LỜI MỞ ĐẦU
Cụ Thế Tâm Nguyễn Khắc Dương có truyền cho tôi một câu nói của người xưa: “Biết mà không nói là bất nhân, nói mà không nói hết ý là bất nghĩa”.
Gần đây, một tín hữu được ơn theo Chúa từ hơn 25 năm qua đã nêu lên một trường hợp, không chỉ hỏi riêng tôi mà còn hỏi vài vị khác nữa. Tuy nhiên tôi thấy nếu chỉ trả lời từng phần, từng mảnh, theo kiểu làm bài trắc nghiệm “đúng/sai” sẽ có nguy cơ càng lúc càng gây ngộ nhận. Tôi quyết định dành thời giờ cho vấn đề. Đúng hay sai đều cần phải cho biết tại sao đúng, tại sao sai. Tôi vừa viết vừa trao đổi và cuối cùng tôi xóa bỏ những mảng rời ấy để viết lại thành một bài từ đầu tới cuối không chỉ để giải đáp thắc mắc của một người mà còn để chia sẻ với nhiều anh chị em đồng đạo đang có những vấn nạn tương tự, và còn hơn thế nữa, đang phải tự vấn về chính mình và về cộng đồng Dân Chúa.
Tốt nhất, bạn nên đọc bài này cùng với quyển Kinh thánh để thấy rõ chúng ta đang tìm ý Chúa chứ không theo ý riêng. Để tránh dài dòng, nhiều chỗ tôi chỉ nhắc tới lời Kinh thánh qua số nguồn chứ không trích văn. Khi trích văn, tôi ghi cả số câu để gián tiếp nhắc độc giả nhớ đó là đang trích nguyên văn lời Kinh thánh (theo bản dịch của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ), tức là những lời chính Thiên Chúa muốn nói với chúng ta.
Một lần nữa tôi xin cám ơn người đã nêu câu hỏi và nhất là đã kiên nhẫn với cuộc đối thoại, dù lắm lúc không dễ. Đồng thời, tôi rất mong nhận được sự góp ý của mọi người để có thể hoàn thiện bài viết, đem lại lợi ích cho nhiều người.
Quy Nhơn, ngày mùng 5 Tết Mậu Tuất, 20-2-2018
Lm. Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh
<[email protected]>
Bài này thoạt đầu chỉ viết riêng cho người đã chia sẻ một câu chuyện liên quan tới lòng hiếu thảo và nêu thắc mắc. Viết xong, nhận ra rằng đây có thể là vấn đề nhiều anh chị em khác cũng đang thấy hoang mang, tôi sắp xếp lại các ý tưởng và viết lại toàn bộ, mong giúp đỡ phần nào cho các con cái Chúa, cách riêng là những anh chị em được ơn theo Chúa khi đã trưởng thành, tránh được những ngộ nhận.
Ngộ nhận thứ nhất là về Thiên Chúa.
1. THIÊN CHÚA
Xin bắt đầu với chuyện do một người bạn kể lại:
- Một người hàng xóm của tôi gặp thử thách nặng nề và dai dẳng. Ông đã cầu nguyện với Chúa đủ cách cả ba năm rồi nhưng không kết quả. Ông tuyên bố sẽ kiên trì thêm ba tháng nữa, nếu vẫn không kết quả thì nhất quyết sẽ bỏ Chúa lên chùa. Đúng ba tháng một ngày sau, ông lên chùa cúng và lập tức cầu được ước thấy. Cũng lập tức, ông về dẹp hết bàn thờ Chúa và dọn bàn thờ Phật lên. Ông không tin Chúa nữa!
- Xin lỗi! Tôi xin phép sửa lại một chữ cho đúng. “Ông không tin Chúa” chứ không phải: “Ông không tin Chúa nữa!” Bởi lẽ, ông ta chưa hề tin Chúa đúng theo ý nghĩa của chữ “tin” trong Kinh thánh. Ông ấy chỉ mới “tin” Chúa theo cách suy nghĩ của ông ta và theo mục đích của ông ấy. Giữa một siêu thị thần linh do ông tưởng tượng ra, ông nghĩ vị Chúa ấy sẽ có lợi cho ông nhất, cho nên ông rước về thờ, thay vì rước một thần linh nào khác. Ông nghĩ rằng mình đã thờ Chúa, đã giữ luật Chúa thì Chúa có bổn phận phải đáp ứng đúng điều ông yêu cầu. Chúa không thỏa mãn những điều kiện ông đặt ra thì xin mời Chúa đi chỗ khác chơi. Ông không cần một thứ Chúa vô dụng…
- Cha nói đúng, ông ấy làm cứ như thể chính ông ấy mới là Chúa, là chủ, còn các thần minh chỉ là những thuộc cấp để ông sai khiến, những kẻ phải phục vụ ông, phải đáp ứng những nhu cầu của ông. Tuy nhiên, xin cha cho biết tại sao Chúa lại không đáp ứng điều ông ấy cầu xin?
- Còn tại sao nữa? Tại vì Chúa muốn giúp ông ấy hiểu rằng chính Chúa mới là Thiên Chúa. Nếu ông ấy đã thật sự tin Chúa là Đấng làm chủ cuộc đời ông ấy thì chỉ cần thành tâm thưa với Chúa rồi kiên nhẫn đợi giờ của Chúa. Chúa đã là Chủ thì Ngài có chương trình của Ngài trên những kẻ Ngài yêu thương, những kẻ thuộc về Ngài…
- Thế thì cha nói sao về việc ông ấy vừa lên chùa cúng thì lập tức cầu được ước thấy?
- Cuộc sống, hay nói đúng hơn, Chúa vẫn thường để cho mọi sự trớ trêu như thế đấy! Nếu ông ấy cứ ở nhà nằm ngủ thì hôm ấy điều ông ấy khao khát vẫn xảy ra y như vậy, không cần phải lên chùa. Tiếc là ông ấy tuyên bố đầu hàng khi vẫn còn cả một phút cuối cùng để ghi bàn thắng! Chỉ cần ông ấy kiên nhẫn thêm giây lát là giọt nước tràn ly, ông sẽ giật được giải thưởng của cuộc đua.
- Cha đã dùng toàn chữ “nếu”. Với chữ “nếu” thì ai mà không nhét được cả thành phố này vào lọ peniciline?
- Không đâu, mới đêm qua tôi bị những tràng ho dài và inh ỏi của vị linh mục già phòng bên cạnh đánh thức dậy. Cụ ho và cứ ho mãi khiến tôi cầm lòng không được. Tôi nghĩ đến lọ xi-rô ho đã dùng hết hai phần ba. Liệu có nên đợi đến sáng sẽ mua cho cụ nguyên một lọ mới hay là vào đánh thức cụ, mời cụ uống chỗ thuốc còn thừa của tôi? Cuối cùng, niềm kính trọng vượt thắng sự thương hại. Hơn nữa, nếu tôi cứ gọi cụ dậy, liệu rồi cụ có cách gì để ngủ lại được chăng?
Có điều bất ngờ là từ lúc ấy đến sáng, tôi không nghe cụ ho tiếng nào nữa! Cụ ngủ ngon và tôi cũng yên giấc. Nếu cụ đã chiều tôi mà uống thuốc, tôi sẽ chắc mẩm rằng nhờ chút thuốc thừa ấy mà cụ hết ho. Bạn thử nghĩ xem, phải chăng chính là nhờ tôi tự thắng sự vọng động của mình mà ông cụ hết ho? Có thể lắm chứ?
Tôi không ép bạn chấp nhận điều tôi nói. Tôi chỉ gợi ý để mời bạn thử theo dõi kinh nghiệm ấy nơi cuộc sống thường ngày của bạn xem. Bạn sẽ nhận ra xưa nay mỗi ngày vẫn không thiếu những đề thi tương tự nhưng bạn chưa quan tâm. Giờ đây, để tâm theo dõi, bạn mới nghiệm ra rằng có một Đấng vẫn ra đề thi cho bạn để giáo dục và đào tạo bạn. Ngài là người Chủ, là người Thầy và cũng là người Cha đầy ưu ái đang tìm cách làm cho bạn trưởng thành. Nếu mình thật lòng tin Ngài thì cần biết mau mắn giải những đề thi nho nhỏ ấy thật nghiêm túc. Bạn sẽ lớn lên theo số những đề thi bạn giải đáp đúng. Bạn cũng hiểu ra rằng mình giải đáp đúng hay không là tùy mình có thật sự hào hiệp, quảng đại hay không…
Nếu Chúa đòi hỏi ta một điều gì đó, ta có thể hiểu ngay và có thể dâng ngay nhưng khi Ngài đòi hỏi ta chờ đợi, ta khó mà nghĩ rằng sự chờ đợi lâu dài cũng là một cách để tỏ lòng hào hiệp.
Trong cương vị người giáo dục, khi dạy lòng quảng đại cho các cháu, dù chúng còn rất nhỏ, không phải hễ chúng đòi gì là ta cho ngay điều ấy. Ta thường đợi đúng lúc mới cho và lắm khi cho nhiều hơn điều chúng xin. Thường thì người cha thử thách và người mẹ sẽ an ủi để giúp đứa trẻ biết kiên trì và tin cậy. Nơi Thiên Chúa cũng thế. Đang khi Chúa Cha còn thinh lặng thì Chúa Thánh Thần ủi an, nâng đỡ: “26 Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả. 27 Và Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm can, biết Thần Khí muốn nói gì, vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho dân thánh theo đúng ý Thiên Chúa” (Rm 8,26-27).
“14 Quả vậy, phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa. 15 Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: ‘Abba! Cha ơi!’ 16 Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa” (Rm 8,14-16).
- Thưa cha, lúc nãy mở đầu, cha bảo câu hỏi người nọ nêu ra có liên quan tới đạo hiếu. Bây giờ cha cho biết Thần Khí Thiên Chúa dạy chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha. Như thế thì có nghĩa, Đạo Chúa không gì khác hơn là chính đạo hiếu đối với Cha Cả trên trời? Phải chăng người ấy đã hỏi có gì khác biệt hay đối kháng giữa đạo hiếu dưới đất với đạo hiếu trên trời?
- Vừa gần như thế vừa lý thú hơn nhiều. Chốc nữa bạn sẽ rõ. Bây giờ, chúng ta trở lại với câu Kinh thánh vừa đọc. Thần Khí Thiên Chúa tức là Chúa Thánh Thần dạy ta cùng một điều như Chúa Giêsu đã dạy, tức là dạy ta gọi Thiên Chúa là Cha. Hơn nữa, chính Chúa Thánh Thần sẽ giúp chúng ta sống thật sâu xa lời kinh Chúa Giêsu đã dạy:
“9 Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, 10 nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.
11 Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày. 12 Và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. 13Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen” (x. Mt 6,9-13).
2. KINH LẠY CHA VÀ TÌNH CHA CỦA THIÊN CHÚA
Kinh Lạy Cha tóm tắt mọi lời cầu xin của các con cái Chúa và nêu rõ thứ tự những điều ta cần phải cầu xin. Bạn nắm được cái thứ tự ấy chứ?
- Vâng ạ! Khi thật sự là con cái Thiên Chúa, ta cần biết quan tâm tới Cha mình trước rồi mới tới bản thân. Trước hết, ta cầu xin cho:
* Danh Cha hiển sáng (1),
* Nước Cha hiển trị (2), và
* Ý Cha được thể hiện (3).
Sau đó ta mới nêu lên những lời tóm tắt mọi nhu cầu thể chất và tâm linh của ta:
* Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày (4)
* và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con (5).
* Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ (6)
* nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen (7).
- Bạn thấy đó, một thứ tự thật rõ. Trước khi thật sự có đức tin, thường ta chỉ tập trung xin Chúa hai điều (4) và (7). Dần dần, càng nghiệm ra tình thương và quyền năng cao cả của Thiên Chúa, ta càng thấy năm điều còn lại vượt hẳn hai điều ấy rất xa.
Chúa Giêsu không giới hạn những điều ta có thể xin nhưng Ngài đề ra cái ưu tiên số một: Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài, như trong đoạn văn sau đó chưa tới một trang:
“25 Vì vậy Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao? 26 Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao? 27 Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay? 28 Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi; 29 thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Salômôn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy. 30 Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin! 31 Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? 32 Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. 33 Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Ngài, còn tất cả những thứ kia, Ngài sẽ thêm cho. 34 Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6,25-34).
Chính tình Cha của Thiên Chúa bảo đảm tất cả cho chúng ta, vì tình thương ấy lớn hơn tình mẹ trần gian gấp bội. Câu này thì trích từ Cựu ước, sách Isaia: “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ” (Is 49,15). Khi đã thật sự là con cái Thiên Chúa, ta biết rằng Thiên Chúa luôn yêu thương ta và Ngài có thừa quyền năng thực hiện cho ta mọi điều, ta không cần phải lo lắng thái quá vô ích.
Hãy đối chiếu hình ảnh dòng người trong các nhà thờ trong thánh lễ mùng một Tết, nghiêm trang tuần tự lên nhận câu Lời Chúa làm “lộc thánh” đầu năm và cảnh hỗn độn dẵm đạp lên nhau để cướp giật tại các trung tâm lễ hội mà mạng xã hội cứ sốt lên mỗi dịp Xuân về, bạn sẽ hiểu ra sự khác biệt ngần nào giữa sự bình an của lòng tin vào tình thương của Thiên Chúa và sự bất an lo sợ của mê tín
Đây là phần 1 của bài chia sẻ "Đức tin, đạo hiếu và đồng bóng" của Lm Trăng Thập Tự. Bạn đọc có thể đọc bài đầy đủ ở: www.vanthoconggiao.net/2018/03/duc-tin-dao-hieu-va-dong-bong.html
MÊ TÍN: TRẠNG THÁI TÂM LÝ BẤT AN, TUYỆT VỌNG?
Tối qua, anh bạn ở nước ngoài gọi điện hỏi thăm, nói chuyện một lúc thì câu chuyện chuyển qua hiện tượng dâng sao giải hạn đầu năm ở Việt Nam. Từ câu chuyện với anh và từ mấy hôm nay mạng xã hội tràn ngập hình ảnh hơn trăm ngàn người tập trung ở một ngôi chùa để xin lễ bị không ít người chửi mắng là ngu muội, tôi viết bài này để đi tìm lời giải cho một hiện tượng xã hội.
Tôi nhớ cách đây sáu hay bảy năm gì đó, vào ngày mùng 1 tết, tôi chạy cái xe máy cà tàng từ Hà Nội về nhà ông anh kết nghĩa ở Bắc Ninh chơi. Nhà anh có điện thờ và đầu năm thường có đông con nhanh phật tử đến dâng sao giải hạn và hầu đồng khai xuân. Anh biết tôi không mê tín, anh bảo, "Cô về chơi để biết về một nét văn hóa tâm linh của miền Bắc." Năm nào tôi không về miền Nam ăn tết thì tôi thường về đó ăn tết với anh chị. Và tôi thích thú với cách người ta trang trí điện thờ, cách người ta hát, gõ, đàn và múa hầu đồng.
Tôi về đó chơi nhiều vì mỗi khi anh câu được cá ở sông Như Nguyệt thì đều gọi điện bảo tôi về ăn, những cuộc nói chuyện trong các bữa cơm, trong các dịp lễ tết...làm tôi tuy không tin nhưng có một sự hiểu biết chút chút về tâm linh, về văn hóa cúng kiến. Lại nói về ngày mùng 1 năm đó, tôi chạy từ Hà Nội về, còn cách khoảng 5km thì tới nhà anh chị thì xe dở chứng. Đề, đạp mãi mới nổ máy, vào số 1 là tắt, không chạy được. Mùng 1 nên không một tiệm sửa xe nào mở cửa. Đường phố vắng vắng, chẳng có ai giúp. Tôi, mặc váy, đi đôi bốt cao gót, hết đề tới đạp, hết leo lên rồi tuột xuống mà vẫn không thể làm cho cái xe chạy, tôi dắt bộ.
Trời lạnh mà mồ hôi mồ kê ướt hết cái áo váy và thấm ra cái áo khoác ở ngoài, đôi giày bốt cao gót làm cho việc đẩy xe trở nên khó nhọc gấp bội. Tôi lê lết được hơn 1km, đẩy xe lên được cái dốc ở gần chợ thì đứng thở, mệt đuối. Gọi cho ông anh không được. Tuyệt vọng. Trong lúc đó, tự nhiên trong đầu tôi lại nảy ra cái ý nghĩ van vái thổ công, và sau đó tôi khấn lầm bầm đại khái là xin thần thổ công cho nổ được máy xe để về được tới nhà! Xong, tôi đạp máy xe, vô số, ok. Mừng quá, chạy về tới nhà ông anh mà vừa thấy ngộ nghĩnh vừa không giải thích được. Câu chuyện đó bị quên lãng cho tới khi tôi viết bài này.
Ngược về vài chục năm trước, năm tôi 9 tuổi, ba vừa mất được vài tháng. Hôm đó, mẹ bị cảm sốt, bà nằm trên giường rên hư hư. Tôi rất sợ hãi vì sợ mẹ lại chết giống ba. Tôi không biết làm cách nào để mẹ khỏi bệnh, khỏi đau đớn. Trong cái cơn bấn loạn đó tôi chợt nhớ ra tôi hay thấy mọi người hái lá nấu nước xông để chữa cảm. Tôi điểm lại trong đầu những loại lá cần phải hái: Là chanh, lá bưởi, lá sả, hương nhu, lá tre, húng, gừng và dây lá giác.
Tôi cắp cái rổ tre vào hông, đi một vòng hái được các loại lá, chỉ thiếu mỗi dây lá giác. Lá giác là loại dây leo mọc hoang, thường bò ở hàng rèo hoặc bám trên các cây cao. Kiếm khắp vườn không có, tôi đi loanh quanh xóm để tìm. Tôi gặp một dây lá giác leo trên một cành cây chìa ra đường đi. Tôi lấy cây khều, nhẩy lên vói, vừa nhảy lên vừa dùng cành cây nhỏ để vói tới dây giác..nhưng không được. Loay hoay rất lâu mà vẫn không hái được, tôi ngồi bệt xuống đất muốn khóc. Cái đầu đứa con nít chỉ biết là phải có lá giác kèm vào các loại lá khác để nấu xông, chỉ có như vậy thì mẹ mới khỏi bệnh, nó không biết rằng thiếu dây giác cũng không sao.
Nó cũng không biết là phải chạy đi lấy ghế, lấy thang hay nhờ người lớn. Nó ngồi đó ngước mắt nhìn chùm dây giác lủng lẳng trên cao một cách tuyệt vọng. Nhớ tới khuôn mặt nhăn lại và tiếng rên vì đau của mẹ, nỗi sợ mẹ chết lại bao trùm lấy nó. Và nó cho rằng nếu mẹ chết thì đó là lỗi của nó vì nó đã không hái được chùm dây giác về nấu nồi xông cho mẹ. Nó thấy cô đơn và tuyệt vọng. Bất giác, nó nhớ các bà các chị hay vái trời vái phật mỗi khi họ gặp chuyện gì đó không giải quyết được. Nó lẩm bẩm vái trời phật cho mẹ nó hết đau, nó xin chịu đau cho mẹ, nó xin nó hái được chùm dây giác.
Đoạn, nó đứng dậy, cầm cái nhánh cây, cố sức bật nhảy lên, vung tay cầm nhánh cây với chùm dây giác. Tới rồi. Được rồi. Nó rớt xuống kéo theo chùm dây giác. Nó té bệt xuống đất, cơn đau buốt bất ngờ ở cổ chân chạy lên tới óc làm nó điếng người mất một lúc. Nó vơ chùm dây giác, vui mừng, nhẩy cò cò về nhà. Gom hết các loại lá hái được, rửa sạch, cho vào nồi nấu cho mẹ nồi xông. Dù rất đau mỗi khi bước đi, nhưng về đến nhà nó cố ý tỏ vẻ bình thường không cho mẹ biết. Mẹ nó sau khi xông thì khỏe hơn (chắc cũng do uống thuốc gì đó nữa nên khỏi bệnh) và con bé đinh ninh cơn đau nó đang chịu ở chân là nó đang gánh cái đau cho mẹ nó và lời van vái của nó đã có hiệu nghiệm! Câu chuyện trên cũng chẳng bao giờ được kể.
Qua hai câu chuyện ở hai hoàn cảnh và độ tuổi với tầng hiểu biết, nhận thức rất khác nhau của chính tôi kể trên, ta thấy có một điểm chung duy nhất: Trạng thái bất an, tuyệt vọng.
Ở câu chuyện thời tuổi thơ, ta có thể lý giải là do con nít thiếu hiểu biết và ngây thơ nên tin vào những điều tâm linh, mê tín. Nhưng ở câu chuyện thời tôi đã lớn, mới cách đây chưa tới chục năm, ta giải thích thế nào? Rõ ràng là tôi lúc bấy giờ đã có nhận thức, có hiểu biết và không tin vào tâm linh, chỉ tin vào khoa học và những gì có thể chứng minh, nhưng trong một trạng thái cô đơn, tuyệt vọng, tôi đã khấn vái một thế lực siêu nhiên không có thực ban cho mình một điều may mắn để tôi giải quyết tình huống của mình.
Trong cái đám đông hơn trăm nghìn người ngồi chờ dâng sao giải hạn, trong đám đông cả triệu người đi lễ bà chúa Xứ, trong đám đông hàng nhìn người đi lễ bà chúa Kho và khắp các chùa, đền, miếu mạo trên cả nước...ta thấy có rất nhiều thành phần từ người lao động, nông dân, kỹ sư, bác sĩ, doanh nhân, người kinh doanh, người làm nghề, công chức, quan chức...đủ cả, với các tầng hiểu biết, nhận thức, kiến thức khác nhau, họ có một điểm chung duy nhất: Tâm trạng bất ổn. Dù họ là ai, nghành nghề nào thì rõ ràng họ đều cảm thấy bản thân và gia đình đang sống trong một môi trường xã hội có quá nhiều bất ổn, tâm trạng họ không hề có được sự bình an. Họ phải luôn nơm nớp lo sợ, sống trong trạng thái bất an, không biết ngày mai chuyện gì xảy đến với mình. Và với khả năng của bản thân, họ không thể giải quyết được vấn đề nên họ buộc phải tìm đến với thế lực siêu nhiên.
Một xã hội mà ăn cái gì cũng sợ nhiễm độc, sợ bệnh tật, đi ra đường thì không biết chết vì tai nạn giao thông lúc nào, con cái ra đường thì không biết chúng sẽ bị lôi kéo vào các thói xấu nào đang đầy rẫy ngoài kia, công việc, làm ăn có thể bị maasta trắng, phá sản chẳng theo một quy luật nào, thậm chí cái nhà mình đang ở cũng không phải của mình mà có thể mất bất cứ lúc nào chỉ vì một thằng có tiền nào đó nó cứ hứng muốn giải tỏa để xây cái mả mẹ gì đó và nó chỉ cần đền bù giá rẻ mạt là xong, cãi kiện nó đánh, nó bỏ tù.. Thậm chí, nói cái gì cũng phải lựa lời mà kheo khéo nếu không muốn bị đám đông chửi, đánh, đâm..nhìn nhau cũng bị đánh chết cơ mà. Và những đứa cố gắng thay đổi cái môi trường xã hội đó bằng cách phản biện xã hội, bằng cách đấu tranh với chính quyền thì bị trù dập, bị kiểm soát, bị kết an, bỏ tù và tù ngày càng nặng...thì con người ta biết trông vào đâu. bấu víu vào đâu để vượt qua nỗi sợ và nỗi bất an để tồn tại ngoài trông chờ vào thế lực siêu nhiên?
Con người khi được sống trong một môi trường xã hội có sự bình ổn nhất định, được phát triển, làm việc, cống hiến, được nói, được bảo vệ bằng một nhà nước có luật dành cho mọi người chứ không ngoại lệ, an sinh xã hội được đảm bảo một cách tương đối thì họ có cần phải trông chờ vào một thế lực siêu nhiên nào không? Về văn hóa, niềm tin tâm linh vào một tôn giáo nào đó chắc chắn là có nhưng mê tín, ngông muội, trông chờ hoàn toàn vào đó thì không.
Lý giải như thế để thấy, chửi mắng họ là một điều rất dễ, nhưng việc chửi mắng thậm tệ đó thật ra không giải quyết được vấn đề. Họ-chúng ta-là những kẻ thật đáng thương biết mấy trong xã hội, trong thời cuộc này. Nghĩ cách để niềm tin vào tâm linh kia biến thành niềm tin vào một điều cụ thể, chuyển hóa nó thành động lực để thúc đẩy, làm thay đổi xã hội từ bất an thành bình an là một việc rất khó và cần rất nhiều thời gian lẫn công sức, trí tuệ. Trong quá trình đó, chửi mắng thậm tệ đám đông không làm cho họ nhận ra vấn đề, chỉ làm cho họ xa lánh thêm. Họ cần sự thấu hiểu và hướng dẫn, không cần sự phán xét.