Đời người vắn vỏi, tôi rong chơi giữa đời biết đâu nguồn cội - Kỳ 1

Quang X Nguyen

ĐỜI NGƯỜI VẮN VỎI
TÔI RONG CHƠI GIỮA ĐỜI BIẾT ĐÂU NGUỒN CỘI – Kỳ 1


Những ngày buồn nghĩ đến thấy vui vui,
Những ngày vui sao lại thấy bùi ngùi...
(Tế Hanh)

« Các con hãy ra đi loan báo tin mừng cho muôn dân »

Năm nay 2011, tôi được tròn 70 tuổi; nếu tính theo kiểu của mẹ tôi thì năm nay tôi 71 tuổi, bởi vì cả 9 tháng ở trong bụng mẹ nữa. Tôi sinh ngày 24 tháng 3 năm 1941 theo giấy rửa tội, nhưng mà nếu đi tu thì bắt đầu từ 12 tuổi; mà lúc đó tôi được 14 tuổi cho nên phải làm giấy khai sinh lại, hạ năm sinh của tôi xuống là 1943 theo giấy tờ.

Tôi tên là Nguyễn Vân Đông, tôi cũng không hiểu tại sao không phải là Nguyễn văn mà là Nguyễn Vân. Có lẽ khi làm lại giấy tờ thì người ta để cái tên như thế, và bây giờ mãi mãi tôi là Nguyễn Vân Đông, những người nào không thân thiết thì người ta đề là Nguyễn Văn Đông, mỗi lần tôi đi bưu điện để nhận tiền thì người ta phải hỏi lại người gởi để sửa cho đúng là Nguyễn Vân Đông, lúc đó người ta mới cho tôi nhận tiền.

Quê tôi ở Bình Định, một xứ Đạo kỳ cựu của Giáo phận Qui Nhơn là xứ Nhà Đá, xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Nhà Đá không phải là nhà tù, mà Nhà Đá là một cái Nhà Thờ làm toàn bằng đá ong ở Biên Hòa.

Nhà thờ Nhà Đá ở Bình Định

Tôi lớn lên ở đồng quê, từ nhỏ tôi không được đi học cấp Tiểu Học, học hành ít hơn đi chăn bò. Mỗi khi muốn học thì phải dở cơm (mang cơm theo) tới nhà một người nào đó, như thầy Biên chẳng hạn để mà học cho biết cái chữ, học được biết cộng, trừ, nhân, chia và chưa bao giờ tôi được học cấp một như các em bây giờ.

Khi tôi 14 tuổi thì có một cha của Địa Phận Kontum, quê cũng ở Nhà Đá, chịu chức năm 1953, là khoảng thời gian mà Bình Định nằm trong vùng kháng chiến (1945- 1954) và là vùng Việt Minh, nên cha đó không thể về gia đình để Vinh Quy Bái Tổ được, cho đến khi chính thể Đệ Nhất Cộng Hòa của ông Ngô Đình Diệm lên cầm quyền vào năm 1955 thì ngài mới về. Ngài là Linh Mục Nguyễn Thúc Nên (bây giờ hưu ở Tòa Giám Mục Kontum). Sáng nào tôi cũng đi giúp lễ cho Ngài, hồi đó không có lễ đồng tế cho nên các cha khách tới thì làm lễ ở bàn thờ bên cạnh.

Rồi một ngày nọ ngài hỏi tôi: "Con có muốn đi tu không? Đi tu ở Kontum."

Tôi cũng chả biết Kontum là ở cái chỗ nào. Ngày xưa mỗi lần tôi ở chỗ nhà mình thấy trên núi nó cháy thì tôi hay nói: "Núi cháy mọi chạy ngay đuôi".

Tôi trả lời ngay là tôi muốn đi Kontum; bởi vì đi Kontum thì tôi mới được dịp đi ôtô... Từ lúc nhỏ cho đến khi đó chưa bao giờ tôi được đi ôtô, cùng lắm tôi theo mẹ đi xe kéo, có người kéo chạy... còn nhanh hơn nữa là đi xe ngựa, đi xe ngựa thì 7 hoặc 8 người. Nhưng mà nếu đi xa thì đi ôtô. Tôi đồng ý đi Kontum ngay. Vì thế cuộc đời đi tu của tôi bắt đầu từ đó.

Khoảng cuối tháng 8 năm 1955 thì tôi lên Kontum. Tôi nhớ khóa tựu trường năm đó bắt đầu học là vào ngày 16 tháng 8 sau kỳ thi, cho nên để thi vào Chủng Viện thì tôi thi có một mình.

Lần đầu tiên tôi gặp một người Pháp là Đức Giám Mục Kontum. Sau này tôi rất yêu mến ngài. Cha Nên dẫn tôi lên gặp ngài, ngài ôm tôi (mà ở quê Bình Định của tôi chống Pháp, tôi cũng nghĩ người Pháp là thế này thế nọ).

Ngài hỏi tôi bằng tiếng Việt mà giọng lơ lớ: "Nhà con có mấy anh em ruột?" Tôi nghe không rõ, tôi tưởng hỏi: "Nhà con có mấy đám ruộng"? Tôi trả lời với Ngài là: "Con không biết nhà con có mấy đám ruộng." Ngài bảo: "Hỏi anh em ruột chớ hỏi ruộng làm gì?" – "Hỏi anh em ruột thì con biết." Nhà tôi có tất cả là 8 anh em, 5 trai và 3 gái.

Và ngài bảo các cha ra bài thi cho tôi. Bài thi gồm có một bài luận văn (tôi chưa bao giờ làm luận văn) kể cuộc hành trình từ Bình Định lên tới Kontum, tôi cũng không biết làm cách nào để kể, nhưng mà tôi biết chắc chắn rằng tôi nói giọng Bình Định, mà có kể thì cũng không được bao nhiêu. Tôi đã làm bài luận văn như thế này: "Ngồi trong xe dòm ra ngoài thấy xe nó chạy, thấy cây nó chạy ngược hết". Rồi thì tôi làm 1, 2 bài toán đố, tôi cũng chưa bao giờ làm toán đố lần nào cả cho nên tôi cũng không biết phải làm sao, tôi làm được nửa bài đầu tiên: cộng trừ nhân chia gì đó, rồi sau đó làm 10 chữ tiếng Pháp. Quả thật là tôi không biết một chữ tiếng Pháp nào... nhưng mà may phước có một chữ, ấy là tôi có một đồng xu để thắt kiện, có một cái lông gà để đá kiện, một bên có chữ Le Sou (là đồng xu), một bên có chữ đồng xu nên tôi làm được một chữ là "Le Sou". Và kết quả là các bài thi của tôi không đủ điểm vào Chủng Viện Kontum.

Nhưng để về đến Bình Định thì phải có người lớn dẫn tôi về. Mà hồi đó đi từ Bình Định lên tới Kontum là phải đi hai ngày, bởi vì có mấy cái cầu trong thời kháng chiến bị sập cho nên khi qua bên kia phải chuyển xe để đi xe khác, nhất là cầu Hang Dơi trên đèo An Khê thì phải chuyển xe, rồi phải đi bộ một đoạn mới tới An Khê, tới An Khê là hết một ngày. Bây giờ đi chỉ có một tiếng rưỡi đồng hồ thôi là tới An Khê rồi.

Tôi nhớ khi tôi lên tới Kontum là vào buổi tối (cuối tháng 8 năm 1955). Trời ơi! Ban đêm từ An Khê lên tới Kontum, lần đầu tiên tôi thấy bóng điện. Lạ lùng quá! Lạ lùng hết sức đối với tôi và tôi thấy các bạn của tôi nó rờ vô cái vách là tắt, mà rờ lại ở đó thì nó sáng. Tôi cũng không hiểu là thế nào, ăn cơm tối xong tôi lén lên gác, tôi rờ thì nó không có sáng. Sau này mới biết là phải vặn và vặn tròn thì nó mới sáng hoặc là nó mới tắt được.

Lần đầu tiên tôi lên hỏi một cha già: "Chớ con "đi gò" thì đi ở chỗ nào?" Cha già chỉ cho tôi vào một cái nhà có mấy cái phòng, tôi thấy cái chỗ đó (bây giờ cũng còn trong Chủng Viện Kontum), có cái chữ W và chữ C, tôi chả biết đó là chữ gì, tôi vào trong phòng đó, nó bốc ra một cái mùi giống... và có một cái lỗ có nước. Tôi cũng chả biết phải làm thế nào mà "đi gò" ở đó.

Tôi bèn nghĩ tới cái vườn ở Chủng Viện, nó là cái rừng không, đi gò ở đó thì sướng hơn, nhưng mà dù sao tôi cũng hỏi cha già: "Làm thế nào để đi gò trong cái chỗ đó?" Thì ngài mới chỉ cho tôi biết là phải đi như thế nào... thế nào... Lần đầu tiên ở tuổi 14 tôi mới biết "đi gò" một cách khoa học là như vậy đó.

Đi chăn bò tôi đi chân không, tôi thương bò hơn là yêu mến việc học hành. Bò của tôi, tôi nhớ tên hết: con bò Pháo, con bò Nu, con bò Mẫm, con bò Bét, con bò Kiệu... và con nào tôi cũng chăm sóc kỹ lưỡng.

Trời ơi! 14 tuổi mà tôi chưa bao giờ đi dép... vì tôi quen đi chân không. Cha tôi mua cho một đôi dép "Bình Trị Thiên", tôi nhớ bạc tín phiếu lúc đó là 500.000 đồng. Tôi sợ mang nó mòn nên tôi bỏ vô trong cái rương, chừng đi lễ tôi mang vào. Lần đầu tiên tôi mang đôi dép râu vô đi lễ, các bạn của tôi ngó xuống chân tôi, chúng nó cười kêu tôi là: "Ông việt minh con... Ông việt minh con", làm tôi cũng mắc cỡ. 

Ảnh chụp Tòa Giám Mục Kontum

Rồi ông cha già Nhạn cho tôi một đôi sandal. Trời ơi! Tôi xỏ chân vô mà nó rộng thênh thang, chắc là bơi trong đó cũng được nữa, nhưng mà nó không phải là chiếc dép "râu" cho nên... thôi thì trông nó cũng dễ coi.

Lần đầu tiên tôi mới thấy cái bánh mì. Sáng các bạn của tôi ăn bánh mì có pho mát nữa. Tôi ở nhà chỉ có ăn bánh tráng Bình Định thôi, cho nên tôi thấy người ta lấy bánh mì bỏ pho mát vô ăn, tôi cũng làm vậy, nhưng mà... trời ơi! nó thúi quá tôi ăn không được, tôi bèn bỏ miếng pho mát ra ngoài rồi đổ nước mắm vô bánh mì mà ăn. Các bạn tôi ngạc nhiên lắm.

Và khi Chủng Viện quyết định là tôi phải đi về, tôi cũng không lấy gì làm quan trọng, chỉ đợi người lớn dẫn về: "Tôi về thì về". Những ngày đó tôi đi thu lượm những cái chai bằng thủy tinh, vì ở Bình Định quê tôi không có những cái chai như thế cho nên tôi thu góp thật nhiều, định về cho cha tôi. Nhà tôi chỉ có một chiếc xe đạp, mà xe đạp đó nó cũ lắm rồi, tôi thấy trên Kontum xe đạp nào cũng có gắn một cái chuông, bóp nó kêu "cưng cưng". Tôi thích lắm bèn xin ông cha già Nhạn cho tôi một cái chuông xe đạp. Ngài bằng lòng cho tôi một cái, tôi để dành cái chuông đó, tối tối tôi trùm mền lại rồi bóp cái chuông, nó kêu "cưng cưng" làm tôi vui lắm. Trù tính để đem về cho cha tôi.

Nhưng tôi lại có cái tính ưa tò mò. Trong Chủng Viện thì các Linh Mục là người Pháp hết – thuộc Hội Thừa Sai Paris – tôi nhớ có cha Décrouille (cố Tôn), cha Lantrade (cố Lãng), cha René Thomann (cố Mẫn). Tôi hay chui vô phòng của các cha để xem mà không biết gõ cửa. Tôi coi người ta cạo râu, mấy ông cha đuổi tôi ra ngoài và rồi các cha cũng có ý kiến với cha bề trên René Thomann về tôi thế này thế nọ.

Cha René Thomann hỏi tôi: "Con có muốn học không?" Tôi trả lời: "Con muốn học."

Tôi nhớ đó là đầu tháng 9 năm 1955. Cha René Thomann cho tôi một cuốn sách bằng tiếng Pháp, thêm mấy cuốn vở, rồi sách giáo lý và một cây bút. Tôi hỏi: "Có cây bút mà có bình mực không?" Ngài cười bảo cái bút nầy mình bơm mực vô chỗ này... chỗ này, rồi mình viết là khỏi cần bình mực. Lần đầu tiên tôi thấy một cuốn tập mà giấy nó lại trắng như thế. Ở dưới vùng quê của tôi là giấy Việt Thắng, nó hâm hẩm, viết bút mực dễ bị nhòe. Còn giấy này thì... ôi chu cha! Nó đẹp ơi là đẹp.


Rồi các bạn học, tôi cũng học. Tôi nhớ lớp tôi lúc đó là bốn mươi bảy người. Ngày nào làm bài thì tôi cũng làm bài, ngày nào học thì tôi cũng học và cuối tháng đó, trời ơi! Tôi đứng cao hơn hai người trong lớp, mà hai người đó đã thi đậu vào Chủng Viện. Cuối tháng 9 thì nhà trường quyết định cho tôi được ở lại tu.

Tôi thản nhiên không buồn cũng không vui.

Nhưng tôi không có đồng phục của nhà trường, tôi chỉ có áo dài đen với quần bà ba trắng mà thôi. Đồng phục Chúa Nhật của nhà trường là áo sơ mi trắng với quần pantalon trắng. Thế rồi khi quyết định như vậy thì nhà trường mới may đồ cho tôi. Chu cha ơi! Lần đầu tiên được bận đồ Tây, tôi thấy mình cũng đẹp! Ở Bình Định thời đó thì mọi người chỉ mặc vải ta mà thôi (vải thô, vải tám ú), và tất cả vải thì phải nhuộm đen bằng cách ngâm vải trong nước lá bàng nấu sôi, rồi sau đó ngâm lại trong bùn để nó thành màu đen.

Ở trong quê tôi từ năm 1945-1954 là vùng kháng chiến chống Pháp, máy bay thả bom luôn nên chỉ được mặc đồ đen, đồ xám mà thôi, mặc đồ này khi gặp nước nó sẽ ra màu dữ dội lắm. Một bữa kia, lần đầu tiên tôi mặc bộ đồng phục màu trắng, bên trong tôi bận cái quần vải ta nhuộm đen. Nên khi đi chơi dọc đường về thì trời mưa to, cái quần xà lỏn đó nó ra nước, thấm qua cái quần pantalon trắng của tôi. Các bạn chúng nó cười tôi. Chu cha ơi! Tôi khóc suốt một buổi chiều luôn, bởi vì tôi chỉ có một cái quần đồng phục đó mà thôi.

Như thế là tôi bắt đầu đi tu, tôi cố gắng học nên việc học của tôi nó cũng tiến bộ lên dần dần.

Nhà trường cho tôi biết là cuối năm tôi phải đi thi để lấy bằng Tiểu Học, vì có bằng Tiểu Học rồi tôi mới có thể học tiếp lên lớp trên cao hơn nữa... Hồi đó tôi cũng chả biết cái bằng Tiểu Học là cái bằng gì? Nhưng mà tôi cũng quyết tâm đi thi Tiểu Học cho nó đậu.

Tết đầu tiên tôi không được về nhà, bởi vì nhà tôi xa quá không có ai dẫn về cho nên tôi ở lại ăn Tết trong nhà trường, cha Bề Trên René Thomann ngài cũng thương tôi, ngài bảo các bạn ở Kontum: "Tết thì vô chơi cho nó vui.".

Lần đầu tiên các cha Thừa Sai cho tôi pháo đốt. Chu cha ơi! ... Tôi đốt pháo mà vui hết sức vui, các bạn của tôi cũng đốt pháo ném nhau chơi vui lắm. Đứa nào cũng được mặc đồ mới hết: một cái quần và một cái áo bà ba trắng có túi đàng hoàng. Thế rồi ba đứa tụi tôi thấy một bãi cứt bò, nó “ấy” ngay trước Chủng Viện. Tôi thì quen cái đó rồi thành ra tôi quỳ xuống cắm viên pháo vô đó. Ba đứa kia chằm hăm ngó, viên pháo bị đốt nó nổ cái "phạch", chu cha nó văng phân bò tùm lum lên mặt, lên áo. Các cha Thừa Sai đứng trên lan can nhìn xuống, các cha cười tụi tôi quá chừng quá đỗi.

Cha Bề Trên nói với chúng tôi: "Chưa bao giờ cha được "ăn" Tết ở Việt Nam mà vui như vậy đâu." Thế là các cha cho chúng tôi pháo để đốt tiếp.
Năm đầu tiên tôi đi tu là như thế.

Rồi thì cuối năm tôi thi Tiểu Học, ngôi trường mà tôi đi thi tên là trường Tiểu Học Ngô Đình Khôi (bây giờ là chợ Kontum). Khi có kết quả thì người ta "alô" tên thí sinh, rồi hô phiếu báo danh số mấy... tôi đứng trên cái bàn để chờ nghe "alô" tên mình. Chu cha ơi! Tôi đậu Tiểu Học thì tôi mừng gì mà mừng... Đang đứng trên bàn tôi nhảy nhanh xuống để chạy về, nhưng trên bàn có một cái đinh, nó kéo rách cái quần của tôi từ dưới lên trên mà tôi cũng không biết, khi về tới trước Chủng Viện là cái đồi, tôi cảm thấy chân nó lạnh lạnh, tôi liền ngó xuống, "Trời!... Cái quần của mình nó rách hồi nào mình cũng không biết nữa".

Chủng viện Thừa sai Kon Tum

Tôi về khoe với cha bề trên: "Con đậu rồi cha ơi... mà con bị rách cái quần." Cha bề trên cũng rất mừng khi biết tôi thi đậu Tiểu Học để có thể học tiếp nữa. Và tôi bắt đầu năm đầu tiên ở Chủng Viện là như thế. Đó là năm 1955-1956.

Tới kỳ nghỉ hè tôi về thăm quê nhà, tự nhiên tôi cảm thấy mình cao hơn và oai hơn… Và Chúa đã gọi tôi sau đuôi những con bò.

Cũng vào năm 1955 thì Đức Cha mở trường và mời các Sư Huynh Dòng Lasan lên dạy. Chúng tôi vừa học trong Chủng Viện, mà trường Lasan ở gần Chủng Viện cho nên chúng tôi cũng qua học ở bên trường Lasan, nhưng lớp của tôi chỉ học tiếng Pháp ở bên đó, còn các môn khác thì học ở nhà.

Cho tới năm 1959, lúc bấy giờ Chủng Viện mỗi năm đều có tuyển chủng sinh. Nhất là các trại di cư ngoài Bắc vào sinh sống ở vùng Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk bây giờ, thì chủng sinh ngày càng đông. Thế nên nhà trường muốn tuyển một số học sinh đi học chương trình Pháp, và tôi là một trong số mười ba người được tuyển đi học ở Dòng Phanxicô Thủ Đức. Học viện đó học chương trình Pháp. Tôi đã học ở Dòng Phanxicô từ năm 1959 cho tới năm 1964 và thi đậu tú tài Pháp, sau đó nhà Dòng tổ chức cho các chủng sinh thi tú tài Việt và tôi cũng may mắn thi đậu.

Khi tôi về trình diện với Đức Cha Kontum thì ngài nói: "Bây giờ con có bằng tú tài rồi, tú tài Pháp có, tú tài Việt cũng có. Con hãy suy nghĩ cho kỹ... Như con đã biết Kontum là tận cùng thế giới. Nếu con làm Linh Mục ở Paris thì con chỉ cần dạy giáo lý cho tốt, rồi con có thể đi thăm mục vụ, con có thể làm các phép Bí Tích cho mọi người... như vậy là cũng được rồi. Còn như mà con muốn làm Linh Mục ở Kontum thì ngoài những việc đó ra, con còn phải biết cho người nghèo thuốc khi bị bệnh, con phải biết sửa xe đạp cho dân làng, phải biết quay cho máy điện nổ, rồi con còn phải biết... đỡ đẻ nữa.

Tôi nghe nói mà cảm thấy mắc cười, nhưng quả thật là như thế, và tôi vẫn quyết tâm đi tu làm Linh Mục ở địa phận Kontum, vì từ những năm 1955 đến 1959 tôi đã rất thích núi rừng Kontum, tôi cũng rất thích đời sống đơn sơ mộc mạc, chất phác của người dân tộc, nhất là khi ở trong Chủng Viện cũng có một số anh em là người dân tộc.

Khi tôi quyết định đi tu ở địa phận Kontum thì Đức Cha giới thiệu cho tôi đi tĩnh tâm một tuần tại Dòng Mỹ Ca ở Ba Ngòi, Cam Ranh. Sau khi tĩnh tâm về tôi vẫn nhất quyết đi tu ở Địa Phận Kontum.

Ngài sai tôi đi dạy học tại Chủng Viện Kontum niên khóa 1964-1965. Kỳ nghỉ hè 1965 ngài lại giới thiệu tôi đi tĩnh tâm ở Dòng Thiên An, Huế, để xác định lại ơn kêu gọi của mình, tôi nhớ ở đó tĩnh tâm thì rất yên tĩnh, trong Dòng có một vườn cam trái rất ngọt và tôi đã từng được thưởng thức.

Ảnh chụp Giáo Hoàng Học Viện Pio X, Đà Lạt


Lần tĩnh tâm này về tôi vẫn xác định với Ngài là tôi đi tu ở Kontum. Ngài lại bảo tôi: "Con phải đi dạy học nữa!" Tôi thưa với ngài: "Con còn trẻ... Đức Cha cho con đi Chủng Viện đi... chớ Đức Cha cho con đi dạy miết vậy?" Ngài bảo: "Cứ đi dạy đi..." Sau đó Ngài hỏi: "Con quyết tâm đi tu, vậy con có áo Dòng chưa?" Tôi nói: "Áo Dòng con may, nay mai thì có chứ khó gì đâu."

Ngài lại cho tôi đi dạy học một tháng nữa. Rồi Ngài bảo: "Con chuẩn bị lên học ở Giáo Hoàng Học Viện trên Đà Lạt. Tôi đã lên học ở Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt 8 năm."

Năm 1972 tôi được thụ phong Linh Mục.

Lm. Phêrô NGUYỄN VÂN ĐÔNG, còn tiếp một kỳ
Ephata 810

Cha Đông và một thai nhi