(Mã số 18-166)
1.
Len qua những con hẻm nhỏ ngột ngạt và chật chội của Sài Gòn, cuối cùng Lam cũng về tới phòng trọ. Cô mở cửa bước vào phòng, không bật đèn, nằm soài xuống chiếc giường nhỏ đã ngả màu lá úa. Bóng tối, bóng tối đổ đầy căn phòng. Cô nhắm mắt lại để tìm một tia sáng trong suy nghĩ. Tất cả vẫn đen đúa và rối ren như một mê hồn cung không lối thoát. Những lời chàng trai ấy nói không rõ từ đâu, dội ngược trong đầu Lam, lùng bùng, mơ hồ mà đầy ám ảnh.
- Mày làm gì mà nằm như chết thế Lam, đèn cũng không chịu bật lên.- Một giọng nói hơi chát lảnh lên, đi liền theo đó là những đợt sáng chập chùng từ chiếc đèn huỳnh quang sắp hỏng.
Lam đưa tay lên che đi thứ ánh sáng chập chờn ấy, giọng cô yếu và mỏng như một mảnh tơ:
- Tao không sao! Sao nay mày về sớm vậy?
- Thằng bồ tao bận việc nên về sớm.- Cô gái vừa nói vừa rút chiếc Iphone ra lướt.- Còn mày, mày với thằng người yêu tới đâu rồi?
Lam im lặng, cô gái kia cũng chỉ hỏi vậy cho hợp câu chuyện. Căn phòng lại trở về tĩnh mịch, thỉnh thoảng có vài tiếng chuông báo facebook có tin nhắn mới.
- Lam, mày xem này…- Cô bạn cùng phòng cầm điện thoại hơi nhoài về phía Lam đang nằm.
Lam nghiêng người đủ để xem thấy đoạn video đang phát. Giọng người phóng viên bất bình vang lên qua cái loa nhỏ của chiếc iphone màu trắng:
“Đây là trung tâm X, một địa điểm thu nhận các trẻ em bị bỏ rơi ở Thành phố Hồ Chí Minh, do một nhóm đối tượng lừa đảo có tổ chức lập ra nhằm mục đích trục lợi từ những khoản đóng góp của các mạnh thường quân. Chính vì thế các trẻ em ở đây không những không được giúp đỡ về mặt vật chất mà còn phải sống trong môi trường ẩm thấp, bẩn thỉu, hôi hám không đảm bảo vệ sinh, sức khỏe. Đề nghị các cơ quan chức năng sớm giải quyết tình trạng này, và các nhà hảo tâm sáng suốt hơn trong việc giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn”.
- Một lũ khốn nạn!- Cô gái phát thành tiếng qua hai hàm răng cắn khít, rồi dần chuyển sang giọng thương xót- Tội nghiệp mấy đứa nhỏ, chắc chúng là hậu quả của mấy đứa ăn chơi rồi dính bầu, gặp tao, lúc biết dính bầu tao bỏ quách cái thai cho xong, sau này mấy đứa nhỏ đỡ khổ.
Nghe những lời ấy, bàn tay Lam xiết chặt lại rồi lại dần buông thõng ra. Thời đại này là vậy sao? Người ta thương nhau bằng cách giúp nhau bớt khổ mà không cần biết điều đó đúng hay sai, người ta quen sống hưởng thụ nên đâu biết rằng dù sướng hay khổ thì đó vẫn là cuộc sống và người ta phải tiếp tục sống. Cái ý nghĩ vừa dấy lên làm Lam mệt mỏi hơn, cô trở mình, xoay mặt vào bóng tối.
- Tuần tới, tao có việc đi xa vài ngày, mày đừng gọi.- Lam nói với cô bạn cùng phòng.
Nói ra câu đó nghĩa là Lam đã có quyết định. Cô quyết định thử làm theo lời của những người xa mà cô đã gặp ở trong phòng chờ phá thai, những người mà cô không biết họ là ai và họ cũng chẳng biết cô là ai, nhưng họ đã ân cần hỏi han, quan tâm cô, an ủi và khuyên cô đừng bỏ đứa bé trong bụng. Lam không biết động cơ gì khiến họ làm vậy, nhưng cô linh cảm họ không phải là những người xấu như bọn người trong video cô vừa xem. Cô nghe mọi người gọi họ là nhóm Bảo Vệ Sự Sống. Bất cứ ai bảo vệ sự sống, dù là nhỏ nhất, đều không phải người xấu.
2.
Lam có mặt ở nơi này để tham gia một cuộc tĩnh tâm cho những người đang bế tắc trong cuộc sống. Lam cũng chẳng biết chính xác cô đang làm gì, khi một người lương dân như cô, lại tham gia một cuộc tĩnh tâm dành cho những người Công giáo, lại là tôn giáo mà trong ký ức của cô đó là điều cô không muốn nhắc đến. Nhưng lần này có vẻ khác, đạo Công giáo không đến với Lam thông qua một người mà qua cảnh vật. Lam thích bầu khí bình yên ở đan viện này, cô thích những bài thánh ca nhẹ nhàng với ca từ sâu lắng, cô cũng thích những hàng cây xanh mướt phủ bóng trên những lối đi bê tông. Bầu không khí trong lành ở đây không chỉ giúp một người rối ren như Lam thư thái và nhẹ nhàng hơn, mà còn giúp những nếp nhăn trên khuôn mặt luống tuổi của bà Thoan, một người trong nhóm tĩnh tâm với Lam, mềm lại và dãn ra. Thấy bà Thoan ngồi một mình, Lam tiến đến chào bà, bà cười bằng một nụ cười mệt mỏi chào lại Lam:
- Con là Lam đúng không? Lúc nãy con có giới thiệu mà bác không nghe rõ, con ở giáo xứ nào nhỉ?- Bà Thoan hơi nhíu mày cố nhớ lại vài chi tiết.
- Dạ, con không có đạo.- Lam tránh ánh nhìn của bà, khẽ đáp.
Không gian lại trở nên yên lặng. Có phải bà Thoan đã hỏi điều gì không đúng chăng hay vốn dĩ những câu hỏi về tôn giáo luôn tạo ra một khoảng cách trong lòng người khác. Có lẽ vậy, vì chẳng phải ngay cả chàng trai đó cũng dùng lý do tôn giáo “Vì em không phải là người Công giáo” để bỏ rơi Lam sao? Bóng chiều đã buông xuống chập choạng ở đằng tây và loang dần như vết mực đổ trên khung trời xám ngắt.
3.
Ngày đầu tiên của đợt tĩnh tâm, mọi người làm quen nhau. Sau bữa cơm chiều, mọi người sẽ cùng nhau rửa bát, dọn dẹp và sau đó đi dạo. Lam thích đi một mình nên cô tách ra khỏi những người khác, cô men theo lối đi dẫn vào khu vườn nhỏ có 14 bức tượng bằng đá cẩm thạch trắng, xếp theo từng chặng tạo thành một câu chuyện kể. Cô đi thật chậm và đọc những nội dung của bức tượng được khắc trên những phiến đá nhỏ. Lam dừng lại hồi lâu ở bức tượng thứ 4, bức tượng một người phụ nữ với khuôn đẹp nhưng đau khổ đỡ lấy một người đàn ông đang vác cây gỗ hình chữ thập. Nét mặt của người phụ nữ ấy sao bi thương và thấu cảm quá, Lam đưa tay lên lau đi giọt nước mắt đang chảy xuống trên khuôn mặt tượng.
- Đây là chặng thứ bốn trong mười bốn chặng đàng thánh giá, cảnh tượng này là lúc Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu gặp con mình trên đường vác thập giá lên đồi Canve để chịu đóng đinh… Chẳng có nỗi đau nào tột cùng bằng nỗi đau người mẹ mất con cả.
Lam quay lại cúi chào người phụ nữ vừa lên tiếng, không cần phải nhìn cô vẫn biết đó là bà Thoan. Bà Thoan vẫn nét mặt hằn sâu vết tuổi tác, cố nở một nụ cười chào Lam. Họ ngồi xuống chiếc ghế đá màu trứng sáo dưới tán cây bằng lăng tím. Cả hai cùng nhìn về pho tượng ấy, pho tượng diễn tả nỗi đau của người mẹ sắp mất con.
- Lam này, năm nay con bao nhiêu tuổi?- Người đàn bà hỏi.
- Con 24 tuổi ạ!- Lam lễ phép đáp.
- Con gái bác cũng bằng tuổi con, nó mới tốt nghiệp đại học sư phạm, giờ đang dạy ở một trường cấp ba dưới quê.- Giọng bà Thoan mệt mỏi.
- Ngành giáo viên nay khó xin việc lắm, con gái bác chắc giỏi lắm bác nhỉ?
- Có giỏi cũng phải nhờ người quen thôi con. Mà đã nhờ thì phải mang ơn họ.- Bà thở dài- Đợt trước xin việc cho thằng lớn đã nhờ người ta rồi, thêm lần này nữa. Chưa kể mấy lần bác trai nằm viện rồi mất, người ta đều đến giúp. Ân tình của họ biết khi nào mới trả hết đây…
Lam im lặng, cả không gian cũng im lặng. Bà Thoan nén tiếng thở dài để tiếp câu chuyện như đang đối thoại với chính mình:
- Tuần vừa rồi, người đó có qua nhà bác, ngỏ ý muốn gả con gái ông ấy cho con bác. Con gái ông ấy cũng xinh, đạo hạnh đàng hoàng, chỉ có điều lúc nhỏ không may bị tai nạn mất cả hai chân…- Bà Thoan im lặng giây lát- Trớ trêu hơn nữa là nghe đâu thằng con bác đã có người yêu rồi đang định dẫn về ra mắt. Bây giờ bác từ chối cũng chẳng được, mà chấp nhận cũng không xong, rồi còn thằng con bác, nó phải làm sao?
Bà Thoan buông một cái thở dài thành tiếng, rồi ngồi lặng người như một chiếc lá già nua cằn cỗi.
Lam chỉ biết ngồi cùng bà, cô chưa trải qua những chuyện tương tự nên chẳng biết nói gì hơn. Có lẽ đây là lý do bà Thoan có mặt trong đợt tĩnh tâm này. Lam hiểu cái khó xử của bà Thoan, cái ơn nghĩa trên đời nó nặng lắm, người ta thụ ơn một lần nhưng nợ ơn cả đời. Đời cha trả không hết thì tới đời con. Có người đem cả tình duyên của mình mà đáp trả. Cứ nghĩ điều ấy chỉ ngày xưa mới có, nhưng nào ngờ có những điều dù thời gian thay đổi nhưng nhiều đời chẳng đổi thay. Chẳng hạn như bóng tối, bóng tối mỗi ngày vẫn ập xuống trên vai hai con người thinh lặng.
4.
Sau ngày đầu làm quen, ngày thứ hai của chương trình tĩnh tâm là học cách cầu nguyện để có thể đưa ra lựa chọn sáng suốt. Lam chẳng biết cầu nguyện là gì, nó có giống với cách cô cầu xin điều gì đó từ Thượng Đế không? Nếu chỉ đơn giản là vậy thì chắc chắn cha Đức, linh mục hướng dẫn tĩnh tâm, không cần dành cả buổi sáng chỉ đề nhắc mọi người phải cầu nguyện. Đánh liều, cô gõ cửa phòng cha, vừa thấy Lam, cha đã cười hỏi trước:
- Con cần cha giúp gì sao, Lam?
- Thưa cha, con không biết cầu nguyện.- Lam cúi mặt xấu hổ.
- Cha biết, người giới thiệu con đến đây đã kể cha biết hoàn cảnh của con. Thật khó để làm một việc chưa từng làm đúng không? Con cứ xem cầu nguyện như là trò chuyện cùng một Người Cha Vô Hình nào đó, mà Người Cha Ấy có khả năng giải quyết hết những chuyện mà con nghĩ hoài cũng chẳng thấy lối ra.
- Thật không cha?- Khuôn mặt Lam ánh lên tia nắng hy vọng.- Vậy con phải cầu nguyện ở đâu, thưa cha?
- Con có thể cầu nguyện ở bất cứ đâu con muốn.- Vị linh mục già nhấn từng chữ.
Lam cảm ơn cha rồi đi tìm nơi cầu nguyện cho mình. Cô không vào nhà thờ hay nhà nguyện như những người khác vì cô không biết tại sao mình phải vào đó. Cô muốn tìm một nơi nào đó mà cô thấy an toàn, nhưng đó là nơi nào cô chẳng biết. Lam cứ đi men theo những con đường bê tông nhỏ dẫn đến những vườn cây trong đan viện, chợt cô thấy lấp ló phía sau rặng cây dương là một pho tượng trắng. Lam đến gần thì nhận ra đó là pho tượng một người phụ nữ bồng con, đứng trên một vầng trăng khuyết. Lam chợt nhớ đến đứa bé trong bụng mình và cô quyết định sẽ cầu nguyện ở đó.
Lam ngồi xuống chiếc ghế đá đặt trước pho tượng, cô ngước nhìn pho tượng lần nữa. Lam thấy đôi mắt ngây thơ của đứa trẻ đang nhìn cô. Một đôi mắt đang nhìn từ ngoài vào tâm hồn cô, và một đôi mắt khác nhìn từ cung lòng đến trái tim cô. Một thứ tình cảm mơ hồ chạy khắp người Lam, tình mẫu tử. Nhưng Lam phải xác định rõ, đứa bé cô đang cưu mang đối với Lam là gì? Là kết quả tình yêu của cô và chàng trai đó? Hay là hậu quả của sự khờ dại của cô khi tin vào sự hứa hẹn của một chàng trai. Rồi cô sẽ giữ lại nó hay cô sẽ bỏ nó đi? Giữ lại, nó là đứa trẻ không cha, cô là thứ đàn bà trắc nết? Bỏ đi, nó là đứa trẻ chết yểu, còn cô là kẻ giết người? Cô phải làm sao đây? Ai cho cô biết cô phải làm sao đây? Những câu hỏi xuất hiện dồn dập trong đầu Lam.
Tất cả, tất cả đều do người thanh niên đó, người thanh niên mà đến bây giờ cô vẫn còn yêu anh ta. Nếu không có người thanh niên đó cô đã không phải dằn vặt như thế này. Điều đau khổ hơn là anh ta chia tay Lam mà không biết rằng cô đã có thai đứa bé. Nhưng nếu thực sự anh ta đã hết yêu cô, Lam không muốn lấy đứa trẻ ra làm lý do để níu kéo. Vậy thì cô phải làm sao? Ông Trời ơi, cô phải làm sao? Cô phải làm sao?... Lam bưng mặt khóc. Cô khóc dưới hàng cây liễu rủ. Cô cứ khóc như thế cho tới khi có người gọi tên cô:
- Lam, con bị làm sao vậy?- Giọng bà Thoan hốt hoảng.
- Bác ơi!- Lam ôm lấy bà Thoan, cô khóc như đứa trẻ thơ gặp mẹ.
Bà Thoan ôm Lam vào lòng, bà để cho cô khóc. Bà biết khi người ta khóc được thì người ta sẽ ổn. Lam cứ khóc như thế, cô để cho nỗi lòng mình theo nước mắt tuôn ra ngoài. Lam kể cho bà Thoan nghe về chàng trai đó, về việc cô đã định làm gì với cái thai và cả lý do cô bị bỏ rơi chỉ vì cô không phải là người Công giáo nên gia đình anh ta không chấp nhận. Đợi cho Lam bình tĩnh lại, bằng một giọng buồn sâu của một người trải qua nhiều thăng trầm cuộc sống, bà Thoan tháo gỡ:
- Là một người phụ nữ và cũng là một người mẹ, hơn nữa bác đã từng sảy thai, bác hiểu nỗi khổ của con. Nhưng Lam này, tình mẫu tử là tình cảm thiêng liêng lắm, đừng vì một điều gì mà vứt bỏ đứa bé nghe con. Còn về gia đình chàng trai kia, là một người Công giáo, bác thay mặt gia đình họ xin lỗi con.
Thực ra cũng chẳng cần bà Thoan phải thay mặt chàng trai ấy xin lỗi, chỉ cần trút được nỗi lòng, Lam đã thấy nhẹ nhõm. Hai người phụ nữ ấy, một già, một trẻ lại ngồi lặng cùng nhau mà cảm thấy được thấu hiểu. Không ai ngờ hai tâm hồn đau khổ, dằn vặt, tổn thương ấy khi bện vào nhau lại có khả năng chữa lành nhau như vậy. Màn đêm lại bao trùm lên cảnh vật nhưng bóng tối đã dần loãng hơn khi có vầng trăng non xuất hiện phía đằng đông.
5.
Ngày thứ ba của đợt tĩnh tâm, Lam đã chẳng còn nghĩ gì về việc phải lựa chọn giữ lại hay bỏ cái thai đi vì bây giờ cô đã đón nhận nó là một phần của cuộc sống. Những lúc ở một mình, cô thường đặt tay lên bụng để cảm nhận sinh mệnh cô đang cưu mang. Khi trong lòng đã bớt đi những điều lo lắng, Lam bắt đầu chú tâm hơn vào những bài giảng của cha hướng dẫn. Mỗi sáng, Lam cùng mọi người vào nhà thờ tham dự thánh lễ. Lam được bà Thoan dạy cách làm dấu thánh giá và đọc kinh Lạy Cha. Thêm vào đó, mấy ngày nay, không chỉ có bà Thoan và cha Đức, mà mọi người đều quan tâm đến Lam. Sau bữa ăn nào cô cũng có thêm một ly sữa nóng. Mọi người bảo cô phải uống nhiều sữa thì em bé mới khỏe mạnh. Các bác gái nhiều kinh nghiệm còn họp nhau viết cho cô một danh sách các món ăn tốt cho mẹ và thai nhi, rồi lén đưa cho Lam vì sợ cha Đức biết sẽ mắng vì tội “không giữ luật im lặng khi tĩnh tâm”. Cô xúc động lắm, cô cảm nhận được yêu thương mọi người dành cho cô. Tình yêu thương ấy đã thanh lọc nỗi ác cảm về đạo Công giáo trong cô. Ai có thể ngờ trước khi đến đây Lam bị một người Công giáo bỏ rơi, bây giờ cô lại muốn trở thành một người Công giáo. Ai có thể ngờ trước đây Lam đã từng tìm cách bỏ đi đứa bé trong bụng, còn bây giờ nó lại là động lực sống của cô. Trải qua tất cả những chuyện ấy, Lam bắt đầu tin vào Thiên Chúa, nếu không có Ngài, chẳng bao giờ những việc kỳ diệu ấy có thể xảy ra.
6.
Hôm nay là ngày cuối cùng của đợt tĩnh tâm, Lam buồn lắm, cô không muốn rời khỏi nơi đây, nơi mà cô được yêu thương và đón nhận như đứa con ruột thịt, nơi hạt giống đức tin đã được gieo vào lòng cô. Nhưng điều gì đến phải đến, sau mọi cuộc gặp mặt đều là chia tay, khoảnh khắc mọi người đứng cùng nhau chụp ảnh kỷ niệm, Lam đã bật khóc. Mọi người dang tay ôm lấy Lam. Bà Thoan dúi vào tay cô một mảnh giấy:
- Đây là số điện thoại và địa chỉ nhà bác, nếu cần gì giúp con cứ đến tìm bác, khi nào sinh em bé nhớ báo cho bác biết.- Bà Thoan dặn dò Lam,
- Con cảm ơn bác.- Mắt Lam đỏ hoe- Nhờ bác con mới giữ được đứa bé, con mang ơn bác nhiều quá.- Lam khẽ nấc.
- Nín đi con, bây giờ lại đến lượt con mang ơn bác sao?- Giọng bà Thoan trách yêu.- Cha Đức nói với bác, nếu muốn trả ơn ai đó thì phải sống thật tốt và giúp đỡ mọi người, vì biết đâu một ngày, những người được chúng ta giúp sẽ giúp lại cho các ân nhân của chúng ta, như vậy là chẳng phải là đã trả ơn rồi sao. Tất cả đều là ý Chúa thôi con.
Bà Thoan cười hiền từ, nụ cười của một người đã trút được gánh nặng.
Lam gật đầu cảm ơn bà, cô cúi xuống xách chiếc vali định đi thật nhanh để mọi người không thấy cô bật khóc lần nữa nhưng bà Thoan ngăn lại:
- Bụng mang dạ chửa không được làm việc nặng, nghe con. Để đó con trai bác vào mang ra giúp cho, nó tới rồi kìa…- Bà Thoan chỉ tay về phía cổng đan viện.
Lam nhìn theo hướng tay bà Thoan, cô thấy một chàng trai khoảng 28 tuổi đang tiến vào. Lam giật mình thảng thốt, đứa con trai của bà Thoan cũng hơi bất ngờ khi thấy mẹ mình đứng bên cạnh Lam:
- Mẹ!... Lam!... Em... làm... gì... ở... đây?- Giọng chàng trai luống cuống.
Bà Thoan chưa kịp hiểu vì sao con trai mình lại biết tên Lam thì Lam đã quay lưng bỏ chạy. Hình như cô đang khóc... Bà Thoan sửng sốt. Trong đầu bà vừa vỡ ta một ý nghĩ. Chẳng lẽ chàng trai mà Lam kể đến là... Ngay lúc ấy bà chợt hiểu ra nhiều điều.
Trên bầu trời, ở chân trời phía đông, mặt trời chưa lặn mà trăng non đã lên.