CHIA SẺ MỪNG NĂM THÁNH - Bài 5
MỞ LỐI CHO NGƯỜI TA TỰ KHÁM PHÁ
Sự phân định Đức Thánh Cha nhấn mạnh không chỉ ở trên bình diện tâm linh, nhiều khi khó hình dung được. Đa số những trường hợp Đức Thánh Cha nhắc đến đều là chuyện giữa đời thường.
Hôm kia tôi nghỉ lại ở nhà xứ một cha bạn. Sáng dậy, cha cho một em sinh viên dọn đồ lễ và giúp lễ cho tôi. Em ở đây vừa đi học, vừa giúp việc nhà xứ trong khi chờ xin vào chủng viện. Tôi rất kinh ngạc thấy em làm mọi việc thật chu đáo, nhận ra và đáp ứng đúng mọi sự cách chính xác và nhanh nhạy. Gia đình đã đào tạo cho em có được khả năng phân định và ứng xử rất tốt ngay từ nhỏ, khả năng quan trọng bậc nhất của một linh mục tương lai. Ước gì mọi phụ huynh đều biết tập cho các cháu nhỏ biết luôn sống như thấy Chúa đang nhìn mình, và nhờ đó, biết cân nhắc nhận định, biết phân biệt điều chính với điều phụ, việc trước với việc sau để làm mọi việc đúng lúc, đúng thời, hợp tình, hợp cảnh, rồi sau khi làm biết nhìn lại rút kinh nghiệm. Đào tạo khả năng phân định cho các cháu như thế là điều, nhờ ơn Chúa, các phụ huynh có thể làm được (KvG, trang 305).
GIÁO XỨ NAM BAN: TỪ 0 ĐẾN 5.314 TÍN HỮU
Bạn có thể đi từ những ghi nhận như thế để tiến dần tới kinh nghiệm phân định tâm linh. Xin đan cử một ví dụ khác: Một câu chuyện xảy ra trong lịch sử một giáo xứ thuộc giáo phận Đà Lạt, khá giống với câu chuyện mẻ cá bên hữu thuyền. Một nữ tông đồ giáo dân đã rong ruổi khắp khu vực ấy nhiều năm và không tìm thấy một người Công giáo nào. Thế rồi hai mươi tám năm sau đó, người ta đọc thấy trong bản thống kê năm 2014 trên mạng Simonhoadalat: Giáo xứ Nam Ban, 5.314 tín hữu.
Đầu tháng Năm mới đây, Đức giám mục phó đương nhiệm của Giáo phận Đà Lạt bảo tôi: “Anh hãy viết giúp lại câu chuyện vì nó là một chứng từ đáng nhớ”. Cuối “câu chuyện hạt cải” ấy, tôi đúc kết được một điều: “Vai trò của bà Long là đã có sáng kiến dùng một bức ảnh Chúa để đánh thức đức tin và đức mến đang bị ngủ quên và đã dùng một quyển sách kinh để quy tụ mọi người thành một Hội thánh nhỏ.”
BỨC ẢNH CHÚA VÀ QUYỂN SÁCH KINH
Mời bạn đọc một trích đoạn:
“Khoảng buổi học thứ ba hoặc thứ tư, bà Long phấn khởi khoe:
- Cha ơi, con đã khám phá được năm gia đình Công giáo ngay chỗ thôn con.
- Làm thế nào bà biết được họ?
- Con đã chưng một ảnh Chúa thật lớn ở chỗ con bán hàng. Người nhìn thấy ảnh Chúa mà giật mình, bối rối, con biết ngay đấy là người Công giáo. Con tìm đến thăm họ và khuyên họ lập bàn thờ ở phòng ngoài, đưa ảnh Chúa lên đấy, đừng giấu trong buồng.
Mấy năm trước đó, sau Thượng Hội đồng Giám mục 1980 về Gia đình, Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa gợi ý cho tôi soạn một quyển sách kinh cho các gia đình. Sau mấy bản nháp sửa đi sửa lại, tôi đã có được quyển sách in lụa khá tươm tất mang tên “Kinh Nguyện Gia Đình”. Tôi giao cho bà Long 6 quyển, tặng 6 gia đình. Với sự năng động đầy sáng tạo của một người mới tin Chúa, bà Long đã dùng 6 quyển sách quy tụ tất cả thành một liên gia Công giáo. Khi một gia đình trong nhóm có việc, họ dựa theo quyển sách để cầu nguyện chung. Dần dần có thêm những người khác mạnh dạn xưng mình là Công giáo, mạnh dạn nhập cuộc. Bà con lương dân lắng nghe các buổi cầu nguyện và nhận xét rất tích cực:
- Phải cầu như mấy người Công giáo mới có nghĩa có lý, chứ chúng mình bao lâu nay cứ xưa bày nay làm mà chẳng có nghĩa có lý gì cả…”
Xin đọc trọn câu chuyện tại:
http://www.simonhoadalat.com/giaoducgd/SuyTu/189CauChuyenHatCai.htm
CON ĐƯỜNG TỰ KHÁM PHÁ
Trên đường tâm linh, kinh nghiệm phân định được Đức Thánh Cha tóm tắt nơi hai tiếng xét mình. Trong lãnh vực mục vụ, ta nói rộng ra là nhìn lại và rút kinh nghiệm. Kinh nghiệm ở đây là gì?
Điều người phụ nữ này đã tình cờ làm được là giúp cho hạt giống đức tin đang bị vùi lấp, che đậy, được phơi bày ra ánh sáng, đồng thời khiến nhiều người lương phải suy nghĩ và tìm hiểu về đạo Chúa. Có thể nói nó là một quy mô nhỏ của kinh nghiệm phát sinh độc đáo và đầy hiệu năng của Kitô giáo Hàn Quốc: tự khám phá và, nhờ đó, rất xác tín.
Tại Việt Nam, chúng ta đã vô tình gây cho nhiều người ấn tượng bị ép buộc theo Đạo, do nể nang mà theo Đạo. Chúng ta cần có những dụng cụ tốt, đầy tính gợi ý, trao vào tay mọi người, cả giáo và lương, để họ tò mò tìm hiểu và đi tới chỗ xác tín. Ở trường hợp bà Long, dụng cụ ấy là quyển Kinh Nguyện Gia Đình, phiên bản ban đầu. Nay quyển sách được biên soạn lại công phu hơn, chọn lọc hơn, chắc hẳn tính gợi ý của nó càng lớn hơn.
Thật ra mấy ai trong chúng ta có được thói quen của các tín hữu Tin Lành là đi đâu cũng nói về Chúa, gặp ai cũng tìm cách nói về Chúa? Mấy ai biết phải nhập đề thế nào để thông điệp đi ngay vào lòng người và biết phải nói những gì để câu chuyện được hồn nhiên, không có vẻ tuyên truyền áp đặt? Mà nếu không trao đổi thì làm sao hoàn thành được lệnh truyền: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15)? Nếu bạn không biết cách vào chuyện thì hãy tạo dịp cho người ta hỏi để trả lời.
Giữa lúc người ta đang lúng túng tìm một hướng đi cho bản thân, cho con cháu, cho gia đình và cho tình nghĩa gia tộc, những chỉ dẫn trong quyển Kinh Nguyện Gia Đình Và Gia Lễ Công Giáo gợi mở cho họ những định hướng dễ hiểu, chính xác, khả thi và giàu hứa hẹn cho việc đổi mới bản thân, dạy dỗ con cái, xây dựng hạnh phúc gia đình và tình nghĩa gia tộc. Những đoạn chỉ dẫn ấy vừa đủ để khiến người ta chú ý tới vấn đề và bắt đầu suy nghĩ.
Vâng, quyển sách mỏng đang mở lối cho nhiều người tự khám phá để lặp lại cái khởi đầu của Hội thánh Hàn Quốc ở một quy mô nhỏ.
Điều gì sẽ xảy ra nếu mỗi gia đình tín hữu có con dâu hay con rể từ gia đình lương dân, đều tặng quyển sách này cho phía sui gia của mình? Điều gì sẽ xảy ra nếu trong lễ gia tiên dịp cưới hỏi, ta trao quyển sách vào tay quan viên hai họ mời mọi người cùng theo dõi nghi thức? Điều gì sẽ xảy ra nếu trước bữa giỗ hiệp thông người ta chỉ cần nghe vài lời nguyện ngắn cũng đủ thấy rõ ý nghĩa sâu xa của tình hiệp thông giữa người sống với người đã khuất, thay vì những bài văn ê a rườm rà mà rỗng nghĩa? Bạn chưa cần mua quyển sách, hãy tải xuống từ mạng internet, chép vào điện thoại và đọc thử, bạn sẽ thấy hướng trả lời cho những câu hỏi ấy. Mời vào
TẠO DỊP CHO HỌ THẮC MẮC VÀ SUY NGHĨ
Hãy tạo dịp cho họ thắc mắc và suy nghĩ. Có những người lắng nghe khi linh mục chia sẻ lời Chúa trong lễ cưới và lễ tang. Thế nhưng số người tham dự thánh lễ không nhiều, nếu có điều muốn hỏi, đang giờ lễ họ chẳng biết hỏi ai. Còn nếu tại nhà hiếu, có sẵn mươi, mười lăm quyển sách để sẵn tại bàn nhằm tiện dụng cho những ai muốn có thể dùng để cầu nguyện vài phút, nhất là khi cầu nguyện chung… thì bất cứ người nào đến phúng viếng, đang khi ngồi uống trà, hiện diện phân ưu với tang chủ, cũng có thể cầm lên tò mò xem và bắt đầu hỏi. Và nếu bạn muốn, chính bạn cũng có thể cầm lên trước để mở đầu câu chuyện, phải không, hỡi bạn hội viên Legio Mariae?
Một tình huống khác: Vừa qua, truyền thông đã tạo nên sự ngộ nhận lẫn lộn giữa nhóm Hội thánh Đức Chúa Trời và Giáo hội Công giáo. Bạn đã gặp không ít anh chị em người lương đang một lần nữa lầm tưởng Hội thánh Công giáo chủ trương bỏ ông bỏ bà… Cách dễ nhất để giúp họ hiểu rõ vấn đề là đưa quyển sách cho họ và chỉ cho họ xem những trang chỉ dẫn thực hành về lễ gia tiên và kỵ giỗ.
Nào, bạn hãy bắt đầu xem. Hãy tạo dịp cho mỗi anh chị em lương dân quanh ta phải tự vấn sâu xa về những vấn đề nhức nhối của họ. Và chính bạn nữa, hãy đọc các chỉ dẫn trong đó, suy tư và áp dụng, để có thể tham gia trả lời cho họ bằng chính kinh nghiệm sống của bạn. Tôi vẫn có cảm tưởng đây là một món quà chính Chúa đang trao tặng để an ủi Dân Ngài sau những đêm luống công vất vả. Hình như một năm thánh mini, chỉ dài 5 tháng và 5 ngày là cơ hội để ta thử mở lòng ra cho ơn an ủi của Chúa…
Lm Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh