(Mã số 18-075)
Xin lỗi! Sinh ra tôi đã chỉ là một đứa con “láo hỗn” mà thôi!
…- “Con chó” kia, tối rồi còn xoang xoảng cái gì?
- Con đong đỗ cho mẹ thôi ạ!
- Mẹ chúng mày này!
Tiếng dao phi từ trong bếp ra chỗ thềm, đâm trúng vào tay tôi rồi bắn ra ngoài. Tôi không phản ứng, tiếp tục đong cho xong những xô đỗ cho mẹ mai đi hàng. Ông ta có lẽ không chịu khuất phục trước sự chịu đựng của tôi vì việc phi dao của ông, ông ta chạy từ trong bếp ra với khuôn mặt hùng hổ, gân guốc như muốn nuốt trọn tôi vào cổ họng của ông.
Bốp! Bốp! Bốp!...
- “Con chó” này, muốn trêu ngươi bố mày à!
Tôi không một lời than van, cứ đứng đó cho ông làm theo “sở thích” của mình. Tôi lì nên có lẽ đã làm cho ông ta điên lên, ông đạp vào tôi, rồi cứ theo lẽ thường mà đánh tôi như một người chưa từng được động vào con người bao giờ, cứ thế rồi cứ đánh cứ đập tôi... Lúc này, cơ thể tôi nóng rực lên, dường như có luồng khí nào của sức mạnh dẫn tới. Tôi không đau vì cái đạp, cái tát ông vừa làm với tôi, tôi “điên” lên vì cái tính “dã thú”, “vũ phu” của ông bấy lâu nay đã hành xử với mẹ con tôi vì bản tính và thói say xỉn. Tôi không suy nghĩ, cứ làm theo lý trí, chiếc dép thứ nhất được rút ra từ chân phải của tôi và lao thẳng vào mặt của ông.
- Ông làm bố như thế à?
- “Con chó” này giỏi nhỉ? Dám đánh tao!
- Ông là bố như thế ư? Bao nhiêu lâu nay, mẹ con tôi đã nín nhịn đi rồi, mà ông cứ lấn tới sao?
- Im! “Con chó” này, mày quá giỏi rồi!
Vừa đấm vào mắt tôi, ông vừa chửi ngậu lên. Nét mặt ông đỏ rực lên vì sợ hãi, chân tay run run. Nhưng vẫn cao ngạo thể hiện mình, ông cố lấy sức và nhen nhóm những suy nghĩ “tinh tướng” để chửi và rủa tôi. Vẫn tiếp tục những tiếng “bốp, bốp, độp, độp”, máu từ tay đã dần nhỏ xuống, nước mắt đã hoen máu đang nhỏ xuống gò má của tôi. Tôi đã cảm thấy đau buốt bên trong, với cơn gió thu lướt nhẹ qua, xuyên vào cõi lòng tôi tê tái, đôi môi nhợt nhạt, khuôn mặt vẫn rực sáng với cặp kính đã mờ nhạt. Bất giác, tôi hít một hơi thật sâu, rút tiếp chiếc dép còn lại bên chân trái và ném vào ông ta. Ông phản ứng cách kịch liệt. Ông lao vào tôi như một “con thú” đang tìm mồi để cắn xé, đập vào mặt tôi, làm văng chiếc kính cận của tôi ra xa, làm tầm nhìn của tôi hạn chế. Mẹ tôi không chịu được cảnh ông ta hành hạ bà qua những tháng ngày qua, giờ ông lại làm với chính đứa con bà rứt ruột đẻ ra. Mẹ chạy tới, trấn tĩnh ông ta.
- Thôi, không đánh con nó nữa! Thôi mà…
- “Con chó” này muốn chết không, tao đập chết và chôn sống mày không thương tiếc đâu!
- Sao ông làm bố mà ông còn hành xử với mẹ con tôi độc ác thế, ông có linh hồn không ạ?- Tôi dứt khoát.
- Mày thích lý sự không? Tao thích thì tao đập, chúng mày làm gì được tao. Mày mà còn ở cái nhà này, sớm muộn tao cũng chôn sống mày, “con chó” à!
Ông gằn giọng quát tướng lên như một con sói dữ gào lên, siết chết con cái từng giây phút với những lời nói thâm độc. Tôi cố gắng bình tĩnh lại, ngẩng mặt lên trời, thầm xin ơn ngự trị của Giêsu cách mãnh liệt vào thân xác tôi, không nói một lời nào…
Tôi chạy tìm góc khuất của khu nhà kho, rồi tựa nép bên cánh cửa phòng, muốn ở một mình với Chúa để có những sự khôn ngoan phân định. Le lói qua cánh cửa có bức hình Thánh Gia rọi sáng. Tôi thẫn thờ, chân tay bầm dập, mặt tím bầm, máu chảy xả cánh tay. Thiên Thần dẫn tôi trở về quá khứ, cảm giác lâng lâng như được gọi về miền kí ức…
Tôi được sinh ra như thế nào? Có lẽ cũng ly kỳ, bí ẩn và đầy gian khổ. Không phải lò gạch cũ nát, không phải nơi quán bar nhộn nhịp, cũng chẳng phải nơi dân “làm gái” mà tôi được sinh ra... Vì mẹ tôi đâu phải là loại người như vậy. Mẹ là thiếu nữ ngoan hiền, có học thức, khi lấy bố tôi, mẹ cũng chỉ vâng lời ông bà mà thôi… Mẹ mang tôi 9 tháng 10 ngày trong dạ, đau đớn, nặng nhọc vác cái thai rong ruỗi với những nẻo đường hơn 30km để bán hàng kiếm sống cho gia đình. Mùa hoa sim tới, tôi đã rẫy rụa, muốn nhảy ra khỏi cái khuôn mẫu trong cái bào thai để xem cuộc đời này mang tới cho mình ý nghĩa và tốt đẹp như thế nào! Bụng xuống thai, mẹ đau đớn trên chiếc xe thồ cũ, xíu nữa sinh tôi trên một con đường cao tốc mà mẹ tôi ngang qua khi tới chốn chợ. Ngay khi nhìn thấy cuộc đời, tôi đã khóc chứ không cười, khóc cho cái thói đời, vì định sẵn, đời là bể khổ. Ngày tháng trôi dần, tôi lớn nhanh với tính hiếu kỳ, thông minh, năng động nhưng cũng thú vị và hài hước. Bởi đó tôi được sự mến mộ từ những người xung quanh mà lại không phải chính những người thân cận với mình. Với gia đình, tôi luôn bị khinh miệt từ anh em, từ người bố trong nhà. Còn mẹ vẫn yêu thương tôi, bởi chăng có lẽ tôi “khác người quá”. Đặc biệt, với người bố tôi, tôi chưa khi nào có một cách thể hiện tình cảm của mình cho ông, bởi ông luôn độc đoán, bảo thủ, vũ phu, không nghe ai bao giờ, cũng phải chăng? “Dần-Thân-Tỵ-Hợi tứ hành xung”, cứ động nói, tôi lại bị “ăn vả”, hoặc bị ném vào người một thứ gì đó cho thỏa lòng vui thú của ông. Bởi lẽ tôi không sống theo khuôn đúc mà ông đã làm mẫu cho tôi, vả lại tôi luôn chống lại những điều sai trái mà ông làm và nói. Lý do rất đơn giản mà tôi đã phải nhận một cuộc sống đau khổ, cô đơn từ tấm bé, bị phạt cách vô cớ, bị đánh cách không lý do… Cứ vậy, nhưng tôi luôn phó thác trong sự quan phòng của Chúa và bước trên đôi chân mình, nên tôi mạnh mẽ và quyết đoán không nhu nhược… Rồi những bằng khen, những cử chỉ, hành động, thân hình… Tôi thấy tuổi thơ đã vụt bay đi như làn gió, tôi đã trưởng thành! Nhưng rồi, lớn lên cũng chẳng được nói tiếng nói của riêng mình, bị khuôn đúc và lập trình, mặc định sẵn… Nước mắt cứ tràn mi, tụ lại rớt xuống, hòa vào dòng máu chảy từ cánh tay, tôi ngộ ra mẹ cũng đã phải vật lộn, đau khổ bao ngày tháng với những đòn roi vô tâm của ông ta, nhưng thấm vào đâu so với cái chết của Giê-su đã treo trên thập tự vì tội lỗi ta… Tôi đứng phắt dậy, trở về phòng, cố gạt đi những suy nghĩ miên man vừa qua. Tôi len qua những khu nhà của khuôn viên gia đình, hiện lên bóng của ông ta dưới ánh đèn trước cửa phòng tôi, tay cầm chiếc búa con, mặt ghê sợ, đỏ bừng như người bị bệnh tạc. Tôi cố can đảm xuất hiện, bước chân vừa đặt tới, ông đã xô ra như muốn đập chết tôi. Mẹ lao vào can tôi.
- Mở cửa phòng ra! Máy tính rồi sách vở tao đập nát và đốt hết, không học hành gì hết!- Ông hét vào mặt tôi.
- Không đánh con nữa! Ông có nghe tôi không vậy?- Mẹ bình tĩnh nói.
- Cút! Chúng mày cút hết đi, tao sẽ đập hết…- Giọng nhề ra, nhưng không hề có chút men nào vì ông vừa đi lễ Chúa nhật về.
Tôi cũng đã nghĩ rồi, nhưng không tưởng là ông ta lại suy nghĩ ngắn như vậy! Không được cha xứ, người dân bầu làm gì trong xứ, vì cái tính không thể làm việc cùng ai được, lòng sinh hận thù, xét đoán các Đấng và mọi người, nên từ đó ông càng tìm cớ để “gây sự” đánh đập tôi vô cớ, rồi dọa nạt không cho tôi đi lễ, đi nhà thờ mỗi ngày, không cho tôi đi học. Ông đã tước đi sự tự do, quyền bình đẳng, phẩm chất và bổn phận của tôi…
Tôi mau lẹ giấu mọi thứ riêng tư của tôi vào chiếc balô, chân trần, vừa lê vừa bước trên nước mắt, tôi cố chạy một mạch tới nhà cô cách đó chừng 1km. Tới nhà, cô không tra hỏi tôi vì sao lại vậy, cứ lặng lẽ… Vì ai ai trong họ cũng biết tỏ tường con người ông ta rồi, nhưng không một ai có thể nói được, lẽ rằng, ông thể hiện vẻ bề ngoài thì không ai bằng. “Rửa sạch chén đĩa bên ngoài mà bên trong đầy những chuyện…”. Tôi đóng sập cửa phòng và nép mình vào góc tường. Lúc này, tôi ngưng lại dòng suy nghĩ đang trôi trên mình, mà im lặng tâm sự với Giêsu. Không biết con hành động như vậy có phải phận là con không? Ông ta cư xử như vậy có đúng là một người bố không?... “Con xin phó thác hết thảy cho Chúa, Ngài muốn sao thì Ngài sẽ làm”. Tôi rơi vào tuyệt vọng, chán nản đến cực độ, không muốn học hành, không muốn yêu thương, không muốn làm bất cứ điều gì, khẳng khái kiên quyết ra đi, muốn đi đâu đó thật xa, không sống dưới mái nhà có bóng dáng của ông ta nữa, trong đau khổ sẽ tạo sức mạnh, tôi nhận lại được điều đó. Tiếng xe máy của mẹ tôi xuất hiện ở đầu ngõ nhà cô, mẹ đã đi tìm tôi, nài nỉ tôi về. Mẹ nói trong nước mắt. Mẹ khóc…
- Về đi con, kệ ông ta, ông ta làm tội thì chịu tội, mẹ là mẹ mà vẫn phải chịu đến bây giờ đây con à!
- Con không về đâu! Mẹ về đi… Con sẽ không sống ở cái nhà đó nữa đâu, con sẽ đi, con khổ từ bé rồi…
- Nếu không vì các con, mẹ cũng sẽ chẳng ở cái nhà đó nữa, nên con hãy nghĩ tới mẹ một lần rồi về đi!
- Con không về! Mẹ về đi, đừng bận tâm đến con!- Tôi vùng vằng, cương quyết.
- Con về đi, cứ như này mẹ không sống nổi đâu…- Mẹ nghẹn ngào, năn nỉ, nước mắt tràn mi.
- Con vẫn sẽ ra đi và đứng trên đôi chân mình, kệ con!
- Ông ta nằm rồi, từ lúc con đi, ông ta lên giường nằm, chắc suy nghĩ… Lên xe mẹ chở về học bài mai đi học bình thường.
- Kệ con mà! Mẹ đừng nghĩ gì nữa…
- Đi về thôi, nhanh nào!- Vừa nói, mẹ vừa xách chiếc balô và dìu tôi ra xe, vì tay tôi máu chảy khá nhiều.
Tôi trấn tĩnh lại và đi theo mẹ về nhà…
* * *
Không khí vắng vẻ, ảm đạm u buồn của một cuộc “chiến tranh lạnh” sắp diễn ra mà tôi cũng chuẩn bị tinh thần từ trước… Thời gian cứ lặng lẽ trôi qua, ở cùng nhà, ăn cùng mâm, ngồi cùng bàn, uống chung chén… Ấy vậy mà không ai nói một lời nào! Tôi cứ để vậy và chẳng quan tâm. Nhưng tâm hồn tôi không được yên chút nào với cách hành xử của tôi, tôi hằng cầu xin ơn trên đêm ngày hoán đổi ông và ban sức mạnh, sự bình an cho tôi… Thoáng qua đã hơn một tuần, khi vừa tham dự thánh lễ chiều với bài Tin Mừng “Anh em không chỉ tha thứ bảy lần mà là bảy mươi lần bảy”, tôi nhận thấy mình thật có lỗi và vô lễ với người dưỡng dục mình. Tôi tìm cha xứ xưng tội rồi về xin lỗi ông. Cố lấy những ngôn ngữ từ trái tim để xin lỗi ông, tôi can đảm thưa:
- Dạ… Thưa bố! Cũng đã hơn một tuần rồi, con biết con sai, lúc đó con hơi quá… Xin bố tha thứ cho con!
Không một lời đáp lại, tôi cố kìm nén và thưa tiếp:
- Dù bố có là một “thằng” nát rượi, một người tâm thần... Bố vẫn mãi là bố của con… Nên mong rằng, bố tha thứ cho con!
Lúc này, nét mặt ông chuyển biến lạ thường, lòng dạ ông an lành hơn từ câu nói của tôi hiện rõ lên khuôn mặt. Ông đáp lại chỉ vẻn vẹn một từ thôi, nhưng vang dài trong đầu tôi, cũng đủ làm tôi cảm thấy nhẹ lòng và bình an hơn.
- Ừ!
* * *
Những hạt nước mưa của tiết trời thu đổ xuống, những chiếc lá dần lìa cành theo làn gió… Tôi ngồi vẩn vơ, gió dường như gào thét, rên xiết thay cho thân phận nữ nhi như tôi, hòa với dòng nước mưa xuyên qua tôi, làm tôi giật mình. Sự đời thật không như mình tưởng, ngỡ có đâu đó tia sáng trong màn đêm mưa tối tăm, buồn mệt này, để mãi có Người chỉ đường cho tôi làm tròn bổn phận và nghĩa vụ của một người làm con trong cuộc sống gia đình…