Dòng đời - truyện ngắn của Nguyễn Văn Xuân

Quang X Nguyen

(Nẻo đường kỷ niệm)

Em và tôi lớn lên trong một làng quê xưa nghèo khó.

Thủa ấy, mỗi buổi sáng, chúng tôi hay đuổi bướm trên đường tới trường, hái hoa dâm bụt đỏ hồng đem tặng cho cô. Tiếng trống trường tan, chúng tôi lại rong ruổi đi bên nhau về. Nhà Em bên cạnh nhà Tôi, hai nhà cùng ngõ đi về với nhau.

Sáng nào cũng vậy, Ba của Em dắt Em sang nhà, bảo tôi đưa Em đi học, rồi lại ngồi uống trà đàm đạo với ba tôi. Ngày tháng, chúng tôi thương nhau như hai anh em ruột. Thế rồi một độ xuân về, năm ấy em lên mười hai, dì ruột của em là soeur của dòng Đa Minh, về thăm quê, rồi đưa em lên chỗ soeur để học. Hy vọng em sẽ là soeur như Dì.


Tuổi thơ chúng tôi chia tay nhau. Tưởng bình thường, thế mà lúc đi thương nhớ. Dì em đã ra tới cổng, trong thềm nhà em vẫn còn bịn rịn nước mắt, đứng nhìn tôi, vừa khóc, vừa dặn:
“Anh kiếm lấy một đứa chơi cù, chơi khăng, nhặt loong cho anh nghe. Kiếm đứa nào cũng được. Đừng bắt nạt nó như bắt nạt em…” Em dúi vào tay tôi đồng Năm cắc ba Cô ngày ấy, rồi vụt chạy đi theo Dì.

Em đã đi rồi. Tôi thẫn thờ, đứng tần ngần ân hận nhớ thương em. Những ngày bên em, dẫn em đi học, chẳng đứa nào trong lớp dám bắt nạt em, về nhà thì em lại luôn bị tôi bắt nạt. Buổi chiều chơi khăng , chơi cù, chơi ném loong, em luôn thua cuộc, cứ phải cõng tôi! Rồi em khóc.

Có những lần anh Ba tôi nhìn thấy hai anh em chơi với nhau mà anh tức, đòi hạ tôi cho được để bênh vực em. Mỗi lần thắng tôi là anh lại bắt tôi phải kiệu em cho bõ ghét, mà tôi lại có thắng anh được bao giờ. Tôi cũng tức lắm mà không làm sao được. Không có anh, nhiều lần tôi bổ nát cù của em ra. Tức quá em chạy vào bắt đền ba tôi, khóc lóc.

Ba mẹ tôi thương chiều em vô cùng, coi như đứa con gái út cưng. Vì nhà tôi không có con gái. Thế là Ba lại mắng tôi một trận, rồi loay hoay tìm gỗ đẽo cho em chiếc cù thật đẹp, thật to, đóng chiếc đanh thật nhọn, rồi hy vọng mừng em thắng cuộc.

Từ độ em đi , sao lòng tôi nhớ em vô cùng. Những buổi sáng tới trường, bướm vẫn bay, hoa dâm bụt vẫn đỏ thắm bên bờ dậu xanh, mà tôi chẳng buồn với tay bắt hái.

Thời gian cứ đi, nỗi nhớ cứ đến. Hè sang, anh Hai tôi từ đại chủng viện về. Nghỉ hè nơi quê nhà, bắt tôi cắm đầu học thi vào tiểu chủng viện. Kỷ luật nhà tu của anh đã làm cho tôi không còn thời gian nghĩ đến em nữa.

Tôi đậu vào tiểu chủng viện. Ngày tôi đi học, giã từ ba mẹ, các anh. Tôi sang chào Ba má em. Mẹ lo cho tôi đủ điều, Mẹ em dặn dò tôi đủ thứ. Tay xách, nách mang lên đường theo anh đi học.

Hè năm sau tôi trở về làng cũ thì ba mẹ em đã rời quê, lên thành phố tìm kế sinh nhai.

Cũng từ độ đó. Tuổi thơ, tuổi của sự học hành tiến thủ, chúng tôi chẳng còn liên lạc được với nhau, cái nhớ nỗi buồn rồi cũng nguôi ngoai theo năm tháng.

Một năm sau đó, Ba tôi lâm bệnh qua đời. Mười ngày sau khi Ba mất. Anh Hai tôi được chịu chức Linh Mục. Lễ thụ phong Linh Mục của anh tôi thật đơn sơ nghèo khó. Nghèo khó như chính cuộc đời Linh Mục của anh hôm nay vẫn khó nghèo. Cả nhà thờ chỉ trang hoàng một băng rôn to tướng với bốn chữ “XIN VÂNG Ý CHÚA”.

Sau này, tôi mới hiểu đó là lý tưởng đời anh. Quả thật, đứng trước những giông bão, khó khăn trên những ngã đời thúc bách mà anh khẩn chọn, vẫn là vâng theo ý Chúa.

Nửa tháng, sau ngày thụ phong, anh nhận được bài sai đến một vùng xứ lạ truyền giáo. Một ngôi thánh đường từ thời các Cố Tây truyền đạo, nay đã phủ mờ rêu phong. Giáo dân khoảng mấy chục gia đình, lại đa số là rối. Đến nay, đã mấy chục năm rồi, anh tôi vẫn còn coi xứ ấy. Những ngày lễ giỗ ông bà cha mẹ, giáo dân vẫn như xưa. Người ta vẫn vào xin lễ ông Cố bằng một cặp bánh tét, một nải chuối thơm, hay một con cá lóc.

Ngày ấy ba tôi mất. Anh Hai tôi đi coi xứ đạo, anh Ba tôi thì đóng lính xa nhà, còn tôi thì trong tu viện. Anh em tôi ngồi lại với nhau. Chẳng biết lo cho Mẹ thế nào. Cuối cùng anh Ba tôi quyết định: trở về đơn vị, thu xếp rồi tính chuyện về nhà trông Mẹ thay thế cho tôi.

Nào ngờ đó là chuyến đi định mệnh của đời anh. Khi trở về đơn vị, anh được lệnh đi hành quân ngay, và đây cũng là chuyến đi cuối cùng, với gói hành trang vĩnh biệt cõi đời. Anh tử trận.

Chẳng biết làm sao bây giờ. Mẹ tôi vì thương chồng, nhớ con, cứ khóc ròng rồi sinh bệnh, nay ốm mai đau. May là còn có cô em chồng gần nhà thỉnh thoảng lui tới.

Tôi xin phép chủng viện được nghỉ ít ngày về quê thăm Mẹ. Tôi ghé về xứ đạo anh Hai tôi để bàn với anh về chuyện gia đình và Mẹ.

Về thăm xứ đạo anh, người mới, việc mới. Thật nhiều ngổn ngang. Suốt cả bữa ăn , anh chỉ toàn nói về chuyện xứ đạo anh phải làm, phải xây dựng, những khó khăn anh đang gặp. Ngồi với anh cho đến cuối bữa, chẳng thấy anh nói gì đến Mẹ, đến gia đình. Tôi buồn quá hỏi anh:
- Anh nghĩ thế nào về chuyện gia đình và Mẹ. 
Anh nghiêm mặt bảo tôi:
-Trách nhiêm gia đình và Mẹ là của Chú. Trách nhiệm xây dựng xứ đạo này, làm thăng tiến con người nơi đây là của tôi. 
Anh vào phòng đi nghỉ trưa. Tôi lặng lẽ sách giỏ ra bến xe về mà lòng buồn hiu.
Về thăm Mẹ. Ba ngày sau, tôi trở lại tu viện. Gặp cha linh hướng, Tôi đem tất cả sự việc cùng những ưu tư khắc khoải của tôi trình bày với Ngài. 

Chẳng biết Ngài và anh Hai tôi liên hệ với nhau thế nào? Ít bữa sau Ngài gọi tôi lên rồi bảo: “Con thu xếp hành lý , lên văn phòng lập thủ tục, lấy học bạ, giấy tờ, rồi về nhà nuôi Mẹ. Nhưng con luôn nhớ rằng: "Trên vạn nẻo đời Chúa vẫn gọi con . Bất cứ lúc nào trong đời con có thể làm chứng nhân cho Chúa, thì con đừng ngại ngùng mà đánh rơi lòng muốn hôm nay”.

Tôi rời khỏi tu viện trong nước mắt, Giữa sự tiếc thương của bạn bè và những cha, thầy tôi học. Ra khỏi cổng tu viện, tôi giơ tay vẫy chào lần cuối . Tự nói với tôi rằng sẽ chẳng còn bao giờ tôi được trở lại nơi đây.

Trở về sống với Mẹ, nửa năm sau tôi đậu vào sư phạm thành phố. Mẹ tôi mừng quá, còn tôi lại đâm lo. Đâm lo vì ngày xưa Ba tôi còn sống, Mẹ tôi còn khoẻ, nặng nhọc hai gánh cưu mang mong mỏi cho anh em tôi biết chữ, nên người, thoát ra khỏi cái vùng quê nghèo khó nơi này. Còn giờ đây bản thân tôi không biết làm sao có tiền đi học, làm sao có tiền nuôi Mẹ?

Tôi đang băn khoăn không biết tính sao thì Bác Bảy, bạn cũ của Ba tôi từ thành phố về miệt quê tôi công tác, ngang qua ghé thăm. Nghe Mẹ con tôi kể chuyện gia đình, thăm hỏi… Buổi chiều Bác bắt tôi dẫn Bác ra ngoài nghĩa trang thăm Ba. Đốt nèn nhang lòng cho Ba tôi mà Bác khóc. Trên đường về, tôi nghe Bác kể về sự cưu mang của Ba tôi ngày xưa với gia đình Bác. Về đến nhà khi chuẩn bị lên xe, Bác dặn lại Mẹ con tôi:
-Thím và cháu cứ ở lại đây, thu xếp công việc gia đình. Tôi về Sài Gòn rồi định liệu.

Ít ngày sau, Bác cho người xuống đón Mẹ con tôi về Sài Gòn, dành cho một căn nhà - bác xây cho người ta mướn - để ở. Vợ Bác đang bán bánh cuốn trước cửa căn nhà này. Bác gái bảo mẹ tôi tâp bán bánh cuốn với bác, rồi bác để lại cho Mẹ tôi bán cho khuây khoả, sinh sống cho qua ngày trong thời gian tôi đang đi học.

Từ ngày về đây, Mẹ tôi thấy đỡ buồn, công việc đã làm cho Mẹ nguôi ngoa. Mẹ vui và khoẻ lên. Tôi thấy mừng. Tôi nuôi hy vọng ra trường sẽ làm nuôi Me, cho tuổi già Mẹ được thanh thản, an nhàn.

Về đất Sài Gòn này, tôi mơ ước tìm gặp lại em. Tôi lên dòng nữ tu Đa Minh xin gặp Dì của em. Nhưng Dì đã không còn ở đây. Tôi hỏi thăm về em thì được Mẹ bề trên cho biết: “Em đã về với gia đình khi Dì em được Dòng bổ nhiệm đi miền Đông.” Mẹ bề trên không quản ngại, loay hoay tìm cho tôi địa chỉ gia đình của em. Tôi mừng quá, cảm ơn Mẹ xin từ giã ra về.

Tìm đến nơi địa chỉ thì được người chủ mới cho biết: gia đình em đã sang lại căn nhà này cho họ khoảng bốn tháng nay. Hỏi thăm coi có biết gì về em không thì được bà chủ nhà cho biết: “Hình như em đang còn đi học…” Tôi thẫn thờ ra về, lòng buồn vô hạn. Tôi tự nói một mình: "Giờ này! Em ở đâu, Thành phó mênh mông này, không địa chỉ, không điện thoại…"
Tôi buồn bã, quay đầu chiếc xích lô đạp ra về.

Ngoài giờ tôi đi học, Chiếc xích lô đạp là bạn đồng hành rong ruổi mấy năm nay, giúp tôi kiếm tiền độ nhật và giúp cho tôi niềm mơ ước tìm gặp lại em.

Tôi buồn bã đạp xe về đường Kỳ Đồng. Ghé vào Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế. Tôi muốn cầu nguyện cho tôi và cầu nguyện cho chính em. Lòng tôi buồn man mác.

Rời khỏi cửa giáo đường. Bỗng dưng tôi nghe tiếng người gọi tên tôi. Tôi quay lại ngỡ ngàng hỏi
-Uả! Sao cô lại biết tôi?
-Anh chóng quên thế cơ à? Đứa em ngày nào anh đưa đi học, bắt bướm hái hoa, chơi cù, đánh loong với anh, luôn bị anh bắt nạt đây mà... 
Tôi vô cùng mừng tủi, xúc động nắm chặt lấy tay em. Tự nhiên nước mắt cả hai đứa tôi cùng chảy trên gò má.
-Em thật xinh đẹp và khác xưa nhiều quá, anh nhận không ra. Anh đang đi tìm chú thím và em khắp nẻo đời.

Chúng tôi dẫn nhau ra quán cafe cạnh nhà thờ ngồi tâm sự. Tôi thuật lại cho em nghe cả quãng ngày qua. Nhìn tôi em chỉ khóc. Tôi đọc được trong dòng nước mắt của em tình yêu thương tôi và nỗi nhớ ngày nào. Uống cafe xong, em bảo tôi: “Mình đi vào lại nhà thờ đi anh". Hình như em muốn dâng lên Chúa lời kinh cầu cảm tạ.

Quỳ bên nhau trong góc giáo đường. Tôi lại nhớ đến lời Cha linh hướng dặn tôi: “ Trên vạn nẻo đời, Chúa vẫn gọi con. Bất cứ lúc nào, trong đời con có thể làm chứng nhân cho Chúa, thì con đừng ngại ngùng, đánh rơi lòng muốn hôm nay”

Vâng ! Lạy Chúa! Dù trong hoàn cảnh nào. Giờ đây, giữa đời thường. Chúng con đã có hai người rong ruổi bên nhau trên đường chứng nhân cho Chúa. Con xin cảm tạ ơn Chúa.

Nắng chiều nhẹ buông. Trước sân giáo đường, làn gíó mát nhẹ thoảng qua. Bản tình khúc du ca "Sống một đời cho Chúa” từ nhà sách vang vọng, thánh thót vào hồn.

Cả hai chúng tôi bên nhau, lòng thật nhẹ nhàng hạnh phúc.

Nguyễn Văn Xuân
Nguồn: http://nguyenvanxuan45.blogspot.com/2012/12/truyen-ngan-dong-oi.html