Điều không mất

Văn thơ Công giáo

(Mã số 18-109)
1.
- Với giá bao nhiêu cũng được, điều đó không quan trọng!
- Đừng nói tới chuyện giá cả ở đây, sẽ chẳng có người mẹ nào bán đi đứa con của mình!
- Nhưng chẳng phải Linh mục đã nói... 
Nói đến đây, ánh mắt bà nhìn thấy nó khi đang lấp ló sau cánh cửa để nghe ngóng câu chuyện. Giật mình, nó chạy thót vào trong, va phải mẹ đang làm gì đó ở bếp, ngã đùng ra!
- Trốn ai mà như ma rượtt vậy Tèo?
- Má, má... Mấy người ngoài kia là ai thế má?
- Hai ông bà người Pháp.
- Nhưng con nghe dì Tư phiên dịch, hình như họ đang cần một đứa con nuôi?
Sau câu nói của nó, cô cứ thế lơ đãng đi lên cầu thang. Hình như cô không muốn nói đến chuyện đó.
Vị Linh mục bước vào, ông mặc chiếc áo sơ mi màu đen cổ đứng, nói bằng giọng ồm ồm hỏi nó:
- Tèo, má đâu?
- Má vừa đi lên cầu thang đó cha.
- Con lên gọi má xuống cha gặp nhé.
- Vâng ạ!

2.
Người ở miền sông nước này vẫn gọi nó là Tèo. Ai cũng kêu nó giống ba nó y chang, nhưng chính nó lại chẳng biết đến mặt ba ra làm sao nữa.
Theo lời kể của chú Hải, ba nó chết không rõ nguyên do. Khi đang cùng đoàn thuyền đánh bắt hải sản ở khơi xa, chú đột nhiên tức ngực, mới đầu cơn đau cũng nhẹ thôi, nhưng càng lúc càng nặng đến khó thở. Vì đánh bắt xa bờ nên khó lòng để đưa vào bờ được. Chú Hải xin thuyền trưởng cho thuyền trở về vì sức khỏe lúc bấy giờ rất nguy kịch, nhưng thuyền trưởng không cho lại còn buông lời cay đắng: “Cha tao chết, tao còn chưa về, huống gì là thằng Thuyên!”. Nói xong, ông nhìn vào chiến lợi phẩm mấy ngày qua và nói: “Trời cho… Ta sẽ giàu to. Ta đã thấy thiên đường trên vùng đất này. Thiên đường là Vạn Lộc”.
Chính sự ích kỷ, tham lam đã đưa chú Thuyên đến cái chết đau thương này. Con người ta thật sự lạ, nhiều khi chỉ vì lời lã trước mắt mà đánh mất cả một cuộc đời, đắng cay hơn là cuộc đời của một người khác. 
Sau 3 ngày lênh đênh trên biển cả kể từ khi chú Thuyên lâm trọng bệnh họ mới trở về. Khi thuyền vừa cập ghe Cửa Rum, trong khi các con buôn tranh nhau những khay hải sản tươi sống, thì ba nó bò lết vào bãi cát mà về nhà vì quá đau đớn. Chú Hải cũng lao nhanh về để kịp kêu người thân xuống ghe đưa ba nó trở về, nhưng lúc đó má nó cũng vừa nhập viện vì chuyển dạ. Ngoại và chú Thiên đạp chiếc xe Thống Nhất xuống ghe để đưa ba nó về. 
- Thầy giữ anh ở sau cẩn thận… Anh Thuyên, này anh Thuyên, em đưa anh nhập viện nha?
- Chú gọi cha tới cho anh, đừng đưa anh vào viện, anh cần chuẩn bị để rước của ăn đàng. 
Vừa về tới nhà, ba nó bò nhanh vào tủ, nơi mà ba nó thường cất giữ những thứ quan trọng. Chú ấy lục lọi kiếm sách kinh và mở đúng lời kinh ăn năn tội, vừa đọc vừa ăn năn thống thiết trong những dòng nước mắt. Rồi chú lấy quyển thơ mà chú vẫn thường viết ra, vẽ hình Chúa Jesus chuộc tội và viết những vần thơ cuối đời trong đó. Vết mực nhoè đi bởi những giọt nước mắt ăn năn. Những vần thơ đó cô Liên vẫn thường đọc mỗi ngày cho bọn trẻ nghe.
Tập thơ cùng tập chẩn đoán bệnh và công thức thuốc của ba nó vẫn giữ cho đến hôm nay. Gia đình nó coi đó như là thứ di sản tình yêu còn lại. 
Sau khi dọn mình xưng thú mọi tội lỗi và chịu Mình Thánh xong xuôi, chú Thiên đèo ba nó vào viện với hi vọng có thể ẵm và nhìn thấy đứa con của mình trước khi qua đời. Nhưng đau đớn thay, cơn khó thở càng lúc càng hối hả, chú Thuyên ra đi khi ngoại vừa bế nó đến bên giường bệnh!

3.
Chú ra đi, để lại cho cô Liên cả một bến bờ đau khổ: 8 đứa con! Một mình cô bươn chải nuôi con cái thành người.
Là một đứa trẻ 8 tuổi, đầy tinh quái và hiếu động, nhưng thằng Tèo rất dễ xúc động hễ ai đó nhắc đến ba. Chú đã nằm sâu trong lòng đất nhưng sự sống vẫn luôn hiện diện nơi dáng dấp của người vợ hiền và trong những đứa con. Nó tự hứa là sẽ học thật giỏi, trở thành một bác sĩ, để không chỉ giành lại sự sống, sức khỏe cho bệnh nhân mà còn để đến gần, xoa dịu những nỗi đau của người bệnh. 
- Dì Tư, má gọi ra có chuyện.- thằng Tèo nói.
- Nói má chờ dì cái coi, dì đang bận.- Giọng dì trong vắt vọng từ bếp ra.
Và bỗng nhiên chẳng vì lý do gì cả, nó vào bếp và cố hỏi về câu chuyện của hai ông bà người Pháp đã trao đổi với vị chánh xứ. 
- Dì, người ta đang kiếm con nuôi hả? 
- Ừ, người ta già rồi mà mãi không có lấy một mụn con. Giờ về Việt Nam để xin con nuôi. Ơ... mà sao Tèo biết hay vậy?
- Tèo nghe lóm được á dì. 
- A… Hôm này Tèo hư nha, hì hì… Thôi, mày giúp dì xử lý đống chén bát này nha, dì ra đây.
- Dì Tư!
- Sao?
- Nhưng… 
- Nói đi!
- Đ-ừ-n-g b-á-n c-o-n nghe dì Tư! 
Nói đến đây, hai dòng nước mắt nó chảy ròng. Còn dì Tư bất ngờ khựng lại.
- Con nói bậy, nói bạ gì thế? Ai bán con? 
Nó thả cái chén trên tay xuống. “Xoảng”… Vỡ tan tành! Rồi chạy lại chỗ dì Tư, níu lấy hai ống quần của dì: “Tèo biết nhà mình nghèo, nhưng Tèo có thể nghỉ học để phụ má mà dì Tư! Đừng bán con, nói má đừng bán con!”. Nó vừa nói vừa giẫy dụa. 
Dì cúi thấp người xuống, thoáng những giọt nước mắt rồi nói: “Tèo ngoan, dì không nỡ, má con cũng thế! Nhưng... theo họ sẽ có tương lai cho con hơn là ở miền sông nước thế này. Tèo nghe dì, vô nhà chơi ngen, để má và dì nói chuyện”.
Dì gạt nước mắt trên đôi má đỏ hong của nó, rồi nhẹ nhàng đẩy nó vào. Khi dì Tư đi ra, nó bật khóc nức nở. Dù nghèo, nhưng nó chưa bao giờ cảm thấy thiếu thốn như lúc ấy. Nó sợ. Sợ phải rời xa gia đình, rời xa những gì thân thuộc nhất: Bãi cát trắng những buổi chiều cùng đám bạn bắt cút cút, chiếc diều làm từ túi nilon và đống giấy vụn, những bữa cơm bên gia đình mà khoai mì nhiều hơn gạo thêm chút mắm muối mà ăn ngon lành... 
Liệu một thằng nhóc mới tám tuổi như nó có thể hiểu được tương lai là gì? Gia đình là gì chưa? Nhưng nó có cảm giác bất ổn khi nó nghe ngóng được câu chuyện từ hai ông bà người Pháp với vị chánh xứ.
Nó đã nghe thấy điều không nên nghe, thấy điều không nên thấy! 
Hôm đó là ngày chủ nhật, vào đúng mùa hoa sữa nở rộ nhất. Cái mùi hoa sữa nồng nàn đến sằng sặc làm nó cứ hắt xì mãi.
Nó im thin thít, tai áp sát vào cánh cửa sổ, tim nó đập loạn nhịp và cố gắng để nghe ngóng điều gì đó bên kia gian phòng khách.
- Bà ấy hỏi chị đã suy nghĩ kỹ chưa?- Dì Tư phiên dịch.
Má nó im lặng một hồi lâu.
- Nhưng... ông bà phải hứa với tôi rằng, ông bà sẽ nuôi nó như con của chính mình, cho nó hưởng tất cả những quyền lợi chính đáng mà nó đáng được hưởng. Và... cho phép tôi được giữ liên lạc với nó.
Đến đây, tay chân nó rụng rời, nó cảm thấy ruột thắt lại. Nó muốn bỏ đi nhưng vẫn cố gắng để lấy lại sự bình tĩnh và nghe tiếp câu chuyện.
Sau khi nghe dì Tư phiên dịch, bà Sarah nói:
- Những điều trên tôi chấp nhận, vì nó đáng được như vậy và trên một bình diện nào đó, nó là con tôi. Nhưng, sau này việc trở lại với bà là không thể, cho đến khi tôi và chồng tôi đây kết thúc những ngày sống trên đời.
Đôi mắt thằng Tèo đỏ hoe đầy nỗi căm phẫn, nhìn chằm chằm vào người mẹ. Tay nó nắm chặt hình quá đấm, cơ thể nó run lên, hai hàm răng nghiến chặt. Cho đến khi nó nhìn thấy người ta đưa cho má nó một túi tiền, nó giật lùi về phía sau bò bằng chân lẫn tay, vừa chạy vừa lẩm bẩm: “Độc ác, người đàn bà độc ác!”

4. 
Ngày nó ra đi, trời u ám. Mưa đổ ào giữa tiết trời hè nóng nực. Mùi hơi đất bốc lên nặng nề, còn lòng người thì nặng nề hơn nữa. Người đi, kẻ ở lại, sự chia cắt đó như những vết dao sắc khứa lòng nó vậy. 
Thằng bé gầy guộc, đen nhẻm, khuôn mặt lạnh như tiền bước lên xe cùng ông bà người Pháp.
- Dì Tư ơi, lòng tôi thấy bất an quá, kiểu như ai đó bóp nghẹt trái tim mình!
- Ơ... thằng An, con Bình... Má bay ngất, ngất rồi! Gọi... gọi cấp cứu. Mau! 
* * *
Tại Noisy-le-Grand, Paris.
Thằng bé như bị tự kỷ. Từ ngày đó trở đi, tính nết nó cọc cằn, thi thoảng lại đập phá đồ đạc trong nhà, không giao tiếp, chỉ ngồi một góc trong xó phòng cắn móng tay đến chảy máu.
Mẹ nuôi nó chỉ còn cách gửi nó cho một vị Linh mục người Việt đang coi sóc một giáo xứ nhỏ gần nhà cho đến khi nó bình tâm trở lại. 
Cậu là một đứa trẻ thông minh, sau 6 tháng học tiếng Pháp, cậu nói khá sành sõi và khi lên 9 tuổi, ba mẹ nuôi cho cậu đi học ở trường. Người ta không gọi câu bằng Tèo nữa, mà bằng một cái tên mới, Antoine Gsu.
Ông bà vẫn thường xuyên gửi ảnh của thằng bé cho mẹ đẻ hàng năm vào dịp lễ Tạ ơn. Nhưng những cánh thư mẹ cậu gửi sang, ông bà cất giấu không muốn đem cho cậu. 
Không chỉ học tiếng rất giỏi, cậu còn nhảy hiphop cực đỉnh và được giải nhất cuộc thi Break The Floor (BTF). Ba mẹ nuôi rất lấy làm tự hào về cậu. Lên trung học, cậu chọn chuyên ngành y tế và thi đậu vào trường đại học École Normale Superieure, Paris (ENS Paris), một trong những trường danh giá nhất ở Pháp. 
Ngày cậu tốt nghiệp phân ngành tổ chức y tế, cậu khóc trong lễ tốt nghiệp. Về tới nhà, cậu lục lọi lại tập thơ cùng tập bài thuốc đông y của ba ra, viết vào những trang kế tiếp bằng tiếng mẹ đẻ: 
“Ba, con đã làm được rồi. Con đã vì ba mà học ngành này, để chẳng có ai phải ra đi chỉ vì cơn đau thắt ngực! Còn người đàn bà đó, con không thể nào tha thứ! Nếu ba còn sống, chắc chắn ba sẽ không bán con chỉ vì chút tiền vụn vặt. Tại sao bà ta có thể nuôi 7 anh chị con, còn con thì không? Ba chết khi con vừa cất tiếng khóc chào đời và con ra đi trong nỗi nhục nhã của một người mẹ bán đi đứa con của mình".
Đúng, nơi đây giàu sang phú quý, nơi đây cho con một cuộc sống an toàn và đảm bả, nhưng nơi đây không có thứ con cần. Con cần tình yêu của ba má chứ không phải là sự giàu sang!” 
- Gsu, con ở trong đó chứ?- Bà Sarah hỏi.
Nó gập nhanh quyển tập, cất vào tủ kéo, gạt nước mắt và nói:
- Mẹ vào đi.
- Gsu, ta nghĩ đã đến lúc con nên về lại Việt nam để thăm gia đình.
- Không, không đời nào!
- Hôm nay là ngày vui của con, ta không muốn phá đi không khí đó nhưng con cần biết sự thật này, họ vẫn giữ thư tín liên lạc cho con, mỗi năm hai lần. Ta với ba con đã giấu chuyện này vì chúng ta không muốn con bị tổn thương khi nghĩ tới. Xin lỗi!
- Điều đó không còn quan trọng nữa.
- Nó thật sự quan trọng Gsu ạ!
- Không… Đây mới là gia đình đích thực của con. Con có hai người ba, nhưng chỉ có một người mẹ vì bà ta... - Cậu ngập ngừng rồi không nói nữa.
- Gsu, mẹ sẽ để nó ở đây, đến một lúc nào đó con sẽ cần tới nó.
Nói xong, bà vỗ vai an ủi cậu rồi ra ngoài. Cậu cầm lấy tập thư ném vào sọt rác và hét: “Không, tôi chẳng cần thứ tình cảm đó!”
Sự thật, tiền mua được nhiều thứ, nhưng tiền chẳng mua được tình yêu. Người ta vẫn so sánh tình mẹ với biển cả đại dương, một cánh hoa nhẹ rơi cũng đủ để làm cho mặt biển động. Có khi nào mặt biển yên không có nghĩa là biển không động? Có khi nào thật sâu trong lòng biển chứa chất những điều bí ẩn? 
- Gsu, trước khi ba nói điều này, ba muốn con xem ba như một người bạn.
- Okey, ba nói đi.
- Ba nhận được tin má con vừa nhập viện, rất nguy kịch. Bà ấy cứ gọi tên con suốt. Con cần về Gsu ạ!
Nó im lặng không nói điều gì. Sự im lặng của nó khiến ông Kinté khó chịu, ông nói tiếp.
- Antoine Gsu, chẳng phải con học chuyên ngành y vì mong muốn sẽ chẳng có ai phải ra đi cách đột ngột chỉ vì cơn đau thắt ngực thông thường như ba con sao? Biết đâu, bà ấy cũng cần con như thế!
- Nhưng, chẳng phải... bà ta đã vì số tiền nhỏ nhặt mà bán đi con ư? Ba ra đi, con cần ở một mình!
- Không đâu Gsu... 
- Ba ra đi!
- Nhưng... Okey!
Cậu đứng lên tiến lại cửa sổ, hướng nhìn về phía ánh sáng chói lọi khi thành phố lên đèn. Thứ ánh sáng đầy mê hoặc, nhưng với cậu nó thật sự nhạt nhẽo. Cậu quay người, dựa đầu vào ô cửa, thở dài. Cậu nhìn tập thư mà cậu đã vứt vào sọt rác ba ngày trước. Nó vẫn nằm đó, nhàu nát và cũ rích, đôi dòng chữ nguệch ngoạc. Cậu nhìn thấy chữ “Tèo”, chợt bao nhiêu ký ức ùa về, nét chữ của dì Tư vẫn thế, tất cả được dì Tư phiên dịch vì có lẽ dì nghĩ cậu đã không còn biết tiếng mẹ đẻ nữa. 
“Hôm nay ngày 23 tháng 3, là ngày sinh nhật của Tèo. Má nhớ con lắm, cứ mùa hoa sữa nở má lại thấy mình nhẫn tâm và bất tài. Nhẫn tâm vì đã để con đi, bất tài vì không thể hứa cho con một tương lai tốt. Có lẽ con thấy xấu hổ khi phải làm con của má. 
Má nhớ, khi con chập chững biết đi, mỗi lần con té con cứ khóc mà chẳng chịu nín cho đến khi má đến và đỡ con dậy. Nhưng má không làm như thế, má bỏ đi như chưa từng thấy con ngã, để con tự vực dậy mỗi khi vấp ngã. Đó là bài học trưởng thành đầu tiên.
... 
 Tèo, má xin lỗi! Vì má, vì nhà ta nghèo nên má đã để con ra đi như thế. Má biết tất cả sẽ chỉ là biện minh cho tội lỗi của bản thân má.
Trước khi ba con qua đời, ba con đã nói với cha Cung thế này: “Con muốn con sống đủ lâu để nhìn thấy con của con ra đời và trưởng thành, để nó có chút ký ức về con. Con sẽ không an lòng ra đi nếu như để một mình vợ con nuôi bọn chúng vất vả như thế, và con cũng không thể an lòng ra đi nếu cha không hứa sẽ thay con lo cho tương lai của thằng út. Nó thiệt thòi lắm cha ơi, con không muốn nó phải sống cảnh không cha, lại còn nghèo đói. Con không muốn nó sống đời phiêu bạt trên biển tàu như con...”
Tới đây, cậu bật khóc tức tưởi như một đứa trẻ. Những giọt nước mắt cứ chảy dàn giụa. Phải chăng nước mắt có thể gội rửa trái tim hóa mềm! 
“... Hãy tha thứ cho má. Má không dám mong nơi con điều gì nữa! Nhưng tình cảm mà má dành cho con vẫn như thuở ban đầu. 
Đêm nay là đêm trắng!”
Nó ngồi xoài trên nền nhà rồi khóc, câu chuyện đã xảy ra 22 năm rồi mà ngỡ như mới hôm qua. Có lẽ chẳng có tình nào sâu đậm cho bằng tình mẹ!
- Hơn bao giờ hết, bây giờ bà ấy cần con Gsu ạ!- Bà Sarah nói.
- Gsu, có sự hiểu lầm ở đây. Bà ấy không hề bán con. Số tiền đó chỉ là chúng ta muốn giúp má con, nhưng má con không hề nhận nó. Chúng ta chỉ nảy sinh ra ý định đó sau khi nghe câu chuyện của gia đình con từ Linh mục- Ông Kinté nói.
- Con sẽ đặt vé, ngày mai con về lại Việt Nam.- Cậu nói.
- Ba mẹ đi cùng con được chứ?- Ông Kinté hỏi.
- Okey… Không vấn đề!- Cậu đáp.

5.
Tại bệnh viện Chợ Rẫy Sài Gòn.
- Bác năm nay bao nhiêu tuổi rồi?
- Tôi 60 rồi bác.
- Thế con cái đâu hết cả? Không vô chăm bác hả?
- Nó bận rộn lắm bác sĩ ơi! Công việc rồi con cái nữa, thi thoảng nó xẹt qua đem thứ này thứ kia thôi…
- Kết quả bệnh án đã có, tôi cần gặp người nhà.
- Tôi chỉ hi vọng thằng út nó về.
- Ủa, nó đi đâu xa lắm hả?
- Nó... chắc nó quên tôi rồi. Cũng tại tôi, nghĩ xa nghĩ xôi quá nên trao nó cho gia đình người Pháp nuôi.
Bà nghẹn ngào không thể nói tiếp, quay lưng vào bức tường bệnh viện rồi khóc.
Thằng út đi vào với dì Tư, cùng ba mẹ nuôi của nó. Hôm nay nó đã lớn và đầy chững chạc, khôi ngô hệt như ba nó thời trẻ. Cũng với khuôn mặt ngày nó ra đi, nó cúi gầm xuống đất chẳng thèm nhìn má nó.
Vừa bước tới cửa phòng cấp cứu, dì Tư oang oang: “Thằng út về rồi Hai ơi!”
Má cậu trợn tròn đôi mắt, vẻ mặt hốt hoảng, quay lưng rồi bật dậy. Chứng cao huyết áp tái phát kèm cơn đau thắt ngực giống hệt cha nó do quá bất ngờ. 
“Trời ơi, cấp cứu, cấp cứu bác sĩ ơi!”- Dì Tư hét lên.
Thằng út đơ cứng người nhìn máy đo điện tim. Máy báo tít tít, thông số cho thấy hiện tượng ngừng tim. Nó hét với giọng lớ lớ: “Chuẩn bị máy sốc!”
- Người nhà ra ngoài hết, để chúng tôi cấp cứu- Bác sĩ Nam nói.
Thằng út hất tay bác sĩ Nam ra khi đang cầm máy sốc trên tay.
- Lấy adre-n-a-l-i-n! Chuẩn bị sốc… 250J. Sốc… 300J. Sốc! - Thằng út điều khiển vụ này.
- Chưa có tim, lại lần nữa!- Bác sĩ Nam tiếp lời.
- “300J. Sốc!”- Cậu nói- “Lần nữa, sốc!”
Thân hình nhỏ nhắn của cô Liên nẩy lên rồi nằm xuống liên hồi. Thằng út ướt đẫm mồ hồi: “Tiếp, sốc!”
“Có tim lại rồi!”- Bác sĩ Nam thở phào nhẹ nhõm. Thằng út rưng rưng nước mắt: “Cảm tạ Chúa”. Nói xong nó đi ra ngoài hành lang ngồi, trong lòng nó thấy kiểu như vừa tìm lại được cái gì đó quan trọng.
- Anh bạn, theo tôi!- Bác sĩ Nam nói- Mời anh ngồi, anh đã nghe tin gì chưa?
- Chưa!- Cậu trả lời- Tôi mới từ Pháp trở về. 
- Mẹ cậu nhập viện với một chuỗi bệnh lý, bệnh cao huyết áp, suy thận lâu năm và phình đại động mạch chủ do tăng huyết áp làm tăng áp lực lên thành động mạch chủ, tăng nguy cơ tạo ra khối phình ở đoạn có thành mạch bị yếu. Tôi sẽ không giải thích thêm vì chắc anh biết. Anh tốt nghiệp chuyên ngành nào?
- Tôi hiểu… Tôi chuyên phẫu thuật tim - lồng ngực.
- Oh, tốt quá! Anh có dự định gì không? 
- Khi sức khỏe ổn hơn, tôi-sẽ-đưa-má-sang-Pháp điều-trị… Cám ơn.
Cậu bước ra ngoài, lại thẫn thờ ngồi ở hành lang. Khuôn mặt buồn rõ rệt, nhưng ánh mắt cậu bình dị, trong trẻo đến lạ.
- Út, má con tỉnh lại rồi…- Dì Tư chạy ra gọi.
Cậu đến bên giường mẹ không nói năng gì. Cô Liên nhìn thẳng vào mắt cậu, rồi vỡ oà hạnh phúc: “Cám ơn con, cám ơn vì đã về”.
Đó là ngày Chủ nhật đầu xuân trời trong biếc không chút mây gợn sóng, Gsu tới nhà thờ cùng gia đình. Thứ ánh sáng dịu nhẹ từ mái vòm vút cao chiếu xuống cùng với sự tĩnh lặng của nơi thánh thiêng này tạo nên một thứ ngôn ngữ rất riêng, ngôn ngữ của sự gắn kết và tái sinh. Vị linh mục mở đầu bài giảng bằng câu thánh kinh trích từ thư của thánh Phaolô tông đồ gởi tín hữu Êphêsô:
“Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: Để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này. Những bậc làm cha mẹ, đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy”.
Tới đây cậu cúi đầu xuống, đôi mắt long lanh ẩn những giọt nước mắt. Bà Sarah vội nắm chặt bàn tay cậu lại. Tất cả như nghẹn ngào, họ trầm mình trong những giây phút thánh thiêng và xúc động.
Nắng xuân ấm áp chiếu xiên qua ô cửa phía Tây Bắc nhà mồ nơi đặt hài cốt của ba cậu. Họ xích lại gần nhau hơn bởi tình yêu và sự tha thứ. Khuôn mặt ai cũng bình thản, họ trao nhau những nụ cười bình yên mãn nguyện, như thể họ tìm lại được nhau sau bao năm lạc lối.
Mọi dòng sông đều chảy về biển lớn, vì biển hạ mình thấp hơn những dòng sông. Tình mẫu tử khi nào cũng thế, bao la và đằm thắm. Vì bao la nên sẵn lòng chứa chất tất cả, hi sinh tất cả và cho đi tất cả... Nhưng có mấy ai hiểu thấu được? 
Thật, cánh chim nào cũng cần một tổ ấm dù nó có cả một bầu trời xanh. Và ai rồi cũng cần một mái nhà để được về, được sà vào lòng mẹ bình yên.