CÂU CHUYỆN HẠT CẢI
Niên giám 2016 của Giáo hội Việt Nam, Nam Ban là một giáo xứ thuộc hạt Đức Trọng, Giáo phận Đà Lạt, nằm trên địa bàn huyện Lâm Hà, với 3.337 tín hữu.
Theo số liệu cập nhật còn ghi trên trang web Simon Hòa Đà Lạt thì năm 2014 số giáo dân của giáo xứ Nam Ban là 5.314 người. Sau thời điểm ấy, Nam Ban đã thành một giáo xứ mẹ, từ đó tách ra những giáo điểm, giáo họ biệt lập và cả giáo xứ mới.
Thế nhưng gần 30 năm trước đây, khi bà Khoa lặn lội từ Biên Hòa lên mua bán với bà con ở huyện Đức Trọng mấy năm liền tại vùng kinh tế mới Nam Ban này, bà không gặp được bóng dáng một người Công giáo nào.
Do đâu mà bỗng dưng Nam Ban đã bùng phát như một hiện tượng? Có thể là do sự kiện di dân ồ ạt trong mấy chục năm qua, gần giống như sự kiện đã xảy ra hồi 1954-1955. Thế nhưng, có lẽ không chỉ có thế. Có một chuyện nhỏ, hôm 08-5-2018 vừa qua tôi có dịp kể cho vị Giám mục phó hiện nay của Giáo phận Đà Lạt, Đức Cha Đa Minh Nguyễn Văn Mạnh, và ngài bảo tôi nên ghi lại như một chứng từ.
Tôi được gặp bà Khoa và "một hạt lúa vừa nứt mộng" trước một thánh lễ chiều Chúa nhật hết sức vắng người tại Học viện Dòng Don Bosco, Đà Lạt, khoảng cuối năm 1985 hay đầu năm 1986. Hôm ấy nhằm một ngày lễ đặc biệt, tôi không còn nhớ dịp nào, Đức Giám mục chủ tế thánh lễ đồng tế tại nhà thờ Chánh Tòa. Toàn bộ các cha, các thầy dòng Don Bosco và tất cả giáo dân đều đi tham dự. Cha JB. Phạm Đình Khơi nhờ tôi ở nhà dâng lễ, “nhỡ có ai không biết chuyện, vẫn đi lễ ở nguyện đường nhà Dòng thì khỏi bị mất lễ”.
Không tới mười người, trong đó có bà Khoa. Bà đưa tay chỉ người bạn của bà, một cánh tay bà này bị bó, treo lên cổ:
- Thưa cha, đây là bà Long ở kinh tế mới Hà Nội. Con từ Biên Hòa lên mua bán ở đó và được gặp bà.
Bà Long cười nhanh nhẩu:
- Thưa cha, con bị cây gỗ đè gãy tay, chữa mãi không lành. Nhờ bà Khoa con mới biết mình được Đức Mẹ thương. Con không gặp thầy gặp thuốc là dấu Đức Mẹ muốn dành để chính Đức Mẹ chữa cho con.
- Vâng, con đưa bà ấy lên đây cho bà được dự lễ. Sáng mai con sẽ đưa bà ấy đi Bình Triệu cầu nguyện để Đức Mẹ chữa lành cho bà.
- Con đã hứa với Đức Mẹ, được chữa lành rồi thì sẽ theo đạo. Con sẽ trở lên đây và cha sẽ dạy giáo lý cho con nhé.
Nghe câu chuyện, tôi thấy xấu hổ vì so với họ, đức tin của tôi thật đáng thương. Rồi tôi cũng quên câu chuyện. Từ ấy tôi không gặp lại bà Khoa lần nào nữa, về sau chỉ gặp con trai bà là anh Thanh. Còn bà Long, hơn hai tháng sau, đã quay lại gặp tôi. Bà cho biết về tới Bình Triệu vào cầu nguyện thì được chữa lành ngay lập tức, bây giờ bà giữ lời hứa, lên xin học giáo lý.
Từ chợ Nam Ban lên dòng Don Bosco Đà Lạt, hơn 40 cây số, bà Long là một trường hợp ngoại lệ:
- Bà không cần hẹn trước, khi nào lên được thì cứ lên. Nếu tôi đi vắng không gặp thì đành chịu. Còn nếu tôi ở nhà, tôi sẽ ưu tiên dành giờ cho bà.
Khi thì hai tuần, khi thì một tháng, bà kiên trì theo học giáo lý Tin mừng. Sau hơn mười buổi học, tôi bảo bà:
- Bà Long à, chỉ còn một câu hỏi, bà trả lời xuôi thì tôi tiến hành lễ rửa tội cho bà.
- Thưa, cha cứ hỏi ạ.
- Không phải tôi mà là hàng xóm của bà. Nếu họ hỏi: Này bà Long, nghe đâu bà lên Đà Lạt học được cái đạo gì đấy hay lắm. Bà kể đầu đuôi cái đạo ấy cho tôi nghe nào? Thì bà kể làm sao?
- Thưa cha dễ, bắt đầu là thế này….
Thật lạ, mấy chục năm trước ở Bắc, mỗi lần xách giỏ đi chợ, bà phải nhẩm thuộc mấy vần quốc ngữ để tới cổng chợ trả xong bài “xóa nạn mù chữ” mới được mua bán, từ ấy chẳng học hành gì mãi tới nay. Thế mà bây giờ bà ngạc nhiên thấy mình đọc Tân ước, sách giáo lý và sách kinh “dễ như ăn cháo”.
Bà Long thuật lại lịch sử ơn cứu rỗi, và rút ra từ đó các mầu nhiệm chính trong đạo. Tôi ngạc nhiên khen ngợi, điều chỉnh một số chỗ rồi bảo bà thu xếp định ngày rửa tội. Bà khoát tay:
- Thưa cha, khoan đã!
- Sao lại khoan?
- Để con về dạy lại cho ông chồng con và con bé út đã. Còn thằng con trai, nó đã ở riêng, con sẽ bảo nó đưa vợ con lên đây học với cha.
Chúa ơi! Nước Trời như hạt cải, nhanh đến thế sao?
Và rồi vào một ngày trong 1986 tôi đã ban bí tích thánh tẩy cùng lúc cho hai người: Bà giáo tốt nghiệp trường i tờ và học trò là chồng bà. Còn một người con trai là anh Chiến cùng với em út là cô Thắng được Lãnh bí tích khai tâm tại nhà thờ Chánh Tòa Đà Lạt vào năm sau đó, ngày 29-7-1987 do cha sở Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, về sau là Hồng y Tổng giám mục Hà Nội.
Thế nhưng trước đó, mọi chuyện đã lan ra khỏi cổng nhà bà Long…
Khoảng buổi học thứ ba hoặc thứ tư, bà Long phấn khởi khoe:
- Cha ơi, con đã khám phá được năm gia đình Công giáo ngay chỗ thôn con.
- Làm thế nào bà biết được họ?
- Con đã chưng một ảnh Chúa thật lớn ở chỗ con bán hàng. Người nhìn thấy ảnh Chúa mà giật mình, bối rối, con biết ngay đấy là người Công giáo. Con tìm đến thăm họ và khuyên họ lập bàn thờ ở phòng ngoài, đưa ảnh Chúa lên đấy, đừng giấu trong buồng.
Mấy năm trước đó, sau Thượng Hội đồng Giám mục 1980 về Gia đình, Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa gợi ý cho tôi soạn một quyển sách kinh cho các gia đình. Sau mấy bản nháp sửa đi sửa lại, tôi đã có được quyển sách in lụa khá tươm tất mang tên “Kinh Nguyện Gia Đình”. Tôi giao cho bà Long 6 quyển, tặng 6 gia đình. Với sự năng động đầy sáng tạo của một người mới tin Chúa, bà Long đã dùng 6 quyển sách quy tụ tất cả thành một liên gia Công giáo. Khi một gia đình trong nhóm có việc, họ dựa theo quyển sách để cầu nguyện chung. Dần dần có thêm những người khác mạnh dạn xưng mình là Công giáo, mạnh dạn nhập cuộc. Bà con lương dân lắng nghe các buổi cầu nguyện và nhận xét rất tích cực:
- Phải cầu như mấy người Công giáo mới có nghĩa có lý, chứ chúng mình bao lâu nay cứ xưa bày nay làm mà chẳng có nghĩa có lý gì cả…
Rồi sau đó, thỉnh thoảng họ tổ chức kéo nhau lên Đà Lạt dự thánh lễ. Rất may lúc ấy tôi đang giúp dâng một thánh lễ hàng tuần cho cộng đoàn Đức Bà Truyền Giáo. Tôi đã xin cộng đoàn mở cửa tiếp đón họ. Thế rồi các nữ tu đã đi Nam Ban. Còn tôi thì mải mê bận bịu với Chương trình Giáo lý Phổ thông của Giáo phận Nha Trang, rồi sau đó với chương trình quy tụ các ơn gọi dòng Cát Minh Têrêxa ngành nam, không có dịp đi Nam Ban. Thế nhưng qua thăm hỏi, tôi được biết Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn đã cho làm một nhà nguyện, tổ chức thành họ đạo Nam Ban, rồi sau đó nâng lên thành giáo xứ, có nhà thờ và linh mục thường xuyên chăm sóc.
Do có lời yêu cầu của Đức Cha Đa Minh, tôi được sống lại những kỷ niệm hồng phúc. Người con của bà Khoa là anh Giuse Vũ Ngọc Thanh, được mẹ giao cho coi sóc ngôi nhà nhỏ và vườn cà phê của bà tại Nam Ban từ 1986. Đến năm 1989 anh được nhận vào Chủng viện Đà Lạt và thụ phong linh mục năm 2006, hiện là quản xứ giáo xứ Cầu Đất. Tôi gọi cho cha Thanh và được biết thân mẫu ngài nay đã già yếu và thân phụ đã qua đời, ông bà Long cũng đều đã qua đời.
Thật bất ngờ! Ba tuần sau hôm nói chuyện với Đức Cha Đa Minh, ngày 29-5-2018, tôi có dịp quay về Đà Lạt. Tôi đã đến thăm cha Thanh để kiểm lại những chi tiết của một thời đã xa. Thời điểm ông bà Long và cô gái út lãnh bí tích Thánh tẩy là trước ngày cha Thanh theo mẹ đến Nam Ban, 1986. Cha Thanh đích thân lấy xe máy chở tôi đi thăm Nam Ban lần đầu. Thay vì đi vòng đường Liên Khương như xưa, gần 50 km, cha Thanh đưa tôi đi qua đèo Tà Nung, ngày trước là đường rừng nay là tỉnh lộ 725, được tráng nhựa mịn rất đẹp, khá nhiều xe du lịch. Qua khỏi xã Tà Nung của Đà Lạt là tới xã Nam Ban, trung tâm thị trấn chỉ cách Đà Lạt khoảng 25km. Chúng tôi vào thăm nhà thờ và nhà xứ rồi đến thăm con cháu ông bà Long. Ba người con trai đã đổi về Sài Gòn hoặc Long Khánh. Chỉ còn nhà người con gái út của bà Long là chị Thắng, có ba người con gái đều đã lớn, nhà làm bánh ngọt và bán bách hóa. Tiếc là chúng tôi chỉ gặp người chồng là anh Điển với hai người con gái, còn chị Thắng đang về Sài Gòn khám chữa bệnh, chỉ nói chuyện qua điện thoại.
Đến chiều, lên Đà Lạt, tôi may mắn được gặp cha Giuse Nguyễn Văn Bảo, cha xứ An Hòa và là quản hạt giáo hạt Đức Trọng từ ngày ấy tới nay. Ngài cho biết trong con số của năm 2014 có khoảng 700-800 giáo dân người sắc tộc gốc Tà Nung, đã bị di dời ra địa bàn giáo xứ An Hòa rồi sau được quay lại Tà Nung. Còn số giáo dân người Kinh thì được biết phần lớn là những gia đình có quá khứ Công giáo, nhưng chỉ còn giữ đạo âm thầm. Tới khi dần dần nhận ra nhau, họ đã liên kết lại. Cũng có những gia đình mới theo Chúa, được rửa tội tại các nhà thờ Kim Phát, Phú Sơn thuộc huyện Đức Trọng hồi ấy hoặc nhà thờ Chánh Tòa hoặc Don Bosco ở Đà Lạt. Vai trò của bà Long là đã có sáng kiến dùng một bức ảnh Chúa để đánh thức đức tin và đức mến đang bị ngủ quên và đã dùng một quyển sách kinh để quy tụ mọi người thành một Hội thánh nhỏ.
Sự phát triển cộng đồng dân Chúa tại Nam Ban được lược tóm trên trang Simon Hòa Đà Lạt như sau, với số liệu vào cuối năm 1999, nhân lễ khánh thành thánh đường:
“Sau 1975, vùng đất nằm phía Ðông Bắc huyện Ðức Trọng ,tỉnh Lâm Ðồng, được Chính quyền trung ương chọn làm địa điểm giãn dân cho Thủ Ðô và các vùng phụ cận Thủ Ðô. Từ đó hình thành khu Kinh tế mới Hà Nội, trực thuộc Trung ương. Theo làn sóng người tìm đất đai sinh sống, một thiểu số gia đình Công Giáo đã tới đây.
Những năm đầu: 1976-1986, chưa có một sinh họat tôn giáo công khai nào, vì chưa nhận biết nhau và chưa được phép. Các gia đình chỉ đọc kinh riêng, và thỉnh thỏang theo đường rừng đi tắt về phía Cam Ly, Ðà Lạt, lên Nhà Thờ Chánh Tòa... hoăc ra An Hòa, Thanh Bình... tham dự Thánh lễ và lãnh các Bí Tích.
Khu Kinh tế mới Hà Nội phát triển lên, và các địa điểm hành chánh được thiết lập : Tính từ phía Ðông Bắc (giáp Ðà Lạt) là Xã Mê Linh, Xã Ðông Thanh, thị trấn Nam Ban, rồi đến xã Gia Lâm (giáp Ðức Trọng). Quyền hành chánh được chuyển giao cho Huyện mới Lâm Hà, thuộc tỉnh Lâm Ðồng. Bà con giáo dân dần dần quen biết và bắt đầu sinh họat đạo chung với nhau.
Năm 1989, Thánh Lễ đầu tiên mừng Chúa Giáng Sinh được tổ chức tại nhà riêng của một giáo dân tại xã Mê Linh, do Cha Giuse Ðinh lập Liễm cử hành. Từ đó, mỗi năm có được vài Thánh Lễ cùng một cách thức.
Năm 1990, Cha Giuse Nguyễn Hưng Lợi (quản xứ Phú Sơn) thay thế Cha Giuse Liễm.
Năm 1992, Cha Giuse Nguyễn Văn Khấn (phụ tá Phú Sơn) phụ trách mục vụ tại đây.
Ngày 25.09.1992 Chính Quyền ra Thông Báo chấp thuận đơn xin làm Nhà Nguyện tại Nam Ban. Từ đó có Thánh lễ thường xuyên vào mỗi Chúa Nhật.
Ngày 13.06.1998 Chính quyền quyết định cho phép xây dựng Nhà Nguyện.
Ngày 13.09.1998 Ðức Giám Mục Giáo phận, Phêrô Nguyễn văn Nhơn đặt viên đá đầu tiên khởi công xây dựng Thánh Ðường.
Ngày 28.10.1999 Lễ khánh thành và cung hiến Thánh Ðường tước hiệu Thánh Phaolô Tông đồ, được Ðức Giám Mục Giáo phận cử hành.
Họ Giáo hiện nay có khỏang 2200 giáo dân (1400 Kinh + 800 Thượng), chia làm 5 khu giáo : 3 khu Kinh và 2 khu Thượng. Trên dân số địa phương chừng 30.000, tỷ lệ Giáo dân là 7,33%.”
Thế đó là bản phác thảo về câu chuyện hạt cải. Phần còn lại sẽ bổ sung dần. Tôi hy vọng lắm bởi lẽ chỉ hai hôm sau cuộc điện đàm với Đức Cha Đa Minh, tôi đã bắt liên lạc được với nữ tu Anne-Marie Lan, phụ trách cộng đoàn dòng Đức Bà Truyền Giáo tại Đà Lạt hồi ấy. Chị đã hồi đáp điện thư của tôi như sau:
“Phải nói là con rất, rất vui mừng khi nhận được email của Cha, lại còn được hỏi lại về Nam Ban nữa. Đã lâu lắm rồi... bây giờ liên lạc lại với Cha và kể lại những kỷ niệm khó quên trong cuộc đời tu trì và truyền giáo là niềm vui thật sự của con. Và con chính là người Chúa trao cho việc đó, ngay từ giây phút đầu tiên.
Kể lại thì con vui lắm, nhưng bây giờ lấy giờ để viết ra thì là điều hơi khó với con, vì con cũng bận nhiều việc. Con đề nghị thế này: Cho con chút thời gian để hồi tưởng lại cho đâu ra đấy một chút, rồi con sẽ kể qua điện thoại, rồi Cha chịu khó viết ra dùm con để cho có đầu cuối đàng hoàng. Như vậy được không?”
Qui Nhơn, ngày 01-6-2018
Lm. Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh