Cổ tích thời nay -- truyện ngắn của lãongu

Quang X Nguyen

CỔ TÍCH THỜI NAY


Hình minh họa

1. Lời mời


Ông chánh trương Tân khệ nệ vác một bao năm mươi, leo cầu thang, lên lầu hai ký túc xá thăm con trai đang học năm bốn đại học sư phạm. Đổ ra nền nhà, toàn cây nhà lá vườn. Ông gọi anh Tấn:

- Cu ơi! Bố “nên”, mang tiền đóng học cho con, tiện thể có ít khoai “nang”, bắp ngô, cà pháo... để con ăn dần hay muốn “nàm” gì thì “nàm”.

Không hiểu do di truyền, hay do phong thủy, hay đất lề quê thói, mà đa số người làng ông chánh chỉ phát âm được phụ âm đầu “n”, không phát âm được “l". Ông chánh cũng vậy, làm cho các bạn cùng phòng của anh Tấn không nín cười được. Ông chánh có vẻ ngượng, còn anh Tấn có vẻ mắc cỡ vừa vì bố mình phát âm không chuẩn, và vừa vì ông gọi anh là “cu” như thuở anh còn bé, thuở đái dầm làm cho chăn chiếu ướt sũng, ướt dầm dề. Tuy vậy, chỉ trong vài chục giây anh lấy lại thế chủ động:

- Vậy đấy. Nhưng thử hỏi có bố đứa nào ngon hơn bố tao không? Này nhé! Mẹ tao mất, để lại chỉ mình tao. Bố tao đồng trinh thủ tiết, ở vậy nuôi con, đâu như bố thằng Hai, làm trùm khu hai nhiệm kỳ còn vợ nọ con kia, hay như bố thằng Ba đi tù vì tội đánh bạc, hay như...


Anh Tấn nói vậy làm cho ông chánh phổng mũi, có vẻ tự hào lắm. Ông ưỡn ngực về đàng trước, nhưng cúi mặt xuống, vì trong lòng ông có tiếng mách bảo điều gì đó phải giữ gìn. Ông ngắt lời con:

- Ô hay! Im đi! Cái thằng cu này! “Nạ” nhỉ? Bố đã dặn con nhiều “nần” “nà” không bao giờ được chạm vào vết thương đau thể xác cũng như tâm hồn của người khác cơ mà.

Rồi như chính ông là người gây ra những phiền toái khi lên thăm con. Ông thiết tha:

- Bác xin “nỗi” các cháu. Nhưng để “nàm” quen, bác mời các cháu đi ăn cơm trưa, ở đâu cũng được. Các cháu đừng ngại, Bác mới “nãnh nương” hưu một “nần”, được cũng kha khá... Vui “nà” chính ấy mà. Các cháu đồng ý, nhé!

Cả phòng bỗng rộn lên như ong vỡ tổ:

- Bravo, hoan hô! Bravo bác, hoan hô bố cu Tấn. Bravo, hoan hô, ô ô ô...

Thằng Phong, đại diện phòng nhanh nhảu đã đoảng lại còn...vô duyên:

- Cháu xin phép mời bạn Sương ở dưới lầu một được không? Vừa là hoa khôi ký túc xá, vừa là con chim sâu nhỏ, một dấu chấm than của bạn Tấn, vừa là dự dâu của bác đấy!

Ông chánh Tân bị bất ngờ nên bao dung cũng bất ngờ:

- Cháu Sương, Lê Ngọc Sương con chú Năm Xe Ôm ngoài Sáu trăm thước kênh E, kênh bác đang ở phải không? Phải à? Được quá đi chứ. Nhưng phải mời thêm mấy bạn nữ nữa cho chan hòa, cho họ bớt ngại.

2. Cuối bữa trưa


Mười mấy con người đã no bụng. Ngại mang tiếng trùm sò với lớp trẻ, ông chánh Tân gọi thêm thức ăn, thêm mãi, đến nỗi khi mọi người đứng dậy ra về, thịt cá còn thừa mứa. Ngọc Sương nói với tiếp viên nhà hàng:

- Anh làm ơn cho xin mấy cái bọc nhựa, dồn thức ăn vô, chúng tôi đem về.

Anh Tấn ngăn cản:

- Bỏ đi em...

- Của mình, mình đem về, bác trai trả tiền rồi mà. Với lại mấy đứa chung phòng bọn em muốn cũng chẳng có mà ăn... Biết đâu được, như đã nhiều lần rồi, chiều nay có kẻ vác tô xuống phòng 112 dài cổ ra: “Sương ơi! Có gì ăn không, cho anh xin miếng”.

Mọi người cười ồ. Ông chánh Tân rất nghiêm chỉnh:

- Phải, phải. Cháu Ngọc Sương rất phải, rất thực tế. Của trời cho, không ai được quyền phí phạm.

3. Tháng lương đầu


Cuối năm ấy, cầm bằng tốt nghiệp loại giỏi, cả giầy chứng nhận thi công chức loại khá trong tay, anh Tấn không xin được việc làm đúng với chuyên môn được đào tạo, giáo viên toán. Nhưng anh không thể ăn bám người cha già mãi được, anh phải có việc làm. Anh cất bằng tốt ngiệp vào trong ngăn tủ, khóa lại. Đơn xin việc anh ghi lao động phổ thông. Thế là anh được nhận làm cho một công ty bảo vệ. Người ta điều anh về một nhà hàng trên Cần Thơ. Gọi là bảo vệ, nhưng thật ra công việc của anh chỉ cần vai u thịt bắp, là giữ xe cho khách tới ăn uống. Cầm tiền tháng lương đầu đời của anh được ba triệu rưỡi bạc trong tay, dù chỉ ba triệu rưỡi, anh Tấn cũng không biết phải làm gì. Thật ra số tiền chẳng lớn lao mấy, nhưng anh muốn chi tiêu sao cho hợp tình hợp lý nhất.

Anh mời Ngọc Sương đi uống nước, dè dặt:

- Anh vừa lãnh lương tháng đầu tiên. Một là anh muốn “trả thù” đời. Ngày đó, lâu rồi, anh vô vườn măng cụt của hàng xóm, hái trộm mới có hai trái chưa kịp ăn thì bị chủ nhà bắt được. Ông ta chửi bới sao đó, bố anh nện cho anh một trận nhừ tử. Anh nhủ lòng sẽ trả thù bằng cách khi làm ra tiền sẽ mua mấy kí, ăn đã thì thôi cho bõ ghét. Hai là anh mua biếu bố cuốn Kinh Thánh. Ngày ấy ông nội anh có cuốn Kinh Thánh Tân Cựu ước, cha Nguyễn Thế Thuấn dịch, bố anh quý lắm. Trong đợt “bài trừ văn hóa nô dịch và đồi trụy của Mĩ Ngụy”, họ lấy tiêu hủy mất, bố anh tiếc lắm, tìm hoài không đâu bán. Ba là anh muốn tặng em gì đó, dù sao cũng là “của tin gọi một chút này làm ghi” (Kiều).

Ngọc Sương cười trầm lắng:

- Ba triệu rưỡi bạc, không là bao, nhưng là của đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có. Vậy như vầy, nhé! Anh giữ lại một nửa, gói ghém phòng thân, còn lại mua cho cụ cuốn Kinh Thánh (năm trăm ngàn phải không?) Còn bao nhiêu gởi về biều cụ.

Anh Tấn há hốc mồm:

- Còn phần em?

- Em? Tháng sau hay tháng sau nữa, anh dẫn em đi shopping cũng được mà.

Anh Tấn như một cái máy tính cầm tay:

- Không, anh tính thế này: Phần anh, cơm nhà hàng bao ăn, anh cần một triệu tiêu vặt, chắc đủ. Phần bố anh, cuốn Kinh Thánh năm trăm ngàn và một triệu, phần em cũng có tí của đầu mùa, một triệu được không?

- Có gì mà không được? À, ngày mốt giỗ bà ngoại, ngày mai em về quê. Anh mua sách cho cụ đi. Và tiền nữa, em mang về cho.

4. Của đầu mùa


Ông chánh Tân mở phong bì ra, có bốn tờ tiền polyme mệnh giá năm trăm ngàn đồng (mãi sau này ông mới biết cô Sương đã bỏ thêm vô cả phần một triệu đồng của cô). Ông sửa lại cặp kính lão, nhìn chăm chú lên trên phong bì đựng tiền, anh Tấn ghi: “Kính gởi bố, của đầu mùa”, ông đưa tay áo lên lau mắt. Cầm cuốn Kinh Thánh người ta in lại, để trong bọc da giả, có dây kéo, ông chánh Tân lấy ra cẩn thận mở trang đầu tiên. Anh Tấn nắn nót ghi bằng bút lông: “Bố ơi, bố ơi! Bố là tất cả”, ông không cầm được nước mắt, khóc như một đứa trẻ con.

5. Hãy đến cùng Giuse


Hai năm sau, vào chiều thứ tư đầu tháng Ba, Ông chánh Tân hớt hải vào nhà xứ. Chưa kịp chào hỏi gì, ông đã vội vàng la toáng lên:

- Cha ơi! Cứu con với.

Cha xứ không hiểu gì hết:

- Nhưng cái gì mới được chứ? Ai? Sao?

- Thằng Tấn nhà con...

- Thằng Tấn bị làm sao? Tai nạn hử?

- Còn tệ hơn tai nạn. Nó đòi “nấy” vợ, bên “nương” mới khổ chứ, ạ! Nó mới điện về bảo: Chú Năm Xe Ôm, cha con bé nhất quyết không cho con gái theo đạo. Chú ấy nói: “Nhà tui nghèo, chạy xe ôm nuôi con không đòi hỏi gì hết trơn hết trọi. Nhưng nếu tui nói con không nghe, theo đạo để “nấy” chồng, thì chấm dứt tình nghĩa cha con, tui từ con “nuôn”... Mà kỳ quá à, sao mấy ông mấy bà không cho con họ theo đạo mình, cứ đòi con mình theo đạo của họ không à?”

Cha xứ hỏi:

- Ông chánh tính sao?

- Con bé mỏng mày hay hạt, được người được nết. Chúng nó yêu nhau đã bốn, năm năm trời. Chỉ vì khác đạo mà không “nấy” được nhau, cha nghĩ coi, đau đớn “nắm”, cha ạ! Con không biết nghĩ thế nào nên mới thưa cùng cha.

- Còn giải pháp mà. Đã đến cánh cửa cuối cùng đâu? Ông cầu nguyện chưa? Cầu nguyện đủ chưa?

- Dạ thưa! “Nà” sao ạ?

- Là lấy tình con thảo thân thưa với Chúa tình cảnh của mình, xin Ngài định liệu cho, nhất là đến cùng Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Và đừng quên Thánh Cả Giuse vì “Xưa nay không ai kêu cầu cha mà vô hiệu”. Trong thánh lễ chiều nay, thứ tư đầu tháng, kính Thánh Giuse, tôi sẽ cầu nguyện cho gia đình ông chánh...

Ngay tối hôm ấy, đã quá mười giờ đêm, anh Tấn gọi điện thoại cho ông chánh Tân:

- Bố ơi! Chú Năm Xe Ôm đổi ý rồi. Chú ấy đồng ý cho Ngọc Sương theo đạo rồi.

Ông cười òa nhưng sụt sịt:

- Tạ ơn Chúa. Cảm ơn Mẹ và thánh cả Giuse. Bố mừng “nắm”, mừng cho con, cho hai con... cho cả nhà ta. Con hiểu không, hiểu không, Cu?

********************