(Mã số 18-143)
“Ôi! Tắc đường thế này thì bao giờ mới đến nơi, muộn mất!”
Tôi vừa lầm bầm vừa nhón chân lích từng tí một giữa biển người với cơ man là xe cộ trên đường lên Thái Hà tham dự thánh lễ. Cảnh tắc đường quá quen thuộc ở cái nơi đường chật xe đông này, đã tính đi sớm hơn tận hai mươi phút, ấy thế mà chỉ còn có mười phút nữa là Thánh Lễ bắt đầu, tôi vẫn mắc kẹt ở cái ngã tư đèn đỏ định mệnh. “Chết! còn phải lên tầng ba mặc áo nữa, phải liều thôi”. Nói rồi, tôi bon chen lên vỉa hè, lao một mạch ra khỏi đám xe cộ đang bấm còi inh ỏi.
“Phù…uuuu! May quá! Vẫn kịp”. Ba chân bốn cẳng vắt hết cả lên, cuối cùng tôi cũng leo lên được phòng mặc áo. Giờ này chắc chỉ còn mình tôi trên này thôi, mọi người có lẽ đang ngồi chiễm chệ trên gác đàn nghe lịch phụng vụ hết thảy rồi. Căn phòng đối diện tủ quần áo hắt ra một chút ánh sáng ít ỏi đủ để tôi mò mẫm chiếc áo chùng vàng của Ca đoàn Tê-rê-sa Hài Đồng Vinh đang treo gọn gàng trên móc. Tôi mặc vội mặc vàng chẳng kịp nhìn gương, toan quay xuống thì anh chàng nào cũng đang đi về phía tủ gọi tôi quay lại. “Đã muộn thì chớ…”, đang định cằn nhằn thì hắn ta đưa tay ra sau lưng tôi, kéo tấm dải yếm đồng phục ca đoàn màu đỏ quay về đúng vị trí của nó, rồi tiện thể sửa luôn cả chiếc cổ áo đang nằm lệch. Tôi ngây người ra như vừa bị ai thôi miên. “Xong rồi đấy, em đi xuống đi kẻo muộn”- Nói rồi hắn quay đi, tiến về tủ áo như đã định. Mặc kệ tôi đứng chết dí với cái mặt ửng như quả cà chua đến mùa thu hoạch.
Sau ba giây định hình thì tôi cũng nhận ra là mình vừa đeo cái yếm ngược. Và tên kia vừa trở thành vị cứu tinh của tôi trước hàng ngàn cặp mắt sẽ nhìn tôi như vừa mới trong rừng chui ra. Ngay lúc đấy, chỉ ước có cái lỗ nào mà chui xuống, quê quá chừng. Tôi lí nhí cảm ơn rồi biến phắt một cái chẳng kịp nghe tên kia nói gì đằng sau. Leo được lên gác đàn thì ca trưởng cũng vừa xong nhiệm vụ ôn hát cho cộng đoàn. Tôi tìm lấy một chỗ ngồi cho mình rồi thở hắt ra như vừa trải qua phút thập tử nhất sinh vậy. Vài giây sau thì hắn cũng lên tới. Hắn không nhìn tôi mà đi thẳng về phía nhạc công, nói gì đó với ca trưởng đang đứng đấy, rồi cũng tìm cho mình một chỗ ngồi ổn định. Tôi lấy tóc che hết góc mặt bên phải vì sợ tên kia phát hiện ra con bé quê mùa mặc ngược áo ca đoàn là mình, cả sống lưng dơn dớt mồ hôi như ngồi trên đống lửa. Nhưng coi bộ điều tôi đang lo là thừa thãi, vì tên kia từ lúc lên tới đây đến giờ chưa buồn quay qua nhìn tôi. “Thế là may rồi, chắc hắn không nhớ mặt mình đâu”- Tôi thở đánh phào nhẹ nhõm… Một tiếng trôi qua, giờ lễ kết thúc. Sau khi thu lượm đống giấy hát nằm vương vãi khắp ghế đặt vào túi một cách gọn gàng, hắn bước lên bục ca trưởng trịnh trọng phát biểu: “Trước hết là xin lỗi mọi người, hôm nay Tuấn đến muộn vì có chút việc, sau là cảm ơn anh Công Minh cùng tất cả mọi người đã hy sinh thời gian tập hát và hôm nay hiện diện ở đây để phục vụ thánh lễ Chúa Nhật, chúc tất cả đêm an lành và luôn tràn đầy ơn Thánh Chúa!”- Nói rồi hắn cười, mọi người vỗ tay tán thưởng. Chao ôi! Người đâu mà… điển trai vậy. Hỏi mấy chị ngồi cùng, tôi mới biết anh là trưởng ca đoàn Tê-rê-sa Hài Đồng Vinh. Không biết cũng phải, vì tôi mới chân ướt chân ráo vào ca đoàn và hôm nay là ngày phục vụ lễ đầu tiên. Đang định cười thì cái sự cố hy hữu trên phòng mặc áo lại đập vào đầu cái bộp, mặt tôi méo xệch đi. Tôi xách túi lẻn về trước chẳng dám qua chào hỏi làm quen với mọi người…
Tôi, sinh viên năm nhất Đại học Bách Khoa. Ra nhập học chưa được bao lâu thì mấy anh chị cùng xóm trọ rủ đi sinh hoạt cộng đoàn. Hồi ở quê tôi cũng nghe kể về cộng đoàn nhiều rồi. Cộng đoàn Giáo phận Vinh tại Hà Nội quy tụ đông đảo những sinh viên và anh chị cựu “nhà Vinh” đang sinh sống, học tập, làm việc trên khắp mảnh đất Hà Thành. Cộng đoàn hoạt động rất năng nổ về mọi mặt, có thể nói là một trong những “hạt giống” tiềm năng nhất của gia đình sinh viên Công giáo Thái Hà. Cộng đoàn Vinh có tới chín cộng đoàn nhỏ chia theo từng khu vực để tiện giao lưu và sinh hoạt. Tôi được gia nhập vào cộng đoàn Phao-Lô Trở Lại và không bao lâu, nơi đây đã trở thành ngôi nhà thứ hai của của tôi một cách đúng nghĩa. Anh chị em trong cộng đoàn quý mến nhau như người trong nhà, bất cứ việc gì tôi cần, các anh chị đều sẵn lòng giúp đỡ, đưa đón tôi đi sinh hoạt tận tình…
Chị Hiền là người đầu tiên phát hiện tôi có giọng hát khá là hay, chị bèn đề cử tôi hát solo cho cộng đoàn, vì thế mà dù mới chỉ là tân sinh viên, tôi trở nên khá “nổi tiếng”. Sinh hoạt được một thời gian thì anh Cường - trưởng ban nối kết, khuyên tôi nên “đầu quân” cho ca đoàn Tê-rê-sa Vinh, anh cũng đang là một ca viên rất năng nổ trong đấy. Nhắc đến ca đoàn Tê-rê-sa là tôi nhớ ngay đến những chiếc áo chùng vàng hãnh diện vẫn xuất hiện đều đều trong các thánh lễ Chúa Nhật ở Giáo xứ Thái Hà. Tôi đã từng nhìn chiếc áo ấy một cách đầy khao khát hồi chưa gia nhập cộng đoàn. Dù chẳng nghĩ là mình có tài cán gì cho cam, nhưng ca đoàn là nơi tôi rất yêu thích ngay từ hồi vẫn còn phục vụ ở giáo họ. Được hòa giọng với mọi người trong thánh lễ là một điều gì đó mang lại cho tôi rất nhiều cảm xúc khó diễn tả. Bây giờ khao khát ấy thành hiện thực rồi. Tôi vừa hạnh phúc vừa hồi hộp nhận lời anh, ghi tên mình trong danh sách những ca viên mới…
Thánh lễ đã kết thúc từ lâu, tôi đang nằm yên vị trên chiếc giường nhỏ trong căn gác trọ của mình. Nửa đêm rồi mà vẫn không tài nào ngủ được, hễ nhắm mắt vào là cảnh tượng “nửa cay đắng, nửa ngọt ngào” ấy lại xuất hiện. Giờ nghĩ lại mới thấy anh thật tinh tế, chẳng trách ca viên ai nấy đều rất quý mến anh. Nhưng trong lòng tôi lại xuất hiện thứ cảm giác khác nữa, lạ lắm, tim cứ rền thình thịch trong lồng ngực, mặt nóng ran. Sau hai tiếng trằn trọc nữa, tôi đoán, chắc Thần Cupid đã lén bắn vào tim một mũi tên ngay cái khoảnh khắc ấy rồi…
Tôi trở thành một ca viên khá năng nổ vì hầu như không vắng một buổi tập hát nào. Dù mỗi buổi tập chỉ ngồi im một góc, không cười đùa với mọi người như tính cách thường ngày. Thật ra tôi thường xuyên đi tập hát là còn vì lí do khác, chính là để gặp anh- người đã vô tình đi không cẩn thận và “đâm sầm” vào tim tôi bằng cái cử chỉ dịu dàng trên hành lang tầng ba bận nọ. Buổi nào cũng vậy, chỉ nhìn anh đứng tập hát trên thôi là tôi đã thấy cuộc đời đẹp lên biết bao nhiêu. Ở anh có điều gì đó rất cuốn hút, cách anh đập nhịp, gương mặt biểu cảm khi hát thánh ca đầy say mê của anh khiến mọi người, không phải chỉ riêng tôi, đều cảm thấy rất yêu mến. Tôi chỉ dám ngồi ở góc dưới, tránh ánh nhìn của anh. Nhiều lúc tôi mong là anh nhận ra tôi- con nhỏ nhà quê mặc ngược áo ca đoàn, chắc anh sẽ trêu hoặc hỏi thăm gì đó thì có lẽ tôi sẽ thấy tự nhiên hơn mà thoải mái thể hiện mình. Nhưng không, anh vẫn vậy, từ dạo ấy đến giờ tôi và anh còn chưa có lấy một lời chào nhau tử tế. Điều ấy khiến tôi vừa buồn vừa chưng hửng như ai lấy mất cái gì…
Sau một buổi tập hát như mọi ngày, tôi xách túi chuẩn bị đi ra thì giật bắn mình vì anh đang gọi đích danh tôi: “Ly, lại đây anh nhờ tí”. Thấy tôi đứng bần thần không bước qua, anh phải hỏi lại: “Em là Ly đúng không? Em qua đây anh nhờ em chút việc”. Rồi anh cười, một nụ cười thân thiện chưa từng thấy. Chân tôi bắt đầu run, tim đập loạn xị, vẫn không tin nổi là anh biết mình. Tôi cố trấn tĩnh rồi bước qua chiếc bàn, chỗ anh đang sắp xếp lại giấy hát.
-“Dạ! em là Ly đây, có việc gì hả anh?”
- “Tuần này em hát đáp ca nhé! Anh nghe mấy đứa nhà Pauls nói rồi, em hát hay lắm đúng không?”. Nó phải cố trấn tĩnh thêm lần nữa để tim bớt nhảy nhót trong lồng ngực.
- “Ơ!... Hi, đâu có ạ, hay gì đâu anh, thì…thì…”
- “Đây, anh sẽ hát thử rồi em hát lại anh nghe nhé!”.
Không để tôi có cơ hội từ chối, anh đưa bản nhạc cho tôi, hát thử cho tôi nghe một đoạn. Tôi hát theo anh bằng cái giọng hụt hơi của mình. “Em hát tốt đấy chứ, chỉ cần tập giữ hơi ở bụng nữa là tuyệt vời luôn, lại nhé!”. Rồi anh tập cho tôi cách lấy hơi, giữ cột hơi thế nào, ngân rung ra sao. Lúc ấy tôi chỉ nghĩ mình đang mơ chứ không phải thật. Tập xong anh khệ nệ vác cây đàn trên vai, tôi cầm hộ anh túi giấy hát tiến ra xe. Hai anh em vừa đi vừa hỏi han trò chuyện vui vẻ. Giờ tôi mới biết là anh khác với vẻ nghiêm túc khi tập hát rất nhiều, anh vui tính hơn tôi nghĩ. Có lẽ, đấy là đêm đẹp nhất từ khi bước chân ra Hà Nội học đến giờ…
Sau buổi ấy anh và tôi thân thiết hơn một chút. Tôi đã đẩy lùi được sự ngại ngùng của một tân ca viên để trở nên năng nổ đúng như bản chất. Tôi thường phụ anh in giấy, sắp xếp giấy hát gọn gàng, lăng xăng tiếp nước cho ca đoàn những buổi tập. Chẳng biết từ lúc nào tôi trở thành “chân thư kí” của anh. Giờ tập hát kết thúc là giờ tôi được nói chuyện với anh nhiều hơn một chút. Anh thường tâm sự cho tôi nghe về những trăn trở của anh dành cho ca đoàn, anh coi đó như đứa con tinh thần vậy. Dù bận bịu học tập ở trường, làm thêm để kiếm sống, anh vẫn dành tinh thần cống hiến hết mình ấy để giúp ca đoàn ngày càng hoàn thiện hơn. Ai cũng biết Ca đoàn Tê-rê-sa Vinh là một trong những bộ mặt của cộng đoàn, những ca viên đầy nhiệt huyết, những giọng ca triển vọng, ca trưởng giỏi giang, nhạc công tài ba và nhất là sự tận tâm chu đáo của anh trưởng. Ca đoàn ngày càng trở nên nổi bật, hát hay không hề kém cạnh những ca đoàn khác đang phục vụ ở Giáo xứ Thái Hà…
Tôi rất thích nhìn anh từ phía sau, hình ảnh anh mang cây đàn sau lưng thật sự rất đẹp khiến tôi vừa thương vừa cảm phục. Tôi hình dung cây đàn cũng giống như ca đoàn của tôi vậy, anh đang gồng lưng gánh vác. Anh lo lắng từng li từng tí, chăm chút từng bài thánh ca vì ý thức được rằng tiếng hát của ca đoàn như là “linh hồn” của Thánh lễ. Anh cúi xuống phục vụ mà chẳng bao giờ mong ích lợi gì cho bản thân.
Thời gian thấm thoắt, một năm trôi qua. Đồng hành với anh một chặng đường, tôi học được nơi anh nhiều thứ. Từ tinh thần phục vụ khiêm nhường của anh đến nụ cười rạng rỡ mang lại bình an cho người đối diện. Tình cảm theo đó lớn dần lên, không còn là sự rung động nhất thời của cô sinh viên năm nhất nữa. Tôi cũng không bận tâm liệu anh có dành thứ tình cảm ấy cho tôi hay không, tôi không hy vọng gì, người ta nói tình đơn phương là thứ tình đẹp đẽ nhất. Những giờ phút bình yên bước cùng anh bên cây đàn sau những buổi tập hát đã là những thời khắc hạnh phúc nhất của tôi rồi, chỉ cần thế là đủ. Nhưng có một điều tôi không mảy may nghĩ đến, anh đã là sinh viên năm cuối…
Thu nhẹ nhàng nhuốm Hà Nội thành một màu buồn ảm đạm, mấy hàng cây bên đường như đang cố lưu luyến những chiếc lá ngả vàng chốc nữa thôi sẽ bị gió cuốn đi mất… Thời gian này anh ít đến với ca đoàn hơn vì dự tính sẽ vào Đà Nẵng lập nghiệp. Anh sẽ xa cộng đoàn, sẽ xa tôi, sẽ mang đi xa cả những điều hạnh phúc dung dị tôi đang tưởng chừng mình nắm chắc. Như có sự chuẩn bị từ trước, anh đặt hết kỳ vọng vào Sơn- cậu sinh viên năm nhất trường Sư phạm Nghệ thuật Trung Ương vừa ra nhập học được vài tháng. Anh kèm cặp cậu nhóc, chuẩn bị mọi thứ cho trọng trách trưởng ca đoàn cậu nhóc sẽ gánh vác thay anh sau này. Không ai biết tôi buồn đến mức nào, ngoài mặt lúc nào cũng tỏ ra nhắng nhít để anh khỏi bận tâm, để che đi cái tâm trạng hụt hẫng, lo sợ mình sắp đánh mất điều gì quý giá lắm…
Ngày ấy cũng đến, ngày chẳng bao giờ tôi muốn nó xuất hiện, nhưng một khi nó xuất hiện, nó đến với tôi bằng một diện mạo xấu xí nhất. Ngày ấy là ngày đầu tiên tôi biết đến chị, người đã chiếm trọn trái tim anh ngay từ hồi anh còn là sinh viên năm nhất đến tận bây giờ. Cả thế giới như sụp đổ. Tôi cố giữ vẻ mặt hết sức bình tĩnh lúc tiễn anh ở phi trường. Mọi người đến tiễn anh rất đông. Ai cũng xoắn xuýt, bùi ngùi, ôm tạm biệt người anh đáng mến. Chỉ mình tôi đứng bần thần ở một góc xa xa, tôi nhìn chị, chị mới xinh đẹp duyên dáng làm sao. Anh yêu chị là phải lắm, nhìn hai người đẹp đôi lắm. Đầu thì nghĩ vậy mà mắt tôi nhòe đi, mặt cúi xuống che ánh nhìn của mọi người. Bỗng nhiên anh bước lại gần tự lúc nào không hay. Anh nhìn tôi trìu mến, tháo trên cổ sợi dây chuyền hình nốt nhạc tặng lại cho tôi. “Cảm ơn em rất nhiều trong thời gian qua, anh xin lỗi vì không thể đồng hành cùng em và mọi người thêm nữa, tinh thần phục vụ của em rất đáng trân trọng Ly ạ, em hãy ở lại giúp Sơn lo lắng cho ca đoàn nhé! Sẽ nhớ em và mọi người rất nhiều”. Hai hàng nước mắt thôi không cầm được nữa, lăn lã chã trên gò má nóng ran. Tôi ngước nhìn anh rồi khẽ gật đầu, vẫn không tài nào mở miệng, sợ mình sẽ khóc thành tiếng. Anh nhoẻn cười ghé vào tai tôi nói nhỏ: “Nhớ tập cho tụi tân sinh viên cách mặc áo ca đoàn nhé”, rồi lém lỉnh cười. Nghe xong câu ấy thì tôi khóc thật, vừa khóc vừa cười như con dở, mọi người cười phá lên, chị cũng cười.
Vài chục phút sau, phi trường trở nên vắng lặng, máy bay cất cánh…
Trở về nhịp sống bình thường, tôi vẫn chẳng thể nào quên nổi bóng dáng anh. Mọi thứ của ca đoàn đều khiến tôi trống trải đến ngộp thở. Không làm cách nào khỏa lấp được sự trống vắng ấy, sự hiện diện của tôi thưa dần, tôi viện hết lí do này sang lí do khác, lúc thì mệt, lúc thì bận làm thêm để thoái thác. Rồi tôi bỏ hẳn vì chẳng thể nào giúp mình vui vẻ khi đến phục vụ được. Cái tư lự của tôi che kín hết cả niềm vui mình từng cho là hạnh phúc nhất…
Một năm sau… Một buổi trưa mát mẻ, tôi đang thiu thiu ngủ thì điện thoại đổ chuông. Một dòng tin nhắn gọn nhẹ: “Tuần này chị Ly hát đáp ca nhé, tối nhớ đi tập hát nha - Quang Sơn”. Tôi phải dụi mắt mấy lần mới tin nổi việc đã một năm không lui tới mà thằng nhóc vẫn nhớ tới mình. Tâm trạng giờ đã ổn hơn rất nhiều so với ngày đó, nhưng việc đột nhiên mất tích rồi đột nhiên xuất hiện có làm mọi người dị nghị không? Lòng muốn đi lắm nhưng lại sợ, mà có khi họ quên mình rồi cũng nên. Nghĩ thế nhưng tôi vẫn quyết định đi, đã lâu lắm rồi tôi không cảm thấy rộn ràng như thế, lòng hồi hộp như lần đầu tiên đến với ca đoàn. Hôm ấy tập hát rất đông. Có nhiều gương mặt mới tôi không quen biết, chắc là tân sinh viên. Vừa thấy tôi xuất hiện, mấy người bạn và anh chị khóa trước vui ra mặt. Kéo lại trách móc đủ điều rồi hỏi han tôi từng tí. Trò chuyện vui vẻ cứ như vừa mới hôm qua còn gặp nhau. Cảm giác như mình đi lạc rồi trở về được mọi người ôm vào lòng vậy.
Tôi thấy anh Công Minh - ca trưởng nhiệt thành với giọng ca đầy sâu lắng bao nhiêu năm vẫn hy sinh tập hát cho ca đoàn. Tôi thấy anh nhạc sĩ Tôn Tẫn, dù bận trăm ngàn công việc, vẫn hiện diện để đệm đàn cho ca đoàn hát. Tôi thấy chị Linh- “Tông đồ dân ngoại”, bất chấp bị gia đình cấm đoán, chị vẫn hiện diện, vẫn hết mình phục vụ không chỉ riêng việc trong ca đoàn mà trong nhiều hoạt động khác của cộng đoàn nữa. Tôi thấy bao anh chị trên tôi và cùng lứa với tôi vẫn đều đặn góp lời ca tiếng hát của mình trong vườn ca Tê-rê-sa suốt bao năm không rời bỏ. Còn nhóc Sơn nữa, “cậu Tuấn con” nay ra dáng anh trưởng ra phết, bao nhiêu đức tính tốt đẹp của anh dường như truyền hết lại cho cậu. Nhỏ con mà tiếng nói không nhỏ chút nào, điều hành, quán xuyến ca đoàn đâu vào đấy. Còn tôi, như một đứa trẻ giận Cha vì không tác thành ý muốn cho nó. Đã một năm rời bỏ ca đoàn, điều tôi đánh mất còn nhiều hơn cả mối tình đầu đơn phương. Nhưng rồi Cha vẫn thương tôi ngay cả khi tôi hư đốn. Tôi chợt nhận ra chỉ khi buông bỏ được những bận tâm về chính mình và những vị kỉ cá nhân thì việc phục vụ mới mang lại niềm vui đích thực…
Tập xong đáp ca, tôi ở lại giúp Sơn thu dọn giấy hát. Mọi người ra về hết, chị em chọc nhau cười phá lên, nó chẳng buồn trách móc tôi về “kì nghỉ phép dài hạn” tùy tiện đấy. Ra về, nó mang đàn lên lưng, tôi cầm túi giấy đi theo đằng sau, hình ảnh ấy lại một lần nữa sống lại. Hình ảnh nó mang cây đàn gần cao bằng nó sau lưng khiến tôi vừa buồn cười vừa thương, giá nó mà cao bằng anh Tuấn thì trông đỡ tội hơn rồi. Đi ra gần bãi xe, bất ngờ nó hỏi: “Nghe bảo tháng nữa anh Tuấn cưới, chị có thiệp mời chưa?”. Tôi trố mắt nhìn, nó lại tiếp: “Mà thôi đi làm gì, sợ nước mắt không đủ để mà khóc, haha!”. Tôi đập vào đầu nó cái cộc: “Thằng quỷ, sao mày biết hả?”. Nó chỉ cười khanh khách rồi quay sang trả lời tôi bằng ánh mắt tinh quái: “Cả Cộng đoàn Vinh biết không phải mình em, haha!”. Tôi ngượng chín mặt định đập cho nó phát nữa nhưng thôi, rồi để đánh trống lảng, tôi tỏ vẻ tư lự: “Không biết đến lúc mày, anh Công Minh, anh Tẫn đi khỏi đây, ca đoàn có được như bây giờ nữa không nhỉ?”. Nó cười xòa: “Chị cứ giỏi lo xa, có Chúa lo hết rồi, mình cứ làm tròn bổn phận bây giờ là được thôi. Tre già thì măng mọc, chứ ca đoàn tồn tại được mười năm rồi vẫn phát triển đấy thôi…” - “Ừ nhỉ!”… Trong đầu nghĩ đến mấy đứa tân sinh viên, phải kêu chúng nó vào bằng hết, cả mình nữa, phải làm gương sáng cho tụi nó. Sợi dây chuyền hình nốt nhạc như vừa ngân lên…