(Mã số 18-060)
“Vinh phúc thay người kính sợ Chúa, và hằng đi trên đường quang minh Thiên Chúa…”
Giọng hát trong veo của người phụ nữ tuổi 35 làm cho căn phòng trống trải được lấp đầy. Chị vừa luồn những đường chỉ khéo léo may tà áo dài, vừa lẩm nhẩm bài hát đáp ca lễ Thánh Gia Thất tuần tới. Lâu lắm rồi, kể từ khi lập gia đình, chị không xuất hiện trên bục đọc sách để hát đáp ca. Ngày xưa, chị là một cây solo của ca đoàn học trò giáo xứ. Được Chúa ban cho một giọng hát như sơn ca, cộng với khuôn mặt bầu bĩnh dễ thương và cái miệng cười tươi rói, chị đã làm cho bao anh chàng phải say đắm. Nhiều anh chàng đẹp trai tán chị mà chị không đổ. Hồi đó chị cũng thích đi tu nữa, nhưng gia đình không có điều kiện nuôi học nên chị đành phải từ bỏ ước mơ thánh thiện đó. Và rồi không hiểu sao chị nhận lời yêu của một anh chàng xóm dưới, người cao mảnh khảnh, nhà nghèo.
Gia đình nhỏ của chị nhỏ đúng theo nghĩa đen cả trong lẫn ngoài. Hồi mới cưới, gia đình bên nội dành riêng cho anh chị một mảnh đất nhỏ, dựng tạm ngôi nhà bằng mấy tấm phên đan bằng nứa. Mùa hè thì không nói gì, chứ mùa đông đến thì rõ là tội nghiệp. Từng đợt gió rít mạnh cứ lùa qua mấy tấm phên mỏng manh đó lùa vào nhà làm cho giấc ngủ cứ chập chờn, chập chờn. Anh và chị đã rất chăm chỉ làm việc, nhưng nghề nông cũng chẳng có dư dã gì. Trớ trêu thay, ông trời gửi cho gia đình chị hết thử thách này đến khó khăn khác. Chồng chị đi đường vô ý tông phải ông cụ già say rượu. Ông cụ chết, gia đình họ bắt bồi thường cả trăm triệu. Nỗi lo chồng chất, nhưng nhờ có đức tin và anh em bà con động viên nâng đỡ, nên anh chị cũng vượt qua và cố gắng chăm chỉ hơn nữa để góp tiền làm nhà, trả nợ.
Chị chợt rùng mình khi nhớ lại giai đoạn khó khăn cùng cực đó. Bữa nay, anh chị đã xây được một ngôi nhà mới khang trang, rộng rãi trên mảnh đất nhà ngoại. Chị vừa làm ruộng, nuôi gà và phụ may ở một tiệm áo dài trong xóm. Tay chị khéo léo, tính chị tỉ mỉ, nên luôn tà áo dài đẹp, được người ta tín nhiệm. Những buổi chị không bận đồng nương thì đi làm phụ ở tiệm, khi đồ nhiều thì mang về nhà để tranh thủ làm ban đêm. Còn chồng chị ngày xưa là thợ phụ xây, giờ đây cũng trở thành tổ trưởng một tổ thợ xây lớn. Anh vừa làm nông, vừa đi xây, chỉ loanh quanh trong xã thôi cũng có việc làm quanh năm. Các con chị ngoan ngoãn và chăm chỉ lắm, đứa lớn học lớp 6, đứa nhỏ học lớp 3. Nhà tuy nghèo nhưng con ngoan, cha mẹ chăm chỉ hiền lành nên làng xóm ai cũng mến.
Chị nhìn vào chiếc đồng hồ đeo tay, cái đồng hồ ông nội chị cho từ hồi còn chưa lấy chồng, cái đồng hồ không có tiệm nào bán nhưng tiệm đồ cổ có thể mua với giá rẻ. Đã 7 giờ rồi mà anh chưa về. Cái Chân, đứa con gái lớn của chị thì đã đi đọc kinh ở nhà thờ, rồi sẽ ghé nhà bà nội để ngủ với bà cho vui; còn thằng Thiện thì đang ở bên nhà ngoại để ông kèm học toán. Hai đứa nhỏ đã ăn cơm trước, còn chị vẫn còn ngồi đợi anh. Mấy lâu nay, anh đi xây nhiều, giữa buổi người ta cho ăn bữa lỡ cho thợ, khi thì tô phở, khi bát mì tôm hay cái bánh chưng. Vì thế, anh thường phải về muộn và ăn cơm sau. Anh sợ vợ con chờ cơm đói bụng nên bảo ở nhà ăn cơm trước. Thế nhưng hôm nay chị nhất quyết phải chờ chồng về, vì là sinh nhật chị.
- Chị Hạnh có ở nhà không vậy?- Tiếng bà Nghĩa hàng xóm từ ngoài sân vọng vào.
- Dạ, chào bà. Con ở nhà đây. Mời bà vào nhà uống nước.- Chị vui vẻ đáp.
- Bữa nay không đi tập hát à?
- Dạ, hôm nay thứ Ba không tập. Ca đoàn tập hát thứ Hai, Tư, Sáu thôi.
- À, ra là thế. Mà chú Mỹ đi làm chưa về hả?
- Dạ, chưa bà ạ! Chắc là bữa nay phải hoàn thành công đoạn nào đó nên về muộn đấy bà. Sắp tết rồi mà!
- Mà cô Hạnh này…
- Dạ…
- Tổ xây của chú Mỹ đang làm nhà nào vậy? Có phải làm nhà cho cái cô Trung xóm trên không?
- Dạ đúng rồi bà. Tội nghiệp, cô ấy sống có một mình. Nhà không có đàn ông, giờ làm nhà làm cửa cũng vất vả.
- Tội nghiệp cái nỗi gì!- Bà Nghĩa ghé cái miệng lại sát tai chị Hạnh, nói- Cái con đó sống lẳng lơ, không tử tế, nên chồng bỏ là đích đáng. Mà nghe người ta đồn là nó đang lăm le chú Mỹ nhà cô đó. Bà nói cho biết, cẩn thận giữ chồng đi nhé, kẻo mất chồng như chơi!
Chị Hạnh cười trừ:
- Trời, bà cứ lo xa. Mình là người Công giáo mà. Chồng con không phải là hạng dễ dụ đâu. Con hiểu ảnh mà!
- Ừ, đừng có mà chủ quan. Đàn ông con trai không biết được đâu.
Bà Nghĩa vừa dứt lời, chiếc xe 81 lao về phía sau nhà. Biết là anh Mỹ đã về, nên bà Nghĩa cũng về luôn.
Chị ra cửa sau đón anh đon đả.
- Bộ hôm nay làm cho xong nhà hay sao mà anh về muộn thế?
Anh lẳng lặng không nói gì, có lẽ không nghe chị hỏi. Chị hiểu là chồng mệt, vội vào nhà, kéo ghế, mở cái lồng bàn đậy thức ăn và gọi:
- Anh rửa tay rồi vào ăn cơm nhé!
- Mới ăn tô phở và uống ly bia, bụng còn no ứ… Em cất đồ ăn đi.
Anh đi qua nhà bếp để lên nhà trên lấy đồ tắm, và đáp cách hờ hững, mà không để ý là hôm nay vợ mình cũng chưa ăn tối.
Chị lẳng lặng cúi mặt xuống, kéo cái ghế vào trong. Khóe mắt chị cay cay và hai dòng lệ cứ tự nhiên tuôn trào. Chị buồn thiu. Cứ nghĩ hôm nay sinh nhật chị nên chồng phải về sớm hơn và có cái gì đặc biệt cho mình, nhưng… Chị bỏ cơm, lên nhà trên là luôn tà áo. Anh tắm xong, lên nhà trên vừa cầm cái điều khiển bật ti-vi, vừa nói với vợ:
- Em này, lúc nào đi chợ thì coi mua cho hai đứa nhỏ bộ đồ mặc tết. Tội nghiệp tụi nó, mấy cái đồ cũ hết rồi.
- Vâng, để ngày kia em bán thêm đôi gà rồi em sẽ mua…
Thực ra chị đã có ý định mua đồ mới cho chồng, cho con mặc tết rồi, nhưng chưa gom đủ tiền. Tháng này cũng chưa thấy anh đưa tiền nữa…
* * *
Chiều thứ bảy, chị đi làm đồng chưa về tới ngõ, đã nghe bà Nghĩa hàng xóm kéo lại nói:
- Cô Hạnh đi làm về rồi đấy à?
- Dạ, con vừa về. Hôm nay con chỉ đi thăm lúa và bón đạm thôi, tranh thủ về sớm nấu ăn cho kịp, tối bố con cái Chân đi dạy và học giáo lý. Hôm nay thứ Bảy đầu tháng, làm việc kính Đức Mẹ trọng thể nữa.
- Cô có biết chuyện gì xảy ra không? Chiều nay, cái cô Trung kia đến nhà mang sữa và quần áo mới cho tụi nhỏ. Hình như có cả đồ đàn ông. Đấy, tôi đã bảo cô lo giữ chồng đi, để đến nước này…
- Thật không bà, cô ấy đến lúc nào?- Chị Hạnh nóng mặt, hốt hoảng.
- Lúc đầu giờ chiều ấy, khi hai đứa nhỏ mới dắt nhau đi học được khoảng 10 phút. Tôi đứng đầu ngõ nhà tôi trông thấy. Nhà cô không ai ở nhà, nên cổ gửi cho tôi cầm. Tôi không muốn liên quan đến mối quan hệ này. Tôi chỉ nói bóng, nói gió vài câu, cô ấy nghe rồi quay mặt đi. Hình như cổ để đồ lại phía nhà xe rùa của cô đấy.
Chị Hạnh chạy thật nhanh về nhà sau, nơi lợp tạm tấm vê-rô để xe rùa và các đồ dùng lao động. Trời đang tiết đông, mà hai cái tai của chị nóng bừng bừng như lửa. Chị tiến lại gần, thì thấy một tấm bìa cạc-tông viết mấy dòng chữ:
“Chào chị. Có phải sáng nay chị đi chợ mua đồ mà để quên ở cửa hàng nhà cô Ba không? Cô ấy biết anh Mỹ nhà chị đang xây nhà cho em, nên nhờ em gửi cho anh Mỹ mang về cho chị. Nhưng em nghĩ đàn ông khi đi làm, họ không muốn cầm mấy cái đồ đó về đâu, ngại với những anh em khác. Nên đầu giờ chiều nay em có việc ghé qua nhà chị nên em mang luôn. Em mua thêm ít lốc sữa cho mấy đứa nhỏ uống cho vui”.
Sự hoài nghi mập mờ đã có lời gỡ giải. Đúng rồi, đây là những bộ đồ mới mà sáng nay chị mua ở chợ, nhưng không biết lú lẩn thế nào mà lại để quên ở cửa hàng. Về đến nhà chị mới nhớ ra, nhưng nghĩ nhà người ta là chỗ quen biết, lại thật thà, nên định sáng mai đi chợ phiên rồi qua lấy về luôn.
Chị chạy ra trước sân phân bua với bà Nghĩa:
- Trời, bữa nay bị làm sao mà con quên miết. Chuyện không như bà nghĩ đâu. Mấy bộ đồ đó con mới mua lúc sáng mà để quên ở chợ. Cô bán hàng ở gần nhà cô Trung, biết chồng con đi xây ở đó nên gửi về. Mà cổ tế nhị, cổ không gửi cho chồng con cầm về đó.
Bà Nghĩa lặng người, thở phào nhẹ nhõm:
- Thế thì được, cứ tưởng… Bà cũng chỉ thương cho vợ chồng cô và tụi nhỏ thôi. Ra ngoài cứ nghe người ta đồn đại về cái cô ấy mà nơm nớp lo.
- Chúng ta là những người có đạo. Cô Trung cũng có đạo mà. Chúa không dạy chúng ta xét đoán người khác.
- Chiều nay tôi nói cái cô Trung ấy mấy câu hơi quá lời, chắc tối nay phải đi xưng tội, không thì đêm ngủ không ngon mất.
Nói rồi bà Nghĩa đi thẳng về, còn chị Hạnh vào nhà chuẩn bị bữa tối.
Cái Chân với cái Thiện cũng vừa đi học về. Chị tắm giặt cho con tươm tất. Anh Mỹ hôm nay cũng về sớm. Bữa cơm tối, anh cầm một hộp quà và bánh ga-tô làm bằng những chiếc bánh cho-co-pie xếp thành ba tầng. Chiếc bánh này là ý tưởng của cái Chân, có cắm mấy ngòi bút bi nhỏ, tượng trưng những cây nến.
- Mừng ngày sinh nhật của em!
- Chúc mừng sinh nhật mẹ!
Chị hết sức ngạc nhiên. Nhìn vào chiếc đồng hồ đeo tay, hôm nay ngày 10, nghĩa là sinh nhật của chị phải là hôm trước cơ mà…
- Cái đồng hồ cổ của em bị hỏng rồi, đúng không. Hôm nay mới là ngày 8 tháng giêng. Hôm nay gia đình mình ăn mừng sinh nhật mẹ của Chân, Thiện, và mừng lễ Thánh Gia Thất ngày mai.
- Sáng mai mẹ hát đáp ca nữa đấy!- Cái Chân thêm vào.
Anh Mỹ bảo chị Hạnh mở hộp quà. Là một chiếc đồng hồ, không sang trọng nhưng rất hợp với tay chị. Một bộ áo dài màu xanh Đức Mẹ nữa.
- Sáng mai nhớ mang bộ đồ mới này lên hát nhé! Người ta bảo vợ anh làm ở tiệm áo dài, mà không bao giờ diện áo dài đẹp.
Chị rơm rớm nước mắt. Từ khi cha sinh mẹ đẻ đến giờ, có bao giờ chị được tổ chức sinh nhật đâu, chỉ là nhớ ngày đặc biệt để biết mình tròn thêm tuổi, và thầm cám ơn Chúa. Chị chạy vào trong nhà, lấy ra mấy bộ đồ mới cho chồng và con:
- Em cũng có quà cho anh và các con nè!
- Ôi, đồ mới! Hoan hô mẹ, cám ơn mẹ!
- Mua đồ cho tụi nhỏ là được rồi, mua cho anh làm gì, anh có đủ đồ mặc rồi.
- Ngày mai gia đình chúng ta sẽ thật đẹp, để đi lễ mừng lễ Thánh Gia thất nhé.
* * *
Lễ Thánh Gia thất năm nay, cha xứ tổ chức cho các gia đình trẻ ngồi chung với nhau, chứ không ngồi theo từng dãy bên trái của giới nữ, bên phải giới nam và trên cung thánh cho các em nhỏ nữa. Cha nhìn từng khuôn mặt các ông bố, bà mẹ và các con trẻ trong từng gia đình và hạnh phúc. Chị Hạnh lên hát đáp ca rất sốt sắng. Chị không biết rằng món quà chị nhận được từ người chồng ngày hôm ấy cũng có một phần của cha. Không phải là cái đồng hồ hay bộ áo dài mới, nhưng là sự quan tâm và yêu thương từ người chồng chất phác. Cha xứ đã nghe người ta đồn về việc cô Trung có tình ý với anh Mỹ, nên chưa để anh sa ngã, cha đã kịp thời nói chuyện và nhắc nhở anh, cùng khuyên anh nên đi làm về sớm để gia đình có những bữa cơm chung ấm cúng. Đó là một trong những cách để cha đồng hành với các gia đình trẻ trong giáo xứ, không riêng gì gia đình anh Mỹ.