Trong cuốn sách này, tôi muốn thuật lại câu chuyện về “chiếc chén”, đó không nguyên chỉ là câu chuyện của riêng tôi, mà còn là câu chuyện về cuộc đời của mọi người.
Khi Chúa Giê-su hỏi Gia-cô-bê và Gio-an, các con của ông Giê-bê-đê: “Các ngươi có thể uống nổi chén Ta sắp uống không?”, câu hỏi ấy nhắm trúng vào trọng tâm chức linh mục và đời sống con người của tôi. Những năm trước đây, khi cầm chén thánh vàng lộng lẫy trong tay, thì trả lời câu hỏi ấy chẳng có gì khó khăn lắm. Đối với tôi, một tân linh mục vừa ra lò còn đang ôm ấp biết bao kế hoạch và đầy lý tưởng, đời sống có vẻ tràn đầy hứa hẹn, nên tôi đã hăm hở uống chén ấy.
Ngày nay, ngồi sau chiếc bàn thấp, bao quanh là những người khuyết tật tâm thần và các trợ tá của họ, và khi trao cho họ những ly thủy tinh đầy rượu, câu hỏi kia quả là một thách đố lớn lao. Tôi có thể, hay chúng ta có thể uống nổi chén mà Chúa Giê-su uống không?
Tôi còn nhớ, mấy năm trước đây khi câu chuyện mà trong đó Chúa Giê-su nêu lên câu hỏi trên, được công bố trong Thánh Lễ, lúc ấy là 8 giờ 30 sáng, và có khoảng 20 thành viên của Cộng Đồng Đây-Brêch (Daybreak) tụ họp trong nhà nguyện nhỏ dưới tầng hầm, những lời “ngươi có thể uống nổi chén Ta sẽ uống không?” bỗng đâm thấu tim tôi như lưỡi giáo bén nhọn của người thợ săn. Trong nháy mắt, tôi nhận thức rõ, chấp nhận câu hỏi này cách nghiêm túc là phải biến đổi tận căn cả cuộc sống của mình. Đó là câu hỏi có sức đập nát tâm hồn cứng rắn nhất và vạch trần cuộc sống thiêng liêng của ta.
“Ngươi có thể uống nổi chén được không? Có thể uống cạn ly được không? Có thể nếm mọi niềm vui và đau khổ của cuộc đời được không? Có thể sống trọn cuộc sống con người với tất cả những gì bao gồm trong cuộc sống ấy không?”. Tôi nhận thấy, đó chính là những câu hỏi của chúng ta.
Nhưng tại sao ta lại phải uống chén cuộc đời này? Tại sao ta lại phải uống chén tràn đầy đau khổ, sầu thương và bạo tàn của cuộc đời? Tại sao ta lại phải uống chén ấy? Sống cuộc đời bình thường, ít đau khổ và nhiều lạc thú lại chẳng dễ dàng hơn hay sao?
Sau Bài Đọc, tôi tự dưng cầm lấy một trong những ly thủy tinh lớn đặt trên bàn trước mặt tôi, rồi nhìn những người xung quanh, trong số đó có những người bước đi không vững, những người khác thì không nói được, hoặc không thể nhìn rõ được, tôi nói: “Chúng ta có thể cầm lấy chén cuộc đời trong tay được không? Chúng ta có thể nâng chén lên cho mọi người thấy và uống cạn được không?”. Uống chén khác hẳn với hành vi nốc cạn những gì trong chén, cũng như bẻ bánh khác hẳn với hành vi bẻ nát tấm bánh ra. Uống chén cuộc đời bao gồm những động tác: cầm lấy, nâng lên và uống. Đó là cuộc mừng đặc ân được làm người.
Chúng ta có thể chấp nhận cuộc sống, nâng lên và uống chén cuộc đời như Chúa Giê-su đã thực hiện không? Trong số những người hiện diện xung quanh tôi hôm ấy, một số người tỏ vẻ chấp nhận, nhưng riêng tôi, tôi ý thức rõ và sâu xa thực tại này. Câu hỏi của Chúa Giê-su đã đem lại cho tôi một ý niệm mới về cuộc sống của tôi cũng như của những người xung quanh tôi. Sau Thánh Lễ đơn sơ vào buổi sáng hôm ấy, câu hỏi của Chúa Giê-su cứ văng vẳng mãi bên tai tôi và xoáy vào hồn tôi: “Ngươi có thể uống nổi chén Ta uống không?”. Để câu hỏi ấy lắng chìm đi, tôi không thể an tâm được. Tôi biết rõ, tôi phải sống với câu hỏi ấy.
Cuốn sách này là kết quả của cuộc sống ấy. Đây là nỗ lực làm cho câu hỏi của Chúa Giê-su thấm vào tâm hồn ta để cá nhân mỗi người chúng ta có thể tự trả lời câu hỏi của Chúa. Tôi sẽ diễn giải theo ba đề tài được nêu lên vào buổi sáng hôm ấy tại nhà nguyện Đây-brêch (Daybreak): Cầm chén, nâng lên, và uống cạn. Các đề tài này đã giúp tôi khám phá ra những chân trời mới của cuộc đời mà câu hỏi của Chúa Giê-su trải rộng ra trước chúng ta. Xin mời bạn đọc, khi đọc cuốn sách này, hãy cùng tôi dấn thân cho công cuộc khám phá này.
Tác giả: Lm Henri Nowen
Phỏng dịch: Lm. Dominic Thuần, SSS
Nguồn: dunglac.org