CON TRÂU PHÁO
Hình minh họa |
1. Con trâu nhà
Ngày ấy, ông Chín Hảo, người Mỹ Hòa Hưng về thăm ông chánh Ba trên kinh. Bên ấm trà Xuân Phát số 1, mang từ Long Xuyên về, ông Chín khề khà:
- Lạc nhà theo chó, lạc ngõ theo trâu. Con trâu là đầu cơ nghiệp, chú Ba ạ! Con trâu của chú tên Pháo phải không? Tui coi kỹ rồi. Con Pháo chín khoáy cửu long, đã khỏe lại hiền, chú chớ có dại mà mua qua bán lại, sạt nghiệp như chơi đó, ngheng!
Ông chánh chiêu một ngụm trà, chép chép miệng, rồi khà một tiềng dài:
- Ngày đó anh Chín mối lái, tậu con Pháo cho em mãi bên Cù Lao Giêng...
Ông Chín khà còn lớn tiếng hơn ông chánh:
- Ui da! Bậy, chú Ba bậy rồi. Cù Lao Ven chứ. Ven chứ không phải Giêng. Ai muốn nói sao thì nói, tui chỉ tin nội tui thôi. Nội tui kể đi kể lại nhiều lần, đúng sai không ai biết đặng: Ngày ấy bọn khách thương Nam Vang - Lục Tỉnh thường neo ghe gần cái cù lao ven sông chỗ giáp nước (mới có tên gọi họ Đầu Nước), chờ con nước lớn, nước ròng để đi ghe lên xuống cho xuôi chèo mát mái. Họ gọi cái cù lao ấy là Cù Lao Ven Sông, nhưng cù lao nào chẳng ven sông? Lâu dần, chữ sông rụng mất, còn Cù Lao Ven. Sau này người ta nói trại đi theo kiểu phát âm Nam Bộ thành Cù Lao Gieng. Gieng vô nghĩa, nên trại đi lần nữa thành Cù Lao Giêng. Như vậy, đúng ra phải kêu là Cù Lao Ven mới phải, phải không?
Ông chánh Ba vỗ đùi đen đét, phụ họa:
- Hay! Đến nay em mới được nghe biết. Có thế chứ. Nhưng người ta gọi là Cù Lao Giêng quen rồi. Nào là nhà thờ Cù Lao Giêng, dòng Chúa Quan Phòng Cù Lao Giêng, tu viện Phan - xi - cô Cù Lao Giêng... Chết tên rồi, đành phải chịu thôi.
Ông Chín Hảo vê một điếu thuốc gò to bằng ngón tay cái, thở khói mù mịt:
- Bậy, tui cũng bậy luôn. Khi không, nói chuyện tào lao không à? Giêng hay Ven thì có chết ai đâu, đâu có ảnh hưởng tới hòa bình thế giới? Mà tụi mình đang nói chuyện con trâu Pháo kia mà.
Ông chánh Ba tự hào:
- Vâng, phải. Đó là con trâu vừa giỏi vừa ngoan nhất trần đời, không chê vào đâu được. Mùa cày bừa, mùa kéo cộ như nhau, mùa nào như mùa nấy: đói, sáng ra một ôm rơm, trưa chiều ung dung, thư thả gặm cỏ cháy, miễn sao đầy bụng; khát, ừng ực một thôi nước đìa. Còn thì suốt ngày cày, kéo như... trâu. Cày bừa khó nhất là mấy cái thẻo đất hẹp, mấy cái góc ruộng, vậy mà như được dạy bảo, thực tập nhuần nhuyễn, như có trí khôn, nó tự động quẹo phải, rẽ trái, không lỗi một sá cày nào. Với con Pháo, chưa bao giờ người ta nghe được tiếng roi, tiếng “phá ra, dí vô” của người cầm cày, cầm bừa.
Rồi ông chánh có vẻ đắc chí:
- Thời vô tập đoàn, mọi thứ khó khăn. Lúc ấy “Trâu xanh ăn cỏ, trâu đỏ ăn gà”. Mùa nước nổi năm ấy, cắt cỏ khó quá, em tính bán nó, mua cái máy xới Kubota cho đỡ vất vả. Nhưng như anh Chín biết đó, con Pháo đã khỏe lại hiền, cả nhà một mực để nuôi, nhất quyết không bán. Thế nên còn có nó tới giờ.
2. Trâu già, cỏ non
Thế là bà chánh Ba mất đã được hai năm ba tháng, hăm bảy tháng trời. Bốn đứa con, hai trai, hai gái của ông đều còn bé. Thật không may, (nhưng may vì phát hiện đủ sớm) vừa mãn tang bà, ông lâm râm đau bụng, đại tiện ra máu tươi, tưởng bị kiết lỵ hay bị trĩ gì thôi. Đi khám trên Sài Gòn, bác sĩ cho biết ông bị K trực tràng. Ông làu bàu:
- K là cancer, cancer là ung thư. Ung thư thì nói là ung thư, lại còn bày đặt dùng tiếng Tây tiếng U.
Ông chánh Ba phải thế chấp sổ đỏ cho ngân hàng, vay năm mươi triệu đồng, lấy tiền đi bệnh viện Đại Học Y Dược chữa trị. Con Pháo và bốn đứa bé phải nhờ bà quản Dung hàng xóm coi sóc chăm nuôi giúp. Ông bị cắt mất một tấc rưỡi ruột. Nhưng nhờ Ơn Trên, ông tai qua nạn khỏi, nửa tháng được xuất viện. Ông về nhà rồi, cả nhà vẫn phải nhờ bà quản Dung chăn nuôi con Pháo, trông coi bốn đứa bé và chăm sóc ông luôn thể. Bà quản Dung chỉ lớn hơn cô con gái đầu lòng của ông chánh mươi tuổi, thế mà bà tắm rửa, xoa chân bóp tay, cho ăn uống, dỗ dành, nâng giấc cho ông như cho đứa con trai đầu lòng. Khi bà quản chăm sóc cho ông chánh hơn cả chăm sóc cho đứa con trai đầu lòng, thì định mệnh đã an bài, không thể khác được. Họ âm thầm phải lòng nhau. Cho đến khi cha xứ rao hôn phối ở nhà thờ, họ hàng mới té ngửa. Ngay tức khắc, gia đình chia làm hai phe đối nghịch rõ rệt. Cũng lạ, bên nội do bác Cả trưởng tộc đại diện không muốn ông chánh đi bước nữa. Bác Cả phát pháo:
- Mấy đời bánh đúc có xương? Mấy đời dì ghẻ có thương con chồng? Chú không sợ cái cảnh con anh con em, con chúng ta hay sao? Chú không sợ con cái hỏng hết sao? Chú không biết mồ thím Ba chưa xanh cỏ à? Dòng họ nhà mình đâu có thứ trâu già thích gặm cỏ non như chú!
Còn bên ngoại do dì Hai đại diện thì ủng hộ hoàn toàn. Dì Hai phản pháo:
- Cứ cho là trâu già, cỏ non đi. Con trâu già cả đời vất vả, đến miếng cỏ non cũng không được ăn là sao? Chỉ được ăn rơm khô, cỏ cháy thôi à? Tôi nói vui vậy thôi, chứ ai cũng biết: trong nhà không thể thiếu vắng đàn bà. Dì Ba mất, đúng ra chú ấy phải đắp chiếu để đấy, kiếm người nội tướng đã. Chú ấy chờ được đến lúc con cái mãn tang mẹ là quý lắm rồi. Thử hỏi, trên thiên đàng, dì Ba có vui không, khi thấy năm bố con nheo nhóc không người chăm sóc? Làm người, phải biết hy sinh cho nhau chứ?
Hai phe không ai chịu ai. Nhưng khi hỏi ý kiến, cả bốn đứa con của ông chánh Ba đều tỏ ra quý mến và đồng ý nhận bà quản Dung làm mẹ ghẻ, thì phe bên nội... thua.
3. Trâu già, làm thịt
Ai cũng biết “Đời là bể khổ”, “Nước mắt chúng sinh nhiều hơn nước biển”. Ai cũng là con cháu Evà, ở chốn khách đầy, ở nơi khóc lóc, chính là thung lũng đầy nước mắt. Ai cũng sinh ra, cũng già đi... Già đi là một trong bốn cái khổ (sinh, lão, bệnh, tử). Ông chánh Ba già đi, con trâu Pháo cũng già đi. Ngày ông lâm tử, lãnh bí tích Xức dầu bệnh nhân và rước Minh Chúa như của ăn đàng xong, tám đứa con, gồm hai trai hai gái hai dâu hai rể (bà quản Dung không sinh nở), cùng với mẹ ghẻ, xúm xít bên giường. Ông chánh Ba thều thào:
- Làm thịt con trâu Pháo, làm đám tang, trả nợ miệng cho bố.
Ông mấp máy miệng theo lời phó linh hồn: “Giêsu! Giêsu! Giêsu!” của các ông bà trong nhóm chăm sóc bệnh nhân giáo xứ. Rồi nhắm mắt xuôi tay, ông trút linh hồn.
Lũ con hội ý thật nhanh với bà kế mẫu, mọi người đồng ý mua con trâu khác thế mạng cho con Pháo, nhưng cũng phải xin ý kiến bác Cả trưởng tộc. Bà quản Dung thút thít:
- Em mới về nhà này, hầu hạ bố chúng nó chưa được mươi năm. Ngày kết bạn với nhà em, cả bốn đứa trẻ còn đi học, bây giờ chúng nó khôn lớn cả rồi. Mọi quyền hành nằm trong tay chúng nó và do bác quyết định. Nhà em làm hai khóa chánh trương, không thoát được bất cứ đám xá nào trong xứ, lại khách khứa xa gần quanh năm suốt tháng, lại nay Long Xuyên, mai Sài Gòn, chưa kể phải đi các giáo xứ bạn đó đây, giờ nằm xuống, chẳng còn gì ngoài con trâu Pháo. Cứ như là người ta vắt chanh bỏ vỏ...
Bác Cả trầm ngâm:
- Tôi không bao giờ nghĩ rằng chú Ba phục vụ trong ban thường vụ hội đồng mục vụ là bị vắt chanh bỏ vỏ. Cha xứ, cha phó, quý chức, chánh phó trương trùm trưởng tân cựu, các giới, hội đoàn, đoàn thể... thăm viếng không ngơi, đọc kinh cầu nguyện liên lỉ. Nhưng nói cho cùng bỏ vỏ thì đã sao nào? Phục vụ cũng phải quên đi. Không lẽ vắt chanh rồi, còn phải gìn giữ nâng niu cải vỏ chanh mãi mãi hay sao? Con trâu cũng vậy. Mua con trâu khác thế mạng con trâu nhà ư? Cũng được. Nhưng người chết nói sao, cứ thế mà làm, có phải tốt hơn không? Đó là di ngôn. Với lại trâu già, làm thịt.
Gia đình nhờ người đi khắp các kênh A, B, C, D, E, F, G , H, Ông Cò, Zero, 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, Đông Bình, Rivera, Thầy Ký mà không mua được con trâu nào, họ đành quyết định làm thịt con trâu nhà. Ra chuồng trâu, bà quản Dung ôm cổ con Pháo. Bà rơm rớm nước mắt:
- Chúng tao thương mày lắm. Nhưng ông đã muốn thế, mày cam chịu vậy...
Bà nghẹn lời khi thấy mắt con trâu đỏ au, nước mắt tuôn ra. Nó run lẩy bẩy, mồ hôi đổ ra như tắm... Người ta đem con Pháo ra ngoài vườn làm thịt. Nó bị trói bằng những sợi dây thừng to chắc. Bị chọc tiết, máu nó phun ra như vòi nước máy... Vậy mà nó không giãy giụa lấy một cái, không kêu rống một tiếng... Người ta lời qua tiếng lại, ồn ào như mổ trâu, chỉ một mình con Pháo im lặng chết, và một mình bà quản Dung bưng mặt khóc. Bà thương con Pháo quá, và thương chồng cũng như thương chính bản thân bà. Cũng như ông chánh Ba, cũng như con trâu Pháo, bà đã vắt kiệt sức mình cho cái gia đình này, như miếng chanh vắt teo tóp chỉ còn cái vỏ. Và rồi bà cũng sẽ bị đời bỏ vỏ, bị làm thịt như con trâu già thôi. Trước linh cữu chồng, bà lâm râm cầu nguyện cho linh hồn ông sớm hưởng nhan thánh Chúa. Bà hết sức cầm lòng cầm trí, nhưng tiếng bác Cả trưởng tộc cứ văng vẳng bên tai, vang vang trong trí khôn bà: “Trâu già, làm thịt”.
--------------------------