(Mã số 18-131)
Lâu lắm, hôm nay anh mới thấy tâm hồn bình an trở lại. Ngồi trong nhà nguyện đã hơn năm giờ mà anh cứ ngỡ mới vào, ngôi nhà nguyện rộng, tĩnh lặng, chỉ có một mình, nhưng anh thấy rất ấm áp. Những tia nắng chiều len lỏi xuyên qua lớp kính màu của vuông cửa sổ, chiếu vào lòng nhà nguyện, tạo nên những giọt nắng nhảy múa trước Nhà Tạm. Một cơn gió lướt qua, lật tung những trang Kinh Thánh anh đang mở đặt trên chiếc bàn quỳ. Anh cúi xuống định gấp cuốn sách lại thì gặp ngay đoạn Kinh Thánh Ga 8,1-11. Chầm chậm đọc từng câu cho đến khi đọc hết đoạn Tin Mừng, hình ảnh người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình làm anh nhớ đến người vợ của mình, anh lại khóc, nhưng đây không còn là giọt nước mắt của ghen tức, của thù hận, nhưng là giọt nước mắt của tình yêu và thứ tha.
Chưa bao giờ anh đọc đoạn Tin Mừng mà thấy nó hay và ý nghĩa như lúc này, không phải vì khung cảnh đoạn Tin Mừng giống với khung cảnh vợ anh bị người ta đánh ghen, mà vì anh đã đọc ra được tình thương và sự tha thứ của Chúa. Anh cảm động trước tấm lòng bao dung, nhân từ của Ngài, cho dù “Đời” bỏ rơi và đánh đuổi người phụ nữ đến tả tơi, bầm dập; thì Chúa vẫn đón nhận, yêu thương và sẵn lòng tha thứ. Anh lại nhớ đến câu Kinh Thánh: “Cho dù cha mẹ có bỏ con, thì vẫn còn có Chúa đón nhận con”. Nhìn lại mình, anh thấy hổ thẹn vì đã hèn nhát bỏ rơi người vợ tội nghiệp trong lúc chị cần đến anh nhất.
Hôm đó, chứng kiến cảnh vợ bị người ta giằng ném, quăng quật trên nền đất, quần áo bị xé rách tả tơi, thay vì bao bọc chị như Chúa Giêsu đã bênh vực người phụ nữ thì anh lại bỏ đi trước đám đông đang hiếu kỳ, hừng hực, trút cơn giận dữ xuống tấm thân bé nhỏ của vợ. Không hiểu sao lúc đó anh không thấy động lòng mà chỉ thấy giận dữ, sự ghen tuông sôi sục trong lòng làm anh trở nên ích kỷ. Anh không còn muốn nhìn thấy chị, muốn chị biến khỏi cuộc đời anh... Nhưng khi chị bỏ đi, anh lại thấy đau khổ, mất mát. Anh sống trong dằn vặt, giằng co giữa việc tha thứ và thù hận. Chính trong đau khổ ấy, anh đã tìm đến với Chúa.
Những ngày tĩnh lặng bên Chúa, anh đã lần lượt đọc hết cuốn sách ngôn sứ Hôsê. Càng đọc, anh càng cảm nhận được tình thương của Chúa qua hình ảnh vị ngôn sứ, ông sống nỗi bi đát của tình vợ chồng bị phản bội để làm chứng về tình yêu chung thủy của Thiên Chúa, một Tình Yêu có khả năng vượt qua được cả sự phản bội của Dân. Một dân bỏ Chúa hết lần này đến lần khác, nhưng Chúa vẫn yêu thương, tha thứ và đưa vào sa mạc để lòng kề lòng Chúa thổ lộ tâm tình. Anh nhận thấy Chúa ghen tuông nhưng không thù hận, sửa trị nhưng không loại trừ. Tình yêu của Chúa là tình yêu bước trước, luôn chịu thiệt về mình, YÊU như vậy quả là một tình yêu chân chính và vĩ đại. “Chúa ơi! Con không phải là Chúa nên tình yêu của con quá hẹp hòi, ích kỷ, con không thể tha thứ cho người vợ cứ phản bội con hết lần này đến lần khác. Những ngày qua Chúa đã dạy cho con nhiều bài học về tình yêu bao dung của Chúa. Chỉ khi con đụng chạm được tình yêu của Ngài, con mới hiểu thế nào là Yêu. Xin ban cho con trái tim đủ lớn, tình yêu đủ mạnh để con sẵn lòng đón nhận vợ con về không phải bằng sự thương hại, nhưng bằng Tình Thương xót”.
Anh vừa thì thầm với Chúa xong, một bà sơ bước vào mời anh về dùng cơm chiều. Đó là một bữa cơm ngon nhất, hơn cả khi anh và chị ăn bữa cơm chung đầu tiên. Bữa cơm chiều nay ngon không phải vì thức ăn các sơ nấu hấp dẫn, mà vì tâm hồn anh đã “mở ra” với Chúa và tha nhân. Trước đây anh đã mở lòng đón nhận chị vào cuộc đời mình. Và bây giờ Chúa lại tiếp tục mời gọi anh mở lòng đón nhận chị thêm một lần nữa.
* * *
Anh đến với chị trong một tình huống trớ trêu, đó là một buổi sáng mùa đông, trời miền Bắc lạnh cắt da cắt thịt. Anh đang cong người đạp xe lên con dốc, thì phát hiện ra một phụ nữ vừa nhảy xuống sông. Không nghĩ gì đến lạnh lẽo, anh lao mình xuống cứu chị. Cảm động trước tấm lòng chân thành của anh, chị đã bộc bạch hết tâm sự của mình.
Mười sáu tuổi, cái tuổi trổ mã của người con gái như đóa hoa nở rộ đổi thay, không phải từng ngày, mà từng giờ. Chị đã có những đường nét mà vẻ đắm đuối của chúng xưa nay ngôn ngữ loài người chưa diễn tả hết được. Gần nửa năm nay, chị nổi bật lên trong đám bạn ở ngôi làng nhỏ bé, chị là điểm thu hút bao chàng trai làng trên xã dưới theo đuổi, tán tỉnh. Cái tuổi mới lớn, cái tuổi mà dục vọng bắt đầu rạo rực, chỉ cần có một chất xúc tác nhẹ cũng đủ làm cho toàn thân chị như chạm phải dòng điện. Những rung động của con tim, những hồi hộp chờ đợi của tình yêu... làm cho chị bắt đầu thèm muốn một vòng ôm từ người khác phái.
Bao nhiêu người trong làng theo đuổi, không hiểu sao chị lại chọn anh ấy. Chị quen anh ấy trong một chiều mưa, trên đường đi học về. Chị tạt vào dãy hành lang của căn nhà bỏ hoang, khi chị vào thì anh ấy cũng đang trú mưa ở đó. Lúc đầu mỗi người đứng một góc, mưa mỗi lúc một lớn dần, mưa dai mãi mà không ngớt hạt. Anh ấy bắt chuyện bằng một câu nói vu vơ không chủ từ “mưa dai quá”, chị vẫn làm thinh như thể anh ấy đang nói với ai chứ không phải với chị. Thấy chị im lặng, anh liếc nhìn rồi lại nói tiếp:
-“Bé học ở trường nào vậy?”
- “Anh hỏi tôi ấy hả?”
- “Ở đây chỉ có hai người, không hỏi bé thì hỏi ai”
- “Tôi học trường B... ”
- “Mưa kiểu này chắc còn lâu mới tạnh, nhà bé gần đây không, hay để anh đèo bé về nhé?”...
Hai người bắt đầu hẹn hò, và vượt qua giới hạn khi họ mới quen nhau được mấy tháng... Và rồi anh ấy đã biến mất sau cái lần hai người quấn lấy nhau.
Khi phát hiện ra cơ thể mình khác thường, chị lo sợ đến nỗi mấy đêm liền không sao chợp mắt. Sợ bố mẹ, dân làng, sợ cả danh dự của gia đình... Chị không muốn mất đời con gái, mấy đêm trằn trọc suy tính, chị quyết định đến trạm xá. Mùi hôi, mùi tanh tưởi, mùi ẩm mốc làm chị mắc ói, nhưng cũng phải ‘liều’. Chị bước vào ghế ngồi chờ, trước chị cũng có mấy cô gái khác đang ngồi ủ rũ, có lẽ cũng mang tâm trạng sợ hãi như chị?
Căn phòng thiếu ánh sáng, không khí ngột ngạt, qua khe hở của cánh cửa, chị nhìn thấy máu me, dao kéo... Lần lượt người kia ra, người khác vào như một cái máy, không ai nói với ai, đúng là một nơi của chết chóc. Một người con gái kế tiếp lại bước vào, chỉ còn một người nữa đến lượt chị, chị hồi hộp, lo lắng, dằn vặt... Trong giờ phút quan trọng, quyết định mạng sống của đứa con nằm trong tay chị, bỗng chị nghe tiếng người con gái vừa bước vào khóc ré lên, có lẽ “đau đớn” lắm? Chị rùng mình, vội quay mặt ra phía sau hành lang, nhìn thấy một tổ chim non trên cành cây khô, mấy con chim nhỏ đang há chiếc mỏ chờ chim mẹ mớm mồi. Hình ảnh đó làm chị giật mình nhìn xuống cái bụng đang lớn dần mà chị chuẩn bị trút bỏ. Con chim kia còn biết lo lắng chăm sóc cho con mình, còn chị? Sao chị làm mà lại bắt con phải chịu, nó đâu có tội gì, sao chị lại trở thành một người mẹ ích kỷ, trở thành một tên sát nhân với chính con ruột của mình? Nhưng nếu không bỏ bào thai này đi thì chị sẽ bị dân làng xỉa xói... Và bố mẹ... Chị đã làm nhơ dòng tộc, bôi nhọ gia đình, làng xóm. Chị bị giằng co giữa việc “giữ con” và việc “giết con”. Chị lại khóc. Ở cái làng này, người con gái nào chưa chồng mà chửa đều phải lãnh chung một bản án “sống không ra sống, chết cũng chẳng ra chết”, nó đã trở thành một hủ tục, được truyền từ đời nọ sang đời kia. Không thể hủy được.
Bao nhiêu suy nghĩ hỗn loạn nhập nhằng xuất hiện. Rồi người kế tiếp đi ra, và đến lượt chị phải bước vào. Người phụ nữ bên trong mở hé cánh cửa, nhìn thấy chị còn chần chừ, đành thúc giục: “Nhanh lên cho người khác còn vào”. Không hiểu sao giây phút đó chị không còn nghĩ gì về danh dự, thể diện, hủ tục, lề thói... chị chỉ nghĩ đến con, đứa con tội nghiệp đáng thương... Và chị vùng chạy ra khỏi nơi đó, để lại sự ngạc nhiên của mọi người, vẳng nghe phía sau câu chửi đổng của người phụ nữ: “Chửa hoang còn làm bộ!”.
Chị định sẽ thú nhận tất cả với bố mẹ và chờ phán quyết của các ngài, chờ đợi bản án của dân làng. Nhưng sao chị không có can đảm, mỗi lần ngồi vào mâm cơm thấy bố mẹ cười nói vui vẻ, chị lại không nỡ phá vỡ giây phút hạnh phúc của gia đình. Chị giận mình tại sao lại dại dột, chỉ vì một giây phút yếu đuối mà hậu quả thật tàn ác.
Nhưng chị phải làm gì lúc này? Cái bụng mỗi ngày một phình ra, rồi bố mẹ và dân làng sẽ biết. Tối đó, đi ngang qua giường bố mẹ, tiếng thở đều đều của họ càng làm tim chị nhói đau. Nếu chị không tìm cách giải quyết cái “cục nợ” trong người càng sớm thì liệu bố mẹ có còn được ngon giấc như lúc này? Chị đau khổ mà không biết chia sẻ cùng ai, một đứa trẻ chưa đủ trưởng thành, cái tuổi còn tung tăng bay nhảy, chưa hiểu gì về đời, về tình. Chưa kịp sống thời thiếu nữ thì đã phải sống thời thiếu phụ rồi sao! Nghĩ đến đây chị lại bật khóc. Một ý tưởng lóe lên trong cái đầu non nớt: “Chết! Chỉ có cái chết chị mới không còn thấy đau khổ”. Nói là làm, sáng hôm sau chị đến một cây cầu và gieo mình xuống đó để giải thoát cuộc đời, và chính nơi đây chị đã gặp được anh.
Ngồi lắng nghe từng lời chị nói, không hiểu sao anh thấy tội nghiệp, trong lòng tự hỏi:
-“Cô bé ấy còn nhỏ quá, sao lại phải gánh chịu nhiều giông tố của cuộc đời?”
- “Giờ cô định làm gì?”
- “T... ô... i không biết, tôi chỉ muốn chết”. Chị lại khóc.
-“Cô nghĩ chết sẽ giải quyết được tất cả sao? Cô ra đi thì yên bề của mình, nhưng còn những người thân yêu, còn bố mẹ cô ở lại thì sao? Cô thương đứa bé trong bụng thế nào thì bố mẹ cô cũng thương cô như thế, cô chết rồi họ sẽ sống ra sao?”
- “Vậy tôi phải làm sao?”
Anh nhìn người con gái tội nghiệp rồi nhìn dòng nước đang chảy đều đặn, chợt hiểu ra rằng: Dòng nước chảy êm đềm như vậy là vì không có vật gì cản lại, đến một khúc sông nào đó gặp những gốc cây nhô ra, hoặc những hòn đá trồi lên, rác rến đọng lại... dòng nước sẽ bị tắc nghẽn. Khi đó, cần một bàn tay vơ những rác rến, vớt những thứ đang cản trở dòng nước... Và bây giờ, có lẽ anh sẽ là chiếc bàn tay đó để làm cho dòng nước cuộc đời của chị được tiếp tục chảy. Nhìn chị bằng ánh mắt cảm thông, anh phán một câu làm chị ngỡ ngàng:
-“Tôi sẽ giúp cô khỏi bị mang tiếng với xóm làng, sẽ lấy lại danh dự cho bố mẹ cô”
- “Anh... anh giúp tôi bằng cách nào?”
- “Đưa cô về làng và thú nhận với bố mẹ cô, tác giả của bào thai này là của tôi”
- “Nhưng... ”
- “Không có nhưng gì hết, nếu cô không chê tôi nghèo, tôi sẽ đứng ra bảo vệ và che chở cho mẹ con cô suốt cả đời, tôi rất cảm phục vì cô đã không giết đứa bé nên tôi muốn giúp cô”
- “T... ô... i, tôi cảm ơn anh nhiều lắm, anh chính là chiếc phao cứu mẹ con tôi đang chơi vơi giữa giòng nước”.
* * *
Chị ngồi thụp xuống thềm xi măng loang lổ, từ hôm xảy ra chuyện đến nay chị đã khóc cạn nước mắt. Lúc này chị mới nhận ra tình yêu anh dành cho chị và các con nhiều như thế nào. Nếu không có anh ngày đó cứu mẹ con chị thì giờ chị sẽ ra sao? Những điều này trước đây chị không cảm được. Dù chị đã phản bội, còn đòi ly dị với anh, nhưng anh vẫn trung thành... Chị muốn quay về, muốn quỳ xuống trước mặt anh để cầu xin ơn tha thứ.
Vừa nhìn thấy chị, mấy đứa nhỏ ùa ra:
-“A, mẹ ... mẹ về rồi”
- “Con…”
- “Mẹ về với bố và chúng con thật hả mẹ?”
- “Ừ” - “Mẹ hứa đi!”
- “Mẹ hứa… Bố đi đâu các con?”
- “Bố đi về Đan Viện tĩnh tâm mấy ngày, bố dặn chúng con ở nhà phải ngoan”
- “Chị Nga đâu?”
- “Chị ấy đi chợ”.
Nga là đứa con riêng của chị, năm nay con bé đã gần mười lăm tuổi, nó cũng trổ mã như chị ngày ấy, càng lớn nó càng giống chị như đúc một khuôn.
“Đi tĩnh tâm hả?”… Chị thấy xấu hổ, là một tín hữu “gốc” vậy mà chị chưa bao giờ “làm gương” cho anh. Trái lại, anh luôn là người đôn đốc chị và các con đi lễ. Từ ngày đón nhận chị, anh cũng đón nhận luôn cả niềm tin, anh hăng say trong các việc đạo đức. Anh rất thích đọc Kinh Thánh, anh bảo Kinh Thánh dạy cho anh nhiều bài học. Anh luôn tỏ ra là một người chồng, người cha tốt. Nhưng với chị thì khác, cuộc sống càng văn minh, hạnh phúc càng phải thực tế “đã hết cái thời một túp lều tranh hai trái tim vàng”. Chị không bằng lòng với cuộc sống hiện tại, một cuộc sống mà lo được bữa sáng thì mất bữa chiều. Chị chán ghét cái cảnh nghèo khổ mạt rệp... Đã vậy anh còn thất nghiệp do công ty anh làm phá sản. Một lần đi chợ chị gặp Hân, cô bạn thân của chị làm trong nhà chứa, thấy bạn xúng xính quần là áo lượt. Nhìn lại mình... thấy tủi thân. Chị quyết định theo Hân và bắt đầu “hành nghề bán hoa” từ đó. Anh biết được chị đi làm công việc mà xã hội dè bỉu thì đau khổ lắm. “Em còn coi anh là chồng nữa không?”
- “Nếu anh là chồng sao không lo cho tôi và các con. Anh thử nhìn lại mình đi, anh có xứng đáng là chồng của tôi không?”.
Anh bất lực trước những lời trách móc của chị. Phải, giờ phút này anh mới cảm nhận được “đồng tiền” nó lợi hại thế nào. Nó có thể “thay trắng, đổi đen”, nó có thể làm cho cán cân công lý không còn “chuẩn mực”, và nó cũng có thể làm cho tình yêu vợ chồng tan vỡ. Lần đầu tiên anh khóc trước sự bất lực của bản thân. Anh không thể gìn giữ hạnh phúc chỉ vì anh “nghèo”. Từ ngày “hành nghề”, chị quyết định dọn ra ở riêng, một mình. Anh vẫn cặm cụi làm đủ nghề để có tiền nuôi hai đứa con chung và một đứa con riêng của chị.
Chị đi làm ở “nhà chứa” được một thời gian thì quen ông Tây, chị bắt đầu cặp kè với ông ấy, rồi theo ông về nước người. Một nước văn minh, giàu sang. Ở nơi đó, chị được thưởng thức tất cả sơn hào hải vị mà trước giờ chị chưa hề được nếm. Chị được khoác lên người những bộ hàng hiệu, có nằm mơ chị cũng không nghĩ tới. Người ta nói chẳng sai, “mạ tốt phải được gieo vào mảnh đất tốt”. Nhìn chị lúc này lộng lẫy chẳng kém gì H'Hen Niê hoa hậu hoàn vũ Việt Nam 2017. Cuộc sống sang trọng quá, như một bà hoàng. Chưa bao giờ chị thấy hài lòng như lúc này. Vậy mà chỉ mới chưa đầy một năm chị phải trở về lại quê hương, nơi chị đã chán ngấy và bỏ ra đi.
* * *
Anh vẫn dẫn các con đi lễ, vẫn cầu nguyện, vẫn đọc Kinh Thánh đều đặn nhưng chẳng ai biết được lòng anh đau đớn thế nào. Ngày nào cũng vậy, anh chỉ xin Chúa hai điều: Cho anh có công việc làm để lo cho gia đình và cho vợ anh trở về. Thật ra nhiều người khuyên anh bỏ chị, và chính anh cũng đã nghĩ đến điều này, bởi chị không xứng đáng nhận tình yêu của anh. Nhưng nghĩ đến cảnh con cái phải chia nghé sẻ đàn, anh lại không muốn. Chính anh cũng đã là nạn nhân của cuộc hôn nhân đổ vỡ của bố mẹ anh, vì vậy anh không muốn lập lại vết xe đổ ấy. Anh muốn níu kéo, muốn gìn giữ cuộc hôn nhân này bằng bất kỳ giá nào. Cho dù chị không còn tình cảm với anh, nhưng anh nghĩ các con còn cần đến tình thương của người mẹ. Anh không muốn con mình thiếu thốn tình thương của cha mẹ, như chính anh đã không được hưởng tình thương ấy của những bậc sinh thành. Ngày nào đến nhà thờ anh cũng cầu xin hai điều ấy. Rồi chị cũng về thật, anh mừng mừng tủi tủi, lời cầu nguyện của anh Chúa đã nhận lời. Nhưng niềm vui chợt đến rồi chợt đi khi nhìn thấy vợ với cái bụng bầu chình ình đang đứng trước cửa. Lúc này anh không biết mình nên cười hay nên khóc, nếu không có ơn Chúa chắc anh không thể để cho người vợ ‘hư’ ấy trở về. Những ngày chị sinh nở, anh thức đêm thức hôm chăm sóc cho chị được mẹ tròn, con vuông. Mặc cho hàng xóm, bạn bè bàn tán:
-“Thằng ngu mới đi chăm sóc con người ta”
- “Sao vợ hắn đi ngoại tình, mang cái bụng về hắn còn đón nhận, chăm sóc cho con vợ hư thân, nếu là tao thì con vợ hư đốn ấy không có cửa”
... Anh đều bỏ ngoài tai tất cả những lời đó. Chỉ cần từ nay chị nhận ra những điều mình đang làm là sai và quay về làm lại từ đầu.
Hơn một năm chị sống yên ổn ở nhà, lo lắng, chăm sóc cho chồng con như một người vợ đảm đang làm anh thấy hy vọng. Anh nghĩ chị đã thay đổi thật sự, bao nhiêu dự tính cho cuộc sống và tương lai. Những việc làm của chị trước đây anh cũng không muốn nghĩ tới, chỉ cần từ nay chị sống thật tốt. Đang còn xây hy vọng thì trên đường đi làm về, anh gặp cảnh vợ bị đánh ghen. Số là hơn một năm qua, chị không đi làm trong nhà chứa, không cặp bồ với mấy ông Tây nhưng chị vẫn lén chồng đi theo mấy ông có ví nặng trong xóm. Đi đêm nhiều có ngày gặp ma chẳng sai. Chị bị bắt tại trận và bị kéo ra giữa đường y như người phụ nữ ngoại tình trong Tin Mừng. Lần này, anh không còn thấy thương xót chị như những lần trước vì chị luôn lừa dối anh. Anh để mặc chị cho người ta giằng ném, quăng quật, anh không còn lòng nhẫn nại đến mức độ lượng như trước. Chị xấu hổ nên bỏ nhà đi biệt, tưởng chị đi như vậy là xong, nhưng chị đi rồi anh mới thấy trống vắng, mất mát. Anh giận mình vì đã ích kỷ, hèn nhát, không dám đứng ra bảo vệ khi chị cần đến anh. Nhiều ngày sống trong đau khổ dằn vặt, anh tìm đến Chúa, lần này anh không cầu nguyện cho chị trở về như những lần trước. Nhưng anh xin cho mình được tấm lòng bao dung, biết nhẫn nại và tha thứ cho chị không phải bằng sự thương hại nhưng bằng Lòng Thương Xót. Anh biết mình cũng là đàn ông, cũng yếu đuối, ghen tuông khi vợ phản bội. Nên anh phải cầu xin Chúa giúp anh vượt qua được ích kỷ và sự nhỏ nhen này.
* * *
Sau bữa cơm chiều thật ngon, anh vừa bước ra sân thì nhìn thấy người phụ nữ đang quỳ rạp ở đó, trước nhà nguyện. Chị không dám vào vì nghĩ mình không xứng đáng. Anh lại gần:
- Em, sao em ở đây?
Chị ngẩng lên, hai mắt đỏ hoe:
- Anh, em đã biết lỗi của mình, em biết em không đủ tư cách để nói lời xin lỗi với Chúa và với anh. Nhưng em biết Chúa nhân từ, em chỉ xin anh cho em thêm một cơ hội, em sẽ làm lại từ đầu, em muốn được trở về để cùng anh nuôi dạy các con. Bao năm qua em đã không làm tròn bổn phận của người vợ, người mẹ...
- Em, em có biết anh chờ đợi giây phút này đã lâu lắm rồi không?
- Anh không giận em sao?
Có, vì giận nên anh mới không cứu em lúc ấy. Nhưng những ngày bên Chúa anh hiểu rằng: Cuộc sống ai cũng có lỗi lầm, quan trọng là mình đã nhận ra lầm lỗi và biết hối hận, trở về với Chúa. Chỉ khi nào mình cảm được tình Chúa mình mới thực sự biết mở lòng ra với người khác em ạ! Anh cũng nhận thấy rằng: Trong tình yêu không phải là yêu một người hoàn hảo, mà là tìm được những điều tuyệt vời từ những người không hoàn hảo.
- Cảm ơn anh đã đón nhận và tha thứ cho em. Từ nay em sẽ để Chúa hướng dẫn cuộc đời mình.
Anh đỡ chị đứng lên, hai người dìu nhau bước vào nhà nguyện.