ĐỨC TIN, ĐẠO HIẾU VÀ ĐỒNG BÓNG (phần 2)
Chia sẻ của Lm. Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh
Cuối năm 2000, tôi được gặp Đức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận tại Rôma. Vị Tổng Giám mục bảo tôi hãy về nói với anh em linh mục tích cực chuẩn bị để Dân Chúa có thể đứng vững được trước trào lưu vật chất tiêu thụ. Theo ngài, đây là cuộc thử thách đáng sợ gấp bội so với những kiểu bách hại cổ điển. Gần hai mươi năm đã trôi qua, tôi chưa biết làm cách nào để chuyển được lời nhắn ấy đến anh em tôi trên mọi miền đất nước thì giờ đây lời cảnh báo của ngài đã thành hiện thực.
Ba mươi năm sau ngày phong 117 hiển thánh Chứng đạo, ta thử nhìn lại…
Mời bạn làm một so sánh khác, đối chiếu giữa kinh Mười điều răn của người Công giáo và kinh Ngũ giới của người Phật tử:
Đạo Đức Chúa Trời có mười điều răn
|
|
(1) Thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người
trên hết mọi sự.
|
|
(2) Chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ.
|
|
(3) Giữ ngày Chúa Nhật.
|
|
(4) Thảo kính cha mẹ.
|
|
(5) Chớ giết
người.
|
Giới sát sinh.
|
(Điều răn thứ năm bao gồm cả cấm say rượu, tự hạ nhục
phẩm giá mình)
|
Giới ẩm tửu.
|
(6) Chớ làm sự dâm dục.
|
Giới tà dâm.
|
(7) Chớ lấy của người.
|
Giới đạo tặc.
|
(8) Chớ làm chứng dối.
|
Giới vọng ngữ.
|
(9) Chớ muốn vợ chồng người.
|
Giới tà dâm.
|
(10) Chớ tham của người.
|
Giới đạo tặc.
|
- Thưa cha, bốn dòng từ (1) đến (4), phía cột bên phải bị trống, phải không ạ?
- Đúng, bản mười điều răn có thêm bốn điều mà ngũ giới không có, đồng thời bốn điều ấy chiếm chỗ ưu tiên. Kinh Lạy Cha cho thấy nơi tâm tưởng, ta cần biết nghĩ tới Thiên Chúa trước khi nghĩ tới bản thân. Kinh Mười điều răn cũng nói tương tự về mặt hành động: Bổn phận đối với Thiên Chúa phải ưu tiên hơn mọi bổn phận xã hội. Trong các bổn phận xã hội, bổn phận đối với cha mẹ chiếm chỗ cao nhất, nhưng ngay cả tình cha nghĩa mẹ cũng phải nhường bước cho sự kính thờ Thiên Chúa: “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy” (Mt 10,37).
- Có thể tôi sắp đoán ra câu hỏi của người nọ. Hẳn người ấy cảm thấy có sự xung đột giữa đạo hiếu đối với Cha trên trời và đạo hiếu đối với cha mẹ trần gian?
- Câu hỏi còn lý thú hơn thế. Bạn kiên nhẫn một chút, rồi tôi cũng nói rõ ngay thôi.
4. THẾ NÀO MỚI LÀ TIN THIÊN CHÚA?
“Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy” (Mt 10,37). Cả hai mệnh đề trong câu nói ấy của Chúa gợi cho ta nhớ câu chuyện thời danh của cụ Abraham, người không những được nhận là Tổ phụ các sắc dân Israel, Ismael và Êđôm mà còn là Tổ phụ những người tin vào Thiên Chúa, đồng thời cũng là hiện thân của mối giằng co giữa một bên là tình cha nghĩa mẹ trần gian và một bên là lòng hiếu thảo với Thiên Chúa Tạo Hóa là Cha chung của tất cả mọi người.
Tên gọi từ nhỏ của ông là Abram. Ông là một người chủ giàu có với nhiều tôi trai tớ gái và bầy súc vật hàng đàn hàng lũ. Thế nhưng lòng ông nặng trĩu vì không có lấy một mụn con nối dõi tông đường. Ông đã cầu xin Thiên Chúa biết bao năm qua, tới lúc đã qua tuổi “cổ lai hy” vẫn chưa được Chúa nhậm lời.
Bất thần, sau cái hôm mừng thọ 75 tuổi và vợ ông cũng đã 65, ông nghe tiếng Chúa gọi tên ông và bảo:
- 1 Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi. 2 Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ cho tên tuổi ngươi được lẫy lừng, và ngươi sẽ là một mối phúc lành. 3 Ta sẽ chúc phúc cho những ai chúc phúc cho ngươi; ai nhục mạ ngươi, Ta sẽ nguyền rủa. Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc (St 12,1-3).
Rời bỏ họ hàng, mái nhà và quê cha đất tổ để đi tới đất khách quê người, lao vào vô định, khi bóng chiều cuộc đời đang đổ xuống càng lúc càng nhanh, quả là điều hết sức mệt mỏi! Thế nhưng ông cảm nghiệm tận rất sâu trong cõi lòng rằng ai yêu cha mến yêu mẹ hơn Thiên Chúa, thì không xứng với Ngài.
Thế là ông đã lên đường. “Ông đã ra đi mà không biết mình đi đâu” (Hr 11,8). Thế nhưng cũng chính vì đó, Thiên Chúa đã thêm cho tên ông một vần, thành Abraham, có nghĩa là người cha của đám đông, tổ phụ của vô số các dân tộc (x. St 17,5).
Người hàng xóm của anh bạn trên kia đã chờ ba năm, còn ông Abraham, suốt hơn hai mươi năm cứ nghe Chúa lặp đi lặp lại lời hứa con đàn cháu đống mà lòng dạ vợ ông là bà Sara vẫn cứ son sẻ. Năm ông 99 tuổi, vợ ông cười ngặt nghẽo khi nghe vị thiên sứ bảo rằng qua năm sau bà sẽ có con. Mà rồi đúng thật, đúng vào tuổi 100 của ông và tuổi 90 của bà, hai vị đã sinh được một mụn con trai và, vừa khóc vừa cười, họ đặt tên cho nó là Isaac, có nghĩa là Khả Tiếu, Buồn Cười. Với ông Abraham, tin vào Thiên Chúa không phải là sắm cho mình một tượng thần làm bùa hộ mệnh, nhỡ gặp chuyện gì rủi ro nguy hiểm thì bám vào cho đỡ sợ! Tin vào Thiên Chúa không phải là thỏa hiệp với một thế lực thần linh để khi mình có nhu cầu thì thế lực ấy sẽ đáp ứng! Tin vào Thiên Chúa có nghĩa là đặt toàn bộ con người, cuộc sống và sinh mệnh của ta dưới quyền điều khiển của Đấng mà ta biết là rất yêu thương ta.
Chưa hết. Câu nói trên đây của Chúa Giêsu còn một nửa nữa: “Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy”.
Đứa bé lớn dần. Tới ngày nó đủ sức vác một bó củi lớn leo lên núi, Thiên Chúa lại thử lòng Abraham.
1 Ngài gọi ông: “Abraham!” Ông thưa: “Dạ, con đây!” 2 Ngài phán: “Hãy đem con của ngươi, đứa con một yêu dấu của ngươi là Isaac, hãy đi đến xứ Môria mà dâng nó làm lễ toàn thiêu ở đấy, trên một ngọn núi Ta sẽ chỉ cho.”
Chao ôi! Thiên Chúa ra lệnh cho ông thiêu sống đứa con mà chính Ngài ban tặng khi ông đã đúng một trăm tuổi và cũng chính Ngài đã bảo rằng nó sẽ sinh ra con đàn cháu đống, như sao trời cát biển! Có điên không đây? Thế nhưng…
3 Sáng hôm sau, ông Abraham dậy sớm, thắng lừa, đem theo hai đầy tớ và con ông là Isaac, ông bổ củi dùng để đốt lễ toàn thiêu, rồi lên đường đi tới nơi Thiên Chúa bảo. 4 Sang ngày thứ ba, ông Abraham ngước mắt lên, thấy nơi đó ở đàng xa. 5 Ông Abraham bảo đầy tớ: “Các anh ở lại đây với con lừa, còn cha con tôi đi lên tận đàng kia; chúng tôi làm việc thờ phượng, rồi sẽ trở lại với các anh.”
6 Ông Abraham lấy củi dùng để đốt lễ toàn thiêu đặt lên vai Isaac, con ông. Ông cầm lửa và dao trong tay, rồi cả hai cùng đi. 7 Isaac thưa với cha là ông Abraham: “Cha!” 8 Ông Abraham đáp: “Cha đây con!” Cậu nói: “Có lửa, có củi đây, còn chiên để làm lễ toàn thiêu đâu?” Ông Abraham đáp: “Chiên làm lễ toàn thiêu, chính Thiên Chúa sẽ liệu, con ạ.” Rồi cả hai cùng đi.
9 Tới nơi Thiên Chúa đã chỉ, ông Abraham dựng bàn thờ tại đó, xếp củi lên, trói Isaac con ông lại, và đặt lên bàn thờ, trên đống củi. 10 Rồi ông Abraham đưa tay ra cầm lấy dao để sát tế con mình.
11 Nhưng sứ thần của Đức Chúa từ trời gọi ông: “Abraham! Abraham!” Ông thưa: “Dạ, con đây!” 12 Ngài nói: “Đừng giơ tay hại đứa trẻ, đừng làm gì nó! Bây giờ Ta biết ngươi là kẻ kính sợ Thiên Chúa: đối với Ta, con của ngươi, con một của ngươi, ngươi cũng chẳng tiếc!” 13 Ông Abraham ngước mắt lên nhìn, thì thấy phía sau có con cừu đực bị mắc sừng trong bụi cây. Ông Abraham liền đi bắt con cừu ấy mà dâng làm lễ toàn thiêu thay cho con mình. 14 Ông Abraham đặt tên cho nơi này là “Đức Chúa sẽ liệu.” Bởi đó, bây giờ có câu: “Trên núi Đức Chúa sẽ liệu”.
15 Sứ thần của Đức Chúa từ trời gọi ông Abraham một lần nữa 16 và nói: “Đây là sấm ngôn của Đức Chúa, Ta lấy chính danh Ta mà thề: bởi vì ngươi đã làm điều đó, đã không tiếc con của ngươi, con một của ngươi, 17 nên Ta sẽ thi ân giáng phúc cho ngươi, sẽ làm cho dòng dõi ngươi nên đông, nên nhiều như sao trên bầu trời, như cát ngoài bãi biển. Dòng dõi ngươi sẽ chiếm được thành trì của địch. 18 Mọi dân tộc trên mặt đất sẽ cầu chúc cho nhau được phúc như dòng dõi ngươi, chính bởi vì ngươi đã vâng lời Ta”.
(St 22,1-18)
Đó không chỉ là câu chuyện cảm động về đức tin của ông Abraham mà còn là một sự kiện mang tính tiên tri giàu ý nghĩa. Ông Abraham mang dáng dấp của chính Đức Chúa Cha mà Tân ước sẽ mô tả là: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Cậu Isaac tự vác lấy củi sẽ dùng để tế hiến chính mình là dấu chỉ báo trước việc Chúa Giêsu vác thập giá đi chịu khổ hình; việc cậu đã được đặt lên bàn tế hiến rồi lại được Thiên Chúa can thiệp cho sống, được xem là tượng trưng cho việc Chúa Giêsu sẽ từ cõi chết sống lại.
5. NHỮNG THỬ THÁCH ĐẦY Ý NGHĨA
Kinh nghiệm của cụ Abraham cho thấy đức tin gắn liền với thử thách đồng thời cũng là một minh họa giúp ta hiểu tình cha bao la và sâu thẳm của Thiên Chúa khi Ngài để cho chúng ta đi qua những thử thách ấy. Không riêng những anh chị em mới tin Chúa, cả những tín hữu gạo cội và những tâm hồn thánh hiến vẫn gặp nhiều thử thách phiền muộn, được Chúa dùng để nhắc nhở và đào tạo cho ta ngày càng thêm quảng đại.
Thử thách là để thanh tẩy tâm hồn và đào luyện lòng quảng đại.
Trong quyển sách hướng dẫn người ta rèn luyện về tâm linh, tựa đề là Linh Thao, Thánh Inhaxiô có ghi lại những quy tắc ứng xử trước thử thách. Trước hết, ta cần tỉnh táo để khỏi mất sự bén nhạy đối với ý Chúa. Ta cần đối diện thẳng với thử thách (x. Dt 12,5-13) và tìm xem qua đó Chúa đang muốn nói gì với ta. Cụ thể, ở mỗi trường hợp, ta đều cần tự theo dõi để hiểu qua thử thách ấy Chúa đang nhắm tác dụng nào.
Tác dụng thứ nhất của thử thách là thanh tẩy. Cụ Abraham được Thiên Chúa nhắm tuyển chọn làm Tổ phụ những người tin vào Ngài. Cụ là một người mẫu mực, đức tin của cụ chẳng thể bị hề hấn gì do môi trường ngoại giáo xung quanh. Thế nhưng con cháu cụ sau này thì khác, họ có thể bị lây nhiễm. Vì thế trước hết, Thiên Chúa phải cách ly cụ khỏi môi trường ấy. Theo Thánh Inhaxiô, nguyên do đầu tiên đẩy ta vào thử thách là do lỗi của bản thân ta.
Chúa để cho ta gặp sự phiền muộn, thử thách hay đêm tối nhằm cảnh cáo những lầm lỗi hay sự thiếu quảng đại của ta và mời gọi ta hoán cải. Điển hình cho trường hợp này là những thử thách dân Do Thái gặp trong thời các thẩm phán. Tiếp nối Thánh Inhaxiô, Thánh Gioan Thánh Giá đã chứng minh rằng những tâm hồn chiều theo các mê thích lệch lạc sẽ tự chuốc lấy đủ thứ tác hại gây âu lo phiền muộn. Nơi bảy chương đầu trong tác phẩm Đêm Dày quyển I, ngài phân tích những lệch lạc tâm linh dựa theo bảy nết xấu dẫn đầu, nhằm giúp ta biết những nguy cơ mình có thể gặp phải để tích cực loại trừ. Muốn thắng vượt, ta cần biết giữ sự bình tâm và hướng theo chiều đối nghịch với các mê thích lệch lạc ấy. Thiên Chúa dùng thử thách để từng bước giúp ta được hoàn toàn tự do, không lệ thuộc những gì tai nghe mắt thấy hay sức ép của bất cứ giác quan nào khác, được thực sự tự do về mặt tâm linh, thoát khỏi cả mọi ràng buộc dính bén bên trong.
Chúa để cho ta gặp sự phiền muộn, thử thách hay đêm tối nhằm cảnh cáo những lầm lỗi hay sự thiếu quảng đại của ta và mời gọi ta hoán cải. Điển hình cho trường hợp này là những thử thách dân Do Thái gặp trong thời các thẩm phán. Tiếp nối Thánh Inhaxiô, Thánh Gioan Thánh Giá đã chứng minh rằng những tâm hồn chiều theo các mê thích lệch lạc sẽ tự chuốc lấy đủ thứ tác hại gây âu lo phiền muộn. Nơi bảy chương đầu trong tác phẩm Đêm Dày quyển I, ngài phân tích những lệch lạc tâm linh dựa theo bảy nết xấu dẫn đầu, nhằm giúp ta biết những nguy cơ mình có thể gặp phải để tích cực loại trừ. Muốn thắng vượt, ta cần biết giữ sự bình tâm và hướng theo chiều đối nghịch với các mê thích lệch lạc ấy. Thiên Chúa dùng thử thách để từng bước giúp ta được hoàn toàn tự do, không lệ thuộc những gì tai nghe mắt thấy hay sức ép của bất cứ giác quan nào khác, được thực sự tự do về mặt tâm linh, thoát khỏi cả mọi ràng buộc dính bén bên trong.
- Thưa cha, việc này đâu có ăn nhập gì với việc cụ Abraham phải rời quê cha đất tổ? Cha đã bảo môi trường ngoại giáo xung quanh chẳng ảnh hưởng gì được tới đức tin của cụ cơ mà!
- Đúng, thế nhưng với con cháu cụ sau này thì khác. Một ngày kia chúng có thể gọi hồn cụ dậy và hỏi: Cụ ơi, thế này là thế nào? Xin cụ nói rõ lại xem có nên tin Chúa hay không?
- Cha muốn bảo đây là câu hỏi người nọ đã nêu ra?
- Bạn đoán đúng, thế nhưng còn lý thú hơn nữa. “Ông cụ” càng khẳng định là rất nên thì thằng bé càng thấy hoang mang!
- Sao lại kỳ vậy?
- Thì đây, bạn đọc đoạn này ở gần đầu sách Tin mừng theo Thánh Marcô: 11Còn các thần ô uế, hễ thấy Đức Giêsu, thì sấp mình dưới chân Ngài và kêu lên: “Ông là Con Thiên Chúa!” 12 Nhưng Người cấm ngặt chúng không được tiết lộ Ngài là ai (Mc 3,11-12).
- Ồ, đúng là trò đểu! Bọn chúng càng la to: “Ông là Con Thiên Chúa”, thiên hạ càng lúng túng: Nếu lão này không cùng phe với thần dữ thì tại sao chúng nó lại quảng cáo ầm ĩ lên thế chứ?
- Rồi bạn sẽ thấy, bọn quỷ còn quỷ quái hơn thế nhiều.
- Rồi bạn sẽ thấy, bọn quỷ còn quỷ quái hơn thế nhiều.
- Vâng. Xin cha tiếp tục đi ạ.
- Tác dụng thứ hai của các thử thách là đào tạo tấm lòng hào hiệp quảng đại: Thiên Chúa muốn dạy ta biết mau mắn đáp lại mọi đòi hỏi của Ngài, không tiếc xót bất cứ điều gì. Sau khi kéo Abraham thoát khỏi môi trường cũ, Thiên Chúa còn bắt ông chờ đợi mấy chục năm để dạy ông thực sự yêu Chúa vì chính Chúa chứ không vì bất cứ một món quà nào, kể cả món quà ông tha thiết nhất đời là một đứa con nối dõi. Đây cũng là lý do khiến một người công chính như ông Gióp bỗng dưng bị thử thách trăm bề: Thiên Chúa muốn thanh minh cho Gióp, muốn chứng tỏ cho mọi người thấy giữa trăm ngàn thử thách có vẻ rất vô lý, người tín hữu này vẫn một lòng tin cậy Thiên Chúa, không chút chuyển lay. Có thể nói Chúa cất ơn an ủi và cho ta trải qua kinh nghiệm bị trần trụi như thế để dạy ta yêu mến Ngài cách vô vụ lợi.
Tác dụng thứ ba của thử thách là đào tạo tấm lòng khiêm nhường. Thiên Chúa muốn cho ta đi qua thử thách để thoát khỏi ảo tưởng, khỏi tự phụ, và được ơn khiêm nhường, luôn bám víu vào Chúa và chỉ cậy dựa vào một mình Thiên Chúa mà thôi. Kinh thánh ghi rằng trong thời gian đằng đẵng đợi chờ, cụ Abraham cũng đã có lúc yếu đuối, nghĩ đến những “phương án 2”, chẳng hạn đã dự tính đặt người quản gia làm kẻ thừa kế, hoặc chấp nhận đi lại với nàng hầu để kiếm một mụn con. Thế nhưng Thiên Chúa bảo những chuyện ấy vô ích, Ngài sẽ ban cho ông một đứa con do chính người vợ là bà Sara sinh ra cho ông. Về sau trong một vị Thánh trong Tân ước khi kể lại những thử thách riêng cũng lý giải rằng ấy là do Thiên Chúa muốn cho ông giữ được sự khiêm nhường (x. 2Cr 12,7). Thiên Chúa muốn cho ta được khiêm nhường tận cõi lòng, nhờ một cái nhìn mới, nhìn mọi sự với đôi mắt của Thiên Chúa để luôn bước đi trong sự thật cuối cùng: Thiên Chúa là Tất cả, còn bản thân ta và mọi sự khác đều chỉ là không gì cả.
Tác dụng thứ tư của thử thách là đưa tới một tình yêu mãnh liệt, khao khát được chia sẻ mọi thua thiệt mà Chúa Giêsu Kitô đã hứng chịu vì chúng ta. Cụ Abraham không những được mang dáng dấp của Chúa Cha mà còn được chia sẻ tình cảnh bị bỏ rơi đến tận cùng của Chúa Con là Đức Giêsu Kitô trong cuộc khổ nạn. Lệnh truyền của Thiên Chúa khiến ông chìm vào đêm đen tối tăm mù mịt, không còn hiểu gì nữa cả, chỉ còn biết nhắm mắt vâng theo. Thiên Chúa tạo điều kiện để ông đáp lại tình yêu Ngài cách chính xác nhất. Ngài sẽ cứu chuộc ông và con cháu ông bằng cái giá rất đắt là máu và sinh mạng người Con duy nhất của Ngài, thì Ngài cũng đòi ông phải mua lấy ơn cứu chuộc ấy với một cái giá tương xứng là cái chết bằng đức tin, hoàn toàn phủ nhận lý trí tự nhiên để buông mình vào tay Thiên Chúa, mặc cho Thiên Chúa định đoạt.
Trong Tân ước ta sẽ gặp một trường hợp khác minh họa sắc sảo cho ý nghĩa này, đó là trường hợp Đức Mẹ Maria (Lc 2,35). Mẹ hoàn toàn vô tội, luôn yêu Chúa cách vô vụ lợi và đầy khiêm nhường, thế nhưng Mẹ lại bị thử thách nặng nề hơn ai hết. Ấy chỉ là vì Thiên Chúa muốn cho Mẹ được chia sẻ nỗi đau thương với Đức Kitô, con yêu dấu của Mẹ.
Kinh nghiệm của Thánh Inhaxiô trong sách Linh Thao (số 98, 167) sẽ cung cấp cho ta một cách cầu nguyện được gọi là bậc khiêm nhường thứ ba, để nài xin Thiên Chúa nung đốt lòng khao khát yêu mến Chúa Kitô nồng nàn tới mức muốn nên giống hẳn Ngài nơi tất cả những gì Ngài đã hứng chịu.
(còn nữa)
Đây là phần 2 của bài chia sẻ "Đức tin, đạo hiếu và đồng bóng" của Lm Trăng Thập Tự. Bạn đọc có thể đọc bài đầy đủ ở: www.vanthoconggiao.net/2018/03/duc-tin-dao-hieu-va-dong-bong.html