Bà mẹ vui tính -- truyện ngắn của Gió Lang Thang

Quang X Nguyen
CSC - Ban truyền thông nhận được tác phẩm truyện ngắn của một bạn trẻ với bút danh là "Gió Lang Thang" quê ở giáo xứ Giáo Lạc (Bùi Chu). Xin giới thiệu tác phẩm và mong nhận được những bài viết mới.

Đoàn rước tượng Đức Mẹ

Bà mẹ Thuần có cô con gái đã bước qua tuổi cập kê chờ mãi mà không thấy ai rước đi cho nhẹ nợ, bỗng dưng mấy hôm nay xuất hiện một anh chàng lạ có lẽ ở làng bên đến ngấp ngó tán tỉnh con gái mình. Bà mừng ra mặt. Không khí u buồn, vẻ đìu hiu cô quạnh trong căn nhà ngói ba gian cũng thay đổi hẳn, thi thoảng đây đó trong nhà có tiếng cười nói râm ran khác hẳn ngày thường…

Như thường lệ, sau giờ cầu kinh nhà thờ lúc sáng sớm bà lục đục trở về nhà lại bắt đầu một ngày mới với những công việc không tên…Bà làm cho vui vậy thôi chứ có mang lại chút thu nhập đáng kể nào trong gia đình đâu. Mọi việc nhỏ to trong gia đình bà đều do cô con gái đảm đương quán xuyến hết. Từ khi người chồng quá cố đến giờ, căn nhà bà vắng vẻ lắm, bà thường ngán ngẩm về số phận hẩm hiu của mình. Bên trong căn nhà ấy là bốn bức tường màu trắng đục đã hoen ố vàng loang lổ từng đám bà chẳng buồn giục người quét nước ve mới, phía dưới nền nhà bằng đất nơi kẽ chân tường rêu xanh chi chít lấm tấm mọc bà cũng kệ vậy... Giữa gian nhà chính, dưới bàn thờ Chúa có kê cái tủ đựng những đồ lặt vặt, liền đó là bộ sa-lông cũ kỹ với chiếc bàn gỗ xộc xệch mặt kính có vết nứt tạo thành đường viền. Trên bàn lúc nào cũng có tích nước vối đun sôi để nguội, cạnh đó là bộ ấm chén bám bụi và cái phích bên trong không có nước… Bà bày đặt cho đẹp vậy chứ có ai đến chơi đâu mà phải sửa soạn tươm tất.

Mấy ngày nay thì lại khác…


Bà dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị đồ đoàn ấm chén chè nước tươm tất để tiếp đón gã trai lạ cưa cẩm con gái bà. Anh chàng này kể cũng lạ, toàn đến lúc sáng sớm khi mặt trời đã chiếu bóng những hàng cau trước sân nhà, và rất đúng giờ. Nhìn lên chiếc đồng hồ quả lắc chuông đã đổ mấy tiếng linh tính mách bảo vị khách quý đã sắp đến. Bà rón rén tiến lại phía sau chiếc cửa chính khẽ hé mở, đưa tay sau lưng đi đi lại lại một lúc định thần quay vào trong thì con chó mực nãy giờ nằm sưởi ấm bên hiên nhà chạy ra phía cổng sủa lên vài tiếng. Ánh mắt không dấu nổi niềm vui, bà lên tiếng quát lớn:

- Mực, vào nhà!

Con chó mực vẫy đuôi tiến lại về phía bà rồi lại lẽo đẽo theo bà đi ra phía cổng mở cổng cho vị khách mặc dù cổng không hề khóa...

-Thưa bác, cháu đến chơi thăm bác với em.

-Ừ, cứ vào nhà đi cháu…em nó vừa chạy ra ngoài có chút việc chắc về luôn đấy. Anh cứ vào ngồi chơi xơi nước chờ em nó chút xíu…

Chàng thanh niên dắt chiếc xe đạp nhãn hiệu “Phượng Hoàng” đã cũ nhưng còn khá chắc chắn đi vào phía sân trước nhà dựng nơi bờ tường rồi thong dong theo bà lão tiến về phía trong ngôi nhà. Chủ nhà nhanh chân vào trước mở toang mấy cánh cửa bên hông nhà hai bên cửa chính ra vào cho những tia nắng của ngày mới chiếu rọi qua khung cửa sổ… Chàng thanh niên nãy giờ đứng nơi hiên nhà quan sát phía bên ngoài liền nói vọng vào:

- Vườn rau nhà mình tốt quá bác nhỉ! Bác khéo chăm sóc quá, cây nào cây ấy cũng xanh mơn mởn, ăn cả năm chắc cũng không hết…

- Ừ, thì giồng cho nó vui vậy ấy mà, gọi là cho có chút công việc chứ rảnh rỗi chẳng biết làm gì. Với lại khỏi phải đi chợ mua những thứ lặt vặt không cần thiết… Anh vào đây cho khỏi nắng, vào nhà ngồi chơi đợi chút, em nó về luôn ấy...

Chàng thanh niên đủng đỉnh đưa hai bàn tay ra khỏi túi quần đi vào nhà tiến về phía chiếc ghế đã kéo sẵn, bà Thuần lẹ làng cầm chiếc chổi lau phe phảy thân ghế dành cho vị khách đặc biệt mặc dù bàn ghế đã sạch sẽ , bóng loáng chẳng cần đến công việc thừa thãi của bà. Bà khẽ nói:

- Mời anh ngồi đã!

- Vâng, bác cứ để cháu tự nhiên.

Bà với tay lấy chiếc hộp đựng chè nhỏ bằng sắt đã han rỉ, vuông vắn, màu xanh nhợt nhạt đã trầy xước gần hết lớp sơn bên ngoài, trên hộp có đề “Chè Mạn Thái Nguyên”. Bà lấy một nhúm cho vào ấm, rót nước phích sôi sùng sục khói bay nghi ngút…

Vừa rót chè nóng vào chén mời khách, bà vừa ôn tồn nói:

- Cháu ạ, em Thắm nhà bác kể ra thì nó cũng bình thường như bao đứa con gái dung dị, mộc mạc trong làng này thôi… Công việc chính của em nó là nhận vải may quần áo lấy chút tiền công gọi là có chút đồng ra đồng vào nuôi mẹ già với lại để giành dụm ít vốn liếng sau này còn lập gia đình mua mấy con bò cái, mấy lứa lợn lái mà làm kinh tế cho có thu nhập vậy thôi…
Ngày trước cánh thanh niên trai trẻ trong làng này cũng nhiều đứa để ý em nó lắm, chúng thường hay nói vui với bác là, “Mẹ nhận con làm con rể mẹ đi, con sẽ cung phụng em Thắm suốt đời mẹ ạ!”… Mặc dù có vẻ như là nói giỡn cho vui vậy thôi nhưng bác thấy tấm lòng của chúng nó là thật, vì giai làng này cũng khối anh đã từng nhờ bố mẹ mang cơi trầu dạm ngõ đến xin...
Nhưng bác không dám nhận một ai hết vì em nó còn trẻ người non dạ. Bác là bác cứ hay từ chối khéo viện cớ em nó có chí hướng đi tu…

- Thế em Thắm định đi tu thật hả bác? – Chàng trai ngỡ ngàng.

- Ừ, thật! Mà em nó có ý định này ngay từ tấm bé cơ cháu ạ… Nhiều lần em nó năn nỉ với bác là xin được đi tu ở dòng “Mến Thánh Giá” ở mãi Phát Diễm... à... Phát Diệm, Ninh Bình vì muốn được dâng mình phục vụ Chúa bằng các công việc khiêm hạ như chăm sóc những bệnh nhân phong cùi, bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối, hay các em nhỏ mồ côi do các sơ đảm trách…

Bà lão thở dài, phe phẩy cái quạt nan nói tiếp:

- Hừm…Bác thì bác xúc động lắm, nhưng nghĩ đi nghĩ lại về cám cảnh mẹ góa con côi bác phải cắn răng nuốt nước mắt mà khuyên em nó rằng: Con ạ, hoàn cảnh nhà mình thì không được như nhà người ta… bố thì mất sớm từ khi mày còn tí tuổi, mẹ chỉ sinh được hai người con là anh Thuận với mày. Anh Thuận thì được Chúa rước đi từ khi lọt lòng mẹ mới có mấy tháng. Nếu mà anh mày còn sống đến bây giờ mẹ đã cho con thỏa nguyện. 
Con có tấm lòng dâng mình cho Chúa là điều rất quý, bố mẹ rất lấy làm hãnh diện với tổ tiên dòng họ, bà con trong xóm đạo… Mẹ chẳng những không ngăn cản mà còn vui mừng ủng hộ con là đàng khác … Nhưng con biết đấy, mẹ là mẹ chỉ có mình con, anh em họ hàng nội ngoại nhà mình thì ở xa tít mãi mũi Cà Mau, Kiên Giang… Bố đi bộ đội kháng chiến chống Mỹ sau này giải ngũ về lấy mẹ rồi lại dẫn nhau rời bỏ quê hương đến vùng kinh tế mới Tây Bắc này chẳng có bà con thân thích nào cả… Nếu sau này con đi rồi thì ai sẽ là người lo cho mẹ khi tuổi già sức yếu, ai sẽ nhang khói cho tổ tiên đây…
Thôi con ạ, mẹ là mẹ thấy đi tu thì cũng tốt mà sống đời cũng tốt, ở địa vị nào mình cũng vẫn cứ là con cái Chúa, cứ sống sao cho tốt đời đẹp đạo là được rồi…

Bác cũng chỉ khuyên em nó mấy nhời như vậy thôi, em nó cũng hiểu ý chỉ rơm rớm nước mắt, lễ phép nói ngắn gọn một câu, “Con xin vâng, thưa mẹ!”.

- Vâng, cháu thấy gia đình mình neo đơn thật, em Thắm nói thế là phải lẽ!

- Thì đấy cháu thấy đấy, con bé Thắm nhà bác nó hiền lành và ngoan lắm, bác nói điều gì nó cũng chỉ một điều “Vâng” hai điều “Dạ” chẳng bao giờ thấy nó cãi lại mẹ dù chỉ là nửa nhời…
Bà con chòm xóm ai cũng yêu quý nó, cánh thanh niên trong làng này là cứ hay chọc ghẹo nhưng em nó chỉ đỏ mặt thẹn thùng bỏ chạy chứ không bao giờ dám phản ứng câu nào nên chúng nó quý lắm…Mấy cô hàng xáo ngoài chợ mỗi lần gặp bác là cứ hay khen, “Bác Thuần khéo sinh con đáo để, cô Thắm nhà bác vừa được người lại vừa được nết phải nói là nhất làng nhì tổng, về nhan sắc thì chỉ thua mỗi cô Kim Hee Sun người Hàn Quốc thôi! ”
Đấy, họ là họ cứ hay kháo nhau về nó cho vui vậy chứ bác đâu có biết hình thù mặt mũi cái cô Kim Hee Sun này thế nào đâu…

- Vâng cái cô Kim ấy kể ra thì cũng xinh thật nhưng cháu thấy em Thắm nhà mình cũng chả kém cạnh tẹo nào…về tính nết có khi em Thắm lại hơn đứt ấy chứ…

- Ừ, thì bác là bác cứ hay dạy dỗ con cái theo quan niệm của ông cha, “Cái nết đánh chết cái đẹp!” … Thì cháu thấy đấy, đời người ta là cứ như mây bay gió thổi, cái kiếp sống vô thường này chẳng được bao nhiêu nên chẳng ai dám nói mạnh được điều gì…
Con người ta sinh ra từ cát bụi, ông Giời ban cho mỗi người một số phận khác nhau nhưng “Sinh quý tử quy”, chung quy lại thì người giàu cũng như người nghèo sau này chết đi rồi cũng sẽ trở về cát bụi… nên theo bác cái quý giá nhất của con người khi sống trên đời này là sống sao cho phải đạo, tức là cái đạo làm người như các cụ ta đã dạy…

- Vâng, thưa bác.

Bà lão tiếp:

- Ông cụ thân sinh ra bác là một nhà nho chân chính, cụ sâu sắc lắm cháu ạ…cụ được cả làng cả tổng nể phục ở cái tài dạy dỗ con cái, cụ có cái tài ăn nói viết lách khuyên lơn nên bà con chòm xóm người ta yêu quý, nể nang và kính phục lắm…cứ khi nào gặp khó khăn gì về dạy dỗ con cái, rồi viết đơn từ khiếu kiện hay là những chuyện hệ trọng… vân vân …là họ đều chạy đến nhờ vả xin ý kiến cụ nhờ cụ tham vấn. Nhưng cụ có cái hay ở chỗ là chả bao giờ lấy công ai một cái gì xất…
Có người nhờ ý kiến của cụ mà thắng kiện hay làm được điều gì đó là cứ hay mang gà mang vịt, mang mít mang bưởi sang biếu ... nhưng cụ thì cụ cứ từ chối thẳng thừng, chẳng bao giờ nhận ai cái gì, cụ chỉ hiền hòa mỉm cười ăn nói nhỏ nhẹ, “Các anh muốn trả ơn cho tôi chứ gì, các anh cứ mang những thứ này chia cho người nghèo, người bất hạnh…thì cũng là làm cho tôi vậy, tôi xin cảm ơn tấm lòng các anh!”…
Cháu biết không, ông cụ trước khi chết chỉ căn dặn con cháu có mỗi một điều là, “Các con hãy cố gắng sống làm sao .. cho được khắc tên mình vào trái tim của tất cả mọi người, đó mới là điều quý giá nhất và cũng là điều bố mong mỏi nhất!” – nói xong ông cụ cấm khẩu không nói thêm được điều gì...

- Cụ sống hay quá, nho nhã và thâm thúy quá bác ạ!

– Ừ, chính vì vậy mà con cái cụ ai cũng nên người, ai cũng được mọi người quý trọng, người thì đỗ đạt làm quan, người thì thành công trên đường đời…Đấy, chẳng hạn như cái bác Chính con trưởng cụ học hành giỏi lắm cháu ạ, bác ấy noi gương cụ chịu khó dùi mài kinh sử, sau này thi cử đỗ đạt đến chức Thám Hoa, được vua cất nhắc làm đến chức tri huyện …

- Ồ, ... Thám Hoa cơ à.. cháu nhớ.. cháu nhớ không lầm thì là đứng thứ ba trong thi Đình là kỳ thi cao nhất trong khoa cử… – Chàng trai tròn mắt sửng sốt.

- Ừ, thì đúng vậy …nhưng bác ấy thì lại rất giống ông cụ thân sinh cả về ngoại hình lẫn tính cách! Khuôn mặt bác ấy nhìn thì hiền hòa phúc hậu, tính tình thì rất ôn hòa, khiêm nhường và thương người ... nhất những người nghèo khó! Bác làm quan nhưng không bao giờ quên tên của một người nghèo bất kỳ nào trong làng. Bổng lộc vua ban bác cứ ban phát hết cho người nghèo, không bao giờ giữ lại cho mình một tí gì…
Người ta thường nói, “Một người làm quan cả họ được nhờ” - với người trong gia đình thì mới rõ mồn một là đúng phần nào thôi... chắc cũng chỉ được cái tiếng thơm cho dòng họ tổ tiên…chứ cái bác Chính cả một đời thanh bạch, liêm khiết, chẳng bao giờ nhận của đút lót ai bao giờ, được vua ban chút ơn huệ thì bố thí phân phát hết cho người nghèo khổ thì làm gì mà có của để dành cho con cháu…

Bà Thuần vui vẻ lấy cái tích nước vối trên bàn rót cho mình một cốc làm một ngụm nhỏ rồi chậm rãi nói tiếp:

- Đấy bác là bác cứ nói sơ sơ như thế là để cho cháu biết rõ ngọn ngành gốc gác gia đình nhà bác, người ta thường nói gia đình bác là một gia đình gia giáo lễ nghĩa, con bé Thắm được như ngày nay cũng một phần là nhờ công phúc của tổ tiên để lại…

- Dạ vâng, chả mấy người được như em Thắm bác ạ…

- Ừ …thì cháu thấy đấy, cả cái xóm đạo này chả ai mà không biết đến em nó…Nó tham gia hội ca đoàn trong nhà thờ thì ai cũng phải khen là có giọng hát hay đặc biệt, đọc Sách Thánh thì rõ ràng, trang trọng, mạch lạc ai cũng phải thầm thồ thán phục. Bác dám chắc với cháu là trong cái họ đạo ngàn người này thì cả ngàn người đều biết đến em nó…

- Ồ, em Thắm giỏi quá!

- Đấy là bác nói về cái sinh hoạt đoàn thể mà em nó tham gia, còn về cuộc sống riêng tư trong gia đình cách đối nhân xử thế với người làng nghĩa xóm thì còn nhiều điều phải nói về em nó lắm… gượm..mà cháu mời nước đi chứ, nãy giờ toàn ngồi nghe bác kể lể quên cả uống, nguội hết cả rồi…

Chàng trai khẽ cảm ơn từ từ đưa chén nước vào miệng làm một hớp rồi nhẹ nhàng đặt lại xuống bàn rồi trầm ngâm định nói điều gì lại thôi…

Không khí im lặng trong chốc lát thì có tiếng bước chân dồn dập tiến về phía ngưỡng cửa ra vào. Hai người mừng thầm, “thế là cô Thắm đã về”… nhưng không! một giọng nói vừa đủ vọng vào từ phía ngoài cửa:

-Bác ạ!

Nhận ra tiếng người quen, bà Thuần tươi cười đáp:

- Nhã đó hả cháu… hỏi chị Thắm có phải không? Chị mày vừa đi ra ngoài, lát nữa về….. Vào nhà chơi chút đã… Sao?.. Có gì không?...

- Không, chẳng có gì ạ, lúc khác cháu ghé…

Con bé nói xong cười khúc khích, như sợ người ta thấy mặt liền ngoảnh đầu vội vàng tiến ra phía cổng thì thầm to nhỏ điều gì trong miệng không ai hay..

- Đấy là con bé Nhã con mẹ Nhỡ chăn vịt ngoài bờ sông… năm nay cũng được khoảng mười năm mười sáu rồi…đến tuổi làm duyên làm dáng thế mà chẳng bao giờ chịu sắm sửa hay vòi mẹ mua lấy chiếc áo mới… con gái tuổi dậy thì mà áo quần thì lúc nào cũng xộc xệch ống thấp ống cao, mặt mũi thì hem huốc cứ như là từ trong bếp chui ra…nhìn đến là phát cười…

Bà lão thở mạnh một cái chép chép miệng:

- Hai đứa nó chơi thân với nhau lắm cháu ạ, cùng trong hội ca đoàn nhà thờ, tối nào cũng rủ nhau đi tập hát ở trong nhà xứ…Con Nhã với con Thắm nhà bác cách nhau có mấy tuổi thôi nhưng trông chúng nó cứ hao hao như hai chị em ruột, đi đâu cũng như hình với bóng…hừm… hoàn cảnh cái con bé này cũng y chang như con cái Thắm…Cũng cảnh mồ côi cha nên hai đứa nó hiểu nhau lắm…Nhà nó thì có hai chị em, cô chị nhớn hơn những chục tuổi, đi lấy chồng xa...
Nghe nói gia đình nhà chồng cũng nghèo kiết xác gạo đong từng bữa, muốn đỡ đần mẹ già với em thơ mà cũng chả có cái cách gì để giúp…lâu lâu về thăm nhà chỉ có củ sắn, củ khoai động viên mẹ với em vậy thôi..

- Hoàn cảnh quá bác nhỉ?

- Ừ.. thì là thật …Nhà nó ba đời chăn vịt nên kinh tế cũng chẳng lấy gì làm khá khẩm. Cái dạo mà dịch cúm gia cầm hoành hành cách đây mấy năm tiêu nuốt cả đàn vịt mấy chục con, hai mẹ con trắng tay chỉ biết ngồi ôm nhau khóc hu hu…người làng người xóm thương hai mẹ con nó lắm cháu ạ…kinh tế đã khó khăn thì lại càng khó khăn gấp bội. Hai mẹ con nó ngày nào cũng chạy đôn chạy đáo khắp xóm xin lá khoai lang mang về luộc chấm muối ăn lót dạ qua ngày…
Nhưng mà…con bé Thắm nhà bác nó có cái tâm tốt lắm cháu ạ, tính tình hay thương người nên nhìn hai mẹ con nhà mẹ Nhỡ là không cầm được nước mắt… Em nó mới bảo bác, “Mẹ cho con mượn hai trăm ngàn nhé!”. Bác mới hỏi lại, “Con cần mua sắm hay tiêu pha gì thế?”- em nó nói, “Không! mẹ cứ cho con mượn, con có chút việc cần dùng đến”- Tôi mới đoán là nó muốn giúp hai mẹ con nhà này mà ngại không dám nói ra . 
Tôi thì tôi cũng đồng ý luôn là vì cũng là những người đồng đạo lại là người làng nghĩa xóm mặc dù mình cũng chả khá khẩm gì nhưng gặp người khó khăn hơn thì cũng phải biết tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong lúc hoạn nạn tối lửa tắt đèn… Tôi chỉ khẽ nói với em nó rằng, “Con ạ, tiền bạc là do con vất vả làm ra…Mẹ thì mẹ chỉ là tay hòm chìa khóa giữ hộ cho con thôi, lúc nào con muốn tiêu gì, làm việc thiện hay bất cứ việc gì, con cứ kêu mẹ một tiếng…Mẹ lúc nào cũng ủng hộ con”. Con bé nó mừng lắm vội chạy sang cái lều nhà bà Nhỡ giụi giụi vào tay con bé Nhã bảo, “Mẹ chị biếu mẹ em chút tiền.. em cầm lấy đong gạo hay mua thứ gì bồi bổ cho mẹ nhá!”

- Cô bé Nhã đó chắc mừng lắm bác nhỉ… - Chàng trai nét mặt thản nhiên cười.

- Bác thì bác không biết… nhưng sau này con Thắm nó kể là con cái Nhã nó cứ nhất định một mực khăng khăng không lấy, con Thắm nhà này phải nói khéo là, -“Ơ hay cái con này… số tiền này là mẹ chị nhờ chị biếu mẹ mày chứ chị có cho mày đâu… Thôi, làm ơn cầm giùm hộ chị đi…Mày mà không cầm thì đừng bao giờ nhìn mặt chị nghe chưa… ” – Con bé rơm rớm nước mắt chẳng biết nói gì hơn, chỉ khẽ bầm bập môi vào nhau nói, “Em…em..cảm ơn chị!”
Cháu thấy đấy, người ta thường nói, “Của cho không bằng cách cho”, con bé Thắm nhà bác nó khéo lắm, nó mà đã giúp ai thì ai không muốn nhận cũng phải vui vẻ mà nhận. Nhiều khi bác cứ hay cười cười lấy tay gõ đầu em nó bảo, “Cái cô này rõ là gian nhá! Mình muốn giúp bạn mình thì lại cứ vòng vo nói rằng mẹ mình muốn giúp mẹ bạn!”- Nó chỉ cười cười ra vẻ ngây thơ đáp lại, “Con có phải xưng tội với cha xứ về tội này không mẹ?” – Đấy con bé nhà này là cứ có cái tính hay thương người nên hàng xóm ai họ cũng quý…

- Em Thắm nhà bác vừa ngoan lại vừa khéo trong mọi việc…người khác muốn tìm lấy một tí chứng cớ để mà ghét cũng khó đấy bác nhỉ? – Chàng trai khẽ mỉm cười.

- Thì đúng thế thật…chả giấu gì cháu…bác đi đâu là cũng hay nghe người ta khen ngợi con bé, bảo nó tốt tính…chẳng bao giờ bác nghe thấy người nào phàn nàn về em nó dù chỉ là nửa nhời cháu ạ…
Mà con bé này cũng lạ lắm, nó thương người đã đành …thế mà cũng rất thương các loài vật nữa... Con kiến lửa mà đốt phải chân nó cũng chẳng bao giờ di chết mà chỉ khẽ phủi nhẹ tha cho sống. Đấy, cái con chó mực nhà này mấy tháng trước mấy anh giai làng đi qua cổng trêu ghẹo em nó, ném hòn gạch vào sân gây chú ý không may trúng ngay chân con chó…thế mà con bé cũng rầu rĩ, đau khổ, bứt rứt mãi ..bỏ cơm cả ngày dỗ thế nào cũng không được…bác là bác nhiều khi cũng thấy là lạ cái con bé này ...

- Dạ, tại những người có tâm hồn đẹp, nhạy cảm là dễ bị xúc động lắm bác ạ! – Anh chàng tươi cười thêm.

- Bác thì bác chẳng biết em nó nhạy cảm đến mức nào, chỉ biết là có một kỷ niệm hồi nó còn nhỏ có lần em nó ngồi dưới gốc cây bàng không biết suy tư kiểu gì mà thấy chiếc lá rụng xuống bèn hốt hoảng chạy quanh nhà trên nhà dưới tìm bác la lên, “Mẹ ơi! Mẹ ơi…” – Tôi mới bảo, “Làm gì mà con cuống lên thế! Có chuyện gì thì cứ nhẩn nha nói cho mẹ nghe… ” – Nó mới hổn hển xuất khẩu thành thơ,
“Lá vàng còn ở trên cây,
Lá xanh rụng xuống trời hay chăng trời”

Đọc xong nó run lên, “Mẹ ơi..con sợ…” – Bác mới đốp lại, “Mày dở người à con…có mỗi chiếc lá mà làm mẹ hết hồn!”... Bác thì văn chương chẳng hiểu tí gì, cháu thấy đấy, không những con người hay con vật, mà ngay cả chiếc lá rơi xuống đất em nó cũng tiếc thương…

- Thế thì em Thắm nhà mình có ý định đi tu là đúng quá, hợp lý quá bác ạ! – Chàng trai cười hiền khẽ xoa đôi bàn tay bấu nhẹ vào nhau.

- Thì cháu cũng thấy đấy…hoàn cảnh nhà bác thì… mẹ góa con côi, dựa nhau mà sống! Em nó có ý nguyện tốt đẹp như vậy mà không được toại nguyện bác cũng buồn lắm…chỉ biết động viên an ủi vậy thôi, chứ biết làm sao…Con người ta sống ở đời này, nhiều khi hoàn cảnh không cho phép .. đâu phải hễ muốn là được đâu…

- Vâng, đúng thế thưa bác! – Chàng trai từ tốn.đáp.

Bà lão nhìn ra phía cửa rồi hướng về phía người đối diện, chiếc quạt nan phe phảy trên tay mấy cái… im lặng một hồi bà khẽ thở một hơi dài:

- Hừm…Giời ạ.. mấy hôm nay mất điện hoài, không khí oi bức ngột ngạt quá… mặt trời chưa đứng bóng mà người với chả ngợm toát hết cả mồ hôi…Ừm.. thôi… bác chỉ nói sơ sơ về em nó cho cháu biết vậy thôi chứ nói nữa sợ cháu hiểu lầm nghĩ thầm trong bụng, “Con hát mẹ khen hay” thì tội cho em nó…

Bà lão bèn đưa bàn tay gõ gõ mấy cái trên bàn nước, đổi sắc mặt ra vẻ ngạc nhiên nói tiếp:

- Lạ nhỉ! Đến cả tiếng đồng hồ…giờ này mà vẫn chưa thấy về…

- Thế sáng nay em đi đâu hả bác?

- Nó ra chợ mua cân bột sắn cháu ạ, bác có người quen ở làng bên nằm liệt giường mấy hôm nay, …muốn mua chút quà thăm người ốm… chắc không có lại phải đi mấy chỗ mua mới lâu như vậy…

Bà với tay lấy tích nước vối rót thêm vào cốc rồi đặt lại cái tích chỗ cũ, đưa cốc lên miệng làm một hơi cạn sạch rồi đặt lại xuống bàn… khẽ nhổm người lên, một chân bà đạp mạnh xuống đất, tay cầm quạt tay kia khẽ nắm lại, sốt ruột nói:

- Chắc em nó cũng sắp về rồi đấy, mải nói chuyện với anh quên mất công việc dở dang dưới bếp…anh cứ ngồi chơi uống nước thư thả chờ em nó chút xíu…tôi xin phép đi xuống dưới nhà gầy củi nấu nồi cám lợn dở dang cái...
Gớm..hôm qua ra chợ mua được mấy ống cám của con mẹ Mão - cái cô này nhìn thì có vẻ rộng rãi.. thế mà khó khăn, cứng quá!… bớt một đồng cũng không cho lại còn cười cười, “Cám của em hôm nay ngon lắm bác ạ, không thể bớt được đâu” – Tôi mới bấm bụng nghĩ, “Ô hay…cái cô phải gió này.. thế mà cũng nói được..cám lợn có ngon hay không là do con lợn nó ăn xong nó phát biểu cảm nghĩ…chứ mình thì có ăn cái thứ này bao giờ đâu mà biết thế quái nào cho được”…
Thôi bác đi xuống bếp nhé…lát nữa em nó về rồi hai đứa dẫn nhau ra phía ao bèo, ngồi trên bờ chơi thấy con cá rô nào động thủ nhôi lên mặt nước thì cầm hòn đá cuội ném cho vui nhé…Cứ ngồi chờ em nó chút xíu …

-Vâng, bác cứ tự nhiên, chè ngon thế này cháu ngồi cả ngày chờ cũng không sao ạ…- Anh chàng cười cười nói xong từ từ nghiêm sắc mặt.

Mặt trời đã lên cao hơn, không khí trong nhà vì thế cũng ngột ngạt hơn…chàng cầm cái quạt phe phẩy mấy cái thật mạnh, rồi vất nhẹ trên bàn…rồi lại cầm lên quạt nhẹ mấy cái khẽ đung đưa trên tay… bầu không khí yên lặng hơn…vang vọng tiếng trẻ con nói cười khúc khích nô đùa bên vệ đường mấy ngôi nhà hàng xóm … 
Chàng ưỡn người ra phía sau ghế, thả lỏng cơ thể, đôi bàn chân khẽ dậm dậm xuống đất như đang bắt theo điệu nhạc nào đó, cặp mắt rảo quanh phía bốn bức tường và mấy thứ đồ đạc không đáng giá trong nhà nhưng xếp ngay ngắn… bất thần anh hướng mắt lên phía bàn thờ Chúa, ngôi bàn thờ khá đẹp, trang trọng, nổi bật hẳn trên bức tường nhờn nhợn…ở giữa là tượng Chúa Giê-xu chịu đóng đanh trên cây thập giá, bên trái là tượng Đức mẹ Maria hai tay chìa ra như đang ban phước, bên phải là thánh cả Giu-se với nụ cười hiền hòa. 
Một điều gì đó lóe lên trong tâm trí, chàng khẽ đưa hai bàn tay chắp vào nhau ngay ngắn trước ngực như đang cầu kinh trong nhà thờ, đôi môi khẽ bật lên một giai điệu quen thuộc của danh ca Elvis Phương,

“Lạy Chúa con xin nguyện Chúa trên trời
Cho trọn niềm tin ơn trên Thiên Chúa
Con xin được sống bên nàng
Người con gái đoan trang
Kính mến tôn thờ Chúa! Amen”.

Sài Gòn, 14/03/2013 (Cùng ngày đăng quang Giáo hoàng Phan-xi-cô)

Gió Lang Thang