Nhóc con của mẹ

Văn thơ Công giáo


(Mã số 18-153)
Ngày xưa, cũng không đến nỗi “xưa” lắm đâu, vào thời của các cụ ấy, gia đình là một khối vững chắc và bền chặt. Khi ấy cuộc sống rất đơn sơ, chưa có các phương tiện biết nổ máy chạy lung tung ngoài đường như bây giờ. Khi ấy, chưa nhà nào có cái tủ lạnh để nhồi nhét đồ ăn vào đó, rồi lại lấy thức ăn từ trong đó để nhồi nhét vào dạ dày. Làm kiếp dạ dày thật khổ! 
Chứ sao! Nó hứng chịu mọi phong ba bão táp trong cuộc đời một con người. Khi vui, người ta thích ăn cho căng cái bụng, khiến dạ dày phải làm việc cật lực. Khi buồn, họ chán chẳng thèm ăn gì, làm cho dạ dày chẳng có gì để nhâm nhi, đói! Cứ thế, dạ dày chịu ảnh hưởng trực tiếp của mọi cảm xúc “hỉ-nộ-ái-ố” với đủ thứ áp lực. Có cả câu: “Con đường đi vào trái tim người đàn ông phải thông qua cái dạ dày” nữa cơ mà! Đúng vậy không, đàn ông? Tôi thì đương nhiên là không biết, vì tôi đâu phải là đàn ông. 
Tôi là một phụ nữ, chính xác thì phải nói rằng, tôi là một người mẹ đơn thân. 
Với các cụ ngày xưa, mẹ đơn thân thường là đối tượng thật tội nghiệp. Họ trở thành mẹ đơn thân vì một lý do dở hơi nào đó, để rồi phải cô đơn vùng vẫy giữa cuộc đời. 
Với “các cụ” ngày nay, mẹ đơn thân là một hiện tượng bùng nổ, tưng bừng như cuộc chiến pháo hoa đêm giao thừa. Các nàng trở thành mẹ đơn thân vì cả đống những lý do không tưởng. Và dù các nàng ấy có giàu sang hay nghèo khổ, thành đạt hay lầm lũi, xã hội cũng luôn dành cho họ sự cảm thông sâu sắc.
Mà thôi… “Nói dài nói dai, thành ra nói dại”! Tôi vòng vèo như thế chỉ để chuẩn bị kể cho các bạn nghe về câu chuyện của tôi. Tôi cũng là mẹ đơn thân mà. Nhưng tôi không định kể về cái lý do ngớ ngẩn khiến tôi trở thành mẹ đơn thân. Mà tôi kể về cuộc sống của hai mẹ con tôi. Tôi sẽ nói về việc tôi đã nỗ lực đến thế nào để cậu bé thiên thần của tôi không bao giờ cảm thấy trống trải cõi lòng nhưng luôn dành cho mẹ rất nhiều yêu thương. 
Bố của con tôi tất nhiên không sống cùng tôi. Tôi không yêu nổi ông và không muốn chung sống với ông. Nhưng tôi biết con tôi cần sự chăm sóc của ông. Đó là lý do tôi đã liều mạng thuê nhà gần nhà ông, cách nhau hai dãy phố. Phúc bảy mươi đời cho tôi vì ông có người vợ hiền lành. Không là tôi đã bị xé xác từ lâu chứ chẳng còn lành lặn để hôm nay ngồi lóc cóc gõ nên câu chuyện này.
Ông là một người đàn ông gần 60 tuổi, “cao- gầy-đen” chứ không phải “cao-to-đen-hôi” như ngôn ngữ xã hội vẫn châm biếm, mặc dù vùng không gian quanh ông cũng luôn khét mùi thuốc lá. Vóc dáng mảnh khảnh cùng gương mặt nhăn nhúm của ông khiến tôi hay liên tưởng đến một gã phù thủy lả lướt trên cây chổi biết bay. Tuy cũng có một lần nhìn ông mà tôi không nghĩ đến phù thủy.
Đó là một ngày cuối năm, năm đó là năm nào thì tôi không thể nhớ. Ông đưa con chúng tôi đi chơi. Khi chở con về, tay ông cầm một cây mía rất dài theo phong tục đem lộc về nhà. Lá mía la đà cong dài thả xuống hai vai ông. Tôi chợt nghĩ: “Thiếu mỗi cái Vòng Kim Cô là thành Tôn Ngộ Không!”
Đó, đâu phải lúc nào tôi cũng ngỡ ông là phù thủy đâu!
Tuy nhiên, ông là một người bố rất tận tụy. Ông chăm con rất khéo và đối phó được mọi chiêu trò của con nhằm trốn ăn trốn ngủ. Tôi luôn yên tâm mỗi khi con ở bên nhà ông. Ông cũng luôn dành hết thời gian rảnh rỗi để đón con về nhà chăm sóc, khi tôi dở chứng ốm nặng.
Sau những ngày xa mẹ như thế, thằng nhóc con của tôi thường chạy ùa vào nhà, ôm chầm lấy mẹ mà gào lên: “Mẹ ơi mẹ, con yêu mẹ! Con thương mẹ! Con nhớ mẹ nhiều lắm…”. Rồi nó nhảy phóc lên, chân tay quặp chặt người mẹ. Nếu nó tròn như Đô- rê-mon, cảnh đó sẽ như gấu con ôm thân cây… nào đó. Tôi cũng không biết bọn gấu con thích ôm những cây gì để viết vào đây nữa. Còn tôi thì sẽ hôn con chùn chụt khắp cái bản mặt vô cùng đáng yêu của nó. Tôi sẽ gửi kèm bản mặt ấy cho các bạn dễ hình dung.
Sau màn chào hỏi thắm thiết ấy, thằng nhóc con của tôi sẽ hô hoán triệu tập lũ trẻ hàng xóm đầy nhà. Chúng rải đồ chơi từ nhà trên xuống nhà dưới, cũng may nhà tôi không có tầng lầu chứ không là chẳng biết chúng sẽ nảy nở thêm bao nhiêu ý tưởng.
Rải đồ chơi xong thì bọn trẻ sẽ làm gì? Chơi đồ chơi phải không? Không, không đâu! Chúng nó bỏ đấy, kéo nhau ra sân nô đùa tung tăng. 
Nghe tiếng bọn nó hò hét, tôi lật đật chạy ra, xem có kẻ gian nào đang ẩn nấp rình mò, âm mưu bắt cóc lũ cướp nhỏ ấy không. Và có vẻ tôi đã quá lo xa, bọn trẻ quậy khủng khiếp đến nỗi có lẽ cướp biển vùng Caribe cũng phải chạy tuột dép. Còn tôi, trên quãng đường vài chục mét từ dưới bếp lên trên nhà để ra sân, được liên tục trải nghiệm những cảm giác cực mạnh cùng những món đồ chơi mà tôi đã tặng con mình với tất cả yêu thương.
Mỗi bước đi của tôi là một cái “oạch” trượt ngã vì những cái ô tô nhỏ như bàn chân. Mỗi lần chống tay đứng dậy là tôi vớ được một nắm nhầy nhụa, là gì thì chỉ có Chúa và lũ trẻ mới biết. Rồi sau vài lần trượt ngã đứng dậy, quần áo của tôi trở nên đầy mầu sắc, chủ yếu là những màu mà đến cả các họa sĩ cũng không thể gọi tên. Bao nhiêu hộp màu dành cho việc tập tô vẽ, được đổ hết ra nền nhà. Tôi bàng hoàng nhìn toàn cảnh ngôi nhà thân yêu, trông như vừa có cả một đại quân Mông Cổ tấn công vậy.
Thoát khỏi bãi chiến trường tàn khốc ấy, tôi hai tay chống nạnh, há miệng định gầm lên như một con sư tử chuẩn bị xâu xé con mồi. Nhưng tiếng gầm chưa kịp văng ra đã bị phanh lại đột ngột vì thứ mà tôi vừa nhìn thấy. Vì phanh gấp tiếng gầm để chuyển sang tiếng “oái”, nên âm thanh tôi bất đắc dĩ bật ra khỏi cửa miệng là tiếng “ẳng” của một con chó. Cái váy đẹp nhất của tôi đã “được” cắt te tua! Và thằng nhóc nhà tôi đang đội lên đầu làm tù trưởng thổ dân da đỏ.
Tôi từng xem nhiều phim về thổ dân, nhưng chưa từng thấy tên tù trưởng nào lại ít giống tù trưởng như thằng nhóc-con tôi lúc ấy. Nó cởi trần, vẽ khắp người các loại màu xanh đỏ tím vàng nâu đen, trừ chỗ mặc cái quần đùi. Chân nó không đi dép mà buộc lá chuối trông như hai gói xôi. Một tay cầm gậy giơ lên, tay kia cầm cái vung nồi to nhất trong nhà, nó dài mỏ tru lên thứ âm thanh nghe như tiếng chó con khát sữa. Hơn chục đứa trẻ hàng xóm mình đầy màu sắc thi nhau nhảy múa xung quanh nó như dân Ca-mơ-run cầu mưa.
Tôi rơi vào trạng thái không biết nên bò ra cười hay hét lên quát tháo. Đứng hình vài giây, tôi quyết định lùa hết chúng nó về nhà tắm rửa kẻo nhân viên của trại Tâm thần đến hốt chúng đi.
Đằng nào chúng cũng đang bẩn như hủi. Tôi bắt chúng dọn dẹp đồ chơi, lau sạch nhà cửa rồi mới vào phòng tắm. Chúng hân hoan làm việc cứ như một cuộc chơi. Với ba mươi phút và hơn chục đứa trẻ, ngôi nhà đã ngăn nắp đâu vào đấy. Nền nhà cũng đã được lau sạch bóng. Tôi lùa chúng vào phòng tắm.
Đứa lớn nhất 6 tuổi, còn lại toàn bọn lít nhít từ 3 đến 5 tuổi, nên tôi cho bọn nó tắm chung. 
Nửa giờ sau, chúng sạch bong thơm phức, lần lượt ra khỏi nhà tắm. Con tôi 5 tuổi, đứa 6 tuổi cũng mặc vừa quần áo của nó. Nhưng bọn nhỏ hơn thì rộng thùng thình. 
Mặc quần áo xong, chúng lại nhảy loi choi khắp nhà như một bầy lợn con xổng chuồng. Tôi cắn răng chịu đựng trong khoảng mười lăm phút thì các bố mẹ lũ trẻ đến tìm chúng về. Tôi thở phào nhẹ nhõm, vậy là chiến tranh đã chấm dứt, trả lại cho tôi những giờ phút bình yên. Ơn Chúa!
Quay sang ôm con vào lòng, tôi trìu mến nói: “Mình ăn cơm con nhé…”
“Tí nữa mẹ ạ!”- Thằng nhóc kêu lên.- “Bây giờ mẹ làm ngựa cho con cưỡi, làm máy bay cho con bay một lúc rồi con mới ăn cơm được…”
“Úi giời!”- Tôi nghe mà muốn xỉu. Vừa cật lực “cạo sạch” người cho hơn chục đứa trẻ, đã đủ tiêu hao hết năng lượng của tôi, giờ lại phải bò ra nhà làm ngựa cho một thằng nhóc 5 tuổi cưỡi đi chơi nữa! Chết con mất, Chúa ơi…
Bò bằng bốn chân, à quên, tôi bò với hai bàn tay và hai đầu gối với cậu con trai yêu quý trên lưng. Ì ạch được vài vòng quanh nhà thì tôi đưa ra đàm phán:
“Con ơi, mẹ mỏi lưng lắm rồi, mỏi cả chân và tay nữa… Chắc lưng mẹ sắp gẫy làm đôi rồi ấy, con ạ…”
Thằng nhóc tỏ ra thương cảm:
“Thế hả mẹ…? Mới đi được có mấy bước mà lưng mẹ đã sắp gẫy làm đôi rồi á? Khổ thân mẹ thế!”
Tôi “ngả theo chiều gió” luôn:
“Khổ lắm con! Mẹ lại còn mệt nhừ cả xương nữa rồi cơ… Chắc không bò được tiếp con à!”
Nó nhảy xuống cái bịch:
“Mẹ nằm sấp xuống chiếu đi, con đấm lưng cho!”
“Ừ đây…”
Tôi nghe con trai nhỏ nói thế thì mở cờ trong bụng, nuôi mãi mới có ngày được nó phục vụ cho. Thật tuyệt vời.
Nhưng hỡi ôi! Nó đấm lưng cho mẹ mà như đánh nhau với kẻ tử thù. Ngồi hẳn lên lưng mẹ, hai nắm tay nó đấm lia lịa, miệng không ngừng hô “cha chả cha chả”.Tôi tưởng như xương mình sắp vỡ vụn.
“Thôi thôi con ơi…”- Tôi hốt hoảng van xin.- “Mẹ hết đau lưng rồi. Con xuống đi!”
Thế là nó nhảy sang một bên chiếu, hớn hở vì thành tích vừa đạt được:
“Đấy, mẹ thấy con có giỏi không? Lần sau mẹ mà đau lưng thì cứ bảo con nhá!”
Tôi vừa nói vừa đi như chạy xuống bếp:
“Không, không! Lần sau mẹ không đau lưng nữa đâu con…”
Tôi dọn cơm lên. Nhóc Kin của tôi thích ăn thịt băm viên sốt cà chua, su su xào và lạp sườn chiên. Tôi nấu đúng sở thích của nó. Nhìn mâm cơm, thằng nhóc reo lên:
“A… cơm hôm nay đẹp quá! Màu vàng này, màu đỏ này, màu xanh nữa này… Nhiều màu nhỉ, mẹ nhỉ!”
“Ừ… Mẹ làm toàn món con thích đấy, con ăn ngon miệng nhé!”
“Vâng, con sẽ ăn thật nhiều. Ăn cả năm bát cơm luôn!”
“Rồi, ăn đi con!”. Tôi biết nó cao hứng nói thế chứ cái bụng nó cùng lắm là đựng được một bát cơm. 
Nó nhanh nhảu làm dấu, tung hoành ngang dọc lia lịa cả chục lần. Đến lần thứ mười một, tôi cáu:
“Đủ rồi đó con! Chúa chóng mặt rồi đấy!”
Nó toe toét và không “Nhân danh Cha” nữa, nhưng cái miệng vẫn léo nhéo đủ chuyện như máy khâu.
Tôi xới cơm cho nó và giục nó ăn, kẻo nó cứ huyên thuyên thì có mà đến sáng mai. 
Tôi đã nhiều lần bảo nó, khi ăn chỉ nói chuyện từ tốn. Nhóc con của tôi á, còn lâu mới lớn đến mức đấy, nên nó vừa ăn vừa ồn ào kể chuyện:
“Mẹ ơi nhá, đêm qua con mơ thấy mẹ chở con đi chơi cơ…”
“Thế hả con? Hai mẹ con mình đi đâu?”
“Đi đến một cái vườn trẻ to đùng, rất nhiều đồ chơi, nhiều trò chơi, nhiều cả các bạn nữa… Còn có cả Chúa Giêsu cơ nhá…” 
“Thế à!”- Tôi tỏ ra hứng thú.- “Con kể mẹ nghe xem nào…”
Thằng nhóc vừa sì sụp húp canh vừa hớn hở: 
“Con mơ thấy mẹ chở con đi vườn trẻ rất to… Con đang chơi thì Chúa Giêsu đứng cạnh con, Chúa Giêsu cười với con và còn chơi đu quay với con nữa…”
“Thế cơ à!”- Tôi cười.- “Rồi Chúa Giêsu có nói gì với con không?”
“Có! Chúa Giêsu nói là Chúa luôn ở trong trái tim của con đấy… Chúa còn bảo con đừng sợ ma, đừng sợ trời tối, vì Chúa lúc nào cũng ở bên con…” 
“Vậy từ nay con đừng sợ nữa nhé…”- Tôi vừa ăn, vừa liếc nhìn con. Chắc tại chiều nào cũng chở nó đi lễ nên nó mơ thấy cả Chúa Giêsu đây…
Rồi nó cứ thế tuôn đổ cõi mơ của nó với mẹ đến hết bữa cơm. Khi mẹ nó bê mâm cơm xuống bếp dọn dẹp rửa bát, nó cũng lẽo đẽo theo sau luôn miệng nói tiếp. Mẹ nó đã quen nghe những câu chuyện trời ơi đất hỡi này quá rồi, cứ “ha hả” cười và “ừ hử” cho xong thôi.
Tối. Trước giờ ngủ, nhóc Kin của tôi thường “dâng lễ” thế này: Nó sẽ trịnh trọng đưa tay lên làm dấu: Nhân danh Cha và Con và Tránh Trần (Thánh Thần - Nó vẫn ngọng, cũng may Chúa Thánh Thần là bậc thầy ngôn ngữ, Ngài thừa sức tự dịch ra tên của Ngài trong giọng nói của một đứa trẻ). Tôi thưa: Amen. Rồi nó hô: Chúa ở cùng anh chị em. Tôi thưa: Và ở cùng cha. Nó nói tiếp: Anh chị em hãy chúc bình an cho nhau. Lúc này thì tôi phải bắt tay nó và hai mẹ con chúc nhau bình an. Sau đó mới nằm xuống ngủ.
Nhưng tối nay, nó không dâng lễ mà gối đầu lên tay mẹ gạ gẫm:
“Mẹ ơi, mình tâm sự đi!”
Tôi nhéo nhẹ cái má hồng hồng của nó:
“Ừ, con có tâm sự gì thì nói đi…”
Không biết bọn nhóc 5 tuổi ngoài kia có những tâm sự gì, nhưng thằng nhóc nhà tôi hôm đó thì mang nặng nỗi niềm thế này. Gương mặt nó trở nên rất nghiêm trọng, đôi mắt biểu hiện một nỗi buồn nghiêm túc. Nó nỉ non:
“Sáng nay ở lớp ấy, con đang chơi cái quay quay thì con thấy mẹ vào lớp đưa túi nhãn cho cô giáo. Con vui ơi là vui, cứ tưởng mẹ sẽ cho con về luôn với mẹ… Con chạy đi cất cái quay quay… Nhưng khi cất xong thì mẹ đã đi về mà không cho con về với… Con buồn lắm… Nên khi cô giáo cho con ăn quả nhãn, con mới không ăn…”
Nói xong, nhóc đưa cánh tay gạt nước mắt. Tôi chạnh lòng ôm con vào lòng, cảm thấy vô cùng áy náy vì đã khiến nó tổn thương.
“Vậy là con tưởng mẹ sẽ đưa con về luôn à?”- Tôi nhỏ nhẹ hỏi nó.
“Vâng…”- Nó gật gật, vẫn đưa tay gạt nước mắt.- “Nhưng khi con cất cái quay quay đi thì không thấy mẹ đâu nữa…”
“Ôi… Mẹ xin lỗi con…” 
Tôi nói giọng xúc động, chợt hiểu là nó đã rất hụt hẫng. Lẽ ra tôi nên vào lớp chào hỏi con một chút, ôm hôn con một cái và giải thích là con phải ở lớp chứ không về với mẹ được. Như thế nó sẽ không tổn thương. Cách nghĩ và cảm xúc của trẻ thường không bao giờ giống người lớn. Để hiểu chúng, người ta phải thật sự biết lắng nghe. Không chỉ nghe thứ ngôn ngữ thốt ra từ cửa miệng, mà còn phải nghe được những âm thanh phát ra bởi cõi lòng. Cảm nhận và trân trọng chúng.
Sau một hồi vỗ về, thằng nhóc cũng chìm vào giấc ngủ trên cánh tay mẹ. Vuốt mái tóc của một thiên thần tí hon đang say giấc, lòng tôi dâng lên những yêu thương đầy ắp tâm hồn.
Có lần, nhóc Kin của tôi bị nhiễm bệnh Chân-Tay-Miệng theo “phong trào chung” của trẻ em toàn quốc. Năm đó dịch bệnh bùng nổ. Các bệnh viện nhi chật ních những em bé lốm đốm xanh đỏ trên người, khiến người ta dễ liên tưởng đến bộ phim “Những chú chó đốm”.
Bây giờ tôi kể lại thì giọng có vẻ anh hùng vậy thôi, chứ lúc đó tôi lo cho con đến xót cả ruột. Vì nhà bố nó đối diện bệnh viện trẻ em của thành phố, lại có nhiều bác sĩ là hàng xóm xung quanh, tôi đành nuốt nhớ thương để con ở cùng bố suốt thời gian bị bệnh. 
Nhưng trẻ con đâu có biết nuốt nhớ thương. Nó nhớ mẹ đến nỗi nằng nặc đòi về với mẹ. Bố nó đàm phán được là chỉ về rủ mẹ đi dạo quanh công viên thôi, rồi lại ở với bố cho đến khi khỏi bệnh. Nó đành chấp nhận, vì nếu không đồng ý thì bố nó sẽ không chở đi gặp mẹ. 
Hẹn ở cổng nhà thờ An Tân. Trước đây gọi là nhà thờ Rinh, theo phiên âm tiếng Pháp. Sau ngày Hải Phòng giải phóng thì người ta đổi sang tên Việt Nam là nhà thờ An Tân, nghĩa là sự đổi mới trong bình an.
Hôm đó tôi lại mắc việc một chút nên đến muộn khoảng 15 phút. Vừa dựng xe trong sân nhà thờ xong quay ra đã thấy nhóc Kin đứng cạnh bố, thiết tha nhìn mẹ. Đôi mắt nó khi ấy chan chứa trăm ngàn nỗi nhớ, triệu triệu yêu thương. Bộ dạng của nó hướng trọn về mẹ cứ như phải xa mẹ cả thế kỷ rồi vậy.
Tôi vội vàng chạy đến bế con. Con thì lũn cũn chạy đến với mẹ, nhảy vào lòng mẹ. Hai mẹ con ôm nhau thổn thức.
Mười ngày sau nhóc Kin khỏi bệnh, được về với mẹ hắn thích lắm. Hắn tung tăng nhảy múa khắp nhà, miệng liên tục hát hò bất cứ câu hát nào mà hắn nhớ. Lộn xộn và xáo trộn, nghe như một kiểu nhạc tổng hợp vậy.
Một buổi tối kia, tôi hẹn nhóc con đi chơi. Ăn cơm xong thì thấy trời chuyển màu xám, chắc sắp mưa. Tôi bảo nó:
“Trời đang có sấm chớp kìa con, thế là không đi chơi được đâu. Để hôm khác nhé?”
Nó gào:
“Không, không mưa đâu mẹ ạ!”
Rồi nó khệ nệ ôm cái ghế ra giữa đường, cũng may đường ngõ lúc đó ít người qua lại. Nó đứng lên ghế, tay chống nạnh, tay chỉ thẳng lên trời, quát:
“Cái thằng sấm chớp kia… Im ngay! Không được mưa! Để Kin đi chơi chứ!”
Mấy bà hàng xóm trợn mắt nhìn thằng nhóc:
“Thằng này to nhỉ!”
Quát sấm chớp xong, nó le te chạy vào nói với mẹ: 
“Mẹ ơi mẹ, trời không mưa nữa đâu! Thay quần áo đẹp đi chơi đi mẹ…”
Tôi không biết phải nói sao, nên đành đủng đỉnh đi thay quần áo. Mặc cho nhóc con bộ đồ nó thích nhất, hai mẹ con tôi đi về phía cơn mưa, vì nơi đó có cái vườn trẻ mà nó thích nhất.
Vừa đi tôi vừa thấp thỏm lo lắng. Sợ mưa trút xuống thì ốm cả mẹ lẫn con. Nhưng không, Chúa Trời nhiều khi cũng chiều lòng con nít. Cơn mưa đen sì dần tan biến theo những làn gió. Bầu trời lại cao lồng lộng, lấp lánh những vì sao. Thằng nhóc hớn hở nhìn lên trời:
“Đấy, mẹ thấy chưa, con đã bảo là không mưa đâu mà!”
Tôi cười:
“Ừ nhỉ… Đúng là không mưa thật!”
Thằng nhóc hào hứng:
“Tại vì con bảo thằng sấm chớp là đừng mưa, để con đi chơi với mẹ. Thế là sấm chớp nó không mưa nữa, chắc nó cũng đi chơi với mẹ nó đấy, mẹ ạ.” 
* * *
Một ngày kia, người ta nói nhỏ với tôi rằng, có một người thanh niên hơn tôi 3 tuổi, còn độc thân, kinh tế rất khá, sống rất đàng hoàng tử tế. Họ bảo tôi nên suy nghĩ đến việc lập gia đình, có chồng bên cạnh vẫn hơn là sống đơn lẻ.
Tôi cũng suy nghĩ khoảng vài tháng về điều đó. 
Đúng là nhiều khi tôi thấy rất cô đơn. 
Đúng là nhiều khi tôi ước ao có một bờ vai cho mình nương tựa. 
Đúng là nhiều khi tôi thèm khát được ôm vào lòng… 
Tiếng gọi của bản năng trong tôi thật ra chưa bao giờ im lặng. Tôi vẫn luôn sống với những ước mơ phải chôn chặt. Nhưng, tôi luôn băn khoăn rằng, liệu người đàn ông mà tôi sẽ lấy làm chồng đó, có thể yêu thương con tôi được không? Tôi là mẹ nó, cưu mang nó trong người suốt chín tháng mười ngày gian khổ, chịu bao đớn đau sinh ra nó, bao vất vả chăm sóc nó. Vậy mà nhiều khi tôi còn thấy nản. Nhiều khi tôi còn muốn nổi điên lên. Huống chi một người đàn ông không có chút liên hệ gì về huyết thống đối với nó. Điều gì sẽ giúp họ chấp nhận con tôi? Điều gì sẽ khiến họ kiên nhẫn được với con tôi? Điều gì sẽ giúp họ yêu thương nó? Tôi có thể tin được ai, khi mà ngày ngày vẫn đầy ắp những tin tức về tội ác?
Đó là chưa kể, đây là Việt Nam. Tuy thời nay tư tưởng người ta đã thoáng hơn nhiều, nhưng liệu gia đình và họ hàng của người đàn ông đó có sẵn sàng chấp nhận hai mẹ con tôi? Biết bao cuộc hôn nhân môn đăng hộ đối cũng còn tan tành, huống chi…
Tôi cân nhắc thật kỹ và thấy rằng mình không thể phạm sai lầm thêm một lần nữa. Quyết định của tôi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến con tôi. Và cái giá phải trả cho một lần ngây dại nữa, có thể là thảm họa khôn lường... 
Không! Tôi quyết không cho phép mình làm theo tiếng nói của bản năng. Có nhiều cách để sống hạnh phúc mà không nhất thiết phải có một gia đình với chồng với vợ. Tôi thấy mình đang rất hạnh phúc bên nhóc con của tôi. Mục đích chính của đời tôi là đem lại tiếng cười cho Thiên thần nhỏ ấy. 
Mặt khác, tôi cũng được nâng đỡ nhiều trong đời sống đức tin. Tôi dành nhiều thời gian cho việc cầu nguyện. Và càng ngày, tôi càng được Chúa dắt đưa vào sự hiện diện vô biên của Ngài. Tôi gặp được nơi Chúa một tình yêu nồng thắm diệu kỳ. Ngài khiến trái tim tôi đầy ắp và bản năng tôi được bình thản. Có Chúa, tôi không còn thấy mình cần một người chồng nữa.
Đến ngày phải trả lời bà mai mối, bà đến nhà tôi và tấm tắc khen con tôi xinh trai quá. Tôi trả lời bà rằng tôi từ chối gặp mặt và muốn sống độc thân thế này. Bà ngạc nhiên lắm. Luôn miệng bảo tôi đã bỏ qua một cơ hội tốt. Tôi cười và nói mẹ con tôi đang sống rất tốt, không muốn bị chen ngang bởi một người đàn ông nào cả. Bà ấy đứng dậy đi về luôn.
Nhóc con của tôi ngước lên hỏi mẹ:
“Sao bà có vẻ bực tức thế hả mẹ?”
Tôi cười vẻ bí hiểm:
“Vì mẹ không đi chơi với bà…”
Thằng nhóc ngạc nhiên:
“Bà đến rủ mẹ đi chơi á? Đi chơi với bà ấy có phải là mẹ đi lấy chồng không?”
Tôi tròn mắt:
“Sao con nói thế?”
Nó don dỏn:
“Con cũng nghe thấy bà ấy nói với mẹ mà. Mẹ đi lấy chồng có phải là mẹ sẽ mặc váy cô dâu không? Rồi có tiệc, có ca nhạc nữa đúng không?”
“Ừ, đúng rồi con!” 
Nó chợt cáu:
“Ui giời ơi… Sao mẹ không đi lấy chồng đi để con được thấy mẹ làm cô dâu? Con thích đi đám cưới mẹ lắm. Mẹ phải lấy chồng đi chứ!”
Tôi phì cười:
“Haha… Mẹ mà lấy chồng thì làm sao đi vườn trẻ chơi với con được?”
Nó thộn ra:
“Thế á!”
“Đúng rồi con!”- Tôi khẳng định. Nó nghĩ ngợi gì đó khoảng hai giây, rồi ôm cổ mẹ:
“Thế là mẹ thích chơi với con hơn chứ gì… Mẹ yêu con nhiều lắm đúng không?”
“Đúng rồi đấy, mẹ yêu con nhiều lắm, nhóc con của mẹ ạ!”