HÃY LÀ MÔN ĐỆ ĐỨC KITÔ
1. Thánh Phêrô và Thánh Phaolô luôn dạy tôi một lời vắn tắt sau đây: “Dù con là ai, ở địa vị nào, con hãy sống đúng ơn gọi của con. Ơn gọi của con là môn đệ Đức Kitô. Môn đệ Đức Kitô, đó là ơn gọi căn bản của con, đó là ơn gọi cao quý nhất Chúa dành cho con”.
Nhận thức điều hai Thánh Tông Đồ dạy trên đây là quan trọng, tôi xin hai Thánh Tông Đồ dạy tôi thêm những gì tôi cần làm để sống ơn gọi người môn đệ Đức Kitô.
Hai Đấng đã dạy tôi…
2. Việc thứ nhất các ngài dạy là hãy cùng với Đức Kitô, mà cầu nguyện với Đức Chúa Cha: “Lạy Cha chúng con ở trên Trời” (Lc 11, 2- 4). Khi tôi cùng với Đức Kitô đọc kinh “Lạy Cha chúng con ở trên Trời”, tôi thấy lòng tôi bỗng mở ra, cho phép tôi có một cái nhìn mới rất lạ lùng.
Tôi sung sướng thấy mình có một người Cha ở trên Trời. Người Cha ấy xót thương tôi. Tôi thấy Cha trên Trời ôm mọi người vào lòng mình, vì Cha coi mọi người đều là những người con của Cha. Tôi cảm thấy tôi được gần lại với Cha, và đồng thời cũng được gần lại với mọi người, không kể họ là ai.
3. Tôi cảm thấy dung mạo của Cha trên Trời là yêu thương, là khiêm nhường. Yêu thương hết sức và khiêm nhường tột độ. Với yêu thương và khiêm nhường như thế, để dẫn đưa tôi về thiên đàng. Với yêu thương và khiêm nhường, Cha trên Trời muốn tôi cũng hãy nên giống Cha, mà yêu thương và khiêm nhường không những đối với Cha, mà cũng đối với mọi người.
4. Hình ảnh mà hai Thánh Tông Đồ đã đưa ra để dạy tôi, để trở nên môn đệ Đức Kitô về yêu thương và khiêm nhường đối với người khác. Đó là hình ảnh người Samatinô tốt lành, mà Chúa Giêsu đã nêu lên (x. Lc 10, 25- 37). Người Samatinô đó đã xuống ngựa, đến bên người đau khổ, cúi mình xuống, chăm sóc họ, với yêu thương hết sức và khiêm nhường tột độ, môn đệ Đức Kitô là như thế đó.
Nếu môn đệ Đức Kitô thì phải như thế, thì thú thực đã nhiều lần tôi không phải là môn đệ Đức Kitô. Bởi vì tôi đã không yêu thương và khiêm nhường đủ trong việc phục vụ người khác.
5. Nhận thức mình còn nhiều thiếu sót về yêu thương và khiêm nhường đang là điều tôi phải sám hối. Sám hối của tôi là xin lỗi Chúa, nhất là quyết tâm sửa mình lại.
6. Thánh Phêrô và Thánh Phaolô là hai vị Thánh nổi bật về sám hối. Sám hối nơi hai người nhấn mạnh đến khiêm nhường.
7. Thánh Phêrô quả quyết: “Hãy lấy đức khiêm nhường mà đối xử với nhau, vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu căng nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (1Pr 5, 5).
8. Còn thánh Phaolô thì nói: “Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy khiêm nhường mà coi người khác hơn mình” (Pl 2, 3).
9. Khiêm nhường cũng đã và đang là điều mà các Đức Giáo Tông Gioan-Phaolô II, Đức Bênêdictô XVI, và Đức Phanxicô đề cao, khi các ngài dùng nhiều cách khác nhau, để xin lỗi về những gì Hội Thánh trong quá khứ đã xúc phạm đến những người ngoài Công Giáo.
10. Khiêm nhường là một thứ cửa hẹp. Nhưng phải qua cửa hẹp đó, mới vào được Thiên Đàng.
Thế nhưng rất nhiều người đã không muốn đi qua cửa hẹp đó: “Cửa rộng và đường thênh thang thì đưa tới diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó, còn cửa hẹp và đường hẹp đưa tới sự sống, thì ít người tìm được lối ấy” (Mt 7, 13-14).
Lời Chúa Giêsu phán xưa đang là một sự thực xảy ra trong tình hình hiện nay.
11. Khiêm nhường là dấu chỉ những người môn đệ Chúa Giêsu. Kiêu ngạo là dấu chỉ những người môn đệ quỷ Xatan.
12. Đức Phanxicô, khi coi sự khiêm nhường là điều kiện cần thiết để đổi mới Hội Thánh hôm nay, thì ngài coi thời gian là một lãnh vực, mà chúng ta cần thực hiện sự khiêm nhường hơn. Nghĩa là:
13. Khiêm nhường là biết chờ đợi, đừng nóng vội. Hãy biết bắt đầu lại.
14. Khiêm nhường là biết đi từng bước nhỏ, đừng ham bước những bước dài, bước lớn.
15. Khiêm nhường là biết coi thời gian mỗi ngày là một kho tàng để khám phá ra những ơn lành của Chúa. Đừng coi mỗi ngày là một gánh nặng, để rồi than oán.
16. Khiêm nhường là đừng coi mình là Giám Mục, Linh Mục, hay là ai, nhưng chỉ là môn đệ Đức Kitô, đó là việc thứ hai và cũng là việc sau cùng, mà hai Thánh Tông Đồ đã dạy tôi lúc này.
17. Trên đây là đôi chút chia sẻ, để mừng lễ hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô. Các ngài đúng thực là môn đệ Đức Kitô.
Xin hai Thánh làm phép lành cho chúng ta, để chúng ta biết tỉnh thức sống ơn gọi người môn đệ Đức Kitô một cách thiết thực trong tình hình phức tạp hiện nay.
Long Xuyên, 27.6.2018,
+ Gm. Gioan B. BÙI TUẦN