Nghi án văn học: Văn hào William Shakespeare là một người Công Giáo thầm lặng

vanthoconggiao.net

Văn hào William Shakespeare sinh ngày 26 tháng Tư 1564 và qua đời vào ngày 23 tháng Tư 1616. Ông là một nhà thơ, một nhà soạn kịch và là một diễn viên. William Shakespeare được xem là một đại văn hào văn chương Anh.

Tuần qua là đánh dấu 402 năm ngày mất của William Shakespeare. Ông được chôn cất vào ngày 25 tháng 4 năm 1616, cùng nơi ông chịu phép Rửa Tội khoảng 52 năm trước đó trong Nhà thờ Chúa Ba Ngôi ở Stratford-upon-Avon. Ông được nhiều người xem là một tín hữu Anh Giáo suốt đời trung thành với Giáo Hội này. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, đã có nhiều bài nghiên cứu được công bố cho rằng thực ra văn hào William Shakespeare là một người Công Giáo thầm lặng. Paul Asay của tờ Aleteia trong bài Was Shakespeare really a secret Catholic? tóm lược các ý kiến này như sau:

Đời sống tôn giáo của Shakespeare đã diễn ra trong bối cảnh của những thời kỳ nhạy cảm tôn giáo. Anh Giáo được Vua Henry VIII thành lập vào những năm 1530, khi Tòa Thánh từ chối cho ông được tiêu hôn. Vào thời điểm Shakespeare bắt đầu viết, đạo Công Giáo bị cấm. Ai xưng mình là tín hữu Công Giáo có khả năng mất mạng dễ dàng. Trong bối cảnh như thế, bất kỳ nhà viết kịch nào muốn được hoàng gia chú ý đến không thể công khai bày tỏ lòng trung thành với giáo hoàng. Chắc chắn, Shakespeare là một thành viên tích cực, tham dự thường xuyên các thánh lễ trong các nhà thờ Anh giáo và là một người tham gia tích cực trong đời sống tôn giáo của nước Anh.
Tuy nhiên, nhiều học giả đã gợi ý rằng bên dưới vỏ bọc Anh giáo, nhà văn vĩ đại nhất nước Anh là một người Công Giáo thầm lặng.

Cha mẹ Shakespeare
Cha của Shakespeare, ông John, đã từng bị phạt vì từ chối không tham dự các thánh lễ của Anh Giáo và được coi là “kẻ ngoan cố”, tức là một người từ chối tuân theo các thực hành của Giáo Hội tân lập. Vợ ông là Mary còn được coi là ngoan cố hơn cả John. Bà xuất thân từ một gia đình Công Giáo nổi tiếng, và một trong những thân nhân của bà bị hành quyết vì dám che giấu một linh mục Công Giáo.

Cuộc hôn nhân của Shakespeare
Shakespeare kết hôn với Anne Hathaway năm 1582, và đám cưới được linh mục Anh giáo John Frith chủ sự. Nhưng chỉ bốn năm sau, triều đình cáo buộc Frith là linh mục Công Giáo thầm lặng, bí mật thực hiện các nghi lễ Công Giáo.

Thăm Học Viện Anh Quốc tại Rôma
Học Viện Anh Quốc tại Rôma được thành lập năm 1579 như một chủng viện đào tạo các linh mục cho Anh và xứ Wales trong thời kỳ bách hại. Có đến bốn mươi bốn vị từ chính Học Viện Anh Quốc này đã đổ máu đào minh chứng cho đức tin khi trở về Anh phục vụ.
Trong sổ lưu niệm dành cho khách thăm viếng Học Viện này người ta thấy hai cái tên “Arthurus Stratfordus Wigomniensis” và “Gulielmus Clerkue Stratfordiensis” là các bút hiệu của Shakespeare. Điều này chứng tỏ, Shakespeare có một tình cảm đặc biệt với Công Giáo mới dám đến thăm Kinh Thành Vĩnh Cửu và lại còn dám léo hánh đến một nơi có thể khiến mình mất mạng dễ dàng như vậy.

Tác phẩm của ông
Nhiều học giả đã chỉ ra cách đối xử khá thông cảm với một số nhân vật Công Giáo của ông. Thật thú vị khi lưu ý rằng nhiều vở kịch nổi tiếng nhất của ông như - Vua Lear và Hamlet, dựa theo những tiểu thuyết với khuynh hướng kiên quyết chống Công Giáo, nhưng đến tay của Shakespeare, chủ nghĩa bài Công Giáo rất mờ nhạt hoặc biến mất hoàn toàn.
Joseph Pearce, một học giả về Shakespeare nói với Catholic News Agency rằng: “Vào thời đó, luật bài Công Giáo là bắt buộc với tất cả các nhà văn Anh. Shakespeare đã tìm cách né tránh một cách thận trọng những thảo luận về các tranh cãi tôn giáo vào thời đó. Rõ ràng là Shakespeare qua các vở kịch của mình đã thể hiện một mức độ thông cảm rất lớn với quan điểm Công Giáo trong thời gian biến động này. “

Tài sản đầu tư của Shakespeare
Sau khi ông về hưu, Shakespeare đã mua Blackfriars Gatehouse, một tài sản của Giáo Hội Công Giáo bị tịch thu kể từ khi thành lập Giáo hội Anh. Đó là một nơi nổi tiếng có các hoạt động của Công Giáo, bao gồm cả các đường hầm được sử dụng để che giấu người Công Giáo khỏi sự bách hại của triều đình.
Đặng Tự Do
Vietcatholic