(Mã số 18-156)
Thanh đặt chân đến Truồi vào chiều muộn một ngày mùa đông năm 2016. Xứ đạo nhỏ bé nằm lọt thỏm giữa ngọn đồi bạt ngàn đá là đá. Sừng sững hai bên là những tảng đá cao vút, trầm mặc như những pho tượng cổ. Pho nào pho nấy hệt như những khuôn mặt người. Bà nội Thanh nói núi là nơi linh thiêng, ẩn sâu trong nó là một số phận. Chạy xe qua đây những lúc trời còn đẫm sương sớm, ý nghĩ có hàng trăm con mắt đang chòng chọc nhìn mình khiến Thanh gai hết cả người. Thế mà Thanh vẫn cứ len lén ngước lên, như có một hấp lực vô hình nào đó cuốn lấy cô.
Nhà Samari kỳ thực chỉ là một cái lán được chắp thêm phía sau gian mặc áo của nhà thờ. Cha Nên cho dựng cái lán này được hơn ba năm, ban đầu chỉ khám bệnh cấp thuốc miễn phí cho người dân nghèo trong vùng. Dần dà có thêm nhiều bệnh nhân ở xa đến xin lưu lại, cha cũng không nỡ từ chối. Kinh phí và thuốc men do cha Nên vận động nhiều nơi quyên góp. Ngài còn gửi thư tới một số hội dòng xin cử các nữ tu có chuyên môn y tế lên trợ giúp mình.
Chưa bao giờ Thanh nghĩ sẽ đặt chân đến đây. Tháng Mười này cô sẽ nhận sứ vụ truyền giáo tại Pháp, đất nước mà cô mê mệt. Một nữ tu đang phục vụ trên này phải về dòng gấp để chuẩn bị khấn. Thế là Thanh được gọi lấp vào. Không thạo tiếng dân tộc, cô được bố trí phục vụ ba bệnh nhân người Kinh. Cả ba đều không có đạo. Lúc Thanh đến, nhà Samari có hơn chục giường bệnh. Đảo quanh một lượt, cô hỏi: “Sao cha không đưa họ đi trạm xá hoặc chuyển lên tuyến trên?”. Cha Nên nheo mắt: “Ca nào nặng quá mới phải chuyển đi thôi. Ở đây lâu rồi sơ khắc biết, cái họ cần không chỉ là thuốc men thôi đâu”.
Thanh bước đến giường số 3. Đó là một cô bé có khuôn mặt gần như bị biến dạng.
- Ai đưa em lên đây?
- Chú gửi em lên.
- Bố mẹ em đâu?
- Chết hết rồi! Cháy… Mỗi mình em thoát được.
- Sao lại cháy?
- Tại mấy quả táo!
Thanh khựng lại. Cô vuốt lên mấy sợi tóc của con bé:
- Ở đây thích không?
- Thích.
- Sao thích?
- Vì không có ai sợ em như ở dưới kia.
Giường số 4 là bà cụ Hoa với đôi mắt sâu hoắm. Bệnh án không ghi rõ chứng gì. Xét nghiệm ở nhiều nơi vẫn không ra bệnh. Nom bên ngoài không có vẻ gì là người ốm, duy đôi mắt là hốc hác, ánh nhìn man dại. Cha Nên bảo bà cụ mang chứng bệnh của người bị suy nhược lâu năm. Bà Hoa ăn uống lâu giờ, cơm vung vãi khắp giường. Bà vừa trệu trạo nhai vừa liên tục kêu nhức mỏi khắp người. Thanh phải xoa bóp, lại còn lựa lời dỗ ngọt, việc chăm nom rất cực.
Người nằm ở giường số 5 là Tráo, quê ở Cảnh Dương. Tráo có khuôn mặt già, râu tóc nham nhở. Khó mà hình dung người đàn ông nhỏ thó, nằm co quắp đằng kia chỉ mới ba mươi bảy tuổi. Tráo mắc một căn bệnh lạ. Sau một lần đi rừng về, người đột nhiên sốt cao, lông mọc đầy mình. Ăn chực nằm chờ ở nhiều bệnh viện từ Nam ra Bắc vẫn không thuyên giảm. Viện trả Tráo về, suốt ngày chỉ nằm một chỗ, bốc mùi hôi thối. Chị vợ đang phơi phới, chịu không nổi, ôm con trốn đi. Cha Nên nghe tin, đến tận nơi, xót cảnh Tráo cô thế cô thân nên đưa về đây chăm.
Một ngày Thanh giặt khăn với nước chanh pha muối chùi rửa cho Tráo hai lần. Cơm phải bưng tận giường. Tráo cả ngày như người câm. Ai hỏi gì chỉ gật và lắc. Mà hễ mở miệng là văng tục. Thi thoảng mới thấy nói với cha Nên vài câu. Tráo ngủ lưng chừng. Ăn vào cũng chẳng thấy ngon. Cơ thể ngày một héo quắt đi, hốc mắt sâu, nhìn rất hãi. Có lần Tráo đã lầm lì hất văng cả tô cháo gà hãy còn nóng hổi xuống đất chỉ vì nữ tu trực hôm đó nhìn y bằng một ánh mắt khác. Thanh cũng không tránh khỏi cảm giác rờn rợn khi chạm vào Tráo. Ngay lần đầu tiên, cô đã phải kín đáo vào nhà vệ sinh nôn thốc nôn tháo đến không còn một hột cơm nào trong bụng.
* * *
Tầm hơn một giờ sáng thì Thanh dậy. Từ ngày mẹ đi, cô thường xuyên bị thức giấc trong đêm. Những giấc mơ chập chờn. Lúc nào cũng với đôi mắt mọng nước. Chưa vội ngồi dậy, Thanh kéo tấm chăn mỏng lên che lút đầu. Tiếng thở đều trở lại. Nhưng cũng chỉ được dăm ba phút, cô khẽ trở mình, ngồi hẳn dậy. Thanh xỏ dép, đi một vòng xem xét. Mấy hôm nay muỗi nhiều. Cô đến bên giường Cẩm Linh, vén màn xem con bé ngủ thế nào. Linh đang nhắm nghiền mắt, hơi thở đều đều. Thời gian thoi đưa, nhoáng cái đã gần hai tháng Thanh ở đây, vừa chăm sóc vừa dạy chữ cho Linh, cô trò quấn nhau lắm. Tội nghiệp con bé. Nó cứ đinh ninh ba mẹ mất vì những quả táo thật. Cha Nên không muốn những kí ức còn sót lại của con bé cũng khét lẹt như đống tro tàn từ đám cháy nghiệt ngã kia.
Thật ra tổ ấm nhà Linh chỉ êm đềm được một quãng rất ngắn, chính xác là trước khi nó chào đời. Cha Nên bảo nó là đứa con không được chào đón, vì mẹ nó trót mang bầu nên không nỡ phá thôi. Có con với cặp vợ chồng này có thể là diễm phúc, còn với cặp kia thì chưa hẳn. Con bé lớn lên trong một căn chung cư rộng gần trăm thước vuông. Bố mẹ nó ngày đi làm, gửi nó cho nhà trẻ, tan tầm thì đón về. Nhà đã quen với cảnh mỗi buổi tối ở trên giường ngủ, ba mẹ nó mỗi người một chiếc iPhone, chẳng ai nói với ai câu nào. Có lẽ chả riêng gì nhà con bé. Từng phút từng giây trên quả đất này, có ngôi nhà nào mà đêm đêm lại không có những đôi mắt dán chặt lên màn hình điện thoại có hình quả táo cắn dở.
Cha Nên gọi đó là những quả táo có độc. Trong một đêm như thế, bố nó phát hiện trong máy mẹ nó mấy tin nhắn lạ. Rồi thì chuyện gì đến phải đến. Chiếc điện thoại vỡ nát. Cơn ghen lồng lộn. Cãi vã. Cấu xé. Ngoại tình. Rượu. Triền miên rượu. Rồi xăng. Một đêm hãi hùng. Ba nó thiêu rụi tất cả. Hàng xóm phá cửa, Linh may mắn sống sót. Viện bỏng Hà Nội chỉ cứu được tính mạng chứ mãi mãi không trả lại được khuôn mặt trẻ thơ. Linh đơn độc giữa những cái nhìn hắt hủi. Người chú ruột biết tin nhà Samari, khăn gói đưa con bé lên gửi nhờ.
Những gì đang diễn ra dưới gầm trời này chẳng khác mấy với cảnh sắc của một phiên chợ chiều đang phơi trần tất tật vẻ nhố nhăng và ố tạp của nó. Kẻ bán người mua trong khi hào phóng nhặt nhạnh và đổi chác cơ man thứ tình nghĩa nghèo nàn rẻ mạt dường như đã tiện tay vơ vội cái nếp nghĩ quái thai rằng mọi thứ đều ngắn ngủi. Phải vồ lấy, nuốt lấy, ngấu nghiến cho thoả thứ mình đang có trong tay đã rồi hẵng nghĩ đến những chuyện xa xăm. Nỗi sợ hãi cứ thản nhiên sinh ra rồi lớn lên cùng với những trồi sụt của thời cuộc như thế.
Ngẫm ra, cả Linh và Thanh đều là những đứa trẻ bị bỏ lại. Giấc mơ đêm nay của Thanh hoang mang một màu đỏ ối. Hệt như màu của buổi chiều năm ấy. Đến Thanh cũng chẳng thể ngờ cậu trai mười tám tuổi có cặp kính hiền khô, chưa một lần biết làm gì hơn ngoài cái nắm tay lại có thể nhẫn tâm khắc những vết thương đau lên đời một cô gái. Mãi mãi cô không bao giờ quên cái khoảnh khắc bị dúi vào góc lớp sau bữa tiệc liên hoan cuối cấp, giữa nồng nặc hơi men và cấu xé hãi hùng.
Thanh tỉnh dậy trong một phòng học ở dãy C lúc trời đã về chiều. Chiếc áo trắng bị xé toạc, trơ ra những đường chỉ còn khá mới. Tóc tai rũ rượi. Một vệt máu nhỏ loang trên ghế, đặc sánh lại. Ngoài kia, nắng đã nhạt. Từ cửa sổ nhìn xuống, thu vào tầm mắt vừa vặn hình ảnh một cây bàng đứng đơn côi, nhẫn nhịn hứng từng đợt gió thổi sườn sượt. Sân trường vắng lặng, lá vun cồn lại, ngả màu đỏ ối. Sau này, dù có đi qua bao nhiêu mùa hạ, đặt chân lên vô số những cung đường, chỉ cần bắt gặp một sắc đỏ thôi thì lập tức ký ức sẽ dẫn dụ cô tìm về cái màu đỏ ối của ngày hôm ấy. Nhung nhớ hay quên lãng thì cũng đều đau đớn như nhau.
* * *
Đến giữa tháng Tám thì xảy ra chuyện. Mà lại là chuyện lớn. Bề trên giáo phận lệnh xuống phải đóng cửa nhà Samari. Nội trong vòng một tháng phải khẩn trương di dời những bệnh nhân đang lưu trú. Cha Nên cho biết giáo phận chịu sức ép lớn khi liên tục nhận được đơn thư tố cáo về việc ngài chứa chấp người trái phép, lạm dụng việc chữa bệnh để tư lợi cá nhân. Suốt mấy ngày cha Nên ngồi một chỗ trầm ngâm, miệng rít thuốc liên tục. Dạo còn là sinh viên y khoa, nhẵn mặt ở nhiều bệnh viện, chứng kiến vô số mảnh đời leo lét, cha Nên biết rõ những bệnh nhân thực sự cần gì. Sau này được bổ về Truồi, sống với những phận người cơ cực, đau ốm không có tiền chữa trị, trái tim người mục tử trẻ quặn thắt. Câu hỏi "Ai là người thân cận của tôi?" cứ đeo đẵng, buốt nhói. Và rồi ngôi nhà Samari ra đời trong những đêm dài khó ngủ ở vùng heo hút này.
Thế mà cánh cửa của ngôi nhà ấy đang dần khép lại. Từ bao giờ, mọi sự hiền lương thành thật trong cuộc đời này đều buộc phải trải qua những cung đường trơn trượt, lắm thác nhiều ghềnh? Phải chăng khi niềm tin đã phai nhạt thì chẳng còn gì có thể mặn mòi, kể cả lòng trắc ẩn? Thắp lên một ngọn đèn, nhóm lên một bếp lửa trong màn đêm tối tăm và hoang lạnh khó đến vậy ư?
Những bệnh nhân đang nằm kia, những xác thân héo rũ, hết thảy họ chọn cách ở lại vì chẳng còn nơi đâu để đi, hoặc nếu có thì nơi đến không cho họ cảm giác là nhà. Nơi đây họ biết nhõng nhẽo, gắt gỏng, biết hờn biết giận. Nghĩa là còn được sống với tất cả cung bậc của một con người. Hết thảy họ hẳn phải thấm thía lắm về cơn đau đớn của riêng mình. Những cơn đau toát ra từ những góc thật sâu mà cũng chỉ họ biết chẳng có loại thuốc men nào trên trần gian này có thể làm thuyên giảm được. Ngay cả Thanh cũng vậy, sâu thẳm trong lòng, cô cũng là một con bệnh cần được chữa lành. Sâu thẳm trong lòng thế giới rộng lớn này là một nhà thương.
* * *
- Em Vương sẽ đi với mẹ, con đi không?
- Thế bố đâu? Bố không đi với mẹ con mình sao?
- Bố đi với người phụ nữ khác. Chuyện dài lắm. Sau này chị em con lớn, mẹ sẽ kể. Giờ thì nhanh lên, sắp trễ tàu rồi.
- Ứ, con không đi đâu hết. Con ở lại với bà.
- Thanh! Thanh!... Con ơi!
Thi thoảng, hình ảnh mẹ, tiếng nói mẹ chập chờn trong giấc ngủ. Dứt khỏi cơn mê, nhưng Thanh chịu, không thể chợp mắt lại, đành bó gối ngồi thu lu một góc. Thoáng thấy bà cụ Hoa rón rén đi ra vườn. Tò mò Thanh bám theo. Linh cảm về bà cụ bấy lâu với Thanh không dễ gì giải đáp được. Suốt ngày luôn miệng than vãn nhưng mỗi lúc im lặng, cái nhìn của bà lạ lắm, không lẫn vào đâu được. Nghe bảo bà có con cái ở phố, cứ cho là đau ốm thật thì thiếu gì bệnh viện hàng đầu, sao lại chọn cái chốn xó xỉnh này mà nằm. Rồi mấy chuyện xầm xì gần đây liên quan đến sự an toàn của ngôi nhà Samari này. Bà cụ không hay biết có người đang dõi theo mình, lẳng lặng đến trước một hốc đá. Bà mằn mò một lúc rồi quay lưng bước vào nhà. Bây giờ Thanh mới rời khỏi chỗ núp, nhón chân đến hốc đá lúc nãy, trống ngực đập thình thịch. Cô gỡ viên đá nhỏ chét bên ngoài, thọc tay vào lôi ra mấy cái túi màu đen buộc kín mít. Thanh mang cả vào phòng trực. Lần lượt từng chiếc túi được mở ra, mặt cô tái dại đi.
Cả buổi sáng Thanh như người ngồi trên đống lửa, mắt không ngừng dán vào chỗ bà cụ Hoa nằm. Nhưng cô chưa vội, hoắng lên lúc này đâm ra hỏng hết việc. Đợi đến lúc mọi người nghỉ trưa, cô kéo bà ra vườn, chỗ có cái hốc đá.
- Bà biết chỗ này chứ?
- Tôi... tôi... Dạ, tôi... không!- Bà Hoa ú ớ, môi lắp bắp.
- Thế cái gì ở đây? Bà định giấu cha Nên đến bao giờ?- Thanh đanh giọng, bắt đầu lấy ra những chiếc túi bóng màu đen. Toàn thuốc là thuốc.
Bà Hoa quỳ thụp xuống:
- Sơ muốn bao nhiêu tiền tôi cũng cho sơ hết. Trong giường tôi còn một ít nữ trang nữa. Nhưng xin đừng báo với cha Nên, được không?
Thanh bực dọc:
- Tôi không thèm. Thuốc men ở đây khan hiếm, sao lại vứt đi. Được rồi, bà nói đi, bà được người ta cài vào đây để theo dõi cái nhà này phải không?
- Không… Không phải thế! Tôi đem giấu thuốc đi vì sợ uống vào sẽ khoẻ, sợ khoẻ rồi người ta đuổi tôi đi. Chứ không đời nào tôi làm cái việc bạc ác như thế...
Rồi bà bật khóc, vai run lên bần bật. Thanh dìu bà đến ngồi ở một mỏm đất nhô cao. Bà có ba đứa con. Ông mất, chúng nó bàn với mẹ bán nhà ở quê lên phố sống với con cháu cho vui. Tiền chúng đem chia nhau, còn mẹ thì cũng chia nhau nuôi nốt, mỗi nhà một tháng. Ở nhà đứa nào cũng như người thừa cả, suốt ngày ru rú một góc. Bà lại bị chứng run tay, hễ bưng cơm lên ăn là rơi vãi xuống sàn, bữa ăn có khi kéo dài cả tiếng. Mấy đứa con lâu ngày đâm khó chịu. Đến giờ là mấy đứa cháu bưng chiếc khay nhựa đựng thức ăn vào phòng, bảo bà cứ ăn ở đây, bố mẹ dặn không phải ra. Buồn buồn tủi tủi, bà quyết định bỏ đi...
- Cả ngày tôi chỉ thèm một tiếng người thôi.
Thanh ngước lên, nước mắt lưng tròng.
- Sơ đừng đuổi tôi. Không thì tôi lại phải tìm một nơi khác. Rồi lại phải giả đau giả ốm, cực lắm! Cho tôi ở lại đây, thân già này ăn uống có nhiều nhặn gì. Chỉ thèm một tiếng người thôi!
* * *
Cha Nên quyết định sẽ chầu Mình Thánh Chúa vào mỗi buổi tối. Chỉ còn hơn ba tuần, hi vọng phép mầu sẽ đến. Đêm đầu tiên chỉ có cha Nên và nhóm nữ tu. Đến đêm thứ hai thì hầu như các bệnh nhân đều tham dự. Cả Tráo cũng đến. Y lặng lẽ ngồi ở hàng ghế cuối. Hào quang đặt chính diện bàn thờ, xung quanh là những ngọn nến bập bùng cháy. Người tham dự xếp thành một vòng tròn, kẻ quỳ người ngồi, thảy đều kính cẩn. Tấm bánh kia tuy mỏng manh bé nhỏ nhưng lại chứa đựng những nghịch lý khôn cùng. Tối nay, trong hào quang, tấm bánh kết tinh từ muôn ngàn hạt lúa bị nghiền nát. Nhưng chỉ sáng mai thôi, trong thánh lễ, nó sẽ bị cha Nên bẻ ra. Vụn vỡ. Tan biến. Thanh thấy mình trong đó. Cô còn thấy muôn ngàn cuộc đời khác đang bị nghiền nát và trộn lẫn vào nhau. Có khuôn mặt bố, mẹ, em Vương, bà nội. Cả khuôn mặt của cậu bạn cấp ba nữa. Cô thảng thốt khi nghĩ đến lúc tấm bánh bị bẻ ra, liệu những khuôn mặt kia có còn lành lặn hay đã tiêu biến đi trong những hình hài khác.
Không có điện, chỉ có ánh sáng từ những ngọn nến trên bàn thờ nhè nhẹ soi sáng cả một góc của ngôi thánh đường. Cách chiếu toả này thân thuộc lắm, gần gũi lắm, thế mà bao nhiêu năm rồi Thanh mới nhận ra. Phải rồi, đường đi của ánh sáng chỉ có một. Không tương phản hay đối kháng, song là nhẫn nại ôm lấy bóng tối để bóng tối cũng được bừng sáng lên.
Mấy tháng sống với những con người xa lạ, đây là lần đầu tiên cô có cảm giác của một gia đình. Có cái gì đó gọi là nhà dẫu còn mơ hồ lắm, nơi những khuôn mặt vốn xa lạ này. Mỗi bài hát cất lên, có người hát trọn vẹn, có kẻ chỉ mấp máy môi vì không thuộc. Thanh bật khóc ngon lành.
Ngay hôm sau, bệnh của Tráo đột nhiên trở nặng. Người lên cơn sốt, co giật. Sang ngày thứ hai thì mê sảng, miệng rít lên những âm thanh rùng rợn. Cha Nên cho tiêm và chuyền nước. Đến chiều thì cắt cơn. Buổi tối, khi cả nhà đang chầu Thánh Thể ngoài gian thánh thì bên trong, tiếng Tráo gầm gừ:
- Im đi. Câm hết đi, không tao giết!
Thanh định đứng lên, nhưng cha Nên ngăn lại:
- Cứ để mặc Tráo. Để cậu ấy xả hết cho nhẹ lòng. Cậu ta có thể sống được đến hôm nay cũng vì những điều không thể quên được.
Ba ngày sau, Tráo lại lên cơn sốt. Khắp người xuất hiện nhiều nốt ban đỏ. Cha Nên không giấu nổi vẻ căng thẳng:
- Có lẽ phải chuyển Tráo lên bệnh viện. Không còn cách nào khác. Tôi đã gọi cho người nhà của Tráo. Ngặt một nỗi là cậu ta không chịu đi, nói có chết cũng sẽ chết ở đây.
Không khí chùng hẳn xuống. Tiếng cười nói bặt đi. Trên giường, Tráo nằm im bất động.
Chừng hơn hai giờ sáng, Thanh lại tỉnh giấc. Cô chầm chậm vén tóc rồi ngồi lên. Ánh sáng hắt ra từ ngọn đèn ngủ loang loáng bóng người in trên tường. Cô dụi mắt nhìn thật kỹ một lượt rồi hốt hoảng nhào xuống. Tráo đang tiến lại phía giường bà Hoa. Thanh sáp vào kịp lúc cơn dao trong tay Tráo vừa giơ lên. Dùng hết sức bình sinh, cô ôm lấy Tráo, đẩy mạnh. Cả hai ngã xuống giường. Điện bật sáng, có tiếng người la thất thanh. Nằm bên dưới, Tráo điên cuồng quẫy đạp: “Giết, tao phải giết!”. Thanh chồm lên, ghì chặt hai tay Tráo và trong một khoảnh khắc tính bằng giây, môi cô chạm môi Tráo. Trước hàng chục con mắt đờ đẫn lẫn ngờ nghệch đang đổ dồn. Trước những âm thanh ú ớ trong cuống họng. Mọi thứ như ngưng lại. Người Tráo đột nhiên mềm nhũn ra, chân thôi không còn giẫy giụa, con dao trong tay rơi xuống nền nhà.
- A, sơ Thanh thơm chú Tráo!- Tiếng con bé Linh lanh lảnh.
Thanh chầm chậm ngồi dậy, xốc lại áo xống, kéo chăn lên đắp kín ngực Tráo. Cô xua tay ra hiệu cho mọi người đi ngủ, với tay tắt điện rồi trở về giường mình. Màn đêm trở lại với sự tĩnh lặng như trước đó đã từng.
Xe cấp cứu lên đến Truồi khoảng tầm bảy giờ tối, chở thêm mấy người nhà của Tráo nữa. Cha Nên dọn cơm ra, vừa ăn vừa bàn chuyện. Bệnh của Tráo diễn biến nhanh, mạch yếu, tiên lượng rất xấu. Bằng mọi giá phải đưa Tráo đi bệnh viện, còn nước còn tát. Nếu kéo dài, chuyện không may xảy đến, Tráo chết ở đây sẽ rất phiền. Người ta sẽ càng có cớ khép tội nhà Samari. Ăn xong, mọi người xúm cả vào giường Tráo. Một bác thủ thỉ vào tai, nói hay cháu không đi viện thì về nhà. Ở quê tuy không còn vợ con nhưng Tráo còn có nhà, còn bà con họ mạc. Song Tráo nhất mực không nghe, mắt nhắm nghiền, ai bảo gì cũng lắc. Tráo đặt con dao dưới gối, doạ sẽ tự đâm ngay vào cuống họng nếu ai đụng vào mình. Mọi người tản dần ra. Thanh từ dưới bếp đi lên, rẽ đám đông đến ngồi bên giường Tráo một lúc lâu rồi mới ghé vào tai, nhỏ nhẹ:
- Anh Tráo ơi, mở mắt nhìn tôi này. Thanh đây! Chuyện đêm qua, không hiểu sao tôi lại làm thế. Lúc đó tôi cuống quá, nghĩ rằng chỉ có cách đó mới ngăn được anh lại thôi. Đó là cái hôn đầu tiên của tôi đấy, anh Tráo ạ! Nụ hôn của một nữ tu đấy! Mong anh quên đi chuyện cũ và tha thứ cho vợ anh. Cũng là để anh được nhẹ lòng hơn. Mọi người ở đây ai cũng thương anh. Giờ thì để yên cho mọi người đưa Tráo đến bệnh viện, nhé!
Tráo vẫn lặng thinh, hai con mắt vẫn khép chặt. Nhưng những giọt nước bỗng dưng tràn ra. Tráo gật. Chiếc xe hoả tốc chạy trong đêm. Phòng trực về khuya, chỉ còn Thanh ngồi thẫn thờ với cây bút trong tay.
“Mẹ! Có lẽ con không đi Pháp nữa. Con của mẹ sẽ ở lại trên này, với núi rừng heo hút, với những con người đang đói lả tình thương. Chúng con đang cố gắng để ngôi nhà Samari không phải đóng cửa. Nhược bằng không thể, con vẫn có lòng tin rằng, khi cánh cửa nhà Samari này khép lại thì sẽ có những nhà Samari khác được mở ra. Trong trái tim của tất cả mọi người”.
Trưa hôm sau, cha Nên điện lên. Tráo đi sáng nay rồi. Đi nhẹ lắm. Lúc đi, mặt phảng phất cười. Giờ mọi người đang đưa Tráo về nhà.