(Mã số 18-123)
Chị đến nhà thờ thì trời đã tối sẫm. Lúc đặt chân đến vùng núi rừng trùng điệp này, chị không nghĩ ở đây lại có sự hiện diện của một ngôi nhà thờ nhỏ. Ban đầu chị không có ý định ghé thăm bất cứ địa danh nào ở cái nơi xa lạ mà lần đầu chị tìm tới, bởi trong tâm tưởng của chị chỉ có một mong muốn duy nhất là tìm đến cái chết, điều mà chị đã nhen nhóm từ trước khi bắt đầu cuộc khởi hành. Chị đã hình dung ra cảnh tượng cơ thể mình lao xuống vực và nằm bất động ở đó, và nếu không có gì thay đổi thì có lẽ cũng chẳng ai biết đến cái chết của một người phụ nữ xa lạ như chị nơi xó núi heo hút này. Một cái chết âm thầm. Nhưng rồi hình ảnh của ngôi nhà thờ nằm trên con đường chông chênh đá sỏi gồ ghề đã thôi thúc chị, như một bản năng còn sót lại của một người Kitô hữu khi đối diện trước ngưỡng cửa cuộc đời.
Chị đến tìm Cha và bảo rằng mình muốn xưng tội. Cha nhìn chị ngạc nhiên quá đỗi, làm sao một cô gái nhỏ nhắn tìm đến nhà thờ vào lúc tối muộn chỉ với mong muốn được xưng tội? Rất điềm nhiên, cha hỏi chị:
- Con không phải là người vùng này?
Chị lặng lẽ gật đầu, người chị như muốn lả đi. Theo lộ trình trong trí nhớ, chị leo lên một chiếc xe đò chạy dọc theo tỉnh lộ Đường Trường đến vùng núi này thì xuống xe. Rồi chị cuốc bộ một quãng dài đến lưng chừng núi, chị cố gắng tìm kiếm một nơi thật vắng vẻ cho cái chết của mình. Chị không muốn phiền lụy ai, chị đã suy tính rất kĩ lưỡng mọi chuyện. Người ta tưởng chị đến đây một mình nhưng không, chị còn mang theo một sinh linh bé bỏng trong bụng. Đó dường như là một lộ trình hoàn hảo mà chị cố vạch ra nhưng cái thai khiến chị mệt nhoài. Lúc chị đứng nghỉ mệt ở một góc đường, cái thai không ngừng quẫy đạp không cho chị tiến bước. Chính lúc đó, chị rảo mắt nhìn về xa xăm và nhìn thấy một ngôi nhà thờ cùng ánh đèn leo lét, hình ảnh cây thập giá đập vào mắt khiến chị tỉnh ra và quên đi ý định ban đầu. Chị từng nhớ một câu trong giáo lý, “chính Thiên Chúa là Đấng ban sự sống và là Chủ tối thượng của sự sống, chúng ta là người quản lý chứ không phải là chủ của sự sống mà Chúa đã trao ban, do đó, chúng ta không có quyền định đoạt về mạng sống của mình”. Vậy mà suýt chút nữa chị đã phạm phải lệnh cấm của Thiên Chúa. Là đứa trẻ hay hình ảnh ngôi nhà thờ đã giúp chị nhận ra điều đó?
Đêm ở nhà thờ dài hun hút. Các Sơ đưa chị tới một gian phòng nhỏ để nghỉ lại. Chị vẫn chưa được xưng tội, mọi người lo lắng cho sức khỏe của chị. Chị cứ nằm đó nhưng không ngủ được. Chị đọc kinh và cầu nguyện trong âm thầm. Rồi chị lại nghĩ suy về nhiều thứ, về cuộc đời mà mỗi người phải trải qua, giống như chị hiện giờ. Người ta mong mỏi điều gì cho cuộc đời của mình? Cái đích đến cuối cùng mà mỗi người đang tìm kiếm, liệu rằng có mấy ai đủ thông suốt để thấu hiểu? Những câu hỏi rối như tơ vò, chị cứ nghiêng mình trằn trọc cho đến gần sáng, rồi giấc ngủ bao trùm lên cơ thể yếu ớt của chị.
Sáng hôm sau, chị ngồi đối diện với Cha qua một tấm vách, chị kể về cuộc đời mình. Chị thú nhận đã có ý định tự tử khi đặt chân đến đây. Chị yêu một người đàn ông nhưng rồi chị phát hiện ra anh ta đã có vợ và con riêng. Lúc đó, chị đau đớn nhận ra mầm sống của anh cũng đang hình thành bên trong con người chị và khiến tình cảnh của chị ngày càng tồi tệ hơn. Ban đầu chị dự định sẽ sinh ra đứa trẻ này. Chị sẽ nuôi dưỡng và giáo dục nó trở thành một con người tốt nhưng khi gia đình biết chuyện, đó thực sự là cơn ác mộng mà chị chẳng bao giờ nghĩ tới. Bố chị cự tuyệt với cái thai, ông tức giận đến nỗi không bao giờ nhìn mặt con gái. Ban đầu chị cố gắng chịu đựng nhưng sự hà khắc của ông khiến chị trở nên trầm cảm và túng quẫn. Chị lựa chọn cái chết, chị như thế một con thú bị dồn đến đường cùng và sẵn sàng lao xuống vực, rồi chị có mặt ở vùng núi này. Chị được Cha xóa tội vào sáng hôm ấy, suy cho cùng, chị là một kẻ đáng thương hơn đáng trách. Lỗi lầm của chị xuất phát từ sự cả tin và yêu thương mù quáng. Ngoài kia, có nhiều kẻ cũng lâm vào hoàn cảnh như chị, có người đã tìm về với Chúa dù đối nghịch với tình yêu của Thiên Chúa hằng sống, cũng có người đã thức tỉnh vào giờ phút quan trọng nhất của cuộc đời giống chị.
Nhưng giờ đây đã khác rồi, chị không giữ lấy cái ý định điên rồ như trước khi chị đặt chân đến vùng núi này nữa. Mỗi ngày chị đều cần mẫn giúp việc cho nhà thờ và chuyên tâm cầu nguyện cho đến khi chuyển dạ. Chị nhớ đến những giờ khắc hạnh phúc mà chị đã từng có, chị bỗng yêu quý cuộc sống này. Còn đứa trẻ trong bụng, nó không có tội tình gì khi phải trút bỏ sự sống cùng với chị. Nếu nghĩ theo hướng tích cực, đứa trẻ chính là một món quà được gửi gắm trong lúc chị khốn cùng nhất, không có một người mẹ nào trên thế giới này nhẫn tâm tước bỏ đứa con của mình. Thời gian trôi qua, cái thai của chị mỗi ngày một lớn, chị không còn cảm thấy hờn giận như trước. Chị mong chờ một tiếng trẻ khóc, rồi chị sẽ làm lại cuộc đời, đứa bé sẽ mang họ chị nhưng không có nghĩa nó sẽ thiếu thốn tình thương, chị sẽ yêu thương nó gấp đôi hoặc nhiều lần hơn thế để bù đắp cho hình ảnh của một người bố. Chị cảm thấy lòng mình tràn đầy tha thứ, và nếu như anh có tìm đến để nhìn mặt đứa con của mình, chị cũng sẽ sẵn sàng mở lòng mình ra để đứa bé biết đến sự hiện diện của anh.
Chị viết thư về cho mẹ. Mẹ là người lo lắng và yêu thương chị vô điều kiện dù chị đã từng lỗi lầm, chị cảm thấy hối hận trong giờ phút xuẩn ngốc của cuộc đời, chị đã quên đi sự hiện diện của mẹ. Trong thư, chị kể nhờ hồng phúc của Thiên Chúa, của Cha và các Sơ, chị đã thôi làm điều dại dột. Chị thấy mình may mắn và mang ơn, Chúa vẫn luôn ở bên chị, Chúa luôn có mặt vào lúc chị tuyệt vọng nhất và giúp chị nhận ra ý nghĩa của cuộc sống. Chị lại kể về vùng núi này, có lẽ cả cuộc đời sau này mẹ chị chẳng bao giờ đặt chân đến đây. Dân cư ở đây thưa thớt, khắp nơi chỉ toàn núi thẳm rừng xanh. Họ chủ yếu là dân di cư từ các miền xa xôi ở các tỉnh phía Bắc sống dọc theo các triền núi, lác đác như có ai đó dựng lên một vài căn nhà giữa nơi hoang vu. Họ chủ yếu sống dựa vào đất đai, trồng trọt và chăn nuôi. Điều chị cảm thấy ngạc nhiên là dù đường đi khó khăn hiểm trở như vậy, nhưng tuyệt nhiên không có một buổi lễ chủ nhật hay những ngày lễ trọng nào mà nhà thờ không trở nên đông đúc. Họ đến nhà thờ cùng với đức tin mạnh mẽ của mình, điều mà những người như chị thường hay thiếu hụt dù sống ở những đô thị đầy đủ tiện nghi. Thời nào cũng thế, những người Kitô hữu đi trước mở đường và mang theo đức tin, Giáo hội đến sau để thiết lập giáo xứ và thăng tiến cho đức tin đó. Ở đây một thời gian, chị nhớ mặt từng con người lam lũ của vùng núi rừng này, họ như những đốm lửa thắp sáng lên đức tin bên trong con người chị, họ bao dung cho con người lầm đưỡng lỡ bước như chị qua những câu hỏi thăm ân cần, một vài món ăn thức uống đem tới để chị chu toàn cho đứa bé. Chị thấy lòng mình cảm động đến nghẹn ngào.
Chị có thư từ thành phố, của mẹ. Trong thư mẹ viết, thời gian trôi qua, sự hà khắc và cơn giận của bố chị cũng nguôi ngoai đi. Khi biết chị có ý định tự tử thì cũng là lúc ông cảm thấy mình suy sụp, ông vẫn là một người bố yêu thương chị hết mực, nhưng chính sự nóng giận đã khiến ông mất hết lý trí. Ông thú nhận với mẹ chị rằng lẽ ra trong thời khắc cùng cực nhất của đứa con gái, ông phải là người giang tay ra che chở nhưng sự sĩ diện khiến ông mờ mắt. Trong đêm, chị ngồi khóc như một đứa trẻ. Chị chợt nghĩ đến những câu hỏi không lời giải đáp mà chị đã từng nghĩ suy trằn trọc trong buổi tối đầu tiên ở nhà thờ. Người ta mong mỏi điều gì cho cuộc sống này, cuối cùng thì chị cũng đã trả lời được, đó chính là sự yêu thương. Sự yêu thương sẽ khiến con người ta đủ can đảm để chống chọi với những thử thách mà cuộc đời đem đến rồi bỏ đó. Sự yêu thương chính là là liều thuốc tinh thần hữu hiệu nhất để chữa lành mọi vết thương và khiến người ta xích lại gần nhau hơn trong cuộc sống đầy rẫy những khó khăn phía trước.
Buổi sáng, chị lại đến tìm Cha. Lúc này, không cần chị mở lời, Cha đã đoán được ý định của chị. Cha cười hiền, nói:
- Có phải con muốn quay lại với gia đình không?
Chị trả lời:
- Thưa Cha, nhờ hồng ân của Thiên Chúa, con không còn lẻ loi trên hành trình của mình nữa. Chính sự yêu thương của Thiên Chúa đã gắn kết những trái tim Kitô hữu lại với nhau. Con xin cảm ơn Thiên Chúa, cảm ơn Cha và các Sơ đã giúp con tìm thấy ý nghĩa cho cuộc sống mình.
Cuối ngày, vùng núi rừng trùng điệp tiễn chân chị về lại nơi khởi hành. Chị đến vùng núi hoang vắng này cùng vết thương lòng và cơn tuyệt vọng nhưng trở về thì tràn đầy đức tin và yêu thương. Trên chuyến xe chạy dọc tỉnh lộ Đường Trường, người ta đã chứng kiến một người phụ nữ không còn đơn độc và mang theo đó là một mầm sống của sự tha thứ. Bất giác, chị nghĩ về gia đình, về đứa trẻ còn độ chừng vài tháng sẽ chào đời, rồi ngôi nhà sẽ tràn đầy tiếng trẻ khóc cười, sẽ thấy đáy mắt long lanh của bố mẹ chị nhìn nhau trìu mến. Tự nhiên khi nghĩ đến viễn cảnh đó, chị không còn cảm thấy quãng đường dài xa xăm...