Mẹ Hằng Cứu Giúp

Quang X Nguyen

MẸ HẰNG CỨU GIÚP


Cha của tôi là một người đàn ông đĩnh đạc. Dáng người thanh mảnh, dong dỏng cao. Cha không được ăn học nhiều lắm nhưng bạn của cha vẫn cho rằng Cha là người lịch lãm. Còn với tôi, cha vẫn luôn là người cha nhân hậu, hết mực yêu thương chúng tôi, và là bóng mát che phủ cuộc đời chúng tôi.

Cha tôi mồ côi mẹ năm lên bốn, rồi mồ côi cha năm mười bảy tuổi. Nhưng hạnh phúc lớn lao mà nội tôi trao cho Cha, là được làm con nuôi ông Cố Gioan trước khi nội tôi qua đời. Ông Cố Tây cưu mang cha, cho ăn học, giúp lễ, và giúp việc ở trong nhà hưu ở Toà Giám Mục Quy Nhơn. Cho đến ngày trưởng thành, Ông Cố Tây cầm trầu rượu đi qua bên cô nhi viện Saint Paul để cưới mẹ tôi cho cha. Người ta lấy làm lạ vì lần đầu họ thấy ông cố Tây làm sui gia với một bà soeur.


Ấy thế mà “hạnh phúc ở quanh đây đâu phải chuyện bất ngờ”… Chúng tôi lần lượt ra đời trong tình yêu thương của cha mẹ. Mẹ tôi, một người con gái xứ Nghệ, sống trong trại mồ côi từ năm tám tuổi, được các Nữ Tu Dòng Thánh Phaolô nuôi dưỡng dạy cho nghề y tá, và dạy cho bao điều quý giá.

Tôi là đứa con thứ tư trong sáu anh chị em. Cha mẹ thương tôi nhiều lắm vì tôi là đứa yếu đuối nhất nhà. Yếu cả về thể lực cũng như yếu về tâm tính. Tôi còn nhớ hồi nhỏ tôi hay khóc và dường như không tự quyết được một điều gì. Anh Tư tôi hồi đó hay bày trò chọc ghẹo tôi, anh lấy một cây bút chì, lấy một cây kim có sợi chỉ, anh cắm cây kim vào cục tẩy của cây bút chì rồi cầm lấy sợi chỉ, anh bắt tôi đưa tay ra và anh gọi là… câu chì! Cây bút chì chạy tới chạy lui trên tay tôi rồi chạy vòng tròn… vòng tròn. Anh phán một câu xanh lè: chạy dọc là con trai, chạy ngang là con gái, chạy vòng tròn là… ái nam ái nữ! Lạy Chúa tôi! Tôi còn nhỏ chẳng hiểu mô tê gì nên lại… khóc. Đấy, tôi yếu đuối như thế đấy…

Biết chuyện, cha la rầy anh Tư. Nhưng thấy anh Tư bị la, tôi buồn.

Tôi lớn lên trong chiến tranh và cái ngày tôi bước qua cái tuổi vị thành niên là lúc mà đất nước hoàn toàn thay đổi. Ngày bom đạn cuối cùng của một thể chế cũng là ngày cha bỏ hầm trốn đạn, chạy lên ôm tôi xuống hầm trốn đạn, mặc dù tôi đã 17 tuổi. Cái tuổi ăn biết no mà lo chưa biết tới. Cái tuổi ăn thì không đủ, ngủ chẳng có vừa.

Sau ngày đất nước thay đổi, tôi được dịp gần cha nhiều hơn, vì tôi phải nghỉ học để cùng cha đi khai phá ruộng rẫy. Khai phá được một chút đất là tôi thấy được bao nhiêu mồ hôi của cha. Từ nhỏ cha không phải lao động cực nhọc mà bây giờ phải đối mặt với rừng thiêng để kiếm cho được chút đất mà canh tác. Vỡ được một lát đất, hay chặt được một cây rừng, đôi bàn tay của hai cha con đều bỏng rát. Cha động viên tôi, tôi xót xa nhìn cha! Bởi vì tôi cũng cảm nhận được cha tôi cũng rất yếu đuối. Sau một ngày làm việc cật lực, nhìn khoảng rừng thu nhỏ lại một chút, mảnh đất dưới chân mình rộng thêm một khoảng, cha con tôi nhìn nhau trong niềm vui hạnh phúc.

Cha dành thì giờ buổi tối để đi thăm bạn. Bạn của cha là những bịnh nhân liệt lào, cha ở đến nữa khuya mới về. Gặp những trường hợp nguy tử cha ở luôn cho tới sáng. Lo cho sức khoẻ của cha, tôi thường bảo: "Sao mà bạn cha nhiều thế! Hết người này đến người khác, làm sao cha chịu nổi?" Cha chỉ cười: "Cha chỉ có một người bạn thôi! Cha đi trợ liệt là vì cha muốn giúp bạn ấy." – "À! Thì ra thế! Vậy bạn cha là ai?" Cha gõ nhẹ đầu tôi: "Con còn chưa biết à?"

Nói thế rồi cha nhìn tôi cười, một nụ cười khó hiểu. Tôi cũng ngại ngùng không hỏi nữa mà trong lòng không ngừng thắc mắc.

Những ngày tháng gian khổ bên cha khai phá ruộng rẫy, tuy cực khổ, nhưng là những ngày cha con tôi được gần gũi bên nhau mà chia sẻ ngọt bùi, đồng cam cộng khổ. Thật là những tháng ngày hạnh phúc mà bây giờ không làm sao níu giữ lại được!

Rồi thời gian êm đềm trôi. Tôi lớn lên bên cha với nhiều bài học vào đời dày kinh ngiệm của cha. Cha đã cho anh em tôi cách sống với lòng nhân hậu, thứ tha. Cha xây dựng cho anh em tôi lòng yêu mến Chúa và hy sinh cho tha nhân bằng những công việc tông đồ. Cha thổi vào hồn anh em tôi một tinh thần đạo đức sâu xa. Chỉ ngắn gọn nhưng mỗi một thời gian lớn lên, chúng tôi thấu hiểu vô cùng ý nghĩa: “Các con hãy sống đẹp lòng Chúa.”

Khi bóng chiều cuộc đời ngả xuống trên cha, là lúc anh chị em chúng tôi đứa nào cũng đã yên bề gia thất. Gia đình tôi ở cách cha mẹ gần hai cây số. Cha thường lên tôi và ở lại để tiện đi thăm bạn. Đến lúc này thì tôi đã biết bạn của cha là ai. Cha quỳ trước Thánh Thể Chúa và cầu nguyện lâu giờ. Cha lại dạy tôi lòng yêu mến Thánh Thể với câu nói: “Vì yêu nên nỗi…”

Cha bị suy nhược tinh thần sau một khoảng thời gian bị hạch xách về việc xây dựng Nhà Nguyện Giáo Họ mà không xin phép chính quyền. Cùng với tuổi già, cha suy sụp dần và cho đến trước lúc hôn mê, cha gọi tất cả anh em tôi lại quanh cha. Cha gởi mẹ lại cho anh Tư, cha dặn dò từng đứa với tất cả lòng thương yêu của cha. Riêng tôi, khi tôi đến cạnh cha, khó khăn lắm cha cố sức lấy trong cái bóp tấm hình Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp đã ố vàng, đã được ép plastic cẩn thận. Tay cha run run trao cho tôi và nói: “Cha trao Mẹ Hằng Cứu Giúp cho con, vì con là đứa yếu đuối. Đây là Linh Ảnh, một vật thánh mà Ông Cố Gioan đã trao lại cho cha, và Đức Mẹ đã theo cha đến hết cuộc đời, Mẹ sẽ giúp con nên kiên vững”

Sau hơn năm mươi ngày hôn mê, cha đã được đi về gặp bạn. Tôi chắc rằng tình bạn của cha tôi bây giờ thật khăng khít.

Đã hơn 20 năm xa cha, tôi luôn thấy ấm áp tình cha mỗi khi ôm hôn bức Linh Ảnh của cha để lại. Tôi nghe như có mùi mồ hôi của cha cùng với sự ấm áp phụ tử. Và tôi chợt nhận ra, trong cuộc đời cha với hoàn cảnh mồ côi rất sớm, cha cũng đã yếu đuối và đã nên kiên vững nhờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp mà Ông Cố Gioan trao tặng. Chính vì lẽ đó mà tôi đã từng ngày tập kiên vững, bắt đầu từ sự yếu đuối của tôi.

Micae CAO DANH VIỆN
Ephata 799