BỜ VAI ẤY!
– Anh!… Em mệt!
– Mệt làm sao?
– Em mỏi rã rời tay chân.
– Ngủ đi em! Ngủ một lúc cho đỡ mệt!
Nàng ngoan ngoãn ghé nhẹ đầu vào vai anh, rồi… khép hờ đôi mắt. Mấy sợi tóc lòa xòa vương trên trán, như đám mây nhỏ lãng du trước vầng trăng nõn nà. Khuôn trăng đầy trắng mịn. Cánh mũi khẽ phập phồng hơi thở. Bờ môi hồng xinh xắn khép hờ. Hương thơm nhè nhẹ phảng phất đâu đây…
Tựa đầu bên bờ vai anh, nàng nghe được nhịp đập rộn ràng yêu thương từ trái tim anh. Nàng cảm nhận được hơi ấm nồng nàn phủ kín người nàng. Nàng nhận được vòng tay trìu mến, những ngón tay thuôn dài đan quyện lấy tay nàng. Tự đáy sâu tâm hồn nàng dâng lên một cảm xúc lâng lâng dạt dào. Dạt dào như sóng biển ngoài kia… Nàng an tâm thiêm thiếp ngủ.
Chuyến hành hương dài ngày đến thánh địa La Vang đã làm nàng mệt mỏi. Trên xe, suốt hành trình dài đằng đẵng, nàng có anh. Những lúc mệt mỏi vì đường xa dằn vật, những lúc rã rời tay chân vì ngồi lâu không cử động… Nàng cần có anh. Nàng cần bờ vai anh.
*
* *
Nàng. Yến! Tiểu Yến! Con chim Yến bé bỏng, hay dỗi hờn vu vơ. Con chim biển thích làm nũng, thích tựa đầu vào vai anh để tìm thấy sự vững chãi cho những chao đảo, lắc lư trên chuyến xe và trong cuộc đời.
Yến sinh ra trong một gia đình hạnh phúc. Bố Yến hiện là “Ông Chánh” của một giáo xứ. Mẹ Yến là trưởng một tiểu đội Legio. Yến có 7 anh chị em. Các anh chị lớn đã có gia đình riêng. Yến còn hai cô em gái cũng xinh đẹp, cũng ngoan hiền như Yến. Cả nhà Yến là Legio. Gia đình Yến bây giờ: Bố thì lo việc “Nhà Chúa”, nên Mẹ già giao việc quán xuyến trong nhà cho Yến. Thế là nàng nghiễm nhiên trở thành “chị lớn”!!!
Dù có phần vất vả, Yến vẫn cố chu toàn bổn phận trong gia đình. Sáng thức dậy sớm, chuẩn bị bữa điểm tâm cho cả nhà. Luôn luôn phải có bình trà nóng nghi ngút khói, tách cà phê sáng cho Bố, ly sữa thơm cho Mẹ… Xong việc lặt vặt trong nhà, Yến lại đạp xe vào rẫy. Rẫy cách nhà cũng không xa lắm, chỉ độ chừng hơn cây số, nhưng không mấy ngày Yến bỏ rẫy. Chiều đến, Yến lại đạp chiếc xe cọc cạch, từ rẫy về nhà. Yến thu dọn, quét tưới… tắm rửa rồi đi dự thánh lễ chiều. Tối, Yến phụ trách một lớp giáo lý Thiếu Nhi. Lũ trẻ thương gọi Yến là “Chị!”.
… Ngày tháng êm đềm trôi. Những ngày vô tư thời con gái qua mau. Yến lấy chồng. Người Bắc gọi là “lập gia đình”. Đúng là Yến lập gia đình riêng cho mình. Con gái mới lớn, bước vào đời sống gia đình, Yến đâu có biết sẽ phải va chạm với nhiều thứ khó khăn, nhiều chuyện nhiêu khê…
Ngày cưới, Yến là cô gái vừa tròn 20 tuổi. Yến chưa một lần biết ‘yêu’, dù chỉ là thứ tình yêu ‘thời đi học’. Ngây thơ, trong trắng. Yến làm cô dâu mà lòng vẫn nghĩ về mấy đứa thiếu nhi nghịch ngợm, vẫn nghĩ đến những trò chơi rượt đuổi hồn nhiên. Tâm hồn Yến là thế! Không ưu tư phiền muộn, không lắng ‘lo chi cho mệt óc’. Có lẽ Yến vẫn đang nghĩ: Yến gắn bó với lũ trẻ còn hơn là nghĩ đến chuyện phải gắn bó với chồng, với cuộc sống hôn nhân… Yến ngây thơ là thế! Đơn sơ là thế!
… Và Yến bước lên “xe hoa”, mặc áo “cô dâu”, nhưng vẫn giữ nụ cười tươi như hoa hướng dương, giữ tâm hồn trong trắng như pha lê. Yến vẫn cứ hồn nhiên chọc ghẹo, đùa giỡn với mấy đứa trẻ trong xóm. Yến không nghĩ là mình đi “lập gia đình”. Lễ cưới của Yến tổ chức thật trang nghiêm và xúc động. Tất cả Thiếu Nhi trong xứ tham dự lễ cưới của “chị”. Các anh chị giáo lý viên trong xứ vây quanh chúc mừng Yến. Bà con giáo dân thương “chị”, đi dự thánh lễ cầu nguyện cho cuộc hôn nhân của “chị”.
Yến thấy mình hạnh phúc quá! Hạnh phúc vì lần đầu tiên trong đời được nhiều người thân quan tâm. Hạnh phúc vì lần đầu tiên trong đời được nhiều người chúc tụng. Hạnh phúc vì mình được mặc áo ‘cô dâu’ đẹp lộng lẫy… Nhưng mà Yến đẹp thật!!! Hôm lễ cưới, Yến đẹp tinh tuyền như một thiên thần. Yến lộng lẫy, trong trắng như một cô tiên nhỏ bé.
Yến về “nhà chồng”. Từ ‘Miền Đông đất đỏ’, phải vượt hơn 200 cây số xuôi về Nam; về ‘Miền Tây sông nước’. Cảm giác đầu tiên khi vừa đặt chân trên phần đất Miền Tây, Yến vẫn ghi nhớ đến bây giờ, đó là: “Nước!”.
Nước mênh mông bao la. Nước ở khắp nơi, trắng xóa một màu. Nước ở đây sao mà nhiều thế!? Tự nhiên Yến thấy lo. Nỗi lo có vẻ như vu vơ lắm! Yến không biết bơi lội, về đây thì làm sao??? Và cũng tự nhiên lắm, Yến khóc! Khóc không vì hạnh phúc, sung sướng. Khóc không vì sợ hãi, lo âu. Nhưng khóc vì… “sợ nước”!? Nước nhiều quá!!!
… Yến đứng trên bờ đê, tựa đầu vào vai anh, nhìn khung cảnh mới lạ Miền Tây. Ngay cả tưởng tượng trong đầu thôi, cũng chưa một lần Yến hình dung được sự bao la của Miền Tây đầy nước này! Yến cứ nghĩ, Miền Tây là đồng lúa bạt ngàn, đẹp đến thơ mộng. Chiều xuống, ánh mặt trời đỏ rực, khuất dần sau rặng tre làng… Đẹp đến mê hồn!?!
Nhưng Yến ơi! Đồng lúa Miền Tây bây giờ đang vào ‘mùa nước nổi’. Nước ồ ạt tràn về mang theo phù sa, phủ kín khắp đồng bằng. Nước ở đây là thế! Nước ngập đường đi, băng qua sân, đến mấp mí hiên nhà. Đôi khi nước tràn cả vào nhà như muốn chia sẻ với mọi người tình yêu dạt dào của ‘nước’.
… Rồi cũng quen dần. Yến về với anh, làm vợ anh. Yến sống trong hạnh phúc gia đình. Yến cho anh cửa nhà tươm tất. Yến cho anh những bữa cơm đầy ắp tiếng cười. Yến cho anh 5 đứa con trai bụ bẫm, kháu khỉnh. Và Yến cho anh một tình yêu. Tình yêu hiến dâng trọn vẹn cho mái ấm gia đình …
Bên cạnh niềm hạnh phúc ngập tràn ấy, Yến phải bắt đầu học từ đầu ‘công việc đồng áng’. Công việc mà Yến chỉ biết trong thơ văn đã học năm xưa: cầu khẩn như “Lạy trời mưa xuống…” hay thương cho nỗi vất vả “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Công việc mà thời con gái, Yến chỉ mới tập tành đôi chút, gọi là “làm cho có việc”.
Yến phải học cách cấy lúa, bón phân, gánh nước, tưới cây… Yến phải học cách nấu ăn của dân Miền Tây. Yến còn phải học lại ngay cả cách xưng hô, trò chuyện theo kiểu “Miền Tây” với bà con lối xóm… Nghĩa là phải làm từ đầu tất cả!!! Nhưng Yến vui và hạnh phúc. Yến cũng phải học rất nhiều. Học cách chăm sóc 5 đứa con trai khôi ngô cho anh! Năm đứa mà bà con thường hay trêu chọc Yến là “ngũ qủy”. Nhưng với Yến lại khác. Yến luôn âu yếm và hết lòng dạy dỗ các con, để chúng là “ngũ qúy” của Yến.
*
* *
Ở miền Tây quê anh, người dân sống dọc theo hai bên bờ những con kênh đào, dài hút tầm mắt. Hoàn toàn khác với cảnh sống ‘khu phố’ chen chúc ở miền Đông. Nhà nhà xếp hàng một, cách nhau hàng hai ba chục thước. Bờ tre, rặng tràm, bụi chuối bao bọc lấy xóm làng. Ruộng lúa và nước ở ngay sau hè. Không gian ở đây tưởng như yên tĩnh, không nghe tiếng xe cộ ồn ào. Nhưng không! Ở đây lại rộn ràng tiếng tre kêu kẽo kẹt chuyện trò với gió, tiếng chim chóc gọi nhau ríu rít, tiếng cô bán hàng rong lênh đênh trên chiếc ‘xuồng ba lá’, chèo dọc con kinh, đều đều giọng rao: “chanh-hành-me-hẹ-bún-giá-cải-bẹ-xanh xà-lách… đây!”. Lâu lâu lại có tiếng máy nổ ran ran của mấy chiếc đò dọc rẽ sóng.. Thỉnh thoảng, vang lên tiếng cười giòn giã của mấy đứa trẻ con đang nô đùa dưới bóng mát của lũy tre xanh.. Yên bình!… Và tình cảm làng xóm ở đây thật đôn hậu, thật tràn đầy. Yến thấy vui khi được cộng tác vào mọi công việc của bà con lối xóm. Chuyện vui buồn gì cũng có nhau. Mọi người, mọi gia đình đều hết lòng vì nhau.
Một ngày phụ giúp đám cưới trong xóm, Yến được giao cho việc cắm hoa, trang hoàng bàn thờ. Mấy bà, mấy chị khác lo việc chuẩn bị nấu nướng. Đám thanh niên phụ giúp dựng mái vòm đãi tiệc trước sân, vốn là sân phơi lúa hay trang trí cổng tân hôn bằng những cành dừa, cây chuối. Bậc lão thành ngồi ở mấy bộ bàn ghế kê bên hiên nhà, uống trà tính chuyện nghi lễ, không ai là không có việc. Một ngày phụ giúp đám, tối về nhà, Yến rã rời tay chân. Yến nũng nịu với anh:
– Anh! … Em mệt!
– …
Anh trầm ngâm dịu dàng nhìn Yến, không nói. Yến hiểu ý, dựa đầu vào vai anh, đặt tay trên đùi anh, ngả người vào lòng anh. Yến khép hờ đôi mắt, buông lỏng cơn mệt rã rời của Yến trong lòng anh, cảm nhận hơi ấm tình yêu của anh.
*
* *
Bên anh, Yến sống những tháng năm hạnh phúc. Với anh, Yến sống giúp ích, phục vụ xóm giềng. Có anh, Yến được động viên, nên hăng hái rủ mấy chị em trong xóm tổ chức đọc kinh tối luân phiên gia đình. Yến ấp ủ việc phát triển Legio ở đây. Nhưng có vẻ như Legio còn xa lạ lắm với bà con?! Nghe anh ‘cố vấn’, Yến thâm nhập từng bước. Đầu tiên, Yến rủ mấy chị em trong xóm đọc kinh chung. Dần dà có thêm vài đứa trẻ con, rồi mấy ông già bà lão… Thế là tối đến, cả xóm cùng đến đọc kinh chung, lần lượt từng gia đình. Lũ trẻ đi theo, được phát quà: có bánh kẹo, có chuối, có đu đủ… nên rất siêng năng. Lâu dần, chúng nó thuộc lòng các kinh đọc trong xóm.
Sau giờ kinh tối, mấy cụ già có dịp ngồi lại bên nhau, nhâm nhi tách trà nóng, hàn huyên đôi ba câu chuyện. Mấy ông, mấy anh tranh luận về bóng đá, về kinh nghiệm trồng lúa… Đám chị em phụ nữ gặp nhau là ‘tám’ đủ mọi thứ vấn đề trên đời, bàn luận sôi nổi. Biết thế, Yến khéo léo dìu dắt vào câu chuyện “Legio”, nhưng không dám gọi đúng tên Legio. Yến ngại chuyện tế nhị với “ban ấp”. Yến chép tay bản kinh Legio cho những người mới. Yến chủ sự giờ kinh cho nhóm quen dần, rồi giao cho các chị em khác… Kinh nguyện Legio được cả xóm đọc thuộc lòng tự lúc nào không nhớ. Nhưng ai cũng thích, vì kinh đọc nghe sống động …
Rồi… sự việc cũng đến tai Cha Sở! Ngài cho người gọi Yến lên nhà xứ gặp cha. Yến hơi run, sợ có chuyện chẳng lành?!? Vừa đến nhà xứ, cha đã nhìn thấy Yến. Lúc Yến còn đang lấp ló ở cửa, cha ân cần gọi:
– “Bà giáo” vào đi!
Ở đây, mọi người cứ gọi Yến là ‘Bà giáo’. Lúc mới về đây, khi đó Yến còn rất trẻ, nhưng họ vẫn cứ gọi Yến là “bà giáo”. Yến nghe thấy lạ tai, ngượng lắm! Chẳng là: anh ấy làm nghề dạy học, họ gọi bằng cái tên rất thân thương: “Ông giáo”. Cái tên dành cho mấy người “gõ đầu trẻ”. Yến là vợ của “ông giáo” nên Yến là “bà giáo”!!! Chỉ đơn giản vậy thôi! Yến bước vào phòng khách nhà xứ, tim đập thình thịch, khép nép chưa dám ngồi. Cha lại lên tiếng:
– Con ngồi xuống đi! Cha có việc muốn nhờ con.
– Dạ, xin cha cứ nói. Yến lí nhí trong cổ họng.
– Cha biết các con đã tổ chức được giờ kinh tối trong xóm, tốt lắm! Con cứ tiếp tục làm thế cho xóm con. Ngừng lại giây lát, cha nói như ra lệnh:
– Còn bây giờ, cha muốn con đem giờ kinh này, đọc trong nhà thờ!
– Dạ!?! Yến vừa mừng, vừa hồi hộp.
– Nhưng con ạ! Ở nhà thờ, các con sẽ đọc sau giờ lễ sáng. Làm sao kêu gọi được bà con cùng đọc. Con cứ đọc kinh ‘các con vẫn đọc’. Ai hỏi gì, các con bảo là “đọc kinh khấn Đức Mẹ”.
Yến đoán ra được ý của cha, có lẽ cha biết Yến đang hướng dẫn bà con đọc kinh Legio, nhưng cha không nói ra!? Có lẽ cha cũng ngại chuyện tế nhị với ‘ban ấp’ như Yến!?
Sáng nọ, cha kêu gọi giáo dân đi lễ, chịu khó ở lại đọc thêm kinh khấn Đức Mẹ. Giờ kinh được nhóm các bà mẹ xóm Trinh Vương chủ trì. Cả xóm của Yến mừng vui. Dần dà, bà con đọc kinh khấn buổi sáng ngày càng đông. Lời kinh vang vang từ lúc bình minh: “Kìa Bà nào đang tiến lên như rạng đông…”, hùng tráng khi: “Xin ban cho chúng con… Đức Tin dũng cảm khiến chúng con đảm đương và tiến hành không nghi ngại những công cuộc lớn lao cho sáng danh Chúa…” và lắng đọng khi: “Xin cho linh hồn các hội viên chúng con đã qua đời…”. Thỉnh thoảng, cách một hai tuần, cha lại ra nhà thờ gặp gỡ, động viên, chỉ dạy bà con sau giờ “đọc kinh khấn”. Giờ kinh càng thêm đông người, càng thêm sốt sắng.
Hai năm sau, cha lại cho gọi Yến vào nhà xứ. Lần này, Yến không thấy run nữa, nhưng vẫn hồi hộp trong lòng. Gặp Yến, cha nói ngay, giọng cha vui vẻ:
– Con về bàn với “Ông giáo” nhà con, chọn cho cha vài ông bà trẻ một chút: siêng năng, tích cực để cha nhờ việc này. Yến mạnh dạn hỏi lại cha:
– Thưa cha, vậy cha cần mấy người?
– Chừng mười , mười lăm người là được rồi!
– Dạ! Yến ra về, lòng tràn ngập hân hoan.
Yến đâu có ngờ, ngày trước cha đã từng là Linh Giám Legio. Cha rất ước ao lập Legio trong xứ. Nhưng phần thì không tìm được ai phụ giúp, phần thì vẫn ngài ngại “ban ấp” nhòm ngó. Mãi đến nay, cha mới biết chắc gia đình Yến là Legio! Cha mừng lắm! Nhưng vẫn rất âm thầm và kín miệng. Cha mới chỉ bàn hỏi với anh “Ông giáo” của Yến. Người mà cha tin tưởng nhất. Và Legio trong xứ được hoạt động từ đây: Âm thầm và kín miệng. Vẫn là… “đọc kinh khấn Đức Mẹ” mỗi ngày.
Tuy vậy, cha cũng có được 11 người tiên phong cộng tác với cha trong việc tông đồ này. Họ được giao cho những ‘chức vụ’ làm ‘tổ trưởng, tổ phó’ … tổ cầu nguyện và chung nhau một công việc đơn giản nhưng hiệu quả: “đi thăm các gia đình” cho cha!
*
* *
Tạ ơn Chúa!!! Nhiều năm sau, nhờ sự tinh tế của Cha Sở, lòng nhiệt thành của bà con, cũng vẫn âm thầm và kín miệng, tổ cầu nguyện phát triển, nhân lên được thêm 3 tổ nữa. Thế rồi cả xứ có các “tổ cầu nguyện”. Cả xứ tối nào cũng đọc kinh luân phiên trong các gia đình. Râm ran tiếng kinh nguyện dọc hai bên bờ con kênh đào. Bầu khí sống đạo khởi sắc. Dăm ba ông “xỉn” đã chừa bớt rượu. Mấy bố “khô” đã chịu đi xưng tội. Vài đứa con trai ngỗ nghịch quậy phá xóm làng, nay đã bình tâm không phá phách nữa. Nhiều bà giận nhau lâu nay, giờ đã làm hòa, rủ nhau đi lễ sáng. Tiếng gọi nhau ơi ới… Và cả gia đình Tư Ếch xin theo ‘đạo’, vì có đứa con gái lấy chồng bên ‘đạo’. Nhất là có mấy người bà con “bên lương” trong xóm cũng đi theo đọc kinh tối… cho vui!?! Tạ ơn Chúa!!! Tạ ơn Đức Mẹ!!!
Yến cảm nhận hình ảnh Chúa, chân dung Đức Mẹ qua con người của Cha Sở, của anh “Ông giáo”. Cảm ơn cha và anh!!! Chúa đã cho hai con người can đảm, âm thầm và kín miệng dìu dắt Yến trên con đường phục vụ Legio. Dù mệt nhoài sau những giờ lao động, trăn trở với những khúc mắc khi công tác, Yến vẫn an lòng vì đã có những bờ vai vững vàng để tựa đầu. Yến có “Cha”, có “Ông giáo” của Yến để sẻ chia, để giãi bày tâm sự. Và Yến quên hết những vất vả, mệt nhọc, ưu tư. Ôi! Những tháng năm thật hạnh phúc trong đời ‘người con dâu’ Miền Tây..
*
* *
Đôi khi anh có việc phải xa nhà, Yến một mình chăm lo cho ‘ngũ q…’, quán xuyến mọi việc trong ngoài. Xa anh, Yến mới cảm nhận được có gì đó trống trải, thiếu vắng!?! Một mình Yến xoay trở với công việc đồng áng, việc nhà. Yến phải làm việc quần quật từ sáng sớm đến tối mịt. Gần như không có lúc nghỉ ngơi. Hết ra đồng làm cỏ, về nhà lại phải lo cơm nước, tắm rửa cho các con. Đã thế, Yến còn phải quét dọn nhà cửa, lo cám bã cho heo gà trong chuồng. Tối muộn rồi Yến mới được tắm giặt, nghỉ ngơi.
Và Yến dù mệt nhọc thế nào cũng không quên bổn phận. Yến vẫn tham dự trọn vẹn những giờ “kinh khấn Đức Mẹ” của tổ cầu nguyện, vẫn chu toàn những công tác âm thầm và kín miệng được giao phó. Những lúc như thế, Yến mới thấy anh quan trọng trong cuộc đời Yến đến mức nào!? Yến thấy cần có anh đến mức no!? Yến cần bờ vai anh để tựa đầu, cần vòng tay anh để ủ ấp, cần trái tim anh để sẻ chia những vui buồn cuộc sống. Yến yêu anh, Yêu các con, Yêu những con người hiền hòa chất phác của Miền Tây, Yến yêu cuộc sống này!!!
*
* *
Bây giờ, Yến đã hoàn toàn là người của Miền Tây. Khuôn mặt trắng trẻo ngày xưa giờ đã sậm màu, đã dầy dạn với nắng mưa. Đôi mắt ngây thơ tinh trắng ngày nào, giờ đã từng trải, tinh khôn hơn rất nhiều. Đôi tay xinh xắn, mềm mại ngày ấy, giờ đã khác. Đôi tay bây giờ xạm nắng, ngấm ‘phèn’. Tay phải Yến còn in hằn vết gai tre xé toạc một đường, vết sẹo kỷ niệm của lần chặt tre về làm nhà bếp năm xưa, vẫn còn! Những ngón tay thon nhỏ giờ đã cứng cáp hơn, in dấu vài vết sẹo của những lần thái rau, băm chuối cho lợn. Hai bàn chân ‘son’ thời con gái giờ không còn ‘son’ nữa. Nó đã nứt nẻ vì ruộng ‘đất phèn’ chai cứng của miền Tây. ‘Gót sen’ ngày nào không còn búp hồng nữa, nhưng giờ đã nở toác ra vì đi chân đất, lội bùn,… lo cho tình yêu thương gia đình và làng xóm.
… Ngay cả giọng nói bây giờ cũng đã rất “Miền Tây”. Con chim yến bé bỏng, hồn nhiên ngày nào đã trưởng thành trong cuộc sống, đã chín chắn trong giao tiếp và đã có thêm nhiều kinh nghiệm trong công tác tông đồ, công tác phát triển của Legio.
… Tất cả nét đổi thay ấy là chứng tích của những tháng năm phục vụ chồng con, lo cho xóm giềng, giúp đỡ những con người nông dân “Chân lấm tay bùn” hiền lành chất phác và đầy tình nhân ái.
…Và thế là: Yến đã hoàn toàn dâng hiến cuộc đời mình, tình yêu của mình cho Miền-Tây-sông-nước!
Chuyến hành trình dài bằng xe khách, đoàn hành hương tiến về thánh địa La Vang. Yến ngồi tựa đầu vào vai anh, đan tay vào tay anh… Anh choàng vòng tay che chở con chim Yến nhỏ bé đang rúc đầu lòng anh. Âu yếm!!! Xe vẫn chạy, vẫn lắc lư nhồi xóc. Yến thiêm thiếp ngủ. Giấc ngủ bình yên, hạnh phúc.