Trẻ chăn bò xóm đạo

Văn thơ Công giáo

(Mã số 18-084)
1. 
Hai giờ chiều, trời đã bắt đầu chuyển sang gió bấc. Gió cứ thổi ngược con đường đi ra cánh đồng. Ai đi ngang qua cũng có cảm giác xiêu vẹo. Ban nhìn ra con đường và thấy rùng mình theo từng cơn gió rít. Nó chỉ muốn ở nhà cho qua những ngày gió mùa đông bắc. Nhưng mấy con bò trong chuồng cứ kêu rông rống. Chúng nhớ cánh đồng rộng mênh mông vào mùa để hoang. Ở đây, vào mùa này, người ta hay để ruộng hoang cho đến cuối đông mới gieo cấy lại. Cho nên, cả cánh đồng rau cỏ mọc xanh mơn mởn. Mấy con bò nhớ cánh đồng cũng phải lắm! Đã ba bốn ngày nay, chúng chỉ nhai rơm khô. Nhai cái thứ khô khốc ấy hoài cũng chán! Chúng thèm được rong chơi và gặm cỏ xanh. Thế nhưng trời lại rét quá. Chúng không rét sao nhỉ? Ban muốn bỏ qua tiếng kêu của chúng cho êm chuyện. Nhưng Ban lại thấy thương chúng quá. Bò cũng có tình cảm mà! Thế là Ban quyết định thả cho chúng đi thong dong một chút. Ban lấy quần áo ấm mặc vào rồi bước ra chuồng bò. Ban nói với mẹ.
- Mẹ ơi! Con đi chăn bò đây. Năm giờ chiều con về. Cho chúng đi một chút cho chúng thong dong chân cẳng.
- Ừ, nhưng nhớ mặc cho ấm vào nghen con!
- Dạ! Con biết rồi...
Ban đội nón đi ra chuồng bò sau nhà. Trong đầu, Ban định đi qua rủ thằng Thịnh và con Linh với con Liễu đi chăn luôn cho vui. Dù sao thì ra đồng cũng có người nói chuyện cho đỡ lạnh. Ban đến cửa chuồng bò, rút thanh chắn cửa và lùa bò ra ngoài.
- Ọ, ọ, ọ… Ra con! Nhanh lên!
Đàn bò lần lượt từng con đi ra khỏi chuồng và hướng ra con đường cái. Mấy con nghé nhỏ được tự do nên nhảy đần đận. Con bò cái Mun đang chửa bụng rất to. Nó bước đi nặng nhọc. Con đực Rỏ hếch mũi lên rống liền mấy hồi. Nó tỏ rõ bản lĩnh cầm quân. Mấy con còn lại cứ lầm lũi đi. Ban cầm chiếc roi mây đi theo sau. Đi đến nhà thằng Thịnh, Ban hú lớn.
- Hú, hú, hú… Thịnh ơi! Đi chăn bò cho dzui…
- Hú hú hú… Chận bò mầy lại chờ tao chút.
- Ừ, nhanh lên! Còn qua nhà rủ con Linh và con Liễu nữa.
Thịnh mặc quần áo dài tay, đội chiếc mũ trùm, tay cầm bị khoai lang rồi chạy nhanh ra chuồng bò. Nó mở cổng lớn hết cỡ rồi cầm phèng la đánh mạnh mấy cái. Đàn bò nghe tiếng động, tranh nhau túa ra ngoài. Chúng xô đẩy đến trầy da tróc vảy. Mấy con bò nghé chỉ biết chạy theo sau kêu la om sòm. Thế là nó khoái chí cười toe toét. Ra tới cổng, nó đã nói khích Ban.
- Ê, “xách cà mèn đi xin thịt chó” gì sớm dữ mầy?
- Ê, hỗn mầy! Có thịt chó mới có mầy ăn chứ! Mà mầy đời nào dám đụng vào mấy thứ ấy. Tao thách mầy cũng không dám. Thần thánh bẻ cổ cái rụp liền!
- Chứ tao nói không đúng sao mà mầy quẹo lại. Chẳng phải bên đạo mầy cứ hay làm thịt chó ăn sao? Tết, chó. Giỗ, chó. Thôi nôi, chó. Sinh nhật, chó. Đủ thứ chuyện đều làm chó ăn thịt hết.
- Bậy mầy! Chứ mầy có thấy khi nào nhà tao làm thịt chó ăn không? Người ta thích thì ăn thôi. Còn nhà tao, bố mẹ tao thương mấy con chó lắm. Ổng bả nuôi cả bầy luôn. Mầy nói thế không khéo đạo của tao là đạo thịt chó à!
- Ừ, đạo thịt chó chứ còn nói gì!
- Tao cốt vỡ đầu mầy chứ ăn nói láo xược!... Chiều nay, mầy cứ ra quán thịt cầy của ông Tuấn chó coi thì biết ai ăn thịt chó nhiều hơn. Toàn là dân đàng lương không! Nhà mầy không ăn thịt chó nên chẳng biết gì hết.
- Thôi được! Chiều nay tao ra xem là được chứ gì. Đừng giận nhé bạn tốt...
- Ừ, nói dzậy còn nghe được!
- Thôi bỏ qua! Tới nhà của hai chị em Linh-Liễu rồi kìa!
Trước mặt Ban và Thịnh là căn nhà xây mái ngói khá khang trang. Tuy hơi cũ một chút nhưng cũng khá hơn những nhà trong xóm. Đó là nhà của chị em Linh và Liễu. Gia đình hai đứa vốn không phải ở đây. Nhà ở tận Nha Trang kia! Bố mẹ chúng lấy nhau rồi lập nghiệp trong đó. Những năm gần đây, gia đình làm ăn sa sút nên phải trở về quê. Căn nhà gia đình chúng đang sống là của ông nội để lại. Lần này về quê, bố mẹ chúng quyết tâm làm lại từ đầu. Cho nên, còn bao nhiêu vốn liếng, họ đem mua mấy con bò để cho hai chị em chăn. Cũng nhờ chăn bò mà hai chị em biết được Ban và Thịnh. Cho nên, cứ mỗi chiều chiều cả bốn đứa đi chăn bò chung với nhau.
- Linh Liễu ơi! Đi chăn bò nào...
- Dạ! Hai anh chờ chúng em chút xíu...
Hai chị em lấy áo gió mặc vào, choàng thêm khăn che kín đầu rồi đội nón đi ra chuồng bò. Linh đến trước cửa mở từng thanh ngang cửa chuồng còn Liễu đuổi từng con ra. Hai chị em thích mấy con bò của mình lắm. Cho nên, cả hai đã nghĩ ra nhiều cái tên mỹ miều đặt cho mấy con bò. Nào là Hồng Nhạn, Bạch Hạc, Xinh Mun, Kim Cương, Kỳ Lân… Con nào con nấy đều sạch sẽ hồng hào dễ thương chứ không giống như mấy con bò hom hem của Thịnh.
- Ọ, ọ, ọ… Nào, ra nào mấy em!...

2. 
Cả ba bầy bò nhập đàn vào nhau hơn hai chục con. Chúng đi thành hàng dài trên con đường từ làng dẫn ra đồng. Cả bốn đứa cũng nhập vào nhau nói năng ríu rít. Gió vẫn cứ thổi liên hồi làm cho tiếng nói của chúng lạc đi, lúc được lúc mất. Chúng nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất cốt để cười cho thỏa thích và ngăn bớt cái lạnh đang cắt da thịt của chúng. Trong nhóm, Thịnh là người lém lỉnh nhất. Cái miệng nhỏ xíu của nó cứ liến thoắng. Nó kể hết chuyện nuôi mấy con gà nòi, đến chuyện bắt cá câu lươn, cả chuyện nó bắt gà bẻ bí người ta nữa. Ba đứa kia cứ há miệng ra nghe nó nổ, không quan tâm đến thật hay giả. Miễn vui là được! Ban cũng không kém gì Thịnh. Cái tướng to, trông có vẻ chậm chạp nhưng đủ thứ chuyện trên đời. Chuyện trốn học, chuyện đề đóm cá độ, chuyện đá gà, chơi cá, chơi cây cảnh, chơi đồ cổ… nó đều biết hết. Nó nói y hệt như nó đang chứng kiến và kể lại sống động như đang xảy ra trước mặt. Nó đưa tay múa chân làm điệu bộ khi kể những chuyện có tình tiết gay cấn. Chỉ có hai chị em Linh-Liễu là hai khán giả trung thành của hai anh chàng “nổ”. Nổ mà lấy được nụ cười của hai đứa con gái cũng oai lắm rồi! Cứ thế cả bốn đứa cứ ríu rít đi theo đàn bò.
Khi đến chỗ ngoẹo nhà ông Ba Thấu, cả bốn đứa ngây ngất với mùi thơm của mấy cây ổi. Thịnh nhanh nhảu hít hít mấy cái rồi đưa ra đề nghị táo bạo.
- Mấy đứa bay đứng đây canh chừng… Để tao chui vào hái ít trái chút nữa ra đồng ăn. Nhanh thôi! Nghề của tao mà.
Linh can:
- Ấy chết! Anh Thịnh tính ăn trộm thiệt sao? Có tội nặng đó!
- Tội gì! Hái mấy trái ổi thôi chứ có trộm cắp gì lớn đâu.
Liễu chen vô:
- Hái ổi cũng là ăn trộm mà! Anh Thịnh không học điều răn Phật dạy sao?
- Con nhỏ này vẽ chuyện! Em không thương anh nữa hay sao mà cứ nói ra không à! Anh hái ổi để cho em đó.
Con Liễu đỏ mặt.
- Thương?... Nhưng anh đừng ăn trộm được không? Để em vào xin Bác Ba mấy cái là được chứ gì!
Bây giờ Ban mới lên tiếng.
- Mấy đứa bay bàn lôi thôi quá! Im đi để thằng Thịnh chui vào hái vài cái là xong. Xin xỏ gì cho lôi thôi. Với lại ông Ba Thấu trồng ổi chứ đâu có ăn. Ổng trồng cho vui thôi. Thịnh, nhanh lên mầy. Để tao canh ổng cho.
- Ừ, tao chui vào đây. Im lặng hết đi nghen...
Trong khi đàn bò vẫn tiếp tục đi ra đồng thì Thịnh rón rén vạch hàng rào chui vào trong vườn. Nhanh như sóc, nó phóc lên cây ổi nhẹ nhàng và bắt đầu hái. Từng trái ổi to bằng chén cơm, trắng nõn và thơm phức được Thịnh ném ra cho Ban chụp. Con Linh và con Liễu lấy nón đựng. Mới mấy phút mà hai cái nón đã đầy ổi. Con Linh mới gọi nhỏ.
- Anh Thịnh ơi! Ra nhanh đi, đủ rồi. Nhiều quá ăn phát kiết đó.
- Ừ, mấy trái nữa thôi...
Thịnh cố chuyền cành để hái cái ổi to nhất cho con Liễu thì cành ổi gãy làm nó ngã mạnh xuống đất. Bây giờ, ông Ba Thấu mới chạy ra. Đúng ra, ông đã biết ngay từ lúc Thịnh chui vào. Ông đã định bắt tất cả bốn đứa đem đi mắng vốn bố mẹ chúng nhưng ông lại thấy thương nên thôi. Trẻ con mà, chúng thèm chua thèm ngọt chút đỉnh thôi, phá phách chút đỉnh thôi. Lớn lên chúng sẽ hiểu phải làm gì cho phải đạo! Cho nên, ông chỉ đứng nhìn chúng rồi mỉm cười, bởi ông đã một thời như chúng. Tuy nhiên, cú ngã của Thịnh đã làm ông giật mình. Ông phải chạy ra xem thằng nhỏ có bị sao không. Tiện đó, ông dạy cho chúng biết chuyện. Ông vừa đến nơi đã thấy Thịnh nằm đau đớn còn mấy đứa kia thì hết hồn hết vía. Thịnh đang lồm cồm đứng dậy thì bị ông túm cổ.
- Đứng im! Cha cha… hôm nay ông bắt được thằng trộm đây rồi! Nhà ông cứ mất trộm ổi hoài mà không túm được đứa nào… Thằng Thịnh! Mầy hái trộm ổi của ông mấy lần rồi?...
- Dạ, ông Ba! Chỉ là lần đầu thôi ạ!
- Lần đầu à… Mầy có biết cái tội lần đầu là gì không? Tội tổ tông đó! Tội ấy còn nặng hơn cả tội hái trộm ổi nữa đó.
- Dạ! Con không biết ạ!
- Không biết cũng phải! Mầy bên Phật mà! Chứ còn mấy đứa kia… Thằng Ban, mầy đừng nói là không biết nghen! Trong mười điều răn, điều thứ bảy Chúa dạy chớ lấy của người, còn điều thứ mười Chúa lại dạy chớ tham của người. Tao biết mầy học hết đó nghe chưa!
- Dạ! Con chỉ biết Thương người có mười bốn mối. Thứ nhất cho kẻ đói ăn thôi à! Chúng con đói lắm ông Ba ạ!
- Mầy nói giỏi lắm! Đói là cứ đi ăn cắp của người ta sao?
- Dạ! Chúng con đâu có đi ăn cắp đâu ông Ba. Chúng con thèm mấy trái ổi quá nên liều lĩnh thôi! Ông Ba tha cho chúng con nghen? Lần này thôi ông Ba!
Con Linh cũng sụt sùi theo.
- Ông Ba tha cho chúng con nghen ông Ba!...
Con Liễu nói thêm.
- Dạ! Con đã bảo anh Thịnh vào xin ông Ba, đừng có trộm. Thế mà ảnh không nghe… Ông Ba nhân từ, ông Ba tha cho chúng con nghen ông Ba! Đây là số ổi chúng con đã hái trộm của ông Ba nè! Chúng con xin trả lại cho ông Ba.
Bây giờ, Thịnh mới hết đau. Nó khẩn khoản nài xin.
- Ông Ba tha cho con! Con trót dại… Chỉ biết thể hiện thôi. Con cũng được bố mẹ dạy không được ăn cắp ăn trộm của cải của người ta. Con là một Phật tử và ngày ngày thầy con cũng dạy con đừng lấy gì của ai mà chưa hỏi ý kiến của họ. Ông Ba tha cho con, con biết lỗi rồi!
Ông Ba Thấu nhìn mấy đứa nhỏ có vẻ hối lỗi nên cũng mủi lòng. Vốn dĩ ông đã định để cho chúng nó đi nhưng chuyện thằng Thịnh bị ngã làm ông phải suy nghĩ. Chúng nó còn non nớt quá, cứ làm theo ý thích của mình mà không được ai dạy dỗ bảo ban thì thế nào cũng hư hỏng. Chẳng hạn như thằng Thịnh mà ngã xuống từ một cây cao hơn chắc khốn cho nó. Chỉ vì một chút ham vui mà đánh mất cuộc đời thì không nên. Chúng chưa lường hết hậu quả việc mình làm.
- Ừ, ông tha… Nhưng có biết vì sao ông tha không?
- Dạ! Vì ông Ba tốt bụng ạ!
- Khỏi nịnh! Ông không tốt bụng đâu... Chỉ vì chúng bay là những đứa có đạo. Chúng bay biết mình sai, biết xin lỗi… Nhưng không phải xin lỗi rồi để đó nghen! Lần sau ông không tha nữa đâu!
- Dạ! Chúng con cảm ơn ông Ba. Không có lần sau nữa đâu! Đây, chúng con trả lại số ổi chúng con đã hái trộm của ông nè!
- Thôi! Ông cho các con đó... Cha lũ bay!
- Dạ! Chúng con cảm ơn ông Ba.
- Ừ, con nhà có đạo phải thế nhé!...
Bốn đứa mừng húm. Thịnh như được giải thoát khỏi ngục tù. Nó chui nhanh ra khỏi vườn rồi cùng ba đứa kia chạy theo đàn bò. Chúng vừa chạy vừa cười khúc khích. Đàn bò quen đường nên chúng đã đi ra tới ngoài đồng. Chúng chạy tung tăng mỗi con một nơi rồi tụ lại chỗ gò đất cao nơi có nhiều cỏ xanh. Chúng thi nhau gặm. Bốn đứa cũng chạy tới nơi. Chúng đi đến chỗ gò đất, bên cạnh đàn bò. Chúng tìm một nơi khuất gió tụ lại ngồi nói chuyện. Con Linh và con Liễu mới bày nón ổi ra cho tất cả cùng ăn. Thịnh chọn lấy cái to nhất đưa cho Liễu.
- Đây, cái ổi to và thơm ngon nhất đó… Anh tặng riêng em đấy! Chút nữa là anh toi mạng vì nó đấy… Á lộn, vì em chứ!
- Xạo ghê luôn! Ai bảo mà hái chi cho khổ! May mà anh toi mạng thì em cũng chẳng sống nữa…
- Thiệt hả?...
- Thiệt gì cha nội! Em toi mạng với bố mẹ của anh thì có!
- Ừ nhỉ! Mình ngu thật… Thôi ăn đi!
Ban cũng lấy mấy cái ổi ngon đưa cho Linh.
- Linh, em ăn mấy cái ổi ngon này nè… Anh chọn cho em đấy!
- Cho em? Anh cũng ăn đi chứ!
- Ừ, cho em! Anh thương anh mới cho em đó!
- Thương em? Sao anh không thương con Liễu? Thương em làm gì cho khổ?
- Đã bảo là thương em rồi mà! Con Liễu có thằng Thịnh rồi… Bạn bè ai lại đi dành người yêu của nhau!
- Anh nói thiệt nghen!
- Thiệt! Thôi em ăn đi...

3. 
Trời càng về chiều gió càng thổi mạnh và càng lạnh. Thịnh loay hoay đào một cái hố chỗ khuất gió rồi chất củi vào đó. Nó xoay xở mãi mới làm cho lửa cháy rồi chất lên đống lửa mấy củ khoai lang hồi nãy mang theo. Cả bốn đứa tụm lại xuýt xoa ngửi mùi khoai nướng và sưởi ấm. Đàn bò vẫn tung tăng gặm cỏ. Mấy con nghé nhớ vú mẹ cứ chạy theo mẹ đòi bú sữa. Dường như đàn bò cũng lạnh nên chúng tụ tập chung quanh gò đất gần chỗ bốn đứa đang đốt lửa nướng khoai. Trong lúc nướng khoai, Thịnh hỏi Ban.
- Sao tao thấy chiều nào mấy đứa bay cũng đi nhà thờ hết vậy?
- Ừ, đi lễ ấy mà! Không đi không được. Quen rồi! Hôm nào bỏ là thấy khó chịu trong người. Chứ mầy không đi lễ chùa à?
- Không! Mẹ tao là Phật tử. Bà cứ tụng kinh ở nhà không à. Lâu lâu có lễ lớn bà mới lên chùa. Còn tao thì cứ đi chơi cho đã rồi về nhà ngủ thẳng cẳng. Thế là xong một ngày.
Con Linh xen vào.
- Anh Thịnh theo đạo gì mà lạ dữ! Không giữ lễ nghĩa phép tắc gì hết. Mình theo Phật phải giữ luật Đức Phật dạy chứ?
- Ôi chao! Giữ gì mấy cái qui tắc cứng nhắc đó. Để khi lớn khắc giữ được thôi. Bây giờ chơi cho thỏa thích trước kẻo uổng đời tuổi trẻ. Chứ mấy đứa bay cứ giữ đạo nghiêm quá tao thấy phát ớn luôn. Đạo gì mà cứ đi kể tội của mình cho ông cha… Xấu hổ chết!
Con Liễu nhanh nhảu.
- Kể tội gì! Xưng tội chứ anh Thịnh. Xưng tội là để cho mình sạch tội. Có sạch tội thì mới đẹp lòng Chúa. Mình xưng tội là xưng với Chúa chứ ông cha chỉ là đại diện cho Chúa thôi.
- Chứ rủi mình xưng hết các tội cho ông cha rồi ông cha đi nói với người khác thì sao?
- Không đâu anh! Ông cha buộc phải giữ kín. Nếu ông cha nói ra thì mắc tội trọng. Ông cha không bao giờ nói ra đâu.
- Nhưng mà mình vẫn cứ phạm đi phạm lại mấy cái tội đó hoài thì xưng làm chi cho mệt. Để đến lúc gần chết xưng luôn cho sạch.
- Anh nói tào lao không à! Mình có biết lúc nào mình chết đâu mà xưng. Với lại việc xưng tội cũng giống như anh giặt áo ấy chứ. Anh giặt thường xuyên thì áo sạch, còn anh không giặt thì nó càng dơ.
Ban nói thêm.
- Do mầy chưa theo đạo nên mầy không biết… Chứ mỗi khi tao đi xưng tội xong thì thấy người vui vẻ hạnh phúc lắm. Mầy không tin thì theo đạo của tao đi.
- Không đời nào! Vào đạo của mầy rắc rối lắm! Đủ thứ chuyện hết…
- Chứ mầy không muốn cưới con Liễu nữa hay sao mà nói không?
- Ừ hả! Cái đó để tính sau. Nhưng tao vẫn thích tự do hơn. Muốn sống sao thì sống.
Con Liễu bĩu môi.
- Anh nói nghe dễ quá! Anh muốn sống sao thì sống à? Vậy sao không đi ăn trộm, ăn cướp, bán ma túy gì đó đi. Người ta túm cổ bỏ tù còm xương liền. Nói hão không! Còn chuyện anh muốn cưới được em thì phải theo đạo thôi. Không theo thì đừng có hòng! Em không như mấy đứa kia đâu. Không biết chiều ý em thì “gút-bay” luôn nhé…
Ban tiếp lời.
- Mầy nói tào lao quá! Con Liễu nói đúng đó. Sống tự do đâu có nghĩa là muốn làm gì thì làm. Người ta theo đạo thì phải sống theo luật đạo. Giữ luật, luật sẽ giữ mình!
- Ừ, mầy nói nghe cũng phải đấy! Thôi ăn khoai lang đi... Nhưng mà chúng ta sống theo lời Chúa, lời Phật dạy để làm gì nhỉ?
Con Linh ra vẻ giảng giải.
- Sống theo lời Chúa để được lên thiên đàng với Chúa chứ để làm gì! Còn anh sống theo lời Phật dạy thì được lên… lên…
Thằng Thịnh đỡ lời.
- Lên Niết Bàn! Không biết mà đòi giảng... Nhưng khó lên Niết Bàn lắm em ơi! Người ta phải qua biết bao nhiêu là kiếp mới lên được. Không biết là kiếp sau tao có được lên Niết Bàn không? Hay là hóa kiếp làm con gì thì khổ.
Ban nói đùa.
- Mầy chỉ có hóa kiếp bò thôi! Đi chăn bò nhiều rồi thì chết làm bò cũng sướng đấy!
- Mầy đúng là thằng chẳng biết gì hết! Đâu phải mình muốn hóa gì thì hóa đâu. Còn phải chờ xét công trạng tu tập nữa chứ. Kiếp trước mình sống tốt thì mới mong hóa kiếp ngon lành. Đó là luân hồi nghiệp báo.
- Chứ mầy nói vậy thì kiếp trước phải luôn tốt hơn kiếp sau! Còn đạo của tao thì dạy mọi người phải trông chờ vào ngày cuối cùng. Ngày đó Chúa sẽ phán xét. Người lành sẽ lên thiên đàng ở với Chúa, còn kẻ xấu sẽ xuống hỏa ngục xa cách Chúa muôn đời. Cho nên mọi người trong đạo của tao luôn phải lo sống đàng hoàng theo lời Chúa dạy. Như thế đời sau sẽ được sung sướng hạnh phúc.
- Nghe mầy nói, tao thấy cũng hay hay… Nhưng bảo tao tin chắc cần phải có thời gian. Tao vẫn thích cái giáo lý “luân hồi nghiệp báo” của Phật dạy hơn!
- Ai bảo mầy theo đạo của tao đâu mà mầy phân trần. Tao chỉ nói niềm tin của ba đứa tao thôi. Chừng nào mầy học giáo lý để cưới con Liễu rồi sẽ dần dần hiểu.
Bốn đứa tựa vào nhau vừa ăn khoai vừa cười khúc khích. Tiếng chúng quyện vào nhau và theo gió lan ra khắp cánh đồng. Trên trời, nắng bắt đầu tắt dần. Từng đám mây lớn trôi nhanh về phía biển. Và đàn cò trắng bắt đầu rẽ gió bay về nơi ẩn trú.
Tiếng chuông nhà thờ đổ vang. Thịnh ngẩng đầu lắng nghe. Khuôn mặt nó tươi lên.
- Chuông nhà thờ kìa! Về thôi anh chị em!... Chúng mầy về đi lễ chứ?
Nghe tiếng Thịnh nhắc, cả bốn đứa cùng đứng lên tập họp đàn bò và lùa chúng ra về. Đống lửa chúng đốt đã tàn từ lâu. Hơi ấm không còn nữa. Chúng khép mình trong chiếc áo ấm trở về nhà cùng với đàn bò của mình.
Tiếng chuông nhà thờ vẫn còn đổ liên hồi. Tiếng chuông quen thuộc ấy báo hiệu một ngày sắp tàn. Mọi người đi làm trên đồng lần lượt ra về chuẩn bị cơm nước rồi đi lễ. Cái thói quen ấy của xóm đạo đã thấm vào đời sống của mỗi người kể cả những người ngoại. Hễ nghe tiếng chuông chiều của nhà thờ là họ nghỉ việc và trở về nhà.
Một ngày đã kết thúc và lòng mỗi đứa rạo rực mong chờ một ngày mới nhiều niềm vui và hạnh phúc. Riêng Thịnh, những câu nói của ba đứa bạn “có đạo” về Chúa vẫn cứ hiển hiện trong đầu.
Mặt trời đang lặn dần. Phía cuối chân trời, ráng chiều đỏ ối.