Kẻ bán cá

Văn thơ Công giáo

(Mã số 18-126)
Mặt trời đã nằm sẵn trên đường chân trời nhưng chưa vội lặn. Người ta có thể nhìn thấy nó to như một chiếc nong lớn, nhuộm màu đỏ rực. Ánh sáng của nó làm đỏ bừng cả một vùng trời, kéo dài trên cánh đồng đã gặt sạch lúa. Ít tia sáng yếu ớt chiếu thẳng vào khuôn mặt Giuđa Itcariốt, làm hiện rõ những nét đau khổ tột cùng. Nước mắt đã dần cạn, vài giọt còn sót lại, từ từ chảy trên gò má gầy sạm và rơi xuống đất. Giuđa vẫn cứ đứng im hướng về mặt trời, hai mắt nhắm lại, cay sè sau khi đã trút hết những giọt nước mắt cuối cùng. Lúc sau, anh quay người lại, bước chân lên tảng đá đã kê sẵn, hai tay run run nắm lấy dây thòng lọng đã cột chặt vào cành cây sung, từ từ đưa vào cổ của mình. Cái dây oan nghiệt này sẽ giúp anh kết thúc cuộc đời tội lỗi của mình: “Một người môn đệ dám bán rẻ Thầy mình cho quân dữ”.

* * *
1. 
- Anh Giuđa! Buôn bán thế nào rồi?
- Ôi dào! Bán buôn gì chú... Chỉ là vài con cá kiếm cơm thôi. Nhưng mà hôm nay ế quá! 
- Thế là sao? Hôm nay, mẻ cá của anh không ngon à?
- Ngon chứ! Toàn là cá lớn không ấy chứ. Nhưng người ta không mua cũng đành chịu thôi. Chắc phải đem về cho vợ muối ăn dần thôi.
- Ừ, được đấy!... Anh xem gánh rau của tôi cũng ế quá nè! Chắc bỏ, chứ rau muối chua ở nhà nhiều quá rồi. Đúng là dạo này khó làm ăn quá...
Đó là tiếng than của anh Paul Tan, chuyên trồng và bán các loại rau ở khu chợ Binh Tan, gần biển hồ Galilê. Gian hàng của anh gần bên cạnh hàng cá của anh Giuđa con ông Itcariốt. Mấy tháng trước, cả anh và Giuđa đều buôn bán được lắm. Thế mà hôm nay bán cả ngày chẳng được mươi hào. Từ sáng tới chiều, cả hai phải mời mọc đến trẹo quai hàm mới có ít người thân quen ghé mua. Cả hai chẳng hiểu làm sao cả, ngồi than thở với nhau. Đang khi họ buông những lời sầu não thì có một khách lạ, trông giống như những người ở Nazaret, ghé vào hỏi thăm.
- Này hai chú! Hôm nay không làm ăn được sao?
Ôi, ông khách này hỏi bằng thừa! Ông chẳng thấy hai khuôn mặt buồn thiu này hay sao mà hỏi dễ ghét quá. Đấy, rau héo hết, cá sắp ươn, chất đầy cả gian hàng. Thế mà ông hỏi một câu ngu ngơ thật. Tuy nhiên, từ ánh mắt Giuđa lóe lên một tia sáng. Anh nhìn người khách này quen lắm. Chẳng lẽ là ông Giêsu, người đã từng làm cho nước hóa thành rượu ở Cana sao? Trông bộ dạng ông giống như những gì người ta mô tả lắm. Có thể ông sẽ rộng tay mua hết số cá của mình thì sao. Ồ, hay lắm! Mình phải tận dụng để bán hàng chứ đừng vì sĩ diện mà đánh mất cơ hội. Mình đang ế hàng mà… Phải! Phải mời cho ông mua hàng mới được.
- A, chào ngài Giêsu! Cảm ơn ngài đã hạ mình ghé hàng của em. Xin ngài rộng tay mua giúp em ít hàng. Hôm nay, hàng em ế quá! Ngày cũng sắp tàn rồi...
- Ôi, anh Giuđa! Sao anh lại biết đến tôi?... Chẳng phải tôi là một khách lạ sao?
- Vâng, thưa ngài! Chính vì ngài là khách lạ, cho nên em mới biết đến ngài. Chẳng phải ngài đã “biến nước thành rượu ở Cana” sao? Mới nhìn thấy ngài, em đã biết!
- Tạ ơn Chúa, vì anh đã biết tôi! Ước chi anh sẽ còn được biết những việc vĩ đại của tôi nữa... Thôi, anh dọn hàng và hãy theo tôi. Tôi sẽ làm cho anh trở thành một nhà “kinh doanh Nước Thiên Chúa”.
- Ôi, tạ ơn ngài! Em chỉ giỏi “bán cá thôi”. Nhưng vì lời ngài, em xin theo ngài!
Dứt lời, Giuđa đứng dậy dọn hàng, xếp vào quang gánh rồi quẩy đi theo ngài Giêsu. Thấy Giuđa bỏ đi mà chẳng nói với mình lời nào, anh bạn hàng rau tức tối chửi đổng mấy câu nhưng Giuđa chẳng đáp lại lời nào. Hằng ngày, tuy là bán hàng bên cạnh nhau nhưng cả hai hay bốp chát nhau đủ điều. Có khi để cho vui nhưng có khi cãi vã tới bến. Thế mà hôm nay, Giuđa như người bị điếc. Hay là ông khách Giêsu đã hớp mất hồn của Giuđa rồi. Thiệt là chuyện lạ trên đời. Đang yên đang lành, bỗng dưng bỏ tất cả đi theo một người “vô gia cư”. Thế nhưng sự thật là Giuđa đã mời ngài Giêsu về nhà mình, giới thiệu ngài với cả gia đình và mời ngài ở lại dùng bữa. Trong bữa ăn tối hôm ấy, tự nhiên Giuđa tuyên bố với gia đình sẽ đi theo ngài Giêsu để làm việc đại sự. Việc đại sự mà Giuđa và cả nhà hiểu là “đánh đuổi Rôma, giành lấy độc lập và xây dựng lại đất nước Israen”. Biết đâu mọi việc đều thuận lợi và Giuđa sẽ có được một vị trí quan trọng trong triều đình của ngài Giêsu. Chính ngài chứ không ai khác là Đấng Mêsia của Đức Chúa. Thế là cả nhà Giuđa, từ già đến trẻ đều phấn khởi hân hoan đón tiếp ngài Giêsu và sẵn sàng để cho Giuđa lên đường đi làm việc đại sự. Nhìn Giuđa và cả nhà anh ta, ngài Giêsu không khỏi xúc động. Ngài nhận Giuđa làm đồ đệ cùng với lời hứa sẽ biến anh thành một người chuyên “kinh doanh Nước Thiên Chúa”.
Tối hôm ấy, ngài ở lại dùng bữa và nghỉ lại tại nhà Giuđa. Sáng hôm sau, ngài cùng Giuđa dọn hành lý lên đường.

2. 
Ngài Giêsu và Giuđa trở lại cùng với mười một môn đệ ở nhà trọ bên bờ biển hồ Galilê. Ở đó, các môn đệ đã dọn sẵn bữa ăn sáng. Gặp lại ngài Giêsu, các môn đệ tỏ vẻ ngạc nhiên khi ngài về cùng với anh bán cá Giuđa. Họ không thể tin được một anh bán cá, hay bốp chát ngoài chợ lại trở thành môn đệ của “Đấng Khôn Ngoan”. Tuy nhiên, cũng như Phêrô, Anrê, Giacôbê, Gioan, những kẻ chài lưới được ngài Giêsu chọn thì có gì lạ khi ngài chọn Giuđa. Biết đâu, anh ta lại giỏi hơn những người đã đến trước thì sao? Đó là một bí mật của ngài Giêsu, chẳng ai có thể hiểu thấu cách chọn người của ngài.
Ngồi vào bàn ăn, ngài Giêsu giới thiệu Giuđa cho tất cả mọi người. Một sự giới thiệu có vẻ dư thừa, vì ai cũng biết rõ lý lịch của anh. Tuy nhiên, ngài Giêsu vẫn bình thản kể cho mọi người nghe về gia cảnh và vì sao ngài chọn anh. Cuối cùng, ngài mời gọi tất cả mười hai môn đệ của ngài phải biết yêu thương nhau, phục vụ nhau. Tất cả hãy đề cao tinh thần yêu mến Lời Chúa và Lề Luật của Chúa, hầu phục hưng “Nước Chúa”. Ngài Giêsu còn thực hiện một quyết định quan trọng, gây khó hiểu trong nhóm các môn đệ là trao cho Giuđa giữ túi tiền và lo lắng mọi việc thu chi cho cả nhà. Thế là Giuđa bước vào hành trình làm môn đệ của ngài Giêsu với túi tiền treo lủng lẳng bên hông. Một gánh nặng nhưng cũng là một “niềm an ủi”. Bởi từ nay, Giuđa vẫn còn được cảm nếm mùi vị của tiền, đặc biệt là tiền không phải do mình làm ra. Trước kia, Giuđa phải chắt chiu từng đồng để lo lắng cho cả gia đình. Giờ đây, tuy không còn phải hai buổi “ngồi chợ” nhưng Giuđa vẫn có tiền rủng rỉnh trong túi. Tuy là tiền chung nhưng cũng có thể kiếm được chút đỉnh. Dù sao cũng là công mình giữ tiền. Lấy một ít, ai mà biết. Thế đấy, chưa gì mà Giuđa đã có những tính toán kiếm chác từ việc đi theo ngài Giêsu. Âu cũng là một sự hy sinh, từ bỏ cái nhỏ để được cái lớn hơn.
Sau bữa ăn, ngài Giêsu bảo Phêrô giao túi tiền cho Giuđa. Thế nhưng Phêrô tỏ vẻ không đồng ý. Anh dùng dằng, vì đã quá biết con người Giuđa. Hằng ngày, buôn bán ngoài chợ, Giuđa đã dở những trò bịp bắt chẹt người ta. Lại thêm, hắn là kẻ háo thắng. Khi cãi lộn với người khác, hắn luôn to mồm, không cần biết đúng sai, miễn sao thắng họ là được. Cho nên, Phêrô không ưa hắn. Cái ác cảm trong một lần đến mua cá đã khiến anh liệt hắn vào số những kẻ “không đội trời chung”. Vì thế, khi ngài Giêsu bảo anh giao túi tiền cho hắn, tự nhiên, anh thấy bị xúc phạm. Trong mười một người ở đây, chẳng lẽ không có ai xứng đáng hơn hắn. Hắn là “cái thá” gì ở đây!... Đang khi còn ngập ngừng, xét đoán lung tung về Giuđa, Phêrô nhìn thấy ánh mắt nhắc nhở của ngài Giêsu. “Thế anh là gì mà Thầy đã chọn anh. Anh chất phát nhưng cũng chỉ là một kẻ chài lưới. Thầy đã cho anh cơ hội. Lẽ nào, Thầy lại không được phép cho Giuđa một cơ hội”. Ánh mắt nhắn nhủ ấy đã làm Phêrô giật mình. Anh đưa tay vào lưng quần lấy ra túi tiền đưa cho Giuđa. Thế nhưng lòng anh vẫn còn có chút gì đó e ngại về “kẻ bán cá” này. Vừa lấy xong túi tiền, Giuđa vỗ vai Phêrô cười mãn nguyện. “Cảm ơn anh đã tin tưởng em. Mong rằng, chúng ta sẽ là cộng sự tốt của nhau. Từ đây, em sẽ chăm sóc anh như chăm sóc cha mẹ của em”… Những lời xoa dịu của Giuđa làm Phêrô bớt đi vẻ nghi kỵ. Dù sao, cả hai cũng cùng chung một thầy. Thôi thì cho Giuđa một cơ hội. Điều này chắc chắn đẹp lòng thầy. Phêrô vỗ lại vai của Giuđa kèm theo cái bóp nhẹ như nhắc anh ta phải biết thân biết phận.

3. 
Giao nhiệm vụ cho Giuđa xong, ngài Giêsu và các môn đệ của mình tiến lên hội đường Galilê để dự buổi cầu nguyện buổi sáng. Tại đây, sau khi đọc Thánh Vịnh, mọi người lần lượt tiến lên bỏ tiền dâng cúng vào thùng. Ngài Giêsu ngồi đối diện thùng tiền và quan sát từng người. Có kẻ giàu người nghèo, không ai là không rộng tay dâng cúng. Thế nhưng ngài Giêsu chỉ để ý đến bà XiPhong, một bà góa nghèo, ở gần chợ BinhTan. Chồng bà mất sớm vì chiến tranh, để lại hai người con nhỏ. Hằng ngày, bà phải lam lũ ngoài chợ làm bất cứ việc gì người ta mướn. Thế mà nhà bà vẫn chẳng đủ ăn. Hôm nay, bà lấy ra hai đồng tiền kẽm bỏ vào thùng như bỏ cả một gia tài (x.Mt 12, 41-44). Thế mà chẳng ai để ý đến. Ngài Giêsu nhìn bà rồi nhìn các môn đệ. Ngài hỏi:
- Các con xem! Trong những người bỏ tiền vào thùng, ai là người bỏ nhiều hơn hết?
Giuđa nhanh nhảu:
- Dạ, thưa Thầy! Thầy coi có biết bao người giàu bỏ tiền vào thùng. Họ thật rộng tay!
- Con nghĩ thế sao Giuđa? Con đúng là “kẻ bán buôn”, chỉ biết nhìn thấy tiền.
Nghe thầy nói, Giuđa lặng thinh, vì chẳng thể hiểu ý của thầy là gì. Người ta rộng tay bỏ tiền vào thùng thì tốt chứ sao thầy lại “trách” mình. Thầy đang có ý gì đây? Chẳng phải công cuộc phục hưng “Nước Chúa” cần phải có tiền sao? Thầy là “lãnh tụ”, chẳng lẽ thầy không hiểu ngân khố cần như thế nào cho một quốc gia. Hay là mình đã lầm khi đi theo vị thầy này?... Như hiểu được lòng trí của Giuđa, thầy Giêsu gọi.
- Giuđa, Giuđa! Con đang nghĩ gì thế? Chẳng lẽ “cơm áo gạo tiền” không lìa xa con được sao?... Con hãy trông bà góa nghèo kia. Bà đã bỏ vào thùng tất cả gia sản của mình, cùng với những hy sinh vất vả. Đồng tiền của bà chẳng phải đáng quý trọng hơn sao? Còn những người giàu có kia chỉ bỏ vào thùng những đồng dư cắc thừa của mình mà thôi. Số tiền lớn nhưng chưa chắc tấm lòng của họ lớn bằng tấm lòng của bà góa này… Đi theo thầy, con phải từ bỏ nhiều hơn! Con có hiểu không Giuđa?...
Giuđa bỗng giật mình, tỉnh giấc “chiêm bao” giữa ban ngày. Anh đang xét đoán thầy mà chính thầy đã thấu tỏ lòng anh. Anh xụ nét mặt, có vẻ không ưng bụng lời sửa dạy của thầy. Thì ra thầy cũng như các hiền triết, chỉ truy tìm những gì cao siêu trên trời chứ chẳng quan tâm đến những gì trước mặt. Thôi, lỡ theo rồi, phải theo cho đến cùng xem sao. Chẳng lẽ mình lại vác mặt không trở về nhà. Nghĩ thấu đáo đâu đó, Giuđa thưa “dạ” rồi cùng thầy và các môn đệ đi đến làng Bêtania.

4. 
Tại Bêtania, ngài Giêsu và các môn đệ vào trọ trong nhà của chị em Macta, Maria và Lazarô. Tại đây, trong bữa ăn, cô Maria lấy một cân dầu thơm cam tùng hảo hạng mà xức chân Chúa. Cô lại lấy tóc mình mà lau. Mùi thơm sực nức cả căn phòng (x. Mc 14,3-9). Tự nhiên, Giuđa buột miệng.
- Ôi, sao lại phí dầu thơm như thế! Dầu này có thể bán được ba trăm đồng bạc để bố thí cho kẻ nghèo... (Mc 14,4)
Chưa nói dứt lời, Giuđa đã bị thầy răn dạy.
- Giuđa, con thực sự lo lắng cho người nghèo sao? Ừ, lòng tốt của con sẽ được Thiên Chúa trả công. Nhưng con cần biết là sẽ đến ngày thầy không còn ở với con. Còn người nghèo của Thiên Chúa thì luôn bên cạnh con. Lúc ấy, thầy sợ rằng, con sẽ quên họ. Còn bây giờ, con hãy để yên cho chị ấy làm. Vì dấu chị làm là để chuẩn bị cho ngày liệm xác thầy. Con có hiểu không?...
Nghe thầy nói, cả Giuđa và các môn đệ kia cũng chẳng hiểu gì. Đầu óc họ còn u tối. Thôi thì thầy dạy sao nghe vậy. Nhưng tội cho Giuđa, vì thật lòng mà một lần anh nữa bị thầy khiển trách. Cho nên, Giuđa có vẻ chột dạ. Cả bữa tiệc hôm đó, anh không còn nói năng gì nữa, cứ cúi đầu ăn cho xong rồi âm thầm đi ra ngoài.
Giuđa bước ra ngoài, trời đã tối. Sương đêm xuống rất dày, gió hiu hiu và lạnh. Giuđa đến ngồi dưới gốc cây vả trước nhà, tựa người vào gốc cây. Lòng anh man mác một nỗi buồn và hụt hẫng. Buồn vì nhớ gia đình, hụt hẫng vì vị thầy Giêsu không giống như anh nghĩ. Kể từ ngày ra đi đến nay, anh chưa thấy thầy hành động gì khác ngoài việc đi đây đó rao giảng về một Nước Trời viễn vông. Nước Trời làm sao thực tế bằng chén cơm manh áo của biết bao đồng bào đang sống trong cảnh nô lệ Rôma. Đồng ý là thầy có nhiều “phép thuật”, có thể chữa cho người què đi được, người mù thấy được, người câm nói được, kẻ chết sống lại… và hóa bánh cho năm ngàn người ăn. Tuy nhiên, bấy nhiêu đó chưa đủ để gây dựng lại đất nước Israen. Tại sao thầy mình không làm những chuyện vĩ đại hơn. Hay là thầy cần có một áp lực thật sự để thi triển phép thuật. Đúng rồi, chẳng phải thầy chỉ làm phép khi có người xin hay có một chuyện khó khăn nào đó. Mình phải làm một điều gì đó, nếu không thì công cuộc đi theo thầy của mình sẽ thất bại, rồi mình lại về nhà bán cá thôi. Đang còn suy nghĩ mông lung thì Phêrô ra gọi Giuđa vào, vì bữa tiệc chưa tàn. Giuđa đứng dậy đi theo Phêrô vào trong nhưng đầu óc anh vẫn tính toán một điều gì đó chưa rõ ràng.

5. 
Năm thứ ba trong hành trình đi theo thầy Giêsu rao giảng Tin Mừng Nước Trời, Giuđa vẫn không thấy thầy đả động gì đến việc tranh đấu giành lại độc lập dân tộc. Trong khi đó, đế quốc Rôma càng ngày càng đặt thêm những gánh nặng lên vai người dân. Giuđa thấy bức xúc vô cùng nhưng chẳng dám nói cho ai biết. Giuđa âm thầm lên kế hoạch buộc thầy phải chứng tỏ cho mọi người thấy khả năng của ngài nhưng chưa có cơ hội. Ba năm theo thầy, chứng kiến biết bao việc lạ lùng thầy làm, Giuđa tin chắc chắn thầy sẽ hành động nếu như bị thúc bách. Thế là trong lần lên Giêrusalem này, Giuđa đã đi gặp các thượng tế và thủ lãnh vào ban đêm.
Giuđa đến dinh thượng tế Caipha, nơi ông đang hội họp với nhiều thủ lãnh trong dân bàn cách xử lý thầy Giêsu. Trong khi họ đang bàn tính thì một người lính dẫn Giuđa vào.
- Thưa các ngài! Có môn đệ của Giêsu muốn gặp các ngài.
- Được… Cho hắn vào!
Giuđa rón rén bước vào cửa phòng họp, cúi đầu chào tất cả rồi nhỏ nhẹ.
- Thưa quý ngài! Tôi là Giuđa, môn đệ của Giêsu. Tôi xin bàn với quý ngài một kế hoạch.
- Nào anh Giuđa, nói mau… Anh đem cho chúng tôi tin tốt gì đây?
- Thưa quý ngài! Tôi sẽ nộp Giêsu cho quý ngài nhưng quý ngài cho tôi bao nhiêu nào? (x. Mt 26, 14-16).
Có lẽ, chưa bao giờ Giuđa lại nhỏ nhẹ và khiêm nhường đến thế. Ngày trước, lúc còn bán cá ở chợ BinhTan, anh hay thách giá trên trời. Ai không mua thì thôi. Thế mà hôm nay, anh lại đi năn nỉ người ta mua thầy Giêsu của mình như một người bán cá ế. Thầy Giêsu quyền năng khả kính chứ đâu phải mớ cá. Anh đã lầm khi đặt thầy của mình ngang hàng với những món hàng người ta buôn bán ngoài chợ. Phải chăng anh đang nổi máu “kinh doanh” hay là vì anh bất mãn thầy của mình. Có lẽ cả hai lý do ấy đã khiến anh đi đến quyết định bán thầy.
Sau khi bàn hỏi kỹ lưỡng, họ quyết định.
- Để xem nào? Giêsu là tên phản tặc. Hắn chỉ đáng giá một tên nô lệ thôi!... Chúng tôi quyết định cho anh ba mươi đồng bạc. Tiền đây! Anh có nhận không?...
Giuđa khúm núm đưa tay nhận ngay. Bởi vì anh vừa được tiền vừa có thể lừa họ. Anh nghĩ: Chẳng lẽ thầy của mình để cho họ bắt sao? Thầy là bậc anh hùng đầy quyền phép. Chắc chắn thầy sẽ thoát khỏi tay họ và mình sẽ là người có công vì đem lại cho ngân quỹ một khoản tiền. Tuy nhiên, điều anh không thể ngờ được là anh đã đẩy thầy của mình vào một cuộc khổ nạn chưa từng có trong lịch sử Israen.

6. 
Về đến nhà, Giuđa vui vẻ bước vào bàn ăn cùng với thầy Giêsu và các môn đệ. Giuđa ngồi ăn ngon lành. Trong suốt hành trình đi theo thầy Giêsu, chưa bao giờ, anh ăn ngon đến thế. Anh vui vẻ lấy thức ăn cho thầy, cho các anh em mà chẳng biết đây là bữa tiệc cuối cùng các thầy trò ăn với nhau. Vào giữa bữa ăn, thầy Giêsu tiên báo có một người trong các môn đệ của ngài sẽ nộp ngài. Nghe lời ấy, các môn đệ xôn xao. Ai cũng cố hỏi: “Có phải con không?”. Thầy Giêsu thinh lặng đôi chút, nước mắt trào ra. Ngài cầm lấy bánh chấm gia vị rồi trao cho Giuđa. Giuđa ngỡ ngàng trước cử chỉ của thầy. Chưa kịp nói gì, lại nghe thầy phán: “Này Giuđa, chính con sẽ nộp thầy! Nào, con đã chuẩn bị gì thì cứ làm đi. Giờ của thầy đã đến!”. Nghe xong câu ấy, tự nhiên Giuđa đứng dậy, vứt miếng bánh xuống đất, rồi đi ra ngoài. Bây giờ là đêm tối. (x. Ga 13, 21-30). Thầy Giêsu quay lại bảo các môn đệ.
- Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của thầy! Đứng lên! Chúng ta cùng tiến vào “cuộc thương khó” Cha thầy đã dành sẵn cho thầy. Kìa, kẻ thù thầy sắp hành động. Anh em hãy cùng thầy vào vườn Giêtsêmani cầu nguyện, kẻo sa chước cám dỗ. Đi nhanh nào...
Giuđa đã biết chỗ thầy Giêsu và các môn đệ thường tụ họp cầu nguyện vào ban đêm. Cho nên, anh dẫn đoàn quân đền thờ tiến vào vườn tìm bắt thầy Giêsu. Họ đến với đèn đuốc, gươm giáo, gậy gộc như đi bắt một tên cướp. Đến nơi, Giuđa tiến lên hôn lên má thầy Giêsu. Lập tức, quân lính đổ xô đến bắt thầy Giêsu. Tuy nhiên, trước những lời nói mạnh bạo của thầy, tất cả ngã rạp xuống đất hai lần. Đến lần thứ ba, chúng mới lấy lại tinh thần và nhào vô bắt trói thầy giải đi. Khi ấy, cả Giuđa và các môn đệ đều bất ngờ. Tại sao thầy của mình lại để cho họ bắt một cách dễ dàng như thế. Họ đâm hoảng và bỏ chạy tán loạn. Giuđa cũng bỏ chạy, vừa chạy vừa thất vọng khóc lóc. (x. Ga 18, 1-11).
Sau đó, vì vụ án của thầy Giêsu càng ngày càng xấu mà chẳng thấy thầy phản ứng gì hết, Giuđa mới hối hận khôn xiết. Anh biết chắc chắn thầy mình sẽ phải chết nên tức tưởi chạy đến dinh Caipha ném trả ba mươi đồng bạc cho họ. Anh thốt lên trước mặt họ rằng: “Tôi đã phạm tội nộp người vô tội khiến người phải chết oan”(Mt 27, 4a). Nhưng họ đáp lại: “Chuyện đó can gì đến chúng tôi! Mặc kệ anh!” (Mt 27, 4b). Thế là Giuđa bỏ chạy ra ngoài, đến bên gốc cây sung ở ngoài đồng mà treo cổ tự vẫn.
* * *
Mặt trời đã lặn hẳn. Bóng tối bao trùm khắp nơi. Gió thổi mạnh hơn. Bầy quạ đen bay lượn trên trời kêu lên những tiếng ghê rợn… Giuđa mở mắt nhìn thành Giêrusalem lần nữa rồi nhắm mắt đưa chân. Tảng đá ngã lăn, cả thân người Giuđa treo tòn teng. Trong chốc lát, Giuđa chỉ kịp hả miệng kêu lên một tiếng nhỏ, lè lưỡi, hai chân cựa quậy một lúc rồi ngoẹo đầu tắt thở. Như thế là kết thúc cuộc đời một “kẻ bán cá”. Và liệu trên cuộc đời này có còn “kẻ bán cá” nào nữa không?...