(Mã số 18-167)
(Viết tặng một người bạn của tôi.
Chúc chị luôn vững vàng trong tình yêu Thiên Chúa!)
Ngày... Tháng... Năm...
Chị thân yêu! Hồi chúng mình còn bé tí bé teo ấy, chị đã kể cho em câu chuyện cổ tích về nàng Vác-va-ra, con gái vua thuỷ tề. Nàng đẹp lắm! Đẹp đến độ bất cứ gã đàn ông nào trông thấy cũng đều ngất ngây, và chẳng ngần ngại thốt lên rằng hắn ta yêu nàng biết nhường nào! Nhưng nàng chỉ mỉm cười, phân thân ra thành sáu bản thể giống nhau như đúc, rồi đố kẻ ấy rằng đâu mới thực là nàng. Hắn đứng như trời trồng, ngậm tăm, hoặc bập bẹ mãi chẳng thốt ra được chữ gì! Nàng công chúa xứ biển liền lắc đầu, nghiêm giọng: “Vậy là ngươi chẳng thành thật rồi!”
Chị có nhớ không, nghe đến đoạn này, em đã nhăn mặt: "Nàng Vác-va-ra sao mà tính khí oái oăm làm vậy! Cả sáu bản thể đều như một thế kia sợ đến cha sinh mẹ đẻ còn không nhận ra nữa là! Ví như anh em thằng Phúc, thằng Đức lớp em ấy, chúng nó vẫn hay ấm ức mách cô giáo là lắm khi thằng này nghịch mà thằng kia phải chịu phạt oan vì bố mẹ bị nhầm lẫn đấy!" Nghe em nói, chị gật đầu, vuốt tóc em, bảo rằng chờ nghe chị kể nốt câu chuyện rồi sẽ hiểu.
Đến một ngày, nàng Vác-va-ra gặp chàng đánh cá An-rê. Ngay từ thời khắc đầu tiên của thử thách, chàng trai đã biết ai chính là Vác-va-ra giữa những hình dáng khác. Nàng con gái hết sức vui mừng, cũng không khỏi thắc mắc mà hỏi lại rằng: “Vì sao chàng lại nhận ra em giữa những bản thể đó?”. Chàng trai đăm đăm nhìn nàng: “Nàng nói gì thế? Tôi có thấy ai khác nữa đâu! Tôi chỉ thấy một mình nàng thôi!”. Vác-va-ra nở nụ cười rạng rỡ, nhủ thầm đã tìm được đúng tình yêu chân thật và nồng nhiệt của cuộc đời mình.
Hết truyện rồi, nhưng em vẫn cứ ngẩn ra vì chẳng hiểu gì cả: Câu đố của nàng Vác-va-ra, rồi câu trả lời của chàng đánh cá… Chúng có ý nghĩa như thế nào? Chị lại vuốt tóc em, nheo nheo mắt: “Đợi khi nào em biết yêu thì sẽ hiểu ngay thôi!”
Em dẩu môi phụng phịu: “Biết bao giờ mới đến lúc đó?”. Chị mỉm cười chúm chím: “Chừng nào em… lớn bằng chị!” Em nguýt dài: “Chị thật là… Thế thì lâu chết đi được ấy!”
Chị dí ngón tay lên trán em: “Lâu mấy thì cũng phải chờ. Rồi em xem! Em sẽ thấy rất xứng đáng”.
Thật thế không? Có thật là như thế không? Người ta sẽ chờ, sẵn lòng chờ cho đến khi thực sự gặp được tình yêu chứ? Nếu đúng là thế thì hẳn tình yêu phải rất đẹp, không gì sánh bằng, cũng như chẳng thể thay thế. Vì tình yêu là duy nhất! Phải không chị?
Cái ngày ấy, ngày mà em chạy ào vào phòng báo với chị rằng: “Em sẽ vào dòng!”… Chị tròn mắt ngạc nhiên: “Em đang nói gì vậy?”. Em đưa hai tay giữ hai bên vai chị, thật chậm rãi, vừa nói vừa nhìn vào mắt chị: "Em quyết định rồi. Em sẽ đi tu! Em đã tìm thấy tình yêu của đời mình rồi. Ấy chính là Đức Kitô! Em đã nhìn thấy gương mặt Ngài. Em chỉ nhìn thấy gương mặt Ngài, duy nhất gương mặt của Ngài, trên gương mặt của tất cả mọi người".
Thật sự là thế chị nhỉ! Chỉ ai đang thật sự yêu mới hiểu được câu hỏi của nàng Vác-va-ra, và lập tức biết cách giải đáp nó. Mà không, thật ra đó không hề là câu hỏi cần giải đáp. Nàng Vác-va-ra chẳng hề đặt ra thử thách nào để những kẻ nói tiếng yêu nàng phải vượt qua, phải chứng tỏ. Nàng chỉ đơn thuần kiểm tra trạng thái tinh thần của họ, xem có thật là họ đang yêu hay không. Ai mà đang yêu, trong mắt y chỉ có duy nhất người y yêu. Nếu còn phải phân vân lựa chọn giữa các bản thể, dù là bản thể giống nhau đến mấy chăng nữa, thì cũng chẳng còn là yêu nữa rồi. Vì tình yêu chính là duy nhất! Không so sánh với bất cứ ai khác. Không lưỡng lự giữa bất cứ bản thể nào khác. Mặc nhiên chấp nhận! Để tìm thấy người mình yêu trong tất cả mọi người.
Chị ạ! Như chàng đánh cá An-rê chỉ chứa trong mắt mình hình ảnh của nàng Vác-va-ra, trong tâm trí em khi ấy cũng chỉ có hình ảnh của Đức Kitô. Em muốn theo Ngài. Nhất quyết theo Ngài! Dù đường đi có gian nan, vất vả thế nào chăng nữa, em tin tình yêu sẽ trổ hoa hồng trên từng bước chân em qua.
Nhưng chị ơi, liệu tình yêu có gây ra ảo giác, hoặc là chính em đã bị ảo giác về thứ gọi là tình yêu chăng? Càng lúc, em càng thấy tình yêu không có thật! Em những tưởng đã nhìn thấy khuôn mặt Đức Kitô trong tất cả mọi người. Em những tưởng sẽ yêu thương tất cả mọi người vì Đức Kitô đang sống trong họ. Những chị em mới ngày nào còn nắm tay em cười đùa trong lớp tìm hiểu ơn gọi; những người bạn cùng phòng, cùng nhóm, cùng gọi nhau là đệ tử của Kitô; cả những bậc tiền bối mà em luôn ngưỡng vọng… Không, họ vẫn chỉ là con người, những con người bằng xương bằng thịt; với cốt nhục yếu hèn được nặn lên bởi bụi tro; với lồng ngực nhỏ có chứa nổi hình ảnh của ai khác ngoài chính mình! Em là con bé chỉ biết chúi đầu vào học, bàn tay ngoài việc dùng để lật sách ra thì chưa làm nổi việc gì khác. Em không được xem là gạch, để dựng nên tường vách cộng đoàn. Em chỉ đáng là lớp sơn màu, tô vẽ cho ngoại quan trông vui mắt một chút! Những bài thơ em viết, những bức tranh em vẽ, nào có giá trị bằng những nhát cuốc lao tác hay đôi vai dãi dầu mưa nắng đâu! Em bị chỉ trích rằng đã tốn quá nhiều thời gian vào những đam mê vô ích. Thi ca và hội hoạ, đòi buộc người nghệ sĩ một cõi riêng tư duy, nghiền ngẫm. Tất yếu, điều đó khiến họ cách xa một chút khỏi đời sống cộng đoàn.
Văn hào Oscar Wilde từng viết: “Nghệ thuật là thứ vô dụng! Chẳng cần nghệ thuật ca ngợi thì cái đẹp tự thân nó đã như thế rồi!”. Em cứ nghĩ mãi, miên man nghĩ mãi… Nếu việc lao động của em thảy không nên ích, thì chỗ của em là ở đâu? Vị trí của em là ở đâu? Em thuộc về đâu? Lẽ nào em đã đi sai hướng! Hay em đã nhầm lẫn trong tình yêu? Em thật sự yêu gì: Thiên Chúa hay là nghệ thuật?
Chị ạ! Vì tình yêu thường mù quáng! Và cần có lý trí dẫn đường. Em đang đi trên đường, con đường hun hút không biết là về đâu! Em nhìn quanh, chờ một đốm sáng của tình yêu chỉ lối. Chúa ở đâu? Ngài có nghe tiếng em gọi không? Hay sự im lặng của Ngài là sự khẳng định cho việc em đã nhầm đường? Em không nhìn thấy gì nữa! Em không còn biết gì nữa! Em chỉ biết mình bị cuốn vào một mớ hỗn độn…
Em tỉnh lại trong bệnh viện. Cánh tay phải được băng vải trắng toát. Các bác sĩ bảo em rất may mắn, vì nếu chiếc xe khách chỉ lấn sang bên một phân nữa thôi thì em sẽ không còn trên đời! Em bình phục vừa vặn đúng kỳ bỏ phiếu tín nhiệm cho tập sinh khấn tạm. Số phiếu của em thấp lắm! Em có lẽ sẽ phải trở về nhà. Nhưng Cha bảo trợ và mẹ Bề trên quyết định cho em một cơ hội: Em sẽ phải hoàn thành bức tranh chân dung Đức Kitô để chứng minh bản thân mình vẫn có giá trị nhất định với cộng đoàn.
Chị có biết không? Em đã ngồi lặng suốt buổi với thử thách ấy. Đầu óc trống rỗng! Bàn tay nguệch ngoạc định phác một nét nào đó nhưng rồi lại buông xuôi. Em nhìn chằm chằm vào cái giá tranh. Dần dà, những tiếng xì xầm sau lưng em im hẳn. Người ta bỏ ra ngoài. Người ta đã đi hết! Chỉ còn em với khuôn vải trống. Đột nhiên cánh cửa sổ tự dưng mở ra. Ánh nắng rọi vào. Và chị biết không? Em nhìn thấy khuôn mặt Đức Kitô rõ ràng in trên khung. Một bức tranh sống động, hoàn hảo! Chiếc cọ vẽ như được ai đặt vào tay, em vẽ ngấu nghiến, như kẻ khát khô suồng sã nốc no nước. Chẳng cần gì nữa rồi! Em vẽ, cứ vẽ, cho đến khi hoàn tất bức tranh này, bức chân dung của tình yêu!