NĂM CHIẾC BÁNH VÀ HAI CON CÁ
CHIẾC BÁNH THỨ BA: MỘT BÍ QUYẾT: CẦU NGUYỆN
"Các bạn hãy biết lắng nghe, trong thinh lặng cầu nguyện, câu trả lời của Chúa Giêsu: “Hãy đến và sẽ thấy” (Gioan Phaolô II, Sứ điệp Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ XII, số 2).
Ở tù về, tôi được nhiều người chất vấn: “Cha sướng thật, trong tù cha đã có nhiều thời giờ để cầu nguyện!” Không phải đơn giản như các bạn nghĩ đâu! Chúa đã cho tôi có dịp hiểu rõ sự yếu đuối thể lý và tinh thần của tôi. Thời giờ trong tù trôi qua chậm rãi, đặc biệt trường hợp của những ai bị biệt giam. Bạn hãy tưởng tượng một tuần, một tháng, hai tháng thinh lặng... thấy lâu dài cách kinh khủng. Khi thinh lặng ấy kéo dài từng năm, thì nó trở thành đời đời... Ông bà ta thường bảo: “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại, nghĩa là, một ngày trong tù dài bằng ngàn thu tự do”.
Tôi nhớ lại chuyện ông già Jim. Cứ mỗi ngày lúc 12 giờ trưa ông ta vào nhà thờ không quá hai phút. Ông từ (giữ Nhà Thờ) rất thắc mắc theo dõi, rồi một hôm chận ông Jim lại và hỏi:
- Tại sao bác vào đây mỗi ngày?
- Tôi đến cầu nguyện.
- Không thể được! Kinh gì trong hai phút?
- Tôi vừa già, vừa dốt, đọc kinh theo kiểu của tôi.
- Ông nói gì với Chúa?
- Tôi cầu nguyện: “Giêsu, có Jim đây!” rồi tôi về.
Thời gian trôi qua. Jim già yếu, bệnh tật, phải vào bệnh viện, nơi khu vực người già. Sau đó Jim yếu liệt, chuẩn bị đi xa... Linh Mục tuyên úy và nữ tu y tá đến bên giường Jim:
- Jim ơi, hãy nói cho chúng tôi biết, tại sao từ ngày ông vào khu vực này, có nhiều điều thay đổi, bệnh nhân vui vẻ hơn, chấp nhận thuốc thang, sống có tình nghĩa hơn?
- Chả biết!... Lúc còn sức tôi đi quanh thăm mọi người, chào hỏi, chuyện trò một chốc; lúc sau liệt giường tôi gọi tên họ, thăm hỏi, làm cho họ cười. Với Jim ai cũng vui.
- Thế tại sao Jim vui, Jim hạnh phúc?
- Khi nào cha và sơ được người ta đến thăm mỗi ngày có vui không?
- Vui chứ! Nhưng có thấy ai thăm Jim đâu?
- Lúc mới vào, tôi có xin hai chiếc ghế, một dành riêng cho cha và sơ, một cho khách quí của tôi, thấy không?
- Khách của ông là ai?
- Là Chúa Giêsu. Trước kia tôi đến thăm Ngài ban trưa, nay đi hết nổi, cứ 12 giờ trưa Ngài đến thăm tôi.
- Ngài nói gì với Jim?
- Ngài bảo: Jim, có Giêsu đây!...
Trước lúc Jim chết, người ta thấy Jim đưa tay chỉ chiếc ghế như thể muốn mời ai ngồi, Jim mỉm cười, nhắm mắt ra đi.
Những lúc tôi không còn sức để đọc nổi dù một kinh, tôi lặp đi lặp lại: “Giêsu, có con đây”, tôi cảm thấy như Chúa Giêsu trả lời: “Thuận ơi, có Giêsu đây!” Tôi vui vẻ và bình an.
Các bạn hỏi tôi: “Cha thích đọc kinh nào?” Dĩ nhiên là tôi thích những kinh của Chúa Giêsu dạy, của Hội Thánh: kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng, kinh Tin Kính...
Thú thật, tôi thích những kinh vắn tắt đơn sơ trong Phúc Âm:
“Con ơi, nhà này hết rượu!” (Ga 2, 3).
“Linh hồn tôi ngợi khen Chúa” (Lc 1, 46-55).
“Xin Chúa thương xót con vì con là kẻ có tội” (Lc 18, 13).
“Lạy Cha, nếu có thể được thì xin cho con khỏi uống chén đắng này” (Mt 26, 39).
“Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ lầm” (Lc 23, 34).
“Xin Cha cho chúng hiệp nhất nên một” (Ga 17, 21).
“Con phó linh hồn trong tay Cha” (Ga 23, 46).
Tôi thích dùng lời Thánh Kinh, Lời Chúa để cầu nguyện, khi đọc lên những Thánh Vịnh, tôi sung sướng vì biết rằng đây là những kinh chính Chúa Giêsu và Mẹ Maria đã đọc. Mấy anh CA gác tôi làm đôi việc để “cải thiện” đời sống kinh tế, chẳng hạn họ cắt giấy rồi in tay... bán cho các công sở. Loại giấy “đầu thừa, đuôi thẹo” thì quét lại cả đống làm “giấy vệ sinh”, tôi lượm giấy vệ sinh ấy, mượn kim chỉ, đóng thành sổ bỏ túi, hai cuốn sổ tôi rất quý, một gồm trên 300 câu Thánh Kinh bằng tiếng Latinh để cầu nguyện và một gồm đầu đề của vài trăm bài hát cũng để cầu nguyện. Còn bao nhiêu “giấy vệ sinh” khác mỗi ngày thu lượm một ít để dành viết sách.
Tôi rất ghi ơn sự huấn luyện ở Chủng Viện, những bài Thánh Ca đã ghi sâu vào lòng tôi. Đặc biệt là tôi thuộc lòng hầu hết bài hát bình ca trong Kinh Phụng Vụ, chưa bao giờ tôi cảm thấy ý nghĩa sâu xa và xúc động như vậy. Cũng không thể quên được những kinh Việt ngữ, tiếng mẹ đẻ của tôi, mà cả nhà cùng cầu nguyện mỗi tối trong Nhà Nguyện gia đình. Tôi hình dung được trước mắt Ông Bà, Ba Má và các em tôi, và nghe giọng mỗi người đang cầu nguyện. Nhất là ba kinh Kính Mừng và kinh “Hãy nhớ” mà Mẹ tôi tập tôi đọc sớm tối từ lúc mới biết nói.
Như tôi đã nói, tôi ở tù biệt giam chín năm, chỉ có tôi và hai người gác. Để tránh cho khỏi thấp khớp và tê liệt, suốt ngày tôi không ngừng đi lại, xoa bóp, thể dục và hát để cầu nguyện: ca vịnh thống hối Miserere, kinh Tạ ơn Te Deum, kinh Chúa Thánh Thần Veni Creator, kinh các Thánh Tử đạo Sanctorum Meritis. Những bài hát của Hội Thánh, được cảm hứng từ lời Chúa, như rót vào trong tôi lòng can đảm để theo Chúa Giêsu.
Cedantur gladiis, more bidentium,
Non murmur resonant, non querimonia,
Sed corde impavido, meus bene conscia,
Conservant, patientiam.
Muôn thử thách, vì Ngài đâu sá kể!
Không hé một lời oán trách thở than!
Chẳng xôn xao, lòng thơ thới yên hàn,
Trước sau vẫn hiền hòa, luôn kiên nhẫn.
Để đánh giá, để nếm được sự quý đẹp của những kinh ấy, cần phải có kinh nghiệm ngục tù tăm tối, cô đơn, và ý thức được sự hiện diện của Chúa. Ngài chấp nhận những đau khổ dâng lên Ngài vì muốn trung thành với Hội Thánh. Tôi cảm nghiệm được sự hiệp thông với Chúa Giêsu, với Đức Thánh Cha, với toàn thể Hội Thánh một cách tha thiết vững vàng mỗi khi tôi lặp lại suốt ngày.
"Chính nhờ Đức Kitô, cùng với Đức Kitô và trong Đức Kitô,
Mà mọi chúc tụng và vinh quang đều quy về Chúa là Cha toàn năng
Cùng với Chúa Thánh Thần muôn đời. Amen."
Có lúc Chúa dùng Giáo Dân để dạy tôi cầu nguyện. Thời gian bị quản thúc ở Giang Xá, có ông lão nhà quê, tên là ông quản Kính, từ Giáo Xứ Đại Ơn lẻn vào thăm tôi. Tôi không bao giờ quên được lời ông khuyên tôi: “Thưa cha, cha không hoạt động tông đồ được thì xin cha cầu nguyện cho Hội Thánh; ở trong tù cha đọc một kinh hơn một nghìn kinh cha đọc lúc ở ngoài tự do!”
Đức Mẹ còn sử dụng cả người CS để nhắc tôi cầu nguyện. Ông Hải đã từng ở tù, nằm cùng buồng với tôi để mật thám tôi, sau đã thành bạn của tôi. Trước ngày ông ta ra về, ông đã hứa với tôi: "Nhà tôi ở Long Hưng, chỉ cách La Vang 3km, tôi sẽ đi La Vang cầu nguyện cho anh”.
Tôi tin lòng thành thật của anh bạn, nhưng tôi hoài nghi làm sao một người CS mà đi cầu nguyện Đức Mẹ cho tôi! Sáu năm sau, đang lúc tôi ở biệt giam, tôi đã được một bức thư của ông Hải, lạ lùng thật! Lạ hơn nữa là lời lẽ của ông như sau:
“Anh Thuận thân mến, tôi đã hứa với anh, tôi sẽ đi cầu nguyện Đức Mẹ La Vang cho anh. Mỗi Chủ Nhật, nếu trời không mưa, lúc nghe chuông La Vang, tôi lấy xe đạp vào trước đài Đức Mẹ, vì chiến tranh bom đạn đã đánh sập Nhà Thờ rồi. Tôi cầu nguyện thế này: Thưa Đức Mẹ, tôi không có đạo, tôi không thuộc kinh nào cả. Nhưng tôi đã hứa sẽ đi cầu nguyện Đức Mẹ cho anh Thuận, nên tôi đến đây. Xin Đức Mẹ biết anh Thuận cần gì thì cho anh ấy”.
Tôi hết sức cảm động. Tôi đọc đi đọc lại rồi đặt thư xuống nhắm mắt lại: “Lạy Mẹ, Mẹ đã dùng anh CS này để dạy con cầu nguyện; chắc Mẹ đã nhậm lời anh ấy, con mới còn sống đây!”
Trước khi làm bất cứ việc gì, dù là việc mục vụ, xã hội, bác ái, chúng ta phải cầu nguyện. Như Chúa Giêsu, trước khi làm phép lạ nuôi dân chúng, đã ngước mắt lên trời, cầu nguyện cùng Đức Chúa Cha. Ngài đã chọn Chúa trước rồi mới làm việc Chúa sau.
Các bạn thân mến,
Đức Thánh Cha nhắn nhủ các bạn: “Hãy thưa chuyện với Chúa Giêsu lúc cầu nguyện, lúc nghe lời Chúa; hãy nếm thử niềm vui lúc được Bí tích Hòa giải; hãy đón nhận Mình Máu Thánh Chúa Giêsu trong phép Thánh Thể...; hãy khám phá sự thật về chính mình các bạn, khám phá ra sự hiệp nhất nội tâm và sẽ tìm thấy ‘người Bạn’ chữa các bạn khỏi những xao xuyến, những cơn ác mộng, khỏi óc chủ quan man rợ nó không để cho các bạn được bình an” (Gioan Phaolô II, Sứ điệp Ngày Quốc tế giới Trẻ lần thứ 12, số 3).
Cầu Nguyện
Những kinh vắn tắt của tôi.
Con nghĩ rằng Chúa Giêsu đã cho con mẫu kinh nguyện. Thực sự Ngài chỉ cho chúng con một kinh: “Kinh Lạy Cha”. Vắn tắt, cô động, đầy đủ.
Đời Chúa Giêsu là một lời kinh cầu nguyện. Là một câu chuyện chân tình đơn sơ của Chúa Giêsu với Chúa Cha. Cũng có lần khá dài, không công thức như lời nguyện Linh Mục sau buổi tiệc ly: Tha thiết, tự đáy lòng. Thường Chúa Giêsu, Đức Mẹ, các Thánh Tông Đồ, cầu nguyện với những lời kinh vắn tắt, nhưng rất hay, rất đẹp, gắn liền với cuộc sống hàng ngày.
Con yếu đuối, nguội lạnh, nên con thích mấy kinh vắn tắt này, trước nhà tạm Chúa, nơi bàn viết, lúc ở một mình, lúc đi giữa hè phố, đọc đi đọc lại nhiều lần, con thấy thật thấm thía.
Con đang ở bên Chúa.
“Lạy Cha, xin Cha tha cho chúng, vì chúng nhầm”...
“Xin Cha cho chúng con nên một”.
“Này con là tôi tá Đức Chúa Trời”...
“Con ơi, nhà này hết rượu”...
“Đây là con Mẹ, đây là Mẹ con”.
“Lạy Chúa, khi về nước thiên đàng, xin nhớ đến con cùng”.
“Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì”...
“Lạy Chúa, Chúa biết mọi sự, Chúa biết con mến Chúa”.
“Lạy Chúa, xin Chúa thương xót con vì con là kẻ có tội”.
Những kinh nho nhỏ kết thành một đời cầu nguyện. Cũng như những cử chỉ nhẹ nhàng, những cái nhìn, những lời nói thân mật, làm thành một đời yêu thương.
Những kinh nho nhỏ giữ ta luôn trong trạng thái cầu nguyện, không tách lìa ta khỏi công việc hiện tại, nhưng giúp ta thánh hóa mọi sự.
Biệt giam tại Hà Nội, 25.3.1987
Lễ Thiên Thần truyền tin cho Đức Mẹ.
Cố Hồng Y Px. NGUYỄN VĂN THUẬN
( Còn tiếp nhiều kỳ )