CON ĐƯỜNG PHÍA TRƯỚC
(Trích trong sách "Người vẽ hy vọng")
Ngày 26-7-2018, Giáo phận Qui Nhơn long trọng cử hành Lễ tạ ơn Năm thánh mừng kỷ niệm 400 năm loan báo Tin mừng, khởi đi từ giáo điểm Nước Mặn, một cái nôi của chữ quốc ngữ (1618-2018). Trong bài giảng thánh lễ, vị giám mục chủ nhà nhấn mạnh rằng cuộc lễ không kết thúc một sự kiện nhưng mở ra một giai đoạn mới.
Nơi chân trời phúc âm hóa toàn diện ấy, trên bình diện văn học Công giáo, những năm dọn mừng Năm thánh vừa qua cũng là một thời điểm bản lề.
Từ vườn thơ đến vườn văn
Năm 2012, Ban Văn hóa Giáo phận Qui Nhơn ấn hành bộ sưu tập Có Một Vườn Thơ Đạo. Bộ sách dành quyển đầu để vinh danh nhà thơ Hàn Mạc Tử, ba quyển còn lại quy tụ được 140 tác giả có cùng năm sinh với Hàn Mạc Tử về sau. Ngày 21 và 22 tháng 9 năm 2012, gần 100 tác giả thuộc nhiều giáo phận từ Bắc chí Nam, và có cả mấy tác giả từ nước ngoài, cùng về hội trường Chủng viện Qui Nhơn để cử hành chương trình kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Hàn Mạc Tử, rồi hôm sau cùng nhau tham gia cuộc hành hương “Dấu chân Hàn Mạc Tử” lần đầu.
Sự kiện bộ sưu tập quy tụ được một số đông tác giả thơ làm lộ ra khoảng trống mênh mông của văn xuôi Công giáo, cụ thể là truyện ngắn và tiểu thuyết. Do đó, Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh đã viết trong lời tựa mang tên từ vườn thơ đến vườn văn: “Viết lời tựa cho vườn thơ, mà lại nói đến vườn văn, không phải là bàn lui hay bàn ra nhưng là đang bàn tới, để mong sao các anh em của tôi thuộc mọi thành phần Dân Chúa, cách riêng các vị giám đốc chủng viện, các vị đặc trách các tập viện, những vị phụ trách ơn gọi, những người tận hiến trẻ, những phụ huynh đang khao khát dâng con mình cho Chúa, cùng suy nghĩ, đầu tư và hành động. Đầu tư và hành động cách thiết thực và cụ thể! Cụ thể và hữu hiệu! Ngay hôm nay chứ không chờ đến ngày mai! Mong thay” (Có một vườn thơ đạo, Nxb Phương Đông 2012, tập 1, trang 11).
6 năm Giải Viết Văn Đường Trường
Đức Cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi, Giám mục Qui Nhơn đã quyết định cho thành lập “Tủ Sách Nước Mặn”để ấn hành sách vở Công giáo trong giáo phận. Ngài cũng chấp thuận để Ban Văn hóa Giáo phận đứng ra tổ chức cuộc thi truyện ngắn nhằm cổ võ việc rèn luyện văn xuôi.
Trong đêm thơ nhạc kỷ niệm 100 năm ngày sinh Hàn Mạc Tử, Ban Văn hóa Giáo phận Qui Nhơn đã công bố bản thể lệ cuộc thi Giải Viết Văn Đường Trường, kéo dài 6 năm, 2012-2018, và hằng năm sẽ tổ chức họp mặt trao giải vào hai ngày 21 và 22 tháng 9, nhằm sinh nhật nhà thơ Hàn Mạc Tử.
Giải truyện ngắn đã được các tác giả trẻ khắp các giáo phận cùng háo hức tham gia:
* Lần 1 năm 2013, có 26 tác giả từ 13 giáo phận, 51 bài, 15 tác giả đạt giải. Giải nhất: Một Niềm Tin, tác giả Trăng Làng, Gp. Nha Trang. Tuyển tập: Chuông Chiều.
* Lần 2 năm 2014, có 64 tác giả từ 16 giáo phận, 108 bài, 22 tác giả đạt giải, không có giải nhất. Giải nhì: Đôi Mắt Kitô, tác giả Têrêxa Đinh Thu Hằng, Tgp Sài Gòn. Tuyển tập: Nắng Mùa Đông.
* Lần 3 năm 2015, có 90 tác giả từ 19 giáo phận, 144 bài, 21 tác giả đạt giải. Giải nhất: Via Dolorosa, Đường Còn Xa, tác giả Têrêxa Đinh Thu Hằng, Tgp Sài Gòn. Tuyển tập: Người Gieo Hạt.
* Lần 4 năm 2016, 81 tác giả từ 19 Giáo phận, 143 bài, 21 tác giả đạt giải, không có giải nhất. Giải nhì: Hoa Nở Giữa Đêm, tác giả Maria Mađalêna Đặng Hoàng Hương Giang, Gp. Kontum. Tuyển tập: Điểm Hẹn Giêsu.
* Lần 5 năm 2017, 99 tác giả từ 20 Giáo phận, 175 bài. Chủ đề: 100 năm Đức Mẹ Fatima và 500 năm cuộc cải cách Lutherô. 26 tác giả đạt giải. Giải nhất: Dòng Sông Chảy Về Đâu, tác giả Maria Nguyễn Thị Khánh Liên, Gp. Nha Trang. Tuyển tập: Những Đứa Con Của Mẹ.
* Lần 6 năm 2018, 81 tác giả từ 18 giáo phận, 167 bài. Chủ đề: Gia đình - Bảo vệ môi sinh. 21 tác giả đạt giải. Giải nhất: Nụ hôn của một nữ tu, tác giả Antôn Trần Văn Dũng, Gp. Vinh. Tuyển tập: Người Vẽ Hy Vọng.
Cuộc thi nhằm tìm kiếm và nâng đỡ các tài năng trẻ
Cuộc thi Giải Viết Văn Đường Trường 2013-2018, kéo dài sáu năm không chỉ nhắm phát hiện mà còn động viên các tác giả văn xuôi Công giáo trau dồi ngòi bút.
Nhằm xây dựng cho tương lai, cuộc thi chỉ dành cho các tác giả dưới 40 tuổi và số các tác giả trẻ đã tăng nhanh. Năm 2016 trong danh sách dự thi có 81 tác giả với các độ tuổi như sau: 06 người 36-40 tuổi, 11 người 31-35 tuổi, 23 người 26-30, 39 người 21-25 tuổi, 02 người 18-20 tuổi.
Theo thể lệ cuộc thi, các tác giả đạt giải có thể được Ban Tổ chức hỗ trợ xuất bản tuyển tập truyện ngắn riêng của mình. Năm 2015 tập truyện đầu tiên của chương trình này, tập Đường Về của tác giả Phêrô Nguyễn Hoàng Hải, đã được phát hành ngay trong cuộc họp mặt trao giải. Cuối năm 2018 chương trình sẽ tiếp nối với hai tập truyện, một của Nguyễn Thị Khánh Liên và một của Trần Duy Thành. Khi giải thưởng kết thúc, Tủ sách Nước Mặn vẫn tiếp tục ủng hộ để mỗi tác giả đã đạt giải có thể in được tuyển tập của riêng mình hoặc làm tuyển tập chung với một tác giả khác đã từng đạt giải Viết Văn Đường Trường.
Cuộc thi kéo dài sáu năm đã thực hiện được sự giao lưu rộng rãi không phân biệt giáo phận. Năm 2013, bắt đầu với 24 tác giả đến từ 13 giáo phận, tới năm 2017, có 99 tác giả đến từ 20 giáo phận, trong đó 6 giáo phận có số tác giả tham gia đông là: Nha Trang (10), Qui Nhơn (13), Vinh (14), Hưng Hóa (8), Hà Nội (7) và Sài Gòn (7).
Với 6 cuộc thi, 18 giáo phận có người đạt giải. Trong vòng ngoặc, số trước là số lượt đạt nhất nhì ba, số sau là số lượt đạt giải triển vọng. Ta có số liệu sau đây: Bà Rịa (0+1), Bắc Ninh (2+3), Cần Thơ (0+2), Đà Lạt (1+2), Hà Nội (2+4), Hải Phòng (0+4), Huế (1+3), Hưng Hóa (2+2), Kontum (1+2), Nha Trang (8+14), Phát Diệm (1+1), Qui Nhơn (3+15), Sài Gòn (5+10), Thái Bình (1+0), Thanh Hóa (0+3), Vinh (1+15), Vĩnh Long (0+1), Xuân Lộc (0+4).
Thành phần Giám khảo
Cả thành phần giám khảo cũng mang tính liên giáo phận và liên lục địa.
Ban sơ khảo thường xuyên có các ông Piô X Lê Hồng Bảo, Gp. Nha Trang (Năm I, II, III, IV, V, VI), Tađêô Nguyễn Thanh Xuân, Gp. Qui Nhơn (Năm I, II, III, IV, V, VI), Tôma An Thiện Minh Đoàn Xuân Vũ, Gp. Sài Gòn (Năm IV, V, VI); rồi ông Micae Trần Kim Đạt, Gp. Qui Nhơn (Năm II), Bà Maria Nguyễn Thị Thắm, Gp. Qui Nhơn (Năm III), Lm. Giuse Nguyễn Hữu An, Gp. Phan Thiết (Năm IV); và gần đây: Bà Nguyễn Thị Hường Lý, Tp. Hà Nội (Năm V, VI), ông Đaminh Nguyễn Ngọc Hoài Nam, Gp. Sài Gòn (Năm V, VI) và ông Phêrô Nguyễn Văn Học, Gp. Hà Nội (Năm VI).
Ban chung khảo thường xuyên có: nhà lý luận văn học Micae Bùi Công Thuấn, Hội Nhà Văn Việt Nam, từ Gp. Xuân Lộc (Năm II, III, IV, V, VI), nhà văn bác sĩ Trần Như Luận, Hội Văn Học Nghệ Thuật Bình Định (Năm I, II, III, IV, V). Ngoài ra là những vị được mời cho từng năm: nhà văn Phêrô Phaolô Nguyễn Một, Hội Nhà Văn Việt Nam, Gp. Xuân Lộc (Năm I),, nữ Tiến sĩ Trần Nguyễn Trang Đài, Tác giả thơ và văn (Hoa Kỳ), Lm. tác giả Phan Văn Anh, Tgp Huế (Năm I)), Lm. Sơn Ca Linh Trương Đình Hiền, Gp. Qui Nhơn (Năm II), Lm. nhà văn Nguyễn Trung Tây, Dòng Ngôi Lời, Úc châu (Năm II), Bà Amai Blan Trần Thị Trung Thu Tgp. Sài Gòn (Năm III), nhà thơ Lê Đình Bảng, Tgp. Sài Gòn (Năm III), Lm. Giuse Võ Tá Hoàng, Gp. Qui Nhơn (Năm III), Lm tác giả Hoàng Đình Mai, Gp. Long Xuyên (Năm IV), Bà Maria Nguyễn Thị Thắm, Gp. Qui Nhơn (Năm IV, V), Ô. Phanxicô Nguyễn Đình Diễn, Gp. Sài Gòn (Năm V), Lm, nhà thơ Cao Gia An, SJ, Giáo hoàng Học viện Kinh Thánh, Rôma (Năm V, VI), nhà văn Gioan Baotixita Quyên Di Bùi Văn Chúc, Hoa Kỳ (Năm VI).
Tiếng Việt, một thao thức khôn nguôi
Nhân dịp gặp gỡ mừng kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Hàn Mạc Tử (21/9/1912-2012), một số tác giả văn thơ Công giáo đã chia sẻ thao thức về nhu cầu khẩn cấp phải giúp các bạn trẻ Công giáo trau dồi tiếng Việt. Hoàn cảnh xã hội và văn hóa ngày nay đang đặt ra cho thế hệ trẻ Việt Nam nói chung và các bạn trẻ Công giáo nói riêng nhiều thách đố trong việc diễn đạt ý tưởng bằng tiếng Việt, trong văn nói cũng như văn viết.
Trong cuộc gặp gỡ năm 2015, thao thức này được nhắc lại và được định hình thành văn bản, cùng chia sẻ và trao đổi giữa những vị đặc trách về Văn hóa và Truyền thông của các Giáo phận, rồi đã được các tác giả về họp mặt năm 2016 góp ý thêm và đã đệ trình lên Đức Cha Chủ tịch Ủy ban Văn hóa trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam mong tìm ra những giải đáp thực tế và hữu hiệu để giúp các bạn trẻ trau dồi tiếng Việt. Về mặt xã hội, ngày 13/01/2016, Hội thảo khoa học về Lịch sử chữ Quốc ngữ (mang tên “Bình Định với chữ Quốc ngữ”) tại Qui Nhơn đã ghi nhận công lao to lớn của các nhà truyền giáo và tiền nhân trong việc hình thành và phát triển chữ Quốc ngữ. Đóng góp của cha ông xưa càng thúc giục con cháu ngày nay phải phát huy tiếng mẹ đẻ nhằm chu toàn trách vụ loan báo Tin mừng.
Trong cuộc gặp gỡ năm 2015, thao thức này được nhắc lại và được định hình thành văn bản, cùng chia sẻ và trao đổi giữa những vị đặc trách về Văn hóa và Truyền thông của các Giáo phận, rồi đã được các tác giả về họp mặt năm 2016 góp ý thêm và đã đệ trình lên Đức Cha Chủ tịch Ủy ban Văn hóa trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam mong tìm ra những giải đáp thực tế và hữu hiệu để giúp các bạn trẻ trau dồi tiếng Việt. Về mặt xã hội, ngày 13/01/2016, Hội thảo khoa học về Lịch sử chữ Quốc ngữ (mang tên “Bình Định với chữ Quốc ngữ”) tại Qui Nhơn đã ghi nhận công lao to lớn của các nhà truyền giáo và tiền nhân trong việc hình thành và phát triển chữ Quốc ngữ. Đóng góp của cha ông xưa càng thúc giục con cháu ngày nay phải phát huy tiếng mẹ đẻ nhằm chu toàn trách vụ loan báo Tin mừng.
Hôm nay, khi chúng ta họp mặt tổng kết Giải Viết Văn Đường Trường, niềm thao thức vẫn còn đó. Mong sao sớm có được một giải đáp khả thi và hữu hiệu.
Bước đào tạo dò dẫm
Trở lại với các tác giả Viết Văn Đường Trường, sáu năm đã không quá ngắn để dò dẫm một hướng đào tạo. Nhằm giúp trang bị kiến đạo đời, Ban Tổ chức đã tặng Kinh thánh, Youcat và cả Dẫn Luận Truyện của tác giả trẻ Trần Ngọc Hồ Trường. Sắp tới, việc tặng sách điện tử sẽ rộng hơn và nhanh hơn nhiều. Năm nay chỉ có một ngày rưỡi workshop, những năm sau hy vọng sẽ tới những trại sáng tác và còn hơn thế nữa. Về mặt đời sống tâm linh, những cuộc tĩnh tâm nhằm trang bị cho các tác giả tầm nhìn của mạc khải Kitô giáo và khả năng phân định để bén nhạy nhận rõ ý Chúa trong cuộc sống. Năm 2017 đã có ba đợt tĩnh tâm với gần 40 tác giả. Năm 2018 có hai đợt, chỉ vỏn vẹn 17 tác giả. Con số còn khiêm tốn nhưng cũng cho thấy được những ước mơ, quyết tâm và cả một chân trời.
Để tạo mặt bằng cho anh chị em sinh hoạt, trước khi tổng kết các cuộc thi, Ban Văn hóa Qui Nhơn đã xin Đức Giám mục Giáo phận cho phép thực hiện Tuyển tập thơ văn định kỳ lấy tên là Mục Đồng, phát hành 3 tháng một tập, bắt đầu từ đầu năm 2017, tới nay đã được 7 tập. Tập 7 đã kịp phát hành để chào mừng lễ tổng kết hôm nay.
Lời tri ân và chào mừng
Hôm nay cùng quy tụ về đây, chúng ta tri ân tất cả những tấm lòng đã âm thầm lặng lẽ góp phần làm nên giải thưởng Viết Văn Đường Trường và những triển vọng của nó, từ tiền bạc, công sức, sáng kiến, sự quan tâm, khích lệ và lời cầu nguyện. Xin tri ân tất cả các giám khảo. Xin tri ân các trang truyền thông Công giáo. Cách riêng, chúng ta tưởng nhớ các tác giả tiền bối đã về với Chúa, các tác giả cao niên đã đồng hành trong những cuộc họp mặt hằng năm, và cả những tác giả hôm nay muốn hiện diện như một nghĩa cử chuyển giao thế hệ nhưng không có điều kiện. Tôi xin được nhắc tới những vị đã khuất trong thời gian chúng ta thực hiện giải thưởng: Lm. Anrê Dũng Lạc Trần Cao Tường, Lm. Phạm Văn Tuệ, Lm. Xuân Ly Băng, ĐGM nhà thơ Bạch Lạp Nguyễn Văn Sang, cụ Võ Long Tê, cụ Phạm Đình Khiêm, Lm. Võ Thanh Tâm, Lê Ngọc Hồ, nhà văn hóa Công giáo trẻ tuổi Phanxicô Xaviê Phạm Lê Anh Tuấn, và mới nhất, Lm. Phanxicô Xaviê Hoàng Đình Mai, tức Gã Siêu, giám khảo giải Viết Văn Đường Trường 2016. Tôi xin được nhắc tới những tác giả gần gũi với chúng ta, những vị hơn kém tuổi tôi đã đến với giải thưởng: các tác giả Lê Đình Bảng, Lê Quốc Hán, Quyên Di, Vi Vi, Đinh Tiến Luyện, Trần Văn Cảnh, Trần Vạn Giã, Paul Marie Cao Huy Hoàng, Lm. Nguyễn Tầm Thường, Lm Nguyễn Hồng Phúc và các vị giám khảo… Và còn nhiều vị khác nữa cũng đang dấn thân vào văn thơ Công giáo hoặc quan tâm không ít tới lãnh vực này nhưng trong khuôn khổ hạn hẹp của Giải Viết Văn Đường Trường chúng ta chưa có vinh dự được tiếp đón…
Thay lời cho tất cả, tôi xin hân hoan mến chào tất cả các bạn đang có mặt ở đây, đại diện cho một thế hệ cầm bút mới của Giáo hội Việt Nam, một thế hệ đầy tình thân ái và cầu tiến, một thế hệ của hy vọng. Các bạn là nhúm men Chúa đang vùi vào rá bột cuộc sống, là hạt cải Chúa đang gieo vào lòng đời.
Xin tạ ơn Cha Cả Toàn Năng và Đức Kitô của Ngài. Xin tạ ơn Chúa Thánh Thần. Hiệp lời với Thánh nữ Đồng trinh Maria, các Thánh chứng nhân đức tin và các thánh Ngôn sứ, xin tạ ơn Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh.
Hẹn nhé, Quy Nhơn, mùa thu, tháng 9
Giải Viết Văn Đường Trường đang trôi dần vào quá khứ. Thế nhưng ngày hẹn gặp gỡ hằng năm vẫn còn đây, với những dấu chân Hàn Mạc Tử, để thêm quen biết nhau trong tình thân ái, để hướng tới làm việc chung. Hằng năm, mùa thu, 21 và 22 tháng 9, Qui Nhơn lại dang tay chào đón. Ta lại hẹn nhau về với Nước Mặn thân thương, với nỗi niềm dạt dào cho tiếng Việt. Ta lại hẹn nhau về bên đồi thi nhân, nhìn ra Biển Đông có thuyền ai đang tung lưới…
Qui Nhơn, 27-8-2018
Lm Trăng Thập Tự