(Mã số 18-104)
(Đây là một câu chuyện giả tưởng lấy bối cảnh trong tương lai)
Một bà lão già yếu bước ra từ một chiếc xe hơi. Tóc bà trắng, trắng như chiếc xe của bà. Chân bà chậm chạp bước xuống trong khi tay mò mẫm tìm chỗ vịn cho chắc. Bà lom khom tiến về phía quầy thuốc. Tay bà ôm chặt một chiếc hộp có khóa vàng chắc chắn, bà nâng niu đến nỗi cái hộp ấy cũng quý như cuộc đời đã tám mươi năm trời của bà. Cô dược sĩ nhìn thấy bà lão, bà cũng thấy cô, nhưng không ai gửi cho ai một nụ cười. Họ nhìn nhau bằng ánh mắt xa lạ dù rằng bà lão mỗi hai tuần lại đến đây. Cô bán thuốc mở lời trước:
- Như thường lệ hả bà?
Bà lão im lặng. Bà đặt cái hộp lên cái tủ quầy thuốc.
- Bà đợi một tí… - Cô vội đổ đầy vào chiếc hộp, thao tác rất chuyên nghiệp, tất cả chỉ trong vòng một phút ba mươi giây.
- Dạo này ra nhiều loại mới lắm bà… Cười hả hê 12A2, cười khúc khích 34G4, cười lộn ruột 84W0.
Bà lão vội quay nhìn chiếc xe vẫn còn đang nổ máy chờ bà.
Cuộc đối thoại vắn tắt ấy chốc lát bị bỏ lại phía sau làn khói đen ngòm của chiếc xe. Bà cụ đang về nhà. Khi nãy bà không vui vẻ gì, bây giờ cũng không. Bà và con trai cũng chẳng nói gì với nhau. Bà cụ ngồi ở phía sau, mà người đằng sau thì có gì để làm, người đằng sau mà. Bà đăm chiêu nhìn dòng xe chen nhau chạy tấp nập. Thời buổi này hiện đại dữ lắm! Người ta phải lo cho công việc, phải tìm kế mưu sinh, phải bắt kịp thời đại. Từng dòng sáng chốn thành thị vẽ lên khung cửa xe. Nó không đẹp sao? Bà thấy đẹp nhưng bà không thấy vui. Thế giới này quá bận rộn và người ta không còn thời gian để cười. Người biết cười càng hiếm hoi và tiếng cười cũng thế, nếu có thì cũng rất nhạt nhẽo. Người ta đi đường, ngược hay xuôi, chẳng ai rằng với ai một câu. Bà chẳng biết họ nghĩ gì, vì bà không nhìn thấy đôi mắt, những đôi mắt giấu sau những cọng kính dày cộm. Bà mường tượng đó là những đôi mắt nhìn thẳng tắp vào vô định, có lẽ vì họ không có thời gian, thời gian đâu để bàn chuyện phiến. Thời buổi này, người ta chỉ tìm thấy tiếng cười được bày bán ở những quầy thuốc. Tiếng cười rất khó bảo quản, nó phải được cất kĩ trong những hộp kín, chỉ một khe hở nhỏ cũng làm bay hơi mất loại thần dược quý hiếm này. Mấy bà bạn của cụ, ai cũng hết lời khen ngợi về công dụng của nó. Chữa bá bệnh đó! Bà dùng thử thấy khỏe thật, nhưng lại chẳng thấy vui. Bà dùng hồi ông lão mất, lúc cô đơn, hay khi bà nghĩ về thế giới bên kia... Bà lão lau lau chiếc hộp. Từng ánh đèn phố cứ lướt qua trên chiếc hộp, nhóe lên rồi vụt tắt, chiếc hộp vẫn đóng chặt.
* * *
Vào chiều những ngày thu, cái nắng như nhạt đi, bay đi lại đậu đến trên những tán sa-kê xanh màu ngọc bích. Gió thổi du dương, rung rinh bóng một người lom khom tiến về góc sân nhà thờ. Bà lão đến nhà thờ rất sớm, sớm hơn cả bác đánh chuông, nhưng chỉ khi có tiếng chuông bà mới vào nhà thờ. Bà ngồi ở đài Đức Mẹ, vì tượng Đức Mẹ cười rất đẹp, bây giờ có ai cười đẹp vậy đâu. Bà cầu nguyện, lần chuỗi, và ngắm nhìn thời gian lay động cảnh vật. Giáo xứ những ngày đầu rất nhỏ, nắng nghiêng vẹo xiên qua cửa sổ, nhưng nó vui theo kiểu cây nhà lá vườn. Dần dần, ngôi nhà thờ cũng khang trang, xóm người xóm đạo càng đông, nhưng chẳng vui như hồi ấy. Bà hít thở, lùa tất cả kí ức và hiện tại vào sâu trong cánh mũi. Thật yên bình.
- Bà làm gì vậy bà?- Một đứa nhóc tròn xoe mắt hỏi bà.
Bà lão cảm thấy khó chịu, bà chậm rãi nói:
- Con đi chỗ khác chơi… Bà đang đọc kinh.
- Bà đọc kinh gì vậy bà?
- Kinh Mân côi.
- Vậy là năm chục kinh lận hả bà? Sao bà siêng vậy! Chị con lúc nào đọc kinh tối có mấy kinh còn bị mẹ la quá chừng!- Nói xong, nó cười.
- Bà có anh chị em nào không?
- Không!
Bà lão toan đứng dậy bỏ vào trong nhà thờ. Nhưng có điều gì níu bà ở lại. Đã lâu rồi, bà chưa từng thấy điều gì hồn nhiên và rạng rỡ như nụ cười của thằng bé. Mỗi lần nói một câu, nó lại cười. Nó làm bà nhớ một thời chăn trâu cắt lúa, nhớ những cậu bé cô bé cười lăn lộn trên những đồng chiều bát ngát...
- Thôi vậy bà đọc kinh đi. Con ra chơi với bạn.
Bà lão vội gọi nó lại:
- Con học ai mà sao cười đẹp thế?
Nó cười sặc sụa:
- Bà hỏi gì kì vậy? Mà con cười đẹp lắm đúng không? Vậy mà mẹ con hay cấm con không được cười.
Bà lão ngạc nhiên hỏi:
- Sao lại cấm?
Nó khoanh tay trả lời như đang trả bài trên lớp:
- Dạ mẹ nói mọi người trên thế giới không biết cười. Nếu con cười, con sẽ khác người ta, người ta sẽ nói con dị hợm. Con sẽ bị mọi người nghỉ chơi. Con phải giống với người ta. Tóm lại, không được cười.
Bà biết điều đó là sai, nhưng bà không thể nói được gì, vì bà biết cái sai ấy lại là thực tế.
- Đây, bà cho con vài đồng ăn vặt. - Bà đưa tờ năm chục cho nó.
- Dạ thôi… Con không lấy đâu.- Nó từ chối.
Bà cụ ép nó nhận bằng được thì thôi. Nó đành cám ơn rồi kéo nhau chơi đuổi bắt, trốn tìm, mà thật ra là trốn giờ đọc kinh trước lễ. Bà có lạ gì, ngày trước bà cũng một thời mà. Bà chỉ ngạc nhiên khi thằng bé cúi xuống bỏ tờ năm chục vào mũ của người ăn xin trước cổng.
Coong… Coong...
Bà cụ vào nhà thờ, vẫn còn sớm tinh mơ chỉ mới dăm ba người. Thằng nhóc cũng vào. Nó biết bà ngồi đâu, nên chốc chốc nó lại quay xuống, nó vẫn cười. Đúng là con nít ranh. Bà cũng nhìn nó, bà cũng muốn cười đáp lễ nhưng bà đã quên mất làm thế nào để cười. Nhưng rồi phải đến hồi kết, thằng bé mỏi cổ quá, nhiều bóng người che mất bà cụ, và đến giờ cha làm lễ.
* * *
Vài ngày sau, bà cụ ngỡ ngàng khi thấy thằng bé hôm trước trên truyền hình. Người ta đưa tin, phỏng vấn và túc trực gần nhà nó. Cậu bé thuộc nhóm người hiếm hoi trên thế giới biết cười. Đây là kì tích, là tài năng. Thằng bé sẽ được làm việc trực tiếp với các nhà khoa học, nổi tiếng, cánh cửa tương lai đang rộng mở. Nhưng tự nhiên bà lại thấy tiếc. Chiều hôm ấy, cái thằng nhóc con ấy, đối với bà chỉ lóe lên rồi tắt...
Mấy tuần sau, bà cụ vẫn đi lễ như thường, nhưng bà không thấy thằng bé đâu. Một tuần, hai tuần, báo đài làm rầm rộ quá nên chắc nó không ra khỏi nhà được. Hôm nay, cha rao cầu nguyện cho một đứa bé qua khỏi cơn nguy kịch. Bà hơi lo. Hay là thằng bé đó? Bà dò la thông tin từ mấy bà bạn. Đúng rồi, thằng nhỏ là cháu ngoại của bà Trang (bạn của bà), nó bị tai nạn do xe tông, mà không hẳn là do xe. Cớ sự là như vầy: Một hôm, thằng bé đang trên đường về học. Nhà nó muốn về nhanh thì phải đi tắt qua một con hẻm vắng. Thường ngày, đèn đường lúc nào cũng sáng, không lo lắm. Nhưng hôm ấy đèn không hiểu sao lại không lên điện, trời thì đã nhá nhem tối. Nó thấy sờ sợ, chần chừ một hồi rồi liều quẹo vô con hẻm. Đi được vài bước, thằng nhóc thấy một bóng người đứng sau cây cột điện. Nó toan quay đầu bỏ chạy.
- Thằng nhóc kia, đứng lại!- Tiếng gọi giật phắt lại khiến nó tê liệt không chạy nổi.
- Mau đưa đây cho tao!- Nó không hiểu gì hết. Chắc là bọn cướp tiền, nó làm gì có tiền, chỉ có mấy đồng lẻ cũng ăn vặt hết rồi.
- Mày mau cười cho tao!
Sao mà cười được. Miệng nó mếu máo, tim đập loạn xạ, mặt cắt không lấy một hột máu. Nó phải chạy, chạy như chưa từng được chạy. Tiếng thét kèm tiếng chân rượt theo càng lúc càng gần. Nó muốn kêu cứu lắm, nhưng có cái gì chặn ngang cổ, không kêu được. “Cứu với!”… Bàn tay của hắn đã chạm được cổ áo thằng bé. Vụt! Thằng bé lao ra khỏi con hẻm tối. Cái bóng đen ấy không rượt theo nó nữa. Nó thoát rồi. Nhưng đột nhiên, một chiếc xe máy lao đến tông vào nó. Thằng bé chỉ kịp thấy ánh sáng lóe lên rồi tắt. Nó ngã xuống, hai mắt lim dim với bóng mấy người vây xung quanh nó…
* * *
Cũng phải hai tuần sau bà mới thăm viện, vì bà không phải người thân, mà thằng bé cũng đang nằm phòng cấp cứu, đến cũng không được gì. Bà đang tìm phòng của thằng bé. Bà đi một mình ư? Ừ, bà chỉ một mình. Tay cầm giỏ quà, tay cầm chiếc hộp có khóa vàng, vật bất ly thân của bà. Bà tám mươi mà vẫn khỏe lắm. Bà chỉ sợ cái mùi đặc trưng của bệnh viện, sợ nằm viện, sợ những tấm rèm và những tấm trải giường màu trắng, bà còn sợ ma nữa. Bà cụ dừng lại và gõ cửa. Một người phụ nữ mở cửa ra. Cô nói nhỏ nhẹ:
- Bác là bạn của mẹ cháu đúng không? Mời bác vào.
- Cái này bà cho nhà cháu…- Bà đưa giỏ trái cây cho người phụ nữ, mắt thì tìm vội xem thằng bé nằm ở đâu.
Thằng bé nằm bất động, mắt nó nhắm, hai chân đều băng bó, cả đầu nữa. Mẹ nó nói nó đã qua khỏi, chỉ là mệt quá rồi ngủ thôi, mất khá nhiều máu và gãy hai chân. Bà nhìn nó hồi lâu. Nghĩ đến máu và tiếng khóc, bà lại thấy sợ, thấy cái đau đớn của thằng bé như truyền qua người mình và chạy khắp xương đốt da thịt. Bà cũng xót xa cho nó, được cười cũng có vui vẻ gì đâu, trước cười nay đã khóc. Người ta cho nó lên truyền hình cũng là vì nó biết cười, người ta hại nó cũng vì nó biết cười, nhưng người ta có thèm gì đến nó khi nó không còn cười. Nó không còn giá trị. Mẹ nó kể hôm trước mới tỉnh dậy, vẻ mặt thằng bé rất sợ sệt. Nó không chạy được nữa nên chỉ biết khóc mà thôi. Bác sĩ nói nó bị chấn thương tâm lý nặng nên không còn cười được nữa, hai chân thì bị gãy. Nguy cơ ngồi xe lăn suốt đời. Nó không còn cười, báo đài cũng chẳng còn gì giật gân, họ chỉ đưa tin buổi đầu: “Người duy nhất biết cười đã không còn nữa”. Nổi tiếng, thành danh, tất cả đã thành dĩ vãng. Bà lão hiểu rất rõ thế nào là sợ, thế nào mất mát. Thời thơ ấu, bà mồ côi cha. Cha của bà đi ăn xin, cứ đi mãi, đi mãi, rồi không thấy về. Thời khó khăn, bà làm ăn thua lỗ, cảnh nghèo đói ám ảnh gia đình bà với bữa no bữa đói. Rồi khi đầu bạc, bà mất ông lão, mất con. Hồi ổng đi, bà buồn lắm. Ổng đi mà không nói gì với bà, lúc trời mờ sáng. Bà lay, rồi khóc khàn cả cổ, ông cũng không dậy. Bà quen nhóc con biết cười, nhưng giờ thằng bé đâu còn cười, nó chỉ sợ và buồn. Bà vẫn quý nó, vì bà cảm thấy thương cho nó, cảm thấy xót xa cho một đứa bé mới mấy tuổi đầu đã mất quá nhiều thứ. Thằng bé vẫn ngủ say.
- Thôi bác về.
Mấy hôm sau, bà lão lại vào thăm. Hôm nay thằng bé dậy rồi, nhưng khi vừa thấy bà lão, nó hoảng sợ và kêu mẹ đuổi bà ra. Lúc đầu bà định bỏ về. Bà đã cất công đến đây thăm, còn mua quà cho nó nữa mà nó dám đuổi bà. Cũng đúng, bà và nó có ruột rà gì, mà chỉ gặp nhau có một lần. Mẹ của nó mau chạy theo bà xin lỗi, rồi từ từ dỗ thằng bé:
- Bà nè con… Bà tốt bụng hôm bữa con kể mẹ nghe mà.
Thằng bé thấy bà ngồi đó, mặt cũng hiền hiền, tay lại cầm món đồ chơi thật bự, nó mới thôi đuổi bà. Bà đưa món đồ chơi cho nó. Thằng bé cảm ơn, mặt nó bớt sợ sệt hơn lúc nãy nhưng nó không vui. Bà nghĩ nó không thích, đành lấy tờ năm chục đưa cho nó.
- Cháu cầm lấy… Muốn mua gì thì mua.
Mẹ nó cứ cám ơn lại từ chối liên hồi:
- Bà đến thăm là được rồi. Không cần quà cáp đâu… Thôi được rồi mà bà.
Bà cụ không chịu thua, cứ dúi vào tay thằng bé cho bằng được. Thằng bé cầm lấy, nó chăm chú nhìn đồng tiền thật lâu đến nỗi mẹ nó phải nhắc nó cảm ơn bà. Mẹ nó bận đi mua đồ ăn nên nhờ bà trông thằng bé một tí. Hai bà cháu cứ ngồi đấy nhìn nhau, không ai nói ai cái gì. Lâu lâu bà lại nhìn về phía cửa sổ còn đóng rèm, rồi lại nhìn về phía cửa. Âm thanh duy nhất vọng lên là tiếng nắng hoàng hôn gõ ngoài cửa sổ.
- Mẹ cháu đi gì mà lâu thế?- Bà cố tìm gì đó để khới chuyện.
Bà nhìn thằng bé. Mặt nó buồn, bà càng thấy xót. Tiếng quạt cứ phành phạch vỗ vào không trung. Bà thở một hơi dài.
- Cháu tên gì?- Bà chậm rãi hỏi.
- Dạ tên Dũng.- Thằng bé nhìn về phía cửa, có lẽ nó tránh ánh mắt của bà, hay nó sợ bóng ai đó đứng ở ngoài.
- Tên cháu đẹp quá. Bà chưa thấy tên ai đẹp như tên cháu.- Giọng bà lão ngân lên.
- Thật không bà?- Thằng bé nhìn bà.
Bà lão ngồi xích gần lại, bà hơi cúi gần xuống mặt nó.
- Bà nói thật đó. Để bà kể cháu nghe, xưa thật là xưa, có một người anh hùng khỏe mạnh, cao to. Chàng tên là Dũng... Chàng diệt chằng tinh, phá sào huyệt bọn cướp... và cứu người yếu thế.
- Chàng có biết bay không bà?
- Có chứ! Chàng bay như đại bàng. Cháu chớp mắt một cái là thấy chàng bay lên tận chín tầng mây.
- Chín tầng mây là cao bao nhiêu bà?
- Là rất cao đó cháu… Nhưng một hôm, chàng bị bệnh nặng, không bay được nữa, bác sĩ bảo chàng không thể khỏi. Tương truyền có một bông hoa thần kì có thể chữa bá bệnh, chỉ một bông duy nhất mọc ở đỉnh núi quanh năm trắng như tuyết. Chàng không bay được nữa, thế là chàng bèn nhờ một con phượng hoàng chở đi. Nhưng trời nổi cơn dông gió, thế là chàng đành một mình tự leo lên đỉnh núi. Dọc đường một con quái vật khổng lồ xuất hiện, chàng thì mệt quá rồi...
Thằng bé vội cắt lời:
- Thế chàng lấy được bông hoa không ạ?
Bà trầm ngâm một lúc, rồi nhẹ nhàng nói:
- Cuối cùng chàng cũng lấy được bông hoa thần, rồi ăn thật ngon lành. Sau đó, chàng lại khỏe mạnh như trước và lại bay được, bay vút vào bầu trời xanh ngắt.
- Vậy bà biết bông hoa đó ở đâu không?
Bà cụ thấy vui lắm, vì bà thấy thằng bé không còn nhìn cánh cửa nữa, nó đang nhìn chăm chú vào đôi mắt của bà.
- Bà biết chứ… Nhưng cháu phải khỏe lại, rồi bà cháu mình sẽ đi tìm bông hoa đó.
- Dạ!
Từ đó, bà cũng thường xuyên đến thăm thằng bé. Mỗi lần đến, bà đều gói theo mấy mẩu chuyện cổ tích. Bà lấy tay chấm từng ngôi sao lên bầu trời, rồi hai tay quạt thành một vòng cung để mở ra những cánh đồng xanh ngát. Mấy viên thuốc và cái giường kế bên rủ nhau ra ngoài, nhường chỗ cho cuộc chiến giữa nước và đất, giữa gì ghẻ và cô tấm, giữa tiếng trâu kêu và tiếng à ơi mẹ ru con ngủ. Kể đến Tấm Cám, thằng bé hỏi:
- Bà muốn làm nhân vật nào vậy bà?
Bà nghĩ một lúc rồi nói:
- Bà muốn làm cây cau cô Tấm trèo.
- Thế thì chán lắm bà. Cây thì chỉ đứng hoài một chỗ. Làm Tấm nguy hiểm thiệt, nhưng vui hơn nhiều.
- Vậy bà làm gì ghẻ nha?
- Thôi bà làm bụt đi. Bà hiền mà.
Một hôm, cũng một buổi chiều, thằng bé làm vẻ mặt ưu tư như người lớn. Nó hỏi bà lão:
- Bà có bao giờ sợ không bà?- Nó hỏi.
Bà cụ dừng lại câu chuyện, đôi mắt bà nhìn xa xăm, nhẩm lại từng ngóc ngách trong cuộc đời của bà.
- Có chứ cháu!- Bà muốn nói không lắm nhưng bà không muốn nói dối thằng bé.
- Bà sợ gì vậy bà?- Nó lại hỏi.
- Bà sợ mất đi người thân, sợ bệnh tật, sợ nghèo đói, sợ cô đơn, sợ ma. Bà sợ nhiều lắm... Cái sợ đeo bà chẳng buông, nỗi sợ là gì, trông nó ra làm sao, bà không biết.
Thằng bé khóc, nó nói mà cứ ức ức từng tiếng, nước mắt nước mũi tèm lem:
- Bà ơi! Cháu sợ lắm… Cháu sợ tên côn đồ ấy sẽ quay lại. Cháu sợ quay về nhà. Lỡ cháu không còn đi được, cháu sẽ không thể chơi đá banh với bạn. Sẽ không ai chơi với cháu. Nếu biết cười mà khổ như vầy, cháu sẽ không bao giờ cười.
- Sao cháu không thử cầu nguyện với Chúa, cháu cứ tin...
Nó cãi bà:
- Nhưng bà cũng đọc kinh nhiều lắm mà, bà cũng có hết sợ đâu!
Đến đây, bà chột dạ. Thằng bé nói đúng, bà tin chưa đủ, sóng vừa lên bà đã chạy rồi, bà chưa phó thác tất cả vào Chúa. Nhưng sao phó thác, lỡ như... Bà chợt nhận ra, mọi câu nói của bà đều bắt đầu bằng chữ lỡ, chúng đã hằn sâu trong tiềm thức của bà. Bà sợ mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ. Sợ cũng là cái tốt, nó giúp người ta nhận biết và chạy trốn khỏi nguy hiểm. Nhưng đôi khi, cần dừng lại và đối mặt, và đối mặt với nỗi sợ là chấp nhận mọi thứ có thể trở nên tồi tệ. Ngày nào cha cũng giảng là phó thác cho Chúa, nhưng bà không dám buông tay và để Chúa dắt đi, vì đường Ngài đi là đường thập giá. Nói đến thập giá, bà chỉ muốn bỏ chạy. Bà cụ mếu máo, rồi ôm lấy thằng bé, cả hai bà cháu cùng khóc. Nó lại nói:
- Lỡ tên cướp...
- Có bà ở đây, bà sẽ không để chúng đụng đến một sợi tóc của cháu bà. Nếu cháu không có ai chơi, bà sẽ chơi với cháu. Cháu đừng sợ nữa.
- Có thật không bà?
Bà cụ cố nhoẻn miệng cười, bà nói:
- Bà hứa… Cháu tên là Dũng. Dũng là dũng sĩ dũng cảm. Đàn ông con trai gì mà mít ướt thế!
- Bà cũng mít ướt đấy thôi.
Bà lão miệng cười, hai hàng nước mắt lấp đầy những nếp nhăn khô khốc. Bà nói:
- Tại tên bà là Mít mà.
- Bà nói xạo!
Hai bà cháu cười, nắng hoàng hôn len lỏi vào trong căn phòng cũng cười. Bà cụ kể nó nghe thời loạn lạc, bà phải ăn khoai ngứa, bà nuôi cả mười đứa con. Đồng không hiu quạnh đầy sấm chớp, bà vẫn mạnh tay gặt lúa. Bà cũng mạnh mẽ chứ bộ. Bà khỏe như trâu, nhanh như cắt, việc gì bà cũng giỏi, có ai ngờ đó là một bà cụ chiều chiều chậm rãi theo sau đám con nít ra khỏi cổng nhà thờ. Vậy bà ơi, hãy buông cái cây cau ra, đừng bám lấy nó nữa. Hãy để Chúa dẫn bà đi tiếp đoạn đường còn lại. Bà ngắm nghía chiếc hộp mà bà vẫn mang theo một lúc lâu rồi mở nó ra. Từng tiếng cười vang lên trong căn phòng lách tách như tiếng pháo nổ. Rộn ràng một lúc, chúng rủ nhau bay ra ngoài cửa sổ. Bà đứng dậy, đi về phía ánh sáng. Bà mở cửa ra, hít một hơi thật sâu rồi thì thầm một điều gì đó. Bà đãng trí hay sao mà nói một mình? Không đâu, bà đâu có một mình. Nắng hoàng hôn vỗ cánh ùa vào, mang theo làn gió man mát và thơm nhẹ mùi khói. Hoàng hôn là nắng cuối ngày, nắng lên rồi lại tắt, nhưng bà tin ngày mai hãy còn nắng. Nắng làm ấm lòng người. Nắng đến, vỗ nhẹ lên vai bà rồi xoa đầu thằng nhóc. Nắng ở khắp mọi nơi. Có nắng thì sẽ không có ma. Nên bà ơi, “Đừng sợ”!