(Mã số 18-114)
Chiếc xe con đang lướt êm trên đường làng đột ngột phanh gấp. Cửa mở. Người đàn ông trạc tứ tuần nom khá lịch lãm trong bộ vest xám bước xuống chỗ gã hành khất đang ngửa nón ngồi bệt ở ven đường. Người đàn ông rút ví bỏ vào nón một tờ màu xanh sau khi đã cẩn thận vuốt đi vuốt lại góc tờ giấy bạc. Cửa đóng. Chiếc xe lao vút đi. Không một chi tiết nào dù là nhỏ nhất của người đàn ông lọt ra ngoài tầm mắt bà lão bán nước. Bà ngồi ngay lại, phe phẩy quạt: “Ai như thằng cu Thước?”… “Chắc không phải đâu. Một ai đó giông giống thôi”- Tiếng vài người khác đáp lại. Tôi dốc ngược chén nước, đứng lên.
Đích thị là Thước. Gì chứ cái kiểu tóc chải ngược, chân đi giày rõ mồn một số cỡ 44 ở phía sau đế thì không lẫn vào đâu được.
* * *
Gọi là thằng cu Thước vì ngày xưa nó cứ cầm cây thước chạy khắp nơi khua nhặng cả lên chứ tên thật nó là Long, Lê Hoàng Long. Trong khi chúng tôi còn chưa biết phân biệt bài hát nào thuộc nhạc vàng, ca khúc nào nhạc đỏ thì nó đã thao thao bất tuyệt về cao độ, trường độ, rồi thì kỹ thuật hát to nhỏ, thậm chí cả ý nghĩa nhân văn của một bản nhạc.
Thước bắt bọn tôi đứng thành một hàng ngang, nghiêm ngắn đúng chuẩn theo đội hình chào cờ ở trường làng. Nó oai vệ cầm cây thước đứng đối diện. Sau một vài câu nhắn nhủ lẫn van lơn, nó nhắm mắt hướng về trời, toàn thân bất động. Một bầu khí thinh lặng ngột ngạt bao trùm. Lát sau, nó từ từ mở mắt, mỉm cười nhìn khắp bọn tôi một lượt rồi mới vung nhẹ cây thước cầm trên tay. Tuồng như mọi sự chờ đợi có tính chất nghiêm túc với lũ trẻ con là một thứ gì đó quá xa xỉ, nên chỉ chờ thằng cu Thước vung tay là cả đám ào ào rống lên những âm thanh nghe rùng rợn.
Tất tần tật những bài hát, dù trữ tình nhẹ nhàng đến đâu vào miệng bọn tôi đều tự động chuyển thành âm hưởng hành khúc. Kết thúc “buổi hoà nhạc” bao giờ cũng là màn được chờ đợi nhất. Mỗi thành viên của “dàn hợp xướng” đều được Thước cấp phát một viên kẹo bột mà thằng Tân “sứt” láu lỉnh gọi là “kẹo nhuận mồm”. Tôi để ý thấy nhiều lần Thước vừa phát kẹo vừa rơm rớm nước mắt. Chắc nó không hài lòng lắm về chất lượng “buổi hoà nhạc”. Chờ cho bọn kia tản đi hết, tôi đến bên Thước, nhỏ nhẹ:
- Chú tao nói những người nghệ sĩ thường cô đơn!
Nó nhìn tôi đắm đuối, dúi thêm một viên kẹo, nước mắt chực trào ra.
Không hiểu thằng này lấy đâu ra lắm kẹo thế mà ném cho hết đám này đến đám khác, miễn là chịu khó đứng thành hàng cho nó vung thước. Gia cảnh nó có khá khẩm gì đâu. Nó không cha không mẹ. Một buổi sáng tháng ba, bà Thảo “mù” chống gậy đi ăn xin thì đụng phải bọc tã đựng đứa bé hãy còn đỏ hỏn. Bà đem về nuôi. Bà Thảo ban ngày đi ăn xin, ban đêm ngồi lầm rầm đọc kinh, hết chuỗi này sang chuỗi khác. Thước hầu như không động tay vào việc nhà, nó ở ngoài đường nhiều hơn. Có người bảo thằng Thước dại, cả ngày cứ lo bao đồng chuyện thiên hạ. Tôi thì không nghĩ thế!
Năm bọn tôi lên lớp bảy, họ đạo Gò Vàng được giáo phận nâng lên cấp giáo xứ. Một vị linh mục già được cử đến coi sóc giáo xứ mới giữa những bề bộn và thiếu thốn. Nhìn khuôn mặt phúc hậu, tóc cước bồng bềnh, lũ trẻ bọn tôi cứ trầm trồ hình dung cha chẳng khác mấy với các vị tiên ông bước ra từ những pho truyện cổ. Mà tiên ông thì phải đến từ thượng giới, tuyệt đối không thể nhuốm mùi trần tục. Thậm chí cả bọn đều giơ tay cho rằng cha xứ có thể ăn uống chứ nhất định không ỉa đái bao giờ. Nhưng thằng cu Thước không chịu biểu quyết. Nó cứng đầu cãi tay đôi với tôi rằng cha xứ ỉa đái bình thường, thậm chí có chim cò hẳn hoi. Nghe đến đó, cả bọn nhao nhao phản đối. Thằng Hoan “tru” giãy nảy:
- Cu Thước nói hỗn! Có ngon mày dẫn bọn tao đi xem chim cha xứ xem nào. Nếu cha có chim, bọn tao nhịn “kẹo nhuận mồm” cho mày một tháng!
Cả đám quyết định bỏ học ngày hôm sau để khám phá cho bằng được “bí mật lịch sử”. Mục tiêu dĩ nhiên là khu vệ sinh nhà xứ. Nói khu vệ sinh cho sang chứ đó chỉ là mấy tấm tôn được lắp ghép tạm bợ ngay cuối khu vườn mọc đầy cỏ dại. Hoan “tru” được giao nhiệm vụ canh chừng, hễ có động tĩnh là báo ngay cho cả bọn đang “đóng quân” ở sân nhà thờ. Nhà nó cách nhà xứ có một bờ tường. Hoan “tru” bình thường ranh mãnh bao nhiêu thì khi vào việc lại ngờ nghệch và hậu đậu bấy nhiêu. Nó ngồi rình từ sáng cho đến gần nửa buổi thì thấy cha xứ đi về phía nhà vệ sinh. Mắt nó sáng lên, chạy đi báo hiệu. Đúng lúc cả bọn túa về nhà vệ sinh bằng đủ các tư thế lăn lê bò trườn thì tự dưng Hoan “tru” hét lớn:
- Nhanh lên, cha đái sắp xong rồi!
Nghe tiếng động, cha xứ ngó ra, mặt tái mét đi. Bọn tôi, đứa nằm đứa quỳ đồng loạt đứng dậy, chạy như ma đuổi. Khi đã yên vị ở bãi cát, Hoan “tru” hổn hển không ra hơi:
- May là tao thấy hết rồi. Hoành tráng lắm!
Cả bọn ôm bụng cười rũ. Cu Thước thắng oanh liệt. Báo hại bọn tôi phải đứng xếp hàng ròng rã một tháng trời cho nó cầm thước đánh nhịp.
Trong khi lũ trẻ làng nằm bẹp phơi mông cho những trận đòn đến nơi đến chốn thì Thước thầm lặng trở thành một hình mẫu của xứ đạo Gò Vàng. Tên nó nghiễm nhiên được nhắc đến nhiều nhất khi các bậc phụ huynh thực hiện phần giáo huấn. Bố tôi vừa nện những roi cuối vừa gằn giọng: “Nếu hứa phấn đấu theo thằng cu Thước thì tao tha!”. Tân “sứt” có một ví von vào loại “kinh điển” khi cho rằng cu Thước là cứu tinh của tất thảy những cái mông dập nát.
Gặp ai Thước cũng lễ phép một dạ hai dạ ngọt xớt. Chú Bình giương mắt: “Hôm kia Thước có tham gia đánh nhau với bọn trẻ xóm giữa không?” - “Thước nỏ!”( ). Đi học giáo lý, cô Ly hỏi: “Nói thật đi, Thước trốn đọc kinh tối lần nào chưa?” - “Thước nỏ!”. Ông trùm Lương dặn: “Cấm Thước bám theo mấy bạn hái trộm ổi nhà bà An đấy” - “Thước nỏ!”.
Vào học cấp ba, Thước biết cách ăn diện sao cho hợp “mốt”, mặc kệ đám trẻ Gò Vàng vẫn trung thành với áo bộ đội và dép tổ ong. Chân đi giày có số cỡ hẳn hoi dán đằng sau đế. Tóc nó cầu kỳ chải chuốt bằng nước lả. Hôm nào gấp quá thì trên đường đi thể nào Thước cũng ngó trước ngó sau rồi nhanh chân nấp vào một xó, nhổ nước bọt ra hai tay xoa xoa rồi đưa lên tóc vuốt cho mượt.
Thước được chị Oanh nhờ kèm cặp cho thằng con trai bảy tuổi. Chồng chị đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc, vài ba năm mới về một lần, việc nuôi dạy con cái phó mặc cho một mình vợ. Thước tận tâm suốt ba tháng ròng bày vẽ cho thằng cu. Một tối mùa hè, mẹ chồng chị Oanh đẩy cửa bắt gặp Thước trần truồng nằm trên bụng chị. Sau hôm đó, Thước bỏ làng đi biệt.
* * *
Bẵng đi hai mươi mấy năm, khi mà cái tên thằng cu Thước không còn được nhắc đến thì nó đột ngột xuất hiện. Nó về hôm trước thì hôm sau trên làng dưới bến người ta đã rầm rầm bàn tán. Kẻ thì bĩu môi bảo bài học chị Oanh còn sờ sờ ra đấy, cẩn thận khéo sói đội lốt chiên. Người khác lại cho rằng ai mà chẳng có lúc lầm lỡ, thói thường đánh kẻ chạy đi chứ ai đánh người chạy lại bao giờ. Mẹ tôi tan phiên chợ chiều về tấm tắc kể cu Thước bây giờ là một doanh nhân trẻ thành đạt, lấy bằng tiến sĩ ở Tây về hẳn hoi. Mẹ kể thì biết thế chứ lần này về Thước gần như tránh mặt người làng, suốt ngày chỉ ru rú ở nhà. Có lẽ ám ảnh từ vụ “hủ hoá” năm xưa với chị Oanh khiến nó chùng hẳn xuống.
Hoá ra tôi nhầm. Đợt hội làng diễn ra vài tuần sau đó mới thật là dịp ra mắt của Thước.
Ông Thắng, tộc trưởng họ Lê, xởi lởi bước lên bục gỗ, vân vê cái micro, ho khẹc vài tiếng cho có lệ rồi mới cất giọng khàn khàn:
- Hôm nay tôi trân trọng giới thiệu với bà con sự hiện diện của tiến sĩ Lê Hoàng Long, một người con của Gò Vàng chúng ta… E hèm! Anh Long đã đi nhiều nơi, trong cũng như ngoài nước, nhưng vì tấm lòng với quê cha đất tổ nên quyết định trở về để giúp đỡ bà con, e hèm! Anh là người có ăn học bằng cấp đàng hoàng, am hiểu sâu về phong thủy lại có khả năng chữa bệnh đặc biệt, e hèm! Coi như làng đã có lời mời, mong anh Long tận lực tận tình với bà con làng nước, e hèm!
Ông Thắng vừa dứt lời thì phía dưới hội trường vang lên những tiếng xầm xì. Có cả tiếng ai đó cười ngặt nghẽo. Ở hàng ghế cuối, Thước lặng lẽ đứng lên. Nổi bật trong bộ vest màu xám, cà vạt hiệu Hermes, nhưng khuôn mặt đầy vẻ cam chịu. Thước cầm micro, cũng ho khẹc mấy tiếng cho có lệ. Nó xin phép không nói gì nhiều, chỉ xin mọi người đón nhận như một cuộc trở về bình thường của bao người con xa xứ khác. Cuối cùng, nó rút trong túi áo tấm séc trị giá sáu trăm tám mươi triệu, đặt vào tay ông Thắng, trầm giọng mong làng xem như chút lòng thành lễ mọn. Ông Thắng đưa cả hai tay ra ôm chầm lấy nó. Tiếng vỗ tay như sóng dậy. Tan hội, nó đứng ngay cửa, chu đáo bắt tay hỏi han từng người một. Cái miệng hồn nhiên cười nói, tuồng như chưa từng có một cuộc hủ hoá nào xảy ra trước đó.
* * *
Ánh sáng toả ra từ những ngọn nến khiến nhà bà Thảo đỡ quạnh hơn mọi ngày. Người ta kê dép ngồi ra cả ngoài sân, hơi ẩm và mùi mồ hôi xộc lên tận óc. Giữa nhà đặt bức tượng Đức Mẹ, phía dưới chân tượng có cắm mấy bông cúc trắng. Nơi góc trái bức tường đầy vôi vữa lởm chởm là hình bà tiên tri mù Vanga được lồng khung treo trang trọng. Thước ngồi trên ghế, tay cầm chuỗi hạt làm bằng gỗ sưa, mắt lim dim theo nhịp kinh Kính Mừng. Cứ hết một chục kinh, mọi người quỳ cả dậy, đưa thẳng hai tay nâng chuỗi hạt hướng lên trời. Những lúc như thế, Thước mấp máy miệng, mồ hôi túa ra khắp khuôn mặt, chảy thành từng giọt nhỏ.
Tôi ngồi thừ ra, hơi thở càng lúc càng nặng. Tiếng Thước trầm ấm vang lên giữa những ngọn nến vật vờ cháy càng khiến cho đêm rờn rợn nhuốm màu liêu trai.
- Rìu đã đặt sát gốc cây. Tội ác kéo theo trừng phạt. Nếu không sinh trái thì dù là nho hay vả đều bị chặt hạ như nhau…
* * *
Sáng cuối tuần, tôi lôi mấy cuốn sách trên kệ xuống, định bụng tí nữa mang cho mấy đứa trẻ mồ côi ở trung tâm. Đang nhấp dở chén trà thì Tân “sứt” đến. Chưa kịp chào, giọng nó đã ra rả từ ngoài cổng:
- Ông cứ suốt ngày cắm mặt vào mấy cuốn sách, hèn gì chẳng biết cái làng này đang loạn lên là phải.
- Ơ kìa, có chuyện gì nghiêm trọng đến nỗi ông bác sĩ phải hạ cố sang tận đây thế?
- Tiến sĩ Thước của chúng ta làm loạn thế kia mà bảo không nghiêm trọng à? Cả làng, cả xứ này đang chạy theo nó đấy. Ông tin không, giờ thằng Thước mà bảo dân Gò Vàng đâm đầu nhảy xuống biển thì tất thảy sẽ mụ mị làm theo đấy!
Tôi cho thêm nước ấm vào bình, rót đầy hai cái ly nhỏ:
- Thì nó tập trung người lần chuỗi cầu nguyện, kêu gọi sám hối… Tốt mà!
- Tốt, tốt cái con khỉ! Nó bịp đấy! Thằng cha đó còn rêu rao nó là ngôi sao ngoại cảm đang lên, đã nhận được một khải thị nào đó, rằng ít năm nữa cả cái làng này sẽ chết rũ vì nạn dịch ung thư đấy. Rồi gì nữa nhỉ? Nào là cái họa này khó tránh. Nào là thiên mệnh của nó là cứu xứ đạo Gò Vàng này mới kinh chứ. Đấy, đã có mấy người từ nơi khác đến xin nó chữa bệnh rồi nhé. Có cả mấy bà hiếm muộn nằm cho nó đặt tay lên bụng nữa.
- Mấy vụ đó cha xứ không nói thì thôi, mình nói được cái gì?- Tôi xẵng giọng.
- Còn nói gì được nữa… Đám người này nghe Thước còn hơn nghe cha xứ. Cái hôm làng nhận quà ra mắt của Thước đấy, nhìn cái kiểu ông Thắng cười rồi ôm nó xoa xoa vỗ vỗ thì tao đã biết tỏng thằng Thước sẽ khiến tất cả câm tịt sớm thôi. Hề thật, tiền có phải là rượu đâu mà khiến người ta khướt đến thế chứ!
* * *
Gò Vàng mấy tháng nay rộn hẳn. Người khắp nơi kéo về, xuống khỏi xe đò là tay xách nách mang hỏi nhà thầy Thước. Nhếch nhác và héo rũ. Một số người được chữa khỏi bệnh la khóc, quỳ xuống vái như tế sao. Tin thầy Thước nhận được khải thị, chữa bệnh nan y, hiếm muộn bằng cách đặt tay cầu nguyện lan nhanh khắp vùng. Cha xứ hết nhũn nhặn khuyên lơn đến cao giọng cấm cản nhưng cũng chẳng ăn thua. Thước lờ tịt đi, im ắng được mấy chốc rồi đâu lại vào đấy. Trong nhà ngoài ngõ, già trẻ lớn bé rỉ tai nhau về ngày tận thế. Ông Tính dẫn theo vợ đi nhận lại con rơi. Bọn thằng Quỳnh mang tiền sang trả lại cho nhà chị Lài bị mất trộm. Mấy vụ tranh chấp đất cát chưa bao giờ được giải quyết nhanh và êm thấm như lúc này...
Đêm thượng tuần, trăng sóng sánh loang dịu màu trời. Tôi lại ra biển, chân dẫm lên những trảng cát mịn. Gió thốc vào lồng ngực. Mát rượi. Biển không cho những câu trả lời nhưng đem đến cảm giác bình yên. Dĩ nhiên là cả sự bao bọc. Một bóng đen chậm rãi bước tới. Là Thước.
- Ông giáo làng vẫn giữ thói quen dạo biển đêm đấy à?
- Vâng, ra là anh Thước. Lâu lắm mới thấy anh thư thái được một bữa. Anh hồn nhiên bữa nào thì Gò Vàng cũng bình yên bữa đấy, nhỉ?- Tôi tếu táo theo lời một bài hát.
- Ông lại xách mé tôi! Có gì nhiều nhặn đáng kể lắm đâu.
- Anh khiến cho cả cái xứ này bỏ hết nghề ngỗng để ngồi bệt dưới chân anh mà không đáng kể à? Nào là khải thị về nạn dịch ung thư, nào là thiên mệnh chữa bệnh cứu nhân độ thế… Anh làm cho đám đông mê anh như mê thuốc phiện. Kể ra anh cũng giỏi thật đấy chứ!
Thước khựng lại như một con thú bị đòn phủ đầu, váng vất chốc lát rồi quay ra thủ thế chờ đợi. Nó đanh giọng:
- Tao nói sai à? Tọng vào bụng cho lắm rau quả phun thuốc trừ sâu, hải sản nhiễm độc sớm muộn gì mà không chết. Mà mày tưởng dân Gò Vàng này sẽ vì nạn dịch ung thư mà chết hết đấy à? Chưa đâu! Nhưng tình người thì đang giãy chết đấy. Bọn họ chưa chết vì dịch ung thư thì đã chết vì đủ thứ ung nhọt đang từng ngày từng giờ mưng mủ trong lòng họ, trong đầu họ đấy. Thứ ung nhọt của những cái đầu bị kìm nén, của cái bụng tham vô đáy, của những quả tim chất đầy thù hận mới nặng mùi và tởm lợm.
- Vì thế mà mày nhân danh Chúa, nhân danh những gì thiêng thánh để tự cho mình cái quyền tiêm morphin cho họ?
- Đám đông hay lắm! Mà sợ hãi thì luôn có gen di truyền. Toàn những thứ có sẵn hết rồi. Công thức pha chế của tao là lấy đám đông cộng với sự sợ hãi để tạo ra những kẻ cuồng tín. Mày tin không thì tuỳ, nhưng cuồng tín cũng là một loại ung thư đấy!
Lần này thì đến lượt tôi khựng lại. Những gì Thước nói như mũi dao sắc nhọn. Tôi siết chặt nắm đấm, gằn gừ:
- Đầu tiên là bắt mạch. Kế đến cho con bệnh uống một loại độc tố, sau đó vét nhẵn tiền trong túi họ cho những liều thuốc giảm đau giả hiệu. Và cuối cùng khi tiền đã chảy hết vào túi mày thì bọn họ tự khắc đổ vật ra mà chết, phải không Thước?
- Mày đừng nghiêm trọng thế! Đơn giản tao chỉ cho những cái bụng đang đói được ăn thôi. Đói gì tao cho ăn nấy. Đói bao nhiêu tao cho ăn bấy nhiêu. Xã hội bây giờ thiếu đếch gì người đói. Ở cái buổi nhập nhoạng này thằng nào muốn làm vua thì nhất định phải biết thiên hạ đang đói cái gì. Một nghề nghiệp lương thiện đấy. Nhưng phải có nguyên tắc. Không bao giờ để bọn họ được ăn no, mày hiểu không?
Nói xong, Thước ngửa mặt lên trời, cười hềnh hệch.
* * *
Gà còn chưa gáy sáng thì đã có tiếng người gọi nhau, tiếng bước chân rầm rập. “Thằng cu Thước mang tiền bỏ trốn rồi bà con ơi!”. Tôi lao nhanh ra cổng. Người làng đốt đuốc túa đi khắp nơi tìm Thước. Đám thanh niên lưng trần trùng trục, tay mang những con dao sáng loáng.
Thước đi thật. Cả ngày sục sạo vẫn không thấy bóng. Số tiền tích góp được của dân Gò Vàng coi như mất trắng. Nào là tiền góp quỹ thiện nguyện. Nào là tiền Thước mượn tạm xây thêm chỗ ăn ở cho bệnh nhân. Tiền đóng quỹ tín dụng cho bà con xoay vốn làm ăn. Vài người hớt hải báo tin trước khi về làng thì Thước đã lừa đảo nhiều nơi khác, có cả một đường dây hẳn hoi. Mấy trường hợp khỏi bệnh kia cũng do một tay nó sắp đặt nốt...
Đã hơn 11 giờ khuya. Gò Vàng chìm sâu vào màn đêm đen thẫm. Khi tất cả đã thiếp đi trong giấc ngủ nhiều mộng mị như một cơ thể vừa trải qua những ngày dài mệt mỏi thì có một ngôi nhà vẫn sáng đèn.
- Bỏ cái thai đi… Còn tội vạ đâu tao chịu. Mày định cho cả cái làng này nhổ vào mặt tao à?
- Con lạy bố, đứa bé này không có tội!
- Mày cứng đầu lắm, Nhung ơi! Thế thì chọn đi, một là bỏ cái thai, hai là cút khỏi nhà tao. Dòng họ này không có loại bất hiếu, đĩ thoã như mày.
- Con sai rồi bố ơi, nhưng đứa bé này cần được sống. Nó phải sống để cho mọi người thấy giọt máu của cha nó không hoàn toàn xấu xa. Bố ơi, nó phải sống để cha nó còn một lý do mà trở về, mà sống cho ra người hơn!
* * *
Hơn một năm sau ngày Thước đi, xứ đạo Gò Vàng mới lấy lại được nhịp thở quen thuộc của một làng chài khá sầm uất. Những con thuyền không còn nằm gối đầu lên bãi cát. Đàn bà làng biển vừa thay chồng quán xuyến nhà cửa vừa đau đáu dõi mắt về khơi xa, nơi những người đàn ông của họ đang mồ hôi nhễ nhại cất từng mẻ lưới. Trong một căn nhà nhỏ đã lở tróc vôi vữa, ẩm thấp, có hai người đàn bà lặng lẽ tựa vào vai nhau. Sâu ẩn trong lòng họ cũng đằng đẵng một cuộc chờ đợi của riêng mình.
Từ ngày Nhung bế con về ở chung, bà Thảo vui hẳn ra. Bà không còn đi ăn xin, chỉ ở nhà trông cháu. Còn Nhung thì sáng sớm quàng đôi gánh xuống bến cảng, mua mớ tôm mớ cá còn tươi mang ra chợ bán. Cuộc sống bình yên sau cánh cửa. Chợt có tiếng trẻ con khóc. Bà Thảo cựa mình, cười hiền hậu:
- Cho nó bú miếng đi Nhung. Cha tổ nó, thằng Thước con lại đói sữa rồi!
Ngoài kia, sóng vẫn lặng lẽ vỗ bờ. Biển đêm thâm trầm huyền bí. Tiếng sóng vỗ lẫn với lời kinh đêm của mẹ con bà Thảo “mù”: “Kính mừng Maria... ”.