(Mã số 18-148)
(Phóng tác dựa trên bài báo trên trang vtc.vn, tựa đề: “Xôn xao câu chuyện bi thảm về người nữ tài xế xe bus”
Chuông chiều vang... Trời đã loang bóng. Bồn chồn không yên! Ông cứ đảo qua đảo lại quanh gốc cây mận trắng bông đầu mùa. Ông thường thế! Đứng đó… Chỉ để thu vào tầm mắt: Biển xanh thẳm dội hương vị mặn nồng mơn man theo làn gió nhẹ... Con đường mòn quanh co chạy dọc xuống chân đồi, sát lối ngôi tháp chuông mục nát, vữa rã, nghiêng mình như sắp tách làm đôi. Nắng lòa màu trên vài chòi nhà liêu xiêu, nghèo nàn, âu sầu trong làn khói lam chiều phảng phất. Hai bên đường, vài lùm hoa dại vàng xác xơ mọc xen giữa cả đám xương rồng vô giác. Rồi xuất hiện một đứa trẻ con bông đùa, tung tăng cầm những bông hoa dại ấy, dâng lên Đức Mẹ mỗi khi đi lễ chiều, miệng nghêu ngao những bài thánh ca quen thuộc mà ca đoàn thiếu nhi thường hát...
Bóng chiều tà lan dần khắp triền núi, vài tia vàng ám trên đỉnh đèo… Sau ngày dài vật vã, ông trở về, lại đứng đợi và mang theo một niềm vui. Hôm nay, ông thấy những cây tràm gió đã nhú mầm. Giống cây ẩn chứa bên trong sinh lực quý báu, thiêng liêng, tồn tại trong những điều kiện khắc nghiệt: dù mưa dầm hay nắng say, dù là trên đất cát khô cằn hay trong vùng trũng lầy lội. Nó mạnh mẽ vươn mình hướng thẳng lên ngoan cường, ngạo nghễ... Khoảng khắc lần đầu tiên khi thấy cả một cánh rừng bạt ngàn tràm gió, lòng nôn nao, xao xuyến và muốn dành phần đời sau này của mình ẩn náu lại vùng đất thanh bình, cô vắng ấy. Thời gian trôi qua, dẫu có sinh lực dồi dào đến đâu thì từng ngày, từng ngày, chúng vẫn ngã xuống trong tư thế hiên ngang bởi tàn tích của con người. Giờ đây cả cánh rừng trơ thân, thô kệch như người đàn bà không mảnh vải. Thật xót xa! Và… ông muốn bảo tồn những giá trị thiên nhiên vốn có, những gì mà thế hệ ta đang vay mượn của con cháu mình. Ông muốn gầy dựng lại cánh rừng tràm gió ưỡn ngực đón nắng gió trời như lúc ông còn bồi hồi xao xuyến. Đang mải nghĩ ngợi về dự định ấy, đứa trẻ hớt hải, hổn hển gọi:
- Ơ, nay con gái của cha về muộn thế? Ghé nhà bạn chơi nữa phải không? Cha phải xử…
- Không, Cha ơi… Có chuyện này lạ lắm!
- Chuyện gì? Kể cha nghe… Cứ từ từ…
- Con thấy… thấy… bác Hai vừa từ trong nhà thờ đi ra… Nước mắt nước mũi tùm lum... Con gọi mãi nhưng bác không nghe hay sao đó. Rồi bác cứ lờ đờ đi về phía ngọn đèo kia nè Cha… Con không hiểu nổi chuyện gì đang xảy ra với bác nữa!
Bác Hai mà nó quen gọi là bạn của cha nó. Người đàn ông với đôi chân khập khiễng, một mắt lành lặn, một con bị chột. Người đàn ông có vẻ ngoài hạnh phúc, nhưng có nội tâm phức tạp. Nó vẫn chưa đủ để hiểu nội tâm phức tạp là gì? Nhưng lần trước, nó đã thấy người đàn ông vui vẻ đó khóc trong lúc đang nói chuyện gì đó với cha nó. Vô tình thôi! Nó thấy bác Hai khóc rất nhiều, giống như ai đó rất quan trọng với mình ra đi vậy. Nó thường nghe, hiểu như thế và có lúc nó cũng có tâm trạng như thế mỗi khi nhớ về người mẹ mà nó thèm thuồng, hay ảo giác tới. Nó nghĩ đàn ông không có nước mắt! Nhưng kể từ lần đó, nó đã nghĩ khác. Đàn ông khó rơi nước mắt, nhưng một khi đã khóc, nước mắt rất nhiều và chan chát vị đắng của đời… Nó còn thấy cha nó khóc như nài nỉ:
- Em xin anh, em cũng áy náy lắm, lương tâm em cũng dằn vặt lắm. Nhưng khi thấy con bé vẫn còn quá nhỏ để chống chịu cú sốc ấy, em cũng không cam. Không thì em đã giải thoát mình khỏi sự ám ảnh điên cuồng đó từ lâu rồi…
- Người có lỗi duy nhất là tôi. Chú không liên quan mà!
- Không đâu, sao lại không liên quan, em phải chịu trách nhiệm. Tai nạn ngày đó… nếu như em dũng cảm hơn… nếu em liều mình lên xe… nếu em… Em cảm thấy xấu hổ quá!...
Ông gục đầu xuống, lạc giọng:
- Anh đợi em một thời gian nữa, khi con bé đủ lớn đã. Có được không hả anh? Chúng ta sẽ chịu trách nhiệm về những gì mình gây ra.
Hai người đàn ông sụt sùi, ôm chầm lấy nhau như đôi vợ chồng son trẻ, tha thứ lỗi lầm cho nhau mà ri rỉ khóc. Đứng bên mép cửa sổ, nhìn ra, lả tả lá rơi trên chiếc giường tre ngoài sân, cứ rung lên theo tiếng nấc của hai người khóc lóc tỉ tê. Dù chẳng hiểu ngọn ngành, tự dưng nước mắt của nó cũng trào ra nghẹn ứ…
- Con vào nhà đi! Cha đi rồi, lát cha về nghen!
- Dạ… Cha cẩn thận nha cha!
Đứa trẻ đứng trông theo bóng người cha cầm sợi dây chuỗi ngả màu, miệng lẩm nhẩm lời kinh Mân Côi, thoăn thoát băng qua những mỏm đá , chạy dọc ven lối mòn, đi về phía đỉnh đèo vách đá dốc đứng. Mặt trời lặn!
…
Sợi dây chuỗi gỗ mà ông cầm đã sờn bạc, mối nối chi chít. Nó không hiểu tại sao cha nó lại quý đến thế! Nó buột miệng:
- Cha chuộc sợi dây chuỗi mới đi. Con thấy sợi dây này đã cũ quá rồi... Cha có thể đặt lên bàn thờ. Mình đâu phạm tội gì đâu cha.
- Không cần đâu con. Cha quen dùng sợi dây chuỗi này rồi.
- Có phải của ông bà để lại cho cha không cha?
- Không con ạ! Cha chưa thấy mặt cha mẹ mình bao giờ.
- Thế có phải của má, không cha?- Đứa trẻ bụm chặt miệng như lỡ lời. Nhìn lên đôi mắt cha với vẻ dò xét.
- Cái con nhỏ này! Ranh giữ hén.
Ông ôm chặt nó vào lòng :
- Cha ước gì con mãi là đứa trẻ thế này để cha bảo vệ con. Cuộc đời cha hạnh phúc từ khi có con đó. Con biết chứ?
Ông cười hạnh phúc, hằn cả vết chân chim thời gian để lại nơi khóe mắt. Rồi quay ra ngoài cửa sổ. Ngoài kia, chim nháo nhác bay, cơn lốc cuốn những chiếc lá khô rốc kéo về phía cuối trời, rồi vỡ ra, rải khắp cánh rừng phía Bắc. Gió rít liên hồi tựa tiếng thét uất hận, như sự phẫn nộ của người đàn bà mang thai bị người đàn ông ruồng bỏ. Nó khiếp quá! Bèn chui thỏm vào lòng ông. Lòng vẫn hiếu kì về sợi dây chuỗi có khắc tên Anna trên hạt chuỗi, về vết sẹo kì lạ sau cổ mà nó mới phát hiện ra và cả về linh hồn Anna mà mỗi lần đọc kinh chung cha hay cầu nguyện... Là mẹ nó chăng? Nó nhớ mẹ kinh khủng lắm! Cứ đêm đến nhìn lên bầu trời đầy sao, nó cầu nguyện với mẹ Maria để vơi đi nỗi nhớ da diết ấy. Chưa bao giờ nó tỏ ra cho cha nó biết vì sợ ông buồn.
Nó tưởng cha nó là ông…
Lần đầu, ông thấy nó là lúc nó nằm tum húm trong hốc cây cổ thụ. Nó không khóc nhưng an nhiên say giấc. Ông đi qua lúc giữa trưa và quay lại lúc chạng vạng. Vì thoạt đầu ông nghĩ có thể mẹ đứa bé đi làm gần đâu đây nên đặt nó ở đó. Nhưng ý nghĩ này chợt tan biến, vì đây là khu vực không nương rẫy, chỉ là một đồi cát hoang vu. Ông rùng mình: Số phận đứa trẻ này có lẽ giống như ông ngày xưa, bị bỏ lại dưới gốc cây cổ thụ. Thế là ông đem đứa trẻ về, dỗ dành đủ kiểu, học cách làm cha, làm mẹ.
Trong suốt quãng đời sau này, nghĩ về những giây phút yên an nhất. Chỉ đơn giản! Đó là khi được nhìn ngắm đứa trẻ như thiên thần say sưa ngủ, nghe giọng hát thánh thót bài ca “Chúa chăn nuôi tôi”, được cõng cô bé trên vai để đến nhà thờ. Cảm giác hạnh phúc khi đứa trẻ hạnh phúc, lúc nó nghĩ trong mắt của một người trưởng thành: Có những thứ thật nhỏ bé… Đôi khi trong những khoảng lặng hạnh phúc ấy, ông thường mơ, mơ về cùng một cơn ác mộng:
Một buổi chiều tà ngả bóng, một gã thanh niên trẻ vẫy tay trước chiếc xe khách tồi tàn, một gã khác đang nâng người đàn ông nằm la liệt giữa đường, hắn kêu lớn tiếng:
- Làm ơn! Giúp chúng tôi với!
Chiếc xe dừng lại, cô tài xế trẻ sái cổ ra ngoài xe, lo lắng hỏi: Anh làm sao thế? Tôi có thể giúp gì cho các anh không?
Một gã đáp:
- Đưa anh ấy đến bệnh viện giúp chúng tôi với. Có lẽ anh ấy đã ăn nhầm thứ gì đó…
- Các anh lên xe đi. Tôi sẽ đưa các anh đến bệnh viện. Con đường này hẻo lánh nên chắc sẽ không có trạm xá hay nhà người dân. Chỉ cần vượt qua ngọn đèo này, các anh sẽ được cấp cứu ngay. Nhanh lên đi!
Cô gái không hề ngờ vực, vội mở cửa xe, ba gã lao lên, rút con dao sắc lẹm kê ngay cổ cô. Chúng lớn tiếng quát tháo, moi hết tiền bạc, điện thoại hay bất cứ thứ gì có giá trị của hành khách trên xe. Cô tức giận:
- Các anh làm vậy thật quá đáng! Làm sao các anh có thể lợi dụng lòng tốt của người khác như thế?
Tên cầm đầu bảo:
- Mày câm mồm! Muốn sống thì mau đưa tiền ra.
- Tôi không có tiền. Tiền của chủ xe của tôi. Còn tôi chỉ là người làm thuê thôi nên các anh sẽ chẳng lấy được gì từ tôi đâu.
Gã nện một bạt tai, cô ngã văng ra khỏi xe. Tên đầu sỏ túm lấy cổ cô kéo đi về phía cánh đồng hoang, nơi cuối góc là một bụi rậm. Cô gái lớn tiếng: "Mày định làm gì tao hả tên khốn? Thả tao ra. Cứu tôi với!”. Cô gái ngoái đầu về chiếc xe, nước mắt chảy ra, than van thống thiết. Hắn ra ám hiệu đàn em cầm con dao trông chừng xe, không cho người khác xuống. Người thì vờ như không thấy gì, đôi trai gái vờn cợt nhau lả lướt dù mình là người bị cướp, kẻ thì run cầm cập nhét lấy củ mì vào mồm, quay về đằng khác… Một người đàn ông trung niên gầy còm nhỏm cái mông khô cằn, bên trong chiếc quần rộng phùng phình, trông có vẻ chán đời. Có tiếng chửi thề chua chát của người đàn bà đẩy đà: “Mẹ mày. Mày ngu vừa thôi. Nó đâm cho một nhát, hộc máu họng. Chết tao khổ, sống tao càng khổ. Khôn hồn ngồi im dùm đi”. Ả siết chặt lấy tay chồng mình, trừng nguýt... Người đàn ông khổ sở đặt mông yên vị, thở ra ngao ngán cách khổ tâm!
Cô gái ngước mắt lên trời, nước mắt giàn giụa:
- Lạy Chúa, xin cứu con…
Gã đàn em có ý ngăn lại:
- Đại ca, anh làm gì thế? Dừng lại đi, chúng ta lấy tiền là được rồi.
- Nếu mày không muốn con dao này cắm vào đùi mày thì hãy im ngay. Lắm mồm. Thằng kia…- Hắn lia mắt qua tên còn lại có ý bảo canh chừng. Con dao lăm sẵn trong tay. Gã sợ quá, không dám can ngăn, nhưng vẫn nài xin:
- Em xin anh. Làm ơn…
Mặc cho cô giãy giụa, dẫm nát vùng cỏ non đang mơn mởn… Mặc cho tiếng gào thất thanh… Mặt trời mệt mỏi lếch dần xuống khe núi, đìu hiu cơn gió vô tình lướt qua những mảnh áo tả tơi đang nằm trơ thân trên bãi cỏ. Lát sau, thỏa mãn xong, cô vật vờ trở lại chiếc xe. Chiếc áo cô như một tấm giẻ rách, đầu tóc rối bời dính đầy cỏ dại xơ xác, miệng rách toạt máu chảy nơi khóe miệng. Tên cướp theo sau. Tay và cổ hắn toàn dấu răng và máu. Hắn cùng hai tên còn lại bước lên xe. Im thinh thít…
- Mày lái xe chở tụi tao qua đèo, rồi đến chỗ nào tao bảo dừng thì lập tức phải dừng ngay - Hắn ra lệnh.
Cô tài xế gục đầu trên vô lăng, rồi ngẩng đầu lên. Nắm lấy tràng hạt ở cổ ra, vô cùng giận dữ. Cô đưa ngoài cửa sổ, giật mạnh. Sợi dây đứt ra! Hạt rơi vung vãi… Có hạt rơi trên lề đường, có hạt rơi vào đám cỏ khô, có hạt lọt thỏm vào hốc cây, hốc đá… Cô không khóc và hẩy cười thản nhiên đến lạ kì. Lướt qua tấm gương xe, ai cũng ngạc nhiên rồi xầm xì... Chỉ có một cái nhìn xót xa của tên cướp khi nãy ra sức ngăn cản nhưng bất thành...
Cô lớn tiếng quát:
- Tất cả các người hãy xuống khỏi xe cho tôi.
Họ ngớ người bảo:
- Cô bị điên à? Trời tối nhẹm thế này mà bảo chúng tôi xuống xe là sao?
- Chắc cô bị thần kinh rồi!
Cô đáp, trừng mắt hướng sang tên cướp:
- Quyền lựa chọn là ở các người nhé! Nhưng… nếu các người muốn xe chạy… thì hãy tống cổ tên đang trân mắt nhìn tôi xuống xe. Thật kinh tởm với cái nhìn thương hại.
Tất cả đều đổ dồn vào hắn và nhao nháo lên. Gã liền đáp:
- Sao cô có thể đối xử với tôi như thế? Trong khi tôi là người duy nhất...
- Thế anh đã làm gì cho tôi hay chỉ đứng đó trơ mắt lên? - Cô ngắt lời. Cô quay sang tên cầm đầu và bảo: Anh hãy chọn đi. Hoặc đi tiếp, hoặc đứng đây cho đến khi tên đó biến khỏi chiếc xe này.
Hắn cảm thấy cô tài xế kiên quyết, nên bảo gã:
- Mày xuống xe đi!
- Em không đi đâu cả!
Trong tức khắc, gã bị tống ra khỏi chiếc xe…
Cô gái nhìn thẳng về vách đá cheo leo trên đỉnh và rồ máy. Cô quay vô lăng và cất giọng hát thật vang, lắc lư đầu, thỉnh thoảng nhạo cười trong tuyệt vọng: “Xin xót thương con, lạy Ngài! Xin xót thương con giữa nơi vực sâu! Từ nơi gian truân hồn con khẩn cầu! Xin xót thương con, lạy Ngài ! Xin xót thương con giữa nơi khổ sầu!”
Đó là bài thánh ca đầu tiên ông được nghe. Bài thánh ca ám ảnh! Ông đã đến nhà thờ nhiều lần sau đó chỉ để được nghe bài thánh ca đó. Mỗi lần như thế, ông được nghe Tin Mừng, được nghe bài giảng của các linh mục. Ông đã tin nhận và đón nhận sự sống Chúa. Cũng là lần đầu ông được biết đến tín lý người Công giáo là con người có linh hồn thiêng liêng. Về những người tự tử mà chết, Giáo lý mới của Giáo Hội dạy rằng: “Tự tử là nghịch với tình yêu của Thiên Chúa hằng sống… Nhưng không nên tuyệt vọng về ơn cứu độ của những người đã tự tử. Thiên Chúa có thể dành cho họ một cơ hội để sám hối bằng những con đường mà chỉ mình Ngài biết. Giáo Hội cầu nguyện cho những người đã tìm cách hủy hoại mạng sống mình” (x. SGLGHCG, số 2281,2283). Ông vẫn cậy trông cách đặc biệt vào Lòng Chúa Thương Xót, vào lòng nhân từ của Người. Và giả nếu luận trách nhiệm cho sự lỗi ấy, một phần trách nhiệm không hề nhỏ là của ông và những người anh em mình. Gom nhặt từng hạt dây chuỗi bị tung tóe, ông xâu lại bằng những mối nối xấu xí, nhưng rất chặt và bền bỉ. Đó là sợi dây chuỗi mà ông vẫn dùng để cầu nguyện hàng đêm cho linh hồn Anna, cho các linh hồn và đền tội cho chính mình…
Rong theo con đường sỏi đá lởm chởm gai góc… Cả đồi vắng chìm ngỉm vào khoảng không mơ hồ. Cú rừng kêu! U uẩn… Sóng biển vẫn cứ vỗ vào tai. Bóng cây loang lỗ, chập chùng. Bước chân thình thịch, hơi thở dồn dập. Theo quán tính, ông cứ lao mình về hướng đỉnh đèo bằng lối mòn… Thỉnh thoảng gai xương rồng đâm vào chân ông, rỉ máu.
“Tin vắn: Hôm qua, vào khoảng 7 giờ tối, một chiếc xe khách không may đã rơi xuống vách đèo. Số nạn nhân là 12 hành khách và một nữ tài xế. Hiện lực lượng cảnh sát giao thông đang tìm hiểu cụ thể vụ việc”…
Vụ việc hôm ấy chỉ có người trong cuộc mới biết rõ. Người may mắn sống sót chính là người đàn ông khập khiễng, mắt chột, mắt sáng - người đã cưỡng bức cô gái ấy! Khi sắp lao xuống vách núi, hắn đập vỡ cửa xe, kịp nhảy ra khỏi chiếc xe đó. Ranh giới giữa sự sống và cái chết, chỉ trong tích tắc. Và từ sâu vực thẳm, vọng lên một câu hỏi ám ảnh: “Sao Ngài… nỡ bỏ rơi con!”. Hắn ngẩn ra, đăm chiêu nhìn xuống vực thẳm. Miệng lập cập không nói nên lời. Mãi lát sau đó rất lâu, hắn hoàn hồn, rồi rã rời trốn chạy… Chân và mắt đẫm máu!
Cuộc đời của kẻ cướp như là cuộc rượt đuổi trường kì trong những nỗi sợ: Sợ cảnh sát, sợ tù tội, sợ số tiền trộm cắp không cánh mà bay, sợ một đêm nào đó ai đến để đòi linh hồn… Sau tai nạn thảm khốc ấy, nỗi sợ lương tâm bào mòn mỗi khắc và chưa bao giờ ông có được một giây phút bình an. Cứ mỗi lần chợp mắt, người đàn ông thấy mình đứng ngay tại vách núi ấy, ánh mắt thản nhiên đến vô hồn của cô tài xế ấy lại hiện lên từ sâu vực thẳm… Và có tiếng vọng vang ám ảnh: “Ta chưa bao giờ bỏ rơi con, nhưng để con thông phần vinh dự vác Thập Giá cùng ta”.
Rất nhiều lần ông muốn lấy hết lòng dũng cảm đi đến đồn cảnh sát, ông lại quay đi vì yếu lòng, rồi sợ liên lụy đến cuộc đời người bạn mình đang cưu mang một đứa trẻ bé nhỏ…
Ông đã đến mỏm đá cao ngút, chân lẩy bẩy run vì đuối sức, người đàn ông kia đang quỳ gối, vai run lên bần bật, đang hát bài: “Xin Chúa Thương xót chúng con…”. Trong giọng hát có tiếng nghẹn ngào, nhưng không hề tuyệt vọng. “Cảm ơn anh!”- Ông thở phào, tự nhủ tiến lại gần, hụt hơi:
- Cảm ơn anh… rất nhiều. Không thì… làm sao em có thể…
Người đàn ông quay lại, nheo mắt:
- Là chú đó sao? Có chuyện gì sao?
- Em cứ tưởng…
- Tưởng tôi nghĩ chuyện dại dột chứ gì?
- Thì…
- Đúng rồi! Tôi đã từng nghĩ thế rất nhiều lần. Và hôm nay, tôi cũng đã nghĩ thế! Thế nhưng, khi tôi thú nhận hết tội lỗi với vị linh mục, lòng tôi nhẹ rất nhiều và đã được ngài khuyên răn: “Tha thứ cho bản thân còn khó hơn là được người khác tha thứ cho mình!”… Chúa đã tha thứ cho tôi và anh. Cô ấy cũng có thể đã tha thứ cho tôi và anh… Tôi cũng nên tha thứ cho bản thân mình. Anh cũng hãy như vậy! Chúng ta hãy cùng cầu nguyện cách đặc biêt cho linh hồn Anna và những linh hồn trên chiếc xe ấy nhé!
Ông ngước mắt lên trời, thầm nguyện:
- Tạ ơn Chúa đã ban đứa trẻ ấy cho con, như một mối dây liên kết, để con ràng buộc người anh em mình. Và đến lúc này… anh ấy đã có thể tìm lại niềm bằng an trong tâm hồn.
Hai người đàn ông ôm chầm lấy nhau, nước mắt đầm đìa dưới gốc cây tràm gió. Cái cây mọc lên mạnh mẽ trên sỏi đá cách lạ lùng kể từ sau khi chiếc xe của nữ tài xế chở theo 13 người hành khách lao xuống vực đá ấy! Một người sống sót…