Tác Giả: Linh Mục Giuse Vũ Thái Hòa
Biên soạn tại Rennes (France), tháng 10 năm 1996
Lời Tựa
Giáo Hội luôn nhấn mạnh tầm quan trọng và sự cao quý của thánh lễ. Quy chế tổng quát của Sách Lễ Rôma mở đầu bằng câu sau đây: “Việc cử hành thánh lễ, với tích cách là hành động của Chúa Kitô và của dân Thiên Chúa, được tổ chức theo phẩm trật, là trung tâm toàn bộ đời sống Kitô giáo, đối với Hội Thánh toàn cầu, cũng như Hội Thánh địa phương, và đối với từng tín hữu” (số 1). Giáo Hội được dưỡng nuôi và sống bởi Lời Chúa và Thánh Thể. Vì thế Giáo Hội mời gọi tất cả chúng ta cố gắng tìm hiểu, khám phá ra hoặc khám phá lại thánh lễ, là hành vi trung tâm của đời sống Kitô giáo chúng ta. Chúng ta có thể tìm hiểu ý nghĩa của thánh lễ dưới ba khía cạnh: Kinh Thánh, thần học và lịch sử. Ngoài ra, có thể thêm khía cạnh thứ tư mà chúng ta sắp sử dụng: đó là nghi thức, nghĩa là nghiên cứu các nghi thức trong thánh lễ để tìm hiểu và khám phá ra ý nghĩa đích thật của thánh lễ.
Chắc hẳn, đã có lần bạn đặt câu hỏi về ý nghĩa của một vài nghi thức phụng vụ khi bạn tham dự thánh lễ: dấu thánh giá, cộng đoàn đứng lên khi nghe công bố Tin Mừng (Phúc Âm), nghi thức bẻ bánh, v.v…
Thật ra, mỗi một nghi thức đều ẩn chứa biết bao ý nghĩa phong phú. Mỗi hành vi phụng vụ đều có ý nghĩa thần học cả.
Tài liệu này được đưa lên mạng lưới điện toán toàn cầu nhằm mục đích giải thích những nghi thức quan trọng của thánh lễ, được trình bày theo thứ tự thời gian trong thánh lễ, và cho một vài giải thích liên quan đến thánh lễ, cũng như trả lời một số câu hỏi mà bạn thường đặt ra.
Những câu trích dẫn trong thánh lễ, của Sách Lễ Rôma, lấy theo bản dịch 1992 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.
Những câu hỏi được giải đáp trong tập sách:
Thánh lễ bắt nguồn từ đâu?
Và diễn tiến lịch sử hình thành thánh lễ ra sao?
Các phần trong thánh lễ như thế nào?
Linh mục đóng vai trò gì trong thánh lễ?
Tại sao thánh lễ luôn được cử hành giống nhau, đọc hoài những lời bất biến?
Tại sao linh mục phải mặc áo dài trắng, áo lễ và đeo dây các phép?
Đâu là ý nghĩa của màu sắc các phẩm phục phụng vụ?
Tại sao khi bước vào nhà thờ, người ta làm dấu thánh giá với nước thánh?
Tại sao thánh lễ thường bắt đầu bằng một bài hát?
Tại sao linh mục cúi hôn bàn thờ?
Dấu thánh giá mang ý nghĩa gì?
Amen nghĩa là gì?
Tại sao, sau Công Đồng Vaticanô II, linh mục chủ tế lại đứng đối diện với cộng đoàn?
Các bài đọc được chọn lựa như thế nào?
Bài Thánh vịnh có vai trò gì?
Tại sao phải đứng lên khi nghe công bố Tin Mừng?
Tại sao phải làm tới ba dấu thánh giá trước khi nghe Tin Mừng?
Tại sao đọc kinh Tin Kính?
Đâu là ý nghĩa của Lời nguyện tín hữu?
Quyên tiền có phải là nghi thức thừa thãi không?
Tại sao chủ tế đổ ít nước vào rượu?
Cử hành thánh lễ với loại rượu nho nào?
Tại sao chủ tế lại rửa tay cuối phần Dâng lễ?
Kinh Tạ Ơn là gì?
Tại sao chỉ có một mình linh mục đọc kinh Tạ Ơn?
Chúc bình an, một hành vi xã giao mà thôi?
Nghi thức bẻ bánh có ý nghĩa gì?
Tại sao chủ tế bỏ một miếng bánh thánh nhỏ vào chén thánh?
Tại sao phải dùng bánh không men trong thánh lễ?
Có phải không lên rước lễ vì ta tự xét là không xứng đáng hoặc chưa sẵn sàng chăng?
Tại sao chúng ta ít khi được rước cả Mình Thánh và Máu Thánh Chúa?
Nên rước lễ bằng tay hay bằng miệng?
Tại sao các tín hữu không tự đến lấy bánh thánh?
Câu chúc kết thúc thánh lễ “Lễ đã xong, chúc anh chị em ra về bình an” có ý nghĩa gì?
Bổng lễ (tiền xin lễ) để làm gì?
Có thể cử hành thánh lễ chỗ nào khác ngoài nhà thờ không?
Dự lễ qua đài truyền hình hoặc truyền thanh có được coi là tham dự thánh lễ thật sự hay không?
Tại sao ngôn ngữ phụng vụ không thích nghi với ngôn ngữ ngày nay?
Để cử hành thánh lễ, người ta có thể thay thế bánh miến và rượu nho bằng các thứ khác, chẳng hạn bằng cơm và trà ở Á Châu, hoặc bằng bánh khoai mì và rượu thốt-nốt bên Phi Châu được không?
Tại sao buộc đi lễ ngày Chúa nhật?
Kết luận
Qua những câu trả lời trong tập sách nhỏ này, chúng ta đã khám phá ra hoặc khám phá lại ý nghĩa của thánh lễ. Nhưng giải thích thánh lễ vẫn chưa đủ, mà cần phải sống và cử hành thánh lễ trong đức tin, với tất cả tâm tình.
Thánh lễ không phải là một loạt nghi thức nối tiếp nhau, nhưng là cùng một hiến tế tạ ơn, cùng một mầu nhiệm phục sinh. Thánh lễ cũng không thể bị thu nhỏ lại thành một cộng đoàn lắng nghe lời Chúa và tuyên xưng đức tin của mình. Trước tiên thánh lễ là sự hiện diện tác động của hy lễ của Chúa Kitô, chính Người kết hợp và thánh hiến Giáo Hội, chính Người ban đời sống thần linh qua Mình và Máu Người trong rước lễ. Hiến chế về “Phụng Vụ thánh” nói rõ điểm đó:
“Trong Bữa Tiệc sau hết, vào đêm bị nộp, Đấng Cứu Chuộc chúng ta đã thiết lập Hy Tế Tạ Ơn bằng Mình Máu Người, để nhờ đó Hy Tế Khổ Giá kéo dài qua các thời đại cho tới khi Người lại đến, và cũng để ủy thác cho Hiền Thê yêu quí của Người là Giáo Hội việc tưởng nhớ cái Chết và Sống Lại của Người: đây là bí tích tình yêu, dấu chỉ hiệp nhất, mối dây bác ái, bữa tiệc vượt qua, trong đó chúng ta ăn Chúa Kitô, được tràn đầy ân sủng, và được đảm bảo vinh quang tương lai” (số 47).
Giáo Hội không ngừng nhấn mạnh sự quan trọng của thánh lễtrong đời sống Kitô hữu. Thí dụ: theo các văn kiện của Công Đồng Vaticanô II, thánh lễ là “trung tâm điểm của cộng đoàn tín hữu” (Sắc lệnh LM, số 5), là “nguồn mạch và chóp đỉnh của tất cả đời sống Kitô giáo” (Hiến chế GH, số 11), và là “nguồn mạch ơn thánh hóa cho con người và làm vinh danh Thiên Chúa” (Hiến chế PV, số 10).
Gốc rễ, nguồn mạch, trung tâm, chóp đỉnh: thánh lễ là tâm điểm của đức tin và đời sống của chúng ta. Theo công thức nổi tiếng của Đức Hồng Y Henri de Lubac, “nếu Giáo Hội làm lên thánh lễ” (si l’Église fait l’eucharistie), trước tiên và tiên quyết “thánh lễ làm lên Giáo Hội” (l’eucharistie fait l’Église).
Thánh lễ là bữa tiệc, trong đó Thiên Chúa bổ sức cho chúng ta tiến đến hạnh phúc vĩnh cửu. Chúa Giêsu đã phán: “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết” (Gioan 6, 54).
Ước gì mỗi người chúng ta biết sống sâu sắc bí tích Thánh Thể để lãnh nhận những ơn thánh bổ ích cho cuộc đời của chúng ta và để sinh nhiều hoa trái.