AN PHONG, NGỌN GIÓ LÀNH CHÂN THẬT
Đối với các tín hữu Công Giáo Việt Nam, nhất là đối với những ai thường lui tới các Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở Bắc Trung Nam, đều biết vị Thánh sáng lập Nhà Dòng Chúa Cứu Thể (DCCT): Thánh An Phong.
Thánh An Phong xuất thân là một luật sư nổi tiếng của thành Napoli, con nhà giàu có. Từ một luật sư sẽ thừa kế gia tài to lớn của người cha là cả một đội thương thuyền, An Phong sẽ rũ bỏ tất cả khi trở thành một Linh Mục, và cuối cùng là một Linh Mục của những người nghèo khổ, những người bị gạt ra bên lề xã hộị, những người bị bỏ rơi hơn cả.
Khi trình đơn xin thiết lập nhà dòng, Tòa Thánh đã bác bỏ việc cấp phép với lý luận Nhà Dòng nào cũng đều có mục đích lo cho người nghèo, không cần phải lập thêm một Dòng mới làm chi nữa. Nhưng sau Tòa Thánh đã thuận lòng cấp phép vì Thánh An Phong chỉ ra DCCT không chỉ nhắm đến người nghèo chung chung, nhưng là những người nghèo bị bỏ rơi hơn cả. Đặc sủng rao giảng Tin Mừng cho những người bị bỏ rơi hơn cả, những người tất bạt, những người bị gạt ra bên lề xã hội, theo chân con cái của Thánh An Phong cho đến tận hôm nay, và vẫn còn theo chân và rọi sáng đường đi mãi cho những ai sống Ơn Gọi đặc biệt này.
Trên hành trình tìm kiếm ơn gọi, An Phong đã đặt những bước chân đầu tiên của mình trong pháp đình với ước mong bảo vệ chân lý, bênh vực sự thật. Châm ngôn của vị luật sư trẻ này là không bao giờ cãi trắng ra đen, và quyết định của ngài là luôn nhận lời bênh vực cho người nghèo khi phải chọn giữa hai thân chủ. Quyết tâm không cãi trắng ra đen là nền tảng để ngài chọn lựa thân chủ nghèo, có một cái gì đó lờ mờ cho ta thấy mối tương quan của sự thật và người nghèo mà sau này khi thiết lập Nhà Dòng Chúa Cứu Thế, Thánh An Phong sẽ làm thật rõ nét trong mục đích của Hội Dòng.
Trong Tông Huấn Niềm Vui của Tin Mừng, Hội Thánh cũng nói rõ điều đó ở số 48: “…Hôm nay và mãi mãi, “người nghèo là những người ưu tiên được đón nhận Tin Mừng”, và việc Tin Mừng được tự do rao giảng cho họ là dấu chỉ về vương quốc mà Chúa Giêsu đến để thiết lập. Chúng ta phải nói thẳng ra rằng “có một dây liên kết không thể phân ly giữa Đức Tin của chúng ta và người nghèo”. Chúng ta đừng bao giờ bỏ họ.”
Khi thiết lập Nhà Dòng, Thánh An Phong mong muốn ơn gọi của Hội Dòng là rao truyền sự thật, rao truyền chân lý, quả thật không thể chia cắt chân lý sự thật với người nghèo, vì giữa hai thực thể này có một mối dây liên kết không thể phân ly.
Người Tu Sĩ Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam hôm nay nghĩ sao về ơn gọi của chính mình? Bao nhiêu người nghèo, bao nhiêu người bị đọa đầy oan ức, bao nhiêu người chết tức tưởi đau thương… và cả một hệ thống dối trá, gian xảo và cướp bóc từ trên xuống dưới? Bài đọc một ngày thứ bảy tuần 17 trích trong sách Ngôn Sứ Giêrêmia 7, 1 – 11, tố cáo những kẻ đi theo ngoại bang, ức hiếp người nghèo, bóc lột kẻ cô thân cô thế, chạy theo những lời dối trá, vào hùa với bọn gian manh rồi lại nghênh ngang lên đền thờ cầu nguyện, Giêrêmia gọi đó là những kẻ biến đền thờ thành hang trộm cướp!
Rao giảng Tin Mừng là rao giảng sự thật, không thể làm tôi hai chủ khi muốn rao giảng Tin Mừng mà lại im lặng, hay tệ hơn nữa, vào hùa, chạy theo sự dối trá, thậm chí bản thân cũng làm điều dối trá mà lánh xa người nghèo.
Chuẩn bị nhìn ngắm Thánh An Phong trong ngày kính nhớ 1 tháng 8 sắp tới đây, là dịp chúng ta soi rọi tâm linh một cách dứt khoát và phân định lương tâm trước ơn gọi cuộc đời. Ở đâu, nơi nào có ngọn GIÓ LÀNH CHÂN THẬT?
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 28.7.2018
Thánh Anphongsô Maria đệ Ligôri (1696-1787) là một vĩ nhân. Một vĩ nhân của lịch sử linh đạo và của chính lịch sử nói chung. Tuy nhiên thời đại chúng ta có lẽ có khuynh hướng quên bẵng ngài đi nếu một quyển sách linh động và phong phú như tác phẩm của Cha Théodule Rey – Mermet, C.Ss.R. không tới đúng lúc để nhắc cho chúng ta hồi tưởng đến ngài.
Những con số còn đó (tính đến năm 1961) đủ để thuyết phục và gây kinh ngạc:
- Bộ “Thần học luân lý” của vị sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế đã được xuất bản 9 lần lúc Ngài còn sống và 78 lần từ sau khi Ngài qua đời, chưa kể cuốn tóm lược tác phẩm đó,
- Cuốn “Con người Tông đồ” đã in ra đến 118 lần từ thế kỷ 18 đến nay,
- Tập “Viếng Thánh Thể” đã được xuất bản 2017 lần,
- Quyển “Vinh quang của Đức Maria”: hơn 1000 lần,
- Quyển “Cách tỏ lòng mến Chúa Giêsu Kitô”: 535 lần,
- Cuốn “Dọn mình chết lành”: 319 lần.
Tính chung số lần xuất bản của Thánh Anphongsô vượt xa Shakespeare: thánh nhân thì khoảng 20.000 lần xuất bản trong hơn 70 thứ tiếng; còn nhà văn hào thì 10.602 lần (tính đến năm 1961), tuy phải nói ngay là trong những 77 thứ tiếng. Những số lượng như thế cho ta thấy tầm vóc của một sự kiện tôn giáo và văn hóa mà tiếc thay không phải bao giờ cũng có được địa vị xứng đáng trong các sách lịch sử.
Con người đó đã có một vận mệnh phi thường. Sinh trong dòng quí tộc Napoli và là con một quân nhân, học sinh thông minh đặc biệt, ham mê âm nhạc, hội họa, môn vẽ, nghệ thuật kiến trúc, ngài làm luật sư lúc mười sáu tuổi. Napoli thán phục người thanh niên tài ba đã quen biết và ngưỡng mộ G.B.Vico ấy và vẫn giao du với giới trí thức nhất trong vương quốc. Napoli đã ngỡ ngàng khi thấy ngài làm linh mục trái với ý muốn của một người cha độc đoán; đã hết sức kinh ngạc khi chẳng bao lâu sau gặp ngài trong những khu xóm nghèo nàn nhất, đang loan Tin mừng cho những người dốt nát bằng những buổi giảng lạ lùng ban tối, theo cách thức sẽ tồn tại sau khi ngài qua đời. Và rồi, một ngày kia, ngài trốn khỏi Napoli trên lưng một con lừa, với quyết định hiến đời mình cho việc giảng dạy ở các vùng thôn quê bị bỏ rơi hơn cả. Một số bạn đồng chí đến nối gót và sau trở thành những tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế.
Nhưng giữa vương quốc Napoli vào thế kỷ XVIII, việc thành lập một Dòng tu mới không phải là chuyện dễ dàng. Đã có quá nhiều tu viện trong cái đất nước nghèo nàn và không khéo quản lý đó. Không phải vô cớ mà nhà cầm quyền muốn ngăn cản việc mở rộng những tài sản trong tay các pháp nhân và tăng thêm những trường hợp miễn thuế. Anphongsô chỉ muốn dòng tu mình sống nghèo, nhưng giới cầm quyền bắt bẻ rằng không ai bảo đảm được tương lai sẽ ra sao vì thấy những dòng tu ban đầu trung tín nhất cuối cùng đã buông lỏng kỷ luật và đã làm giàu.
Bất đắc dĩ, Anphongsô phải trở lại Napoli nhiều lần hơn dự định và lại phải trổ tài luật sư để biện hộ cho dòng tu non yếu của mình. Râu không cao hay cạo sơ sài, khoác cái áo chùng thâm chắp vá, nhưng lại được kính nể như một vị thánh, ngài không ngừng tranh luận với các ông thượng thư vẫn kính trọng ngài, nhưng không vì thế mà nhượng bộ ngài hoài.
Và giá chỉ có nhà cầm quyền Napoli chống đối thôi sao! Đằng này việc lập Dòng Chúa Cứu Thế sẽ là nỗi thống khổ lớn cho vị Sáng lập suốt một nửa thế kỷ. Những chống đối và nghi kỵ trong giới giáo sĩ, sự bỏ ra đi của một số đồ đệ không theo nổi nhịp sống quá khắc khổ và không chịu nổi đói lạnh, những va chạm giữa người này với người nọ, những khó khăn giữa vị Giáo chủ và nhà vua của Hai-Sicilia: tất cả những yếu tố kể trên đã liên minh với nhau để chống lại Anphongsô và hẳn đã đưa bất kỳ ai khác tới chỗ tuyệt vọng.
Hai chuyện nghịch lý bi đát đánh dấu ba mươi lăm năm cuối cùng của cuộc đời ngài: Ngài đã tuyên thệ không làm giám mục, thế mà đã phải nhận làm giám mục theo lệnh Rôma, nơi người ta đã nghe nói tới sự thánh thiện của ngài. Ngài đã lập một Dòng thừa sai và chỉ mong ước, sau khi từ chức giám mục được vì lý do sức khỏe, được sống bình an một quãng đời tàn của mình giữa các “con cái”. Thế mà, khi ngài qua đời, ngài bị tẩy chay và bị trục xuất cùng với số anh em đồng hương Napoli khỏi dòng đã do ngài lập. Cuộc xung đột giữa giáo chủ Piô VI và vua Hai-Sicilia đã đưa tới hậu quả đáng kinh ngạc và đau đớn này: Rôma chỉ còn nhìn nhận những tu sĩ tiếp tục hoạt động ở xa hơn về miền Nam.
Không dễ gì làm một vị thánh; không dễ rời bỏ một xã hội vui tươi lừng lẫy; đi ngược ý muốn của người cha; bàn cãi từng điểm với Giáo quyền và với Nhà nước; nhất là không dễ gì phấn đấu chống lại chính mình. Bởi vì Anphongsô vốn sẵn tính nóng nảy và độc đoán. Nhưng ngài đã làm chủ được mình nhờ nhịn ăn, nhịn ngủ, hành xác, làm việc, nên người ta thường thấy ngài “có nét mặt rực rỡ như thiên đàng,… dịu hiền, vui vẻ và dễ thương”.
Anphongsô đã khắc nghiệt với chính mình một cách kinh khủng (không kể ngài đã từng làm lời khấn không bao giờ để mất thì giờ). Nhưng sứ điệp tinh thần của ngài lại đầy tràn hy vọng, cậy tin và chừng mục. Ngài đà từng trải qua những nỗi hãi hùng của chứng bối rối, nhưng lại tìm cách ngừa cho kẻ khác khỏi rơi vào. Ngài tự hành xác phải nói là quá đáng, nhưng ngài lại khuyên “con cái” mình và những kẻ được hướng dẫn đừng theo gương ngài.
Ngài không là đồ đệ thuyết “khắt khe” mặc dù có một vài truyền thuyết bịa đặt ra như thế. Trái lại, ngài xuất hiện trong lịch sử – và đây hẳn là tước vẻ vang nhất cho ngài – như kẻ đã đẩy lui “làn sóng thần đen tối của thuyết khắt khe” – (cha Rey-Mermet đã sáng chế hình ảnh đáng chú ý này) – bên trong Giáo hội Công giáo. Ngài đã đi ngược với thuyết Augustinô vẫn thắng thế từ trước đến lúc đó mà phong trào Yansêniô chỉ là một trong những hình thức biểu lộ trong lịch sử. Harneck đã cô đọng lại trong một câu ngắn ngủi sâu sắc:
“Được phong chân phúc (1816), phong thánh (1839) và tiến sĩ Hội thánh (1871), Ligôri là phản đề chính xác ngược với Luther và trong Giáo hội công giáo Rôma, ngài đã thay thế địa vị của thánh Augustinô… Nếu ngài dừng lại không đi quá trớn như những người theo thuyết cái nhiên trâng tráo của thế kỷ XVII, thì ngài vẫn đã chấp nhận đầy đủ hệ thống tư tưởng của họ, và trong nhiều vấn đề (kể không xiết) – cả vấn đề ly hôn, thề gian, ám sát, (và tôi còn thêm: cả nói phạm thương) – thánh nhân đã biết biến đổi điều không thể chấp nhận được thành những lỗi nhẹ. Không một Pascal nào đã đứng lên chống lại ngài ở thế kỷ XIX; trái lại, từ năm này qua năm khác, uy tín của Ligôri, một Augustinô mới, càng lớn thêm lên”.
Thánh Anphongsô đã chống lại thuyết “cái nhiên hơn” hay thuyết “chắc chắn hơn” tức là thuyết đòi hỏi trong mỗi nố lương tâm cứ phải theo quan niệm luân lý “cái nhiên hơn cả, chắc chắn hơn cả”, tức là cũng nghiệt ngã hơn cả. Nhưng không phải dễ dàng gì mà ngài đã đạt tới chủ thuyết nhẹ nhõm như thế cho kẻ đến xưng tội. Một ngày kia ngài viết:
“Bản thân tôi đã từng lâu năm quyết liệt đi theo thuyết ‘cái nhiên hơn.”
Chính sách vở của Dòng Tên đã làm cho ngài biến chuyển. Đến nỗi khi Dòng Tên bị triều Bourbons bãi bỏ, có những kẻ coi ngài như một “ông Dòng Tên trá hình”. Cuốn thần học luân lý của ngài bị cấm tại Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.
Vị Sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế đã trở thành một kẻ quyết liệt chống lại việc “hoãn giải tội” và không cho phép rước lễ mà Arnauld rất ưa sử dụng. Về hôn nhân, ngài đã có can đảm quả quyết, ngược tất cả truyền thống Augustinô, rằng việc sinh sản không phải là cứu cánh thứ nhất của hôn nhân. Ở một bình diện tổng quát hơn, ngài đã viết ra những câu đáng kinh ngạc dưới ngòi bút một linh mục thời đó:
“Không được áp đặt cho người ta điều gì mà buộc nếu không làm thì mắc tội trọng trừ phi có lý do hiển nhiên”.
“Cứ xét tính tự nhiên yếu đuối của loài người, thì không cứ con đường chật hẹp nhất luôn luôn là con đường chắc chắn nhất cho các linh hồn”.
Sự biến chuyển tư tưởng của thánh Anphongsô giải thích được từ kinh nghiệm của ngài trong việc giảng Đại phúc và giải tội cho dân quê. Nhà sử học không thể không so sánh ngài với thánh Vinhsơn khi đọc quyển tiểu sử hấp dẫn do cha Rey-Mermet viết, mà gặp lại tại miền Nam nước Ý, với một trăm năm cách biệt, bầu không khí và những đợt chinh phục của cuộc cải cách Công giáo tại nước Pháp trong thế kỷ trước. Hai con người đều đã có cùng những trực giác như nhau, đã khám phá cũng một thực tại như nhau. Cả hai đều đã xét thấy rằng các đám dân thôn quê – và nhất là ở những miền xa xôi hẻo lánh nhất – mức hiểu và sống đạo rất thấp kém. Hai vị đã muốn dành cuộc đời phục vụ cho họ, cấm các đồ đệ không được giảng dạy trong các thành phố lớn. Hai vị không muốn bỏ qua một thôn xóm nào, cho dầu tầm thường đến đâu chăng nữa. Hai vị đã loại ra khỏi lời giảng của mình mọi thứ hoa mỹ, cầu kỳ. Hai vị đã nhấn mạnh trên việc dạy đạo hơn là trên tài hùng biệt. Hai vị đã muốn giản dị với những kẻ giản dị: vì thế mà đã thành công rộng rãi trong quần chúng.
Nhưng – đây là nét độc đáo của thánh Anphongsô – ngài là nhạc sĩ, vì thời trẻ tuổi đã từng lui tới nguyện đường của dòng họ Girolamini ở Napoli là nơi người ta bảo thủ và trau dồi những truyền thống âm nhạc xuất phát từ thánh Philippê Nêri. Bởi đó, người ta biết từ đâu mà có được 50 ca khúc (Ganzoncine) tuyệt diệu ngài đã sáng tác và trong đó không thấy xuất hiện bộ mặt Vị Thiên Chúa báo oán quá thông thường trong các bài thánh ca tiếng Pháp cùng thời. Các ca khúc kia đã nhập vào di sản văn hóa của người dân Ý. Chính Verdi năm 1890 đã nói về bản “Tu Scende dalle Stelle” rằng: “Không có bản mục ca này của thánh Anphongsô thì Noel hết là Noel”. Người thời chúng ta bây giờ thì nghe lại điệu nhạc đó trong bản “L’Arbre aux Sabos” mà không đoán được ai là soạn giả. Sau cùng sự giản dị vừa cố ý vừa chân tình của vĩ nhân thành Napoli này đã đưa ngài tới chỗ trở thành một trong những người sáng tạo tiếng Ý hiện đại. Bởi vì trước ngài, giới văn nhân trên Bán đảo Ý-đại-lợi viết một thứ tiếng Toscan kiểu cách, đang khi dân chúng mỗi tỉnh nói thể riêng của họ. Cũng như Luther đã cố gắng tạo nên một thứ tiếng Đức ai cũng hiểu được, thì thánh Anphongsô đã nói và viết bằng một thứ tiếng Ý giản dị và rõ ràng, từ Bắc chí Nam nước Ý đều “nuốt” được.
Người ta biết được tất cả những điều nói trên đây, và rất nhiều điều khác nữa – khi dõi theo người hướng đạo chắc chắn là cha Rey Mermet, một con người và một tác giả trẻ trung lạ lùng. Độc giả sẽ ngạc nhiên vì giọng văn vui tươi và lối hành văn rắn rỏi của tác phẩm. Tiểu sử uyên bác này được tường thuật vừa khít khao vừa trong niềm vui. Nó cũng được sống từ bên trong. Đã hẳn, đây là câu chuyện của một đời sống “dấn thân”, đời của một tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế sống ơn gọi mình xuyên qua ơn gọi của Vị Sáng lập. Người đồ đệ yêu mến và cảm phục thầy mình. Còn có cách nào tốt hơn nữa để làm cho thiên hạ hiểu Thầy?
JEAN DELUMEAU
Giáo sư tại College de France
(Lời tựa cho tác phẩm “Thánh Anphongsô – Vị Thánh của Thế kỷ Ánh sáng” của Théodule Rey-Mermet)
Nguồn: http://tinhdongchuacuuthe.com/thanh-anphongso-mot-vi-nhan/