙ DẮT NGƯỜI MÙ, tôi trả lời phone:
- Được chứ , em sẵn sàng nghe anh đàn, có người chơi đàn miễn phí cho mình càng vui chứ sao!
Một lát sau, anh đã đến nhà tôi với một cây đàn guitar trên vai. Tôi ngồi nghe anh đàn trong lòng rất cảm động, tiếng đàn của anh còn thô sơ lắm. Tôi chẳng biết gì về nghệ thuật chơi đàn mà vẫn nhận ra được những lỗi nhạc trong tiếng đàn của anh, nhưng tôi thấy trong đó là cả một sự cố gắng vượt bậc. Anh nói:
- Giá mà có ai đó dạy cho anh đàn thì tốt biết mấy, anh biết mình chơi còn kém lắm, sợ Thủy nghe sẽ thấy chán! Anh được một người hàng xóm chỉ dạy cho có mấy chiêu còn cần phải học nhiều lắm!
Nghe anh nói, tôi chẳng biết làm sao, thật ra tôi có thể chỉ cho anh một nơi để học nhạc theo kiểu người khiếm thị; nhưng anh không biết đọc chữ nổi thì làm sao để ghi chép nhạc, vả lại anh chỉ có mỗi một bàn tay... Tôi đã thấy có người chơi đàn bằng chân, nhưng người đó còn đôi mắt sáng... Tôi hỏi anh:
- Bên bàn tay cụt, anh làm sao gảy đàn?
- Anh lấy que tính của đứa cháu cột vào cánh tay bằng một cọng dây thung, dùng nó để gảy trên dây đàn, bàn tay còn lại anh dùng để bấm trên cần đàn...
Tôi đến chạm nhẹ vào hai cánh tay của anh để cảm nhận được điều anh nói, rồi bảo:
-Cột dây thun như vậy, anh không thấy tê tay sao?
Lúc đó, anh mới nói:
-Anh nghỉ một chút nghe, tay anh tê quá rồi!
Tôi la lên:
-Vậy mà nãy giờ anh không nói, Thủy đâu có biết!
Suốt buổi sáng đó anh đã chơi đàn cho tôi nghe một cách hăng say, tôi hát theo anh...
Chiều hôm đó, tôi mở computer ra làm bài kiểm tra cho giáo trình tôi đang theo học từ xa với Hadley School for the Blind: Elements of Poetry, thật là trùng hợp, người ta yêu cầu tôi viết một bài thơ về người khách đặc biệt đã đến thăm nhà. Thế là tôi đã viết bài thơ về anh, tất nhiên là trong tiếng Anh. Sau đó hai năm tôi đã dịch bài thơ ấy sang tiếng Việt:
TIẾNG ĐÀN MANG NGỌN LỬA TRÁI TIM
Có một gã mù đến công viên Chiến Thắng
Một bàn tay của gã,
Đã bị bỏ lại nơi chiến trường ác liệt
Gã ngồi đó, gảy đàn ghi-ta trong nắng sớm
Những bông hoa mùa xuân vừa chớm
Cứ rạo rực nghe tiếng đàn mang ngọn lửa trái tim.
Bỏ mặc quả bóng tròn chơ vơ bên bụi cỏ,
Mấy thằng nhỏ nhìn gã mù ngưỡng mộ
Người đàn ông gảy đàn với một cây thẻ gỗ
Cột ở đầu cánh tay đã mất một bàn tay.
Một thằng bé mập ù, bước chân len lén
Nhẹ đặt thỏi sô-cô-la bên cạnh gã mù
gã mỉm cười
thằng bé dáng gầy ghé tai người đàn ông nói nhỏ:
"Goao! Chú gảy đàn rất tuyệt!"
Gã mù mỉm cười sung sướng.
9/1/2008
Bài thơ này đã được nhạc sĩ Phạm Trung phổ nhạc, mời các bạn nghe trong liên kết dưới đây:
CHUYỆN NGƯỜI MÙ DẮT NGƯỜI MÙ
Lần nọ, tôi có dịp đi chơi với một nhóm bạn khuyết tật. Trên chuyến xe trở về, bác tài xế đưa chúng tôi về điểm xuất phát, nhưng vì lý do tiết kiệm tiền tôi cùng hai anh bạn mù đã nhờ bác tài chở chúng tôi đến một địa điểm thuận tiện hơn, để đón Honda ôm cho rẻ.
Trong ba người mù chúng tôi, có một anh chàng không những đã mù cả hai mắt mà còn cụt một bàn tay nữa. Khi đặt chân xuống đến đất, tôi bắt đầu thấy lo lo, vì ngại rằng cả hai anh chàng này cùng mù một trăm phần trăm như tôi, họ làm sao dắt tôi an toàn. Trong khi bệnh tiểu đường của tôi rất sợ những va quệt trầy xước, vết thương thường là khó lành! Anh Nghĩa, người chỉ có một bàn tay, cánh tay lành lặn của anh khoác tay tôi và dẫn tôi đi, anh nói:
-Anh dắt Thủy lên lề đứng cho an toàn, rồi anh sẽ đi tìm cho Thủy một chiếc xe Honda chở Thủy về nhà. Thủy đứng đây với anh Cường đợi anh đi đón xe nghe!
Trong khi anh dắt tôi lên lề đường, tôi cảm thấy yên tâm, và tự hỏi, không hiểu sao anh ấy đã tạo cho mình một cảm giác rất an toàn. Trong khi đi với những người nhà tôi mắt mũi sáng sủa, mà vẫn để cho tôi bước hụt lên hụt xuống, nhiều khi tôi bị vấp đến chúi nhủi, tối tăm mặt mày! Thấy tôi có vẻ sốt ruột vì anh Nghĩa đi đón xe đã lâu mà chưa thấy quay lại, anh Cường bảo:
-Từ đây đến chỗ mấy ông Honda ôm hơi xa, Thủy ráng đợi chút đi!
Tôi hỏi:
-Sao anh biết?
Anh Cường đáp:
-Chỗ này gần nhà tụi tôi, tôi biết mà!
Rồi anh Nghĩa cũng quay lại với một chiếc xe Honda ôm, tôi vội hỏi:
-Sao anh Nghĩa đi lâu quá vậy?
Anh ôn tồn giải thích:
-Anh phải lựa tài xế cho Thủy. Anh đi tìm mấy người, nghe giọng ai đàng hoàng anh mới gọi xe. Anh phải bảo đảm cho Thủy về tới nhà bình yên chứ!
Khi tôi về đến nhà, cũng vừa lúc điện thoại tôi reo vang, thì ra anh Nghĩa gọi để hỏi xem tôi đã về tới nhà chưa. Sau này, thỉnh thoảng có dịp đi đâu đó, tôi thường có cảm giác rất an toàn đi bên anh, nhiều người mắt sáng bình thường mà vẫn để lại trong tôi những cảm giác sợ hãi lo lắng, khi đi cạnh họ.