Cuộc xướng họa thi ca giữa thánh Philipphê Phan Văn Minh và các thi sĩ trong và ngoài Công giáo
WHĐ (19.04.2009) – Thứ sáu Tuần Thánh 10-04-2009 vừa qua, sau khi đăng bài “Nhân Thứ Sáu Tuần Thánh, đọc mấy vần thơ công giáo” của tác giả Quy Hậu, WHĐ nhận được thư một số độc giả hỏi thêm về bài thơ của Thánh linh mục tử đạo Philipphê Phan Văn Minh.
WHĐ liên lạc với tác giả Quy Hậu và được ông cho biết: Bài thơ của thánh Philipphê Phan Văn Minh được trích từ bản chép tay Phi Năng thi tập của giáo sư văn chương Võ Long Tê và nhà nghiên cứu Phạm Đình Khiêm.
Ngày 25-12-1842, tại Chủng viện Penang (Phi-Năng), Malaysia, Thánh Philiphê Minh làm bài thơ “xướng” với đề tài Gia Tô Cơ Đốc. Có 44 bài “họa” lại (đúng vần và đề tài) của các tác giả công giáo. Đặc biệt, có hai bài thơ “họa” của ông Đồ Ốc, một tác giả ngoài công giáo.
Tác giả Quy Hậu gửi tiếp cho WHĐ một số bài thơ “họa” trong đó có hai bài của ông Đồ Ốc và “đáp họa” của Thánh Philipphê Minh gửi ông Đồ Ốc.
WHĐ xin giới thiệu cùng quý độc giả một số bài thơ xướng – họa – đáp họa. Cuộc xướng – họa thi ca này được các nhà nghiên cứu Võ Long Tê và Phạm Đình Khiêm gọi là “một thi đàn của đức tin”.
Bài viết dưới đây do tác giả Quy Hậu gửi đến WHĐ:
Bài xướng của Thánh Philipphê Phan Văn Minh:
Gia Tô Cơ Đốc Đấng Con Trời,
Đặc cách lâm phàm cứu khắp nơi.
Chẳng lấy lợi danh mà tạo nghiệp,
Không dùng vương bá để xây đời.
Vâng lời thiên mệnh đành thân diệt,
Gánh tội nhân gian chịu máu rơi,
Dĩ nhược thắng cường mệnh chứng tỏ
Kiếp sau hiện hữu sống muôn thời.
Một số bài thơ họa:
1. Bài họa của Paulus Hơn:
Lật ngược đố ai cải luật Trời,
Gia-tô Cơ-đốc dạy khắp nơi.
Nước Trời chớ kể quê hư kiếp,
Cuộc thế phải đâu chốn sống đời.
Kẻ chối như rừng chang nắng đốt,
Người ta tợ lúa gội mưa rơi.
Soi gương kim cổ trong thiên hạ,
Nhận thức thị phi, sống kịp thời.
2. Bài họa của Andreas Phong:
Khôn giỏi làm sao khỏi lẽ Trời,
Cái vòng luẩn quẩn diễn đòi nơi.
Lớp xây lớp phá, xây xây mãi,
Sự nhục sự vinh, để để đời.
Dục vọng dễ gì người dứt bỏ,
Kiêu căng khó thể kẻ buông rơi.
Từ trời sức sống Gia-tô xuống,
Trợ lực nhân sinh thoát họa thời.
3. Bài họa của Joseph Thăng:
Yếu đuối ngày đêm cậy có Trời,
Ai che cũng chịu miễn yên nơi.
Bôn ba cho lắm khôn hai kiếp,
Xảo quyệt bao nhiêu cũng một đời.
Bạo phát bạo tàn, đừng tưởng bở,
Trời sinh Trời dưỡng, há buông rơi.
Tuồng nào chẳng có hồi chung kết,
Mặc kẻ trèo cao, kẻ ngược thời.
4. Bài họa của Jacobus Tiên:
Thương người nghèo khổ sống ngoài trời,
Gió thét mưa gào chẳng chỗ nơi.
Mang năng đọa đầy vì thói thế,
Nếm nhiều cay đắng bởi tình đời.
Noi gương Cơ-đốc: lành tuân giữ,
Nhớ nghĩa Gia-tô: hận bỏ rơi.
Thánh giá: ngọn đèn soi bể khổ,
Cho thuyền cập bến được phùng thời.
5. Bài họa của Lucas Hậu:
Cũng chẳng cậy mình chẳng cậy Trời,
Dung hòa để được sống yên nơi.
Theo thời học hỏi rành thiên đạo,
Trợ sức hiên ngang chống thói đời.
Cơ-đốc hoàn toàn tuân ý định,
Gia-tô trọn vẹn chịu mình rơi.
Trời – Người có đủ trong hành động,
Cứu chuộc thế gian rạng khắp thời.
6. Bài họa (1) của ông Đồ Ốc, lương dân
Thế gian vạn sự nói do Trời,
Nhưng tại làm sao khổ khắp nơi?
Cứu khổ đã nêu bên đạo Chúa,
Giải nguy chưa thấy phía người đời.
Triều đình Nam quốc xô không ngã,
Đạo trưởng Tây phương bám chẳng rơi.
Đã đẩy giáo nhơn vào thế khổ,
Vậy ai phải chịu bất tri thời?
7. Bài họa (2) của ông Đồ Ốc:
Đau khổ xưa nay vốn tại Trời,
Thất mùa, ôn dịch khắp nơi nơi.
Thủy tai chôn lấp bao nhiêu mạng,
Địa chấn nát tan mấy cuộc đời.
Khổ đó, con người làm chẳng được,
Nạn này, Tạo hóa trút đầy vơi.
Thiên tai đại nạn Trời làm cả,
Nhân loại chỉ gây giặc nhứt thời.
Theo tài liệu nghiên cứu của hai ông Võ Long Tê và Phạm Đình Khiêm, tác giả Đồ Ốc là một thầy đồ dạy học và bốc thuốc chữa bệnh ở vùng Ba Tri (Bến Tre). Một lần đến Ba Giồng bốc thuốc, ông gặp Thánh Philipphê Minh và được ngài mời họa bài thơ của mình. Về phần Thánh Philipphê Minh, sau khi nhận hai bài thơ họa của ông Đồ Ốc, đã viết hai bài đáp họa:
Bài đáp họa (1) của Thánh Philipphê Minh:
Cai trị thế gian luật của Trời,
Có yên có khổ cũng tùy nơi.
Tranh danh: oán hận do người thế,
Giành lợi: chiến tranh tại thói đời.
Thuốc bổ vào người sinh thuận, nghịch,
Đạo ngay nhập thế có xuôi, rơi.
Xưa nay đau khổ do tham vọng,
Lịch sử chứng minh kẻ thức thời.
Bài đáp họa (2) của Thánh Philipphê Minh:
Sống ở thế gian chẳng khỏi Trời,
Khác nào loài cá khắp nơi nơi.
Sông sâu khỏe xác, tha hồ lội,
Sông cạn phơi thây, há trách đời.
Cá có oán sông lên hoặc xuống,
Mình không biết nước lớn hay vơi.
Dĩ nhiên phải chịu vì không biết,
Thượng bất oán Thiên, lẽ thức thời.
Trong hai bài đáp họa, Thánh Philipphê Minh đã khai thác những lẽ đời quen thuộc như: “Xưa nay đau khổ do tham vọng” và “Thượng bất oán Thiên, lẽ thức thời” nhằm thuyết phục ông Đồ Ốc đừng vội suy luận: Làm gì có Đấng cứu khổ khi nhân loại vẫn còn khổ (!). Mọi khổ ải của kiếp người đều do Trời làm ra thì làm gì có một ông Trời cứu nhân loại khỏi khổ (!).
Tương truyền, cuộc xướng họa đã kết tình tri âm giữa Thánh Philipphê Minh và ông Đồ Ốc. Nhưng tiếc thay, tình thi hữu quá ngắn ngủi. Khi thánh nhân trên đường đến Giồng Găng (Ba Tri) thăm ông đồ đang bị đau nặng, được tin quan quân vây bắt, đã phải tìm đường vượt sông Tiền, tạm lánh nạn tại họ Rạch Cầu. Từ đó đến khi chịu tử đạo (1853), thánh nhân không gặp ông Đồ Ốc nữa.
Tuy vậy, qua hai bài thơ đáp họa, Thánh Philipphê Minh đã để lại kinh nghiệm đối thoại với người ngoài công giáo.
Đối thoại bằng sự chân thành, thái độ tôn trọng, vận dụng khéo léo sở học rộng rãi và sự am hiểu sâu sắc kinh sử Đông – Tây.