La conversion de Saint Augustin
Ngày 5 tháng 5 là ngày lễ kính sự trở lại cuả thánh Agustinô, là một trong số hiếm hoi các thánh có 2 ngày lễ trong niên lịch Phụng Vụ (các thánh khác phải kể đến thánh Gioan Tẩy Giả, thánh Phaolô vv..)
Cuộc sống bê bối cuả thánh Agustinô thành Hippo thì nhiều người đã được nghe qua rồi, và ngài cũng đã thú tội một cách rành mạch trong cuốn sách nổi danh “Tự Thú” (Confession.)
Điều đáng ghi nhận là sự hối cải cuả thánh Agustinô không hoàn toàn xuông xẻ như chúng ta thường nghĩ, đây là một cuộc hối cải có ‘lúc lên lúc xuống’ trong nhiều năm trời, với nhiều ‘lập luận lấp liếm’ để đình hoãn cái sức ‘thu hút’ cuả Thiên Chuá.
Và dĩ nhiên sau khi bị Chuá thu hút rồi, thì ngài đã cho đi 100 phần trăm. Phải như vậy chứ. Và vì thế xứng đáng là một vị đại thánh cuả Giáo Hội.
Chúng ta sẽ ‘sơ lược mau chóng’ câu chuyện cuả ngài, và chú trọng đến các ‘lời vàng ý ngọc’ mà ngài để lại cho hậu thế.
Sự trở lại cuả Thánh Agustino thành Hippo
Sinh ngày 13 tháng 11 năm 354 tại Tagaste, xứ Numidia, Bắc Phi (nay là Souk-Ahras, Algeria), đặt tên là Aurelius Augustinus. Là con cuả một người cha ngoại giáo nhưng đã theo đạo trước khi chết, và mẹ là bà thánh Monica, một phụ nữ ngoan đạo.
Được dạy dỗ trong đức tin Thiên Chuá Giáo, nhưng Agustinô đã bỏ đạo trong thời trai trẻ và sống một cuộc sống bê tha. Lúc lên 15 tuổi thì cặp với một phụ nữ người Carthage được 15 năm. Có một con trai đặt tên là Adeotadus, có nghiã là ‘Hồng Ân Thiên Chuá’ (Thiên Ân).
Là một học giả, Augustino dạy môn ‘hùng biện’ tại các thành phố Carthage (Bắc Phi) và Milan (Ý). Sau khi làm quen và sống thử với nhiều triết thuyết đương thời, Augustinô gia nhập bè phái Manichaean. Phái Manichaean chủ trương có sự giằng co quyền lực giữa hai sức mạnh: Sự Thiện và Sự Dữ, và chủ trương con người nên có một cuộc sống luân lý ‘trung dung’, ‘phóng khoáng’.
Trong tác phẩm ‘Confession’, Augustinô đã tóm tắt tư tưởng cuả mình trong giai đoạn trên như sau: ”Lạy Chuá, xin hãy ban cho con sự Khiết Tịnh, nhưng đừng ngay lập tức nhá” ("God, give me chastity and continence - but not just now.")
Sau cùng thì Augustinô đã bác bỏ tà thuyết cuả phái Manichaean và trở lại đạo Công Giáo nhờ vào lời cầu nguyện và nước mắt cuả người mẹ là thánh Monica, và nhờ vào sự hướng dẫn ‘nhẫn nại’ cuả thánh Ambrose thành Milan.
Sau khi người mẹ là thánh Monica qua đời, Augustinô trở về Bắc Phi, bán hết cuả cải mà ban phát cho người nghèo, rồi thành lập một tu viện. Ông trở thành một đan sĩ, rồi một linh mục, rồi một nhà du thuyết, và sau cùng là giám mục thành Hippo năm 396.
Ngài thành lập nhiều tu viện, chống lại các tà giáo như Manichaeism, Donatism, Pelagianism và những phe lạc giáo lúc đó. Đó là một thời tao loạn, đế quốc La Mã ở Bắc Phi bị tàn phá và rơi vào tay những đám rợ người Vandals.
Ngài mất ngày 28 tháng 8 năm 430 tại Hippo, Bắc Phi.
Ngài trở thành Tiến Sĩ Hội Thánh vì những tư tưởng cuả Ngài để lại cho hậu thế. Dòng Tư Tưởng cuả Agustinô có thể được tóm lược với một câu nói bất hủ cuả Ngài như sau: “Trái Tim cuả chúng con được tạo dựng cho Chuá, Chuá ôi, chúng không thể nghỉ yên cho đến khi được yên nghỉ trong Chuá mà thôi.”
Những lời vàng ý ngọc
Bạn hãy tu thân rồi thiên hạ sẽ cúi mình dưới chân bạn.
(Conquer yourself and the world lies at your feet)
Thiên Chuá không cần tiền cuả bạn, nhưng người nghèo thì cần. Vận bạn hãy cho người nghèo, và Chuá sẽ nhận lấy nó.
Thanh danh cuả thế gian chỉ là những cơn gió thoảng, trống không, rơi bên vực thẳm.
Bạn được gì đâu nếu bạn không được Chuá?
Sự thiếu hạnh phúc là do ở linh hồn đang bị hôn mê vào những điều vong tử.
Tình yêu đặt vào cuả cải thê gian thì giống như sợi giây ràng buộc chân con chim, nó lưới bắt mất linh hồn, không cho nó bay tới Thiên Chuá.
Chuá coi trọng sự Tinh Khiết cuả Ý Định hơn là sự thực hiện một công trình.
Tôi đề nghị bạn vinh danh Chuá hằng giây hằng phút cả ngày dài như thế này: Những gì bạn làm, làm thật tốt, và như vậy là bạn vinh danh Chuá đấy.
Thiên Chuá dù có quyền vô hạn cũng không thể cho hơn, dù khôn ngoan cũng không biết cho gì hơn, dù giàu có cũng không có gì mà cho hơn, là phép Thánh Thể.
Chúng ta sống và chết là sống và chết với hàng xóm.
Trần Mạnh Trác
Nguồn: vietcatholic.net