fr.aleteia.org, Sylvain Dorient, 2018-04-02
Olivier Taramarcaz, nghệ sĩ kitô giáo ở bang Valais, Thụy Sĩ đi xuyên nước mình trong Mùa Phục Sinh với cây thánh giá 4 mét |
Sáng kiến của anh nảy sinh khi anh đọc Phúc Âm, anh giải thích: “Tôi được đánh động qua cách Chúa Giêsu đi từ làng này qua lang khác để gặp người dân đương thời của Ngài”. Anh Olivier Taramarcaz đi từ La Chaux-de-Fonds, Neuchâtel, Yverdon, Genève, Nyon, Morges, Lausanne, Fribourg và Montreux, kết thúc chặng đi của mình ở bang Valais, nơi anh sẽ đi qua các làng giữa Martigny và Sion.
Cây thánh giá như một sứ điệp
Khó mà đi bên cạnh anh Olivier mà không thấy cây thánh giá! Dài 4 mét với cân nặng 24 kilô… Và một bánh xe đạp để giúp chở khối phúc âm nặng này với tốc độ 3 cây số mỗi giờ. Anh viết trên cây thánh giá, hàng dọc “Ta là đường, là chân lý, là sự sống. Giêsu” và hàng ngang là “Ta cho các con một trái tim mới”. Anh tự mô tả mình là “người hành hương qua các ngọn núi”, anh dự trù đi 20 cây số mỗi ngày.
Anh nghĩ rằng sáng kiến của anh sẽ được mọi người thấy, anh tố cáo sự biến mất của Chúa là do con người mong muốn: “Ngài không được mời đến trong xã hội chúng ta, trong các câu chuyện của chúng ta cũng như trong đời sống hàng ngày của chúng ta”. Vì thế người nghệ sĩ, nhà thơ, nhà điêu khắc này lên đường. Anh không sợ đặt Chúa ở nơi công cộng, nhất là những nơi người ta không muốn thấy Chúa nhiều nhất!
Lời Chúa và câu chuyện của Ngài trong cái đãy
Cây thánh giá cao to này ở đây để chất vấn, để tạo ra cuộc gặp gỡ bên vỉa hè, bên lề đường. Olivier Taramarcaz, người nghệ sĩ có hoài bảo lý tưởng, có đầu tóc bù xù mang theo bửu bối của mình để nói chuyện với những người quan tâm đến công việc của anh. Phúc Âm Thánh Gioan và quyển Tân Ước với hàng chục ngôn ngữ khác nhau bên cạnh cái đãy lép kẹp của anh.
Khi thấy anh đi qua, có một số người lắc đầu nhưng cũng có người dừng lại, thảo luận với anh và cám ơn anh. Các chữ “tình thương”, “hòa bình” và “tự do” được viết bằng nhiều ngôn ngữ trên cây thánh giá của anh. Anh giải thích: “Tôi muốn chứng tỏ cho thấy, giá trị phổ quát của Phúc Âm”.
Anh cho biết: “Tôi không chiêu dụ. Chính cây thánh giá là biểu tượng tự mình nói lên sứ điệp của mình. Mọi người tự làm cho mình con đường.” Anh thấy các cuộc trao đổi là tự phát và đều ngắn.
Anh cũng có sổ tay cá nhân của anh, câu chuyện đời mình và cuộc trở lại của anh. Với phong cách nhà thơ, anh giải thích ẩn dụ của Thánh Phaolô trong thư gởi tín hữu Rôma (11, 24), “Nếu bạn vốn là cành của cây ô-liu dại, mà còn được chặt đi và tháp vào cây ô-liu tốt, trái lẽ tự nhiên, thì phương chi họ vốn là những cành của cây ô-liu chính, họ lại càng có thể được tháp vào cây cũ”, tóm tắt cuộc đời của anh.
Olivier (tên của anh) trước đây hoang dại, hoặc cây ô-liu dại chẳng cho gì hơn là những quả nho nhỏ chẳng ép được dầu… “Tôi, trước đây tự hào về các hoa trái nhỏ của mình, tôi chẳng sản xuất được gì. Như thế tôi phải ghép vào Cây hằng Sống. Vì thế cuộc đời tôi đã được thay đổi”.
Olivier (tên của anh) trước đây hoang dại, hoặc cây ô-liu dại chẳng cho gì hơn là những quả nho nhỏ chẳng ép được dầu… “Tôi, trước đây tự hào về các hoa trái nhỏ của mình, tôi chẳng sản xuất được gì. Như thế tôi phải ghép vào Cây hằng Sống. Vì thế cuộc đời tôi đã được thay đổi”.
Ngày lên đường, anh vui thú với cuộc hành hương này: “Không có gì thay thế được niềm vui được bước đi khiêm tốn với Mục tử Nhân lành, Đấng đã cho tôi Sự sống của Ngài. Ngài đã chiếu rọi tôi bằng sức ấm ánh nhìn của Ngài. Tôi vui mừng với kinh nghiệm này trên vùng đất Valais được chúc phúc của quê hương tôi”.
Cách đây hai năm, anh Olivier đã đi xuyên nước Thụy Sĩ với cây thánh giá của mình. trên đường đi, người ta “cho tôi thức ăn, chỗ ở” nhưng đôi khi anh cũng phải ngủ lều. Anh cho biết, anh không cầu nguyện gì thêm trong cuộc đời.
Marta An Nguyễn dịch
Nguồn: http://phanxico.vn/