Chùm thơ kỷ niệm 18 năm ngày Thầy Giảng Anrê Phú Yên được phong Á Thánh

Unknown

ĐÃ CÓ MỘT MÙA XUÂN NHƯ THẾ

Tưởng tên anh đã trôi vào dĩ vãng,
Hơn ba trăm năm dâu bể còn chi. (1)
Chẳng tượng đài, không mộ chí khắc ghi,
Ký ức xa xôi ẩn mình sau trang nhật ký. (2)

Cả đến tên anh : tên của vị Tông Đồ dung dị,
Gắn chặt với vùng đất mẹ Quê hương.
Anrê Phú Yên, một tấu khúc lên đường,
Lời vẫy gọi của bao mùa nhân chứng !

Nhớ về anh, thế hệ của một thời kiên vững,
Thời gieo hạt mầm, vở đất của cha ông.
Thời của thuyền nan, chân đất, gánh gồng,
Mang hạt Phúc Âm qua muôn vàn nguy khó.

Đây Nước Mặn (3) của một thời duyên nợ,
Bập bẹ đôi vần “chữ mẹ mới nằm nôi”.
Kìa Dinh Chiêm (4) nước mắt lẫn mồ hôi,
Còn ghi dấu đoạn đường xưa hy tế.

Chứng tá đời anh được ghi bằng huyết lệ,
“Đáp trả tình yêu là mạng sống hy sinh” (5).
“Trầm hương thơm” (6), đã vươn tận thiên đình,
Mẹ Việt Nam giờ đã có được “Chứng Nhân tiên khởi”.

Hơn ba thế kỷ những tháng chờ năm đợi,
Mùa thu qua rồi đông lại triền miên.
Xuân Canh Thìn (7), Mùa xuân của Á Thánh Anrê Phú Yên
Vâng, Giáo Hội Việt Nam, đã có một mùa xuân như thế.

Sơn Ca Linh
(5.3.2018)
---------
 (1) Tính từ ngày Thầy giảng Anrê Phú Yên tử đạo, 26.7.1644, cho đến ngày Ngài
được phong Chân Phước, 5.3.2000 là đúng 356 năm.
 (2) Tư liệu về Á Thánh Anrê Phú Yên được cha Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes)
ghi rõ trong các “bản tường trình” và tác phẩm của ngài (Hành trình và truyền
giáo, Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài…)
 (3) Nước Mặn : “Cư sở chính thức” đầu tiên của các thừa sai Dòng Tên tại
Đàng Trong. Tại nơi đây, các thừa sai chuyên chăm nghiên cứu để hình thành
chữ Quốc Ngữ. Nước Mặn hôm nay thuộc huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, là
một trong những “Trung Tâm hành hương” của giáo phận Qui Nhơn.
 (4) Dinh Chiêm : Thủ phủ của Đàng Trong vào thế kỷ 17. Nơi đây cũng có một
cư sở khác của Dòng Tên được thiết lập năm 1625. Thầy Giảng Anrê bị bắt và bị
kết án tử hình tại vùng đất nầy.
 (5) “Lấy tình yêu đáp trả tình yêu…Đem mạng sống báo đền mạng sống…” : Đó
là những lời Á Thánh Anrê Phú Yên nói cùng những người đi theo ngài trên
đường ra pháp trường.
 (6) “Trầm hương” : Tên một loại gỗ được nhắc đến trong một bài thơ bằng tiếng
Bồ được viết ngày 4.10.1644 của một tu sĩ Dòng Tên, Antonio de Torrès để tôn
vinh cuộc tử đạo anh hùng của Thầy Giảng Anrê Phú Yên.
 (7) Ngày phong Á Thánh cho thầy giảng Anrê Phú Yên : 5.3.2000 nhằm ngày 30
tháng Giêng năm Canh Thìn.



NGƯỜI PHỤ NỮ VIỆT NAM DA VÀNG
(8/3/2018)

Mấy mươi năm về trước,
Khi đất nước mình chiến tranh-nồi da xáo thịt.
Trịnh Công Sơn đã hát về em :

“Người con gái một hôm qua làng,
đi trong đêm, đêm vang ầm tiếng súng
Người con gái chợt ôm tim mình
Trên da thơm vết máu loang dần…” 

Bây giờ, khi quê hương đã không còn tiếng súng,
vẫn còn đó, những người phụ nữ Việt nam da vàng…

Là em : Trần thị Triều Tiên,
Bị người yêu chém rồi thiêu cho đến chết.

Là em : Cô giáo Nguyễn Thị Bích Thắng,
Bị nhà chồng đầy đọa
đến độ phải mượn dòng Thạch Nham để quyên sinh.

Là em : cô giáo Bùi thị Cẩm Nhung,
Bị phụ huynh bắt quỳ ngay trong giờ lên lớp…

là em : Người mẹ tảo tần Đậu Thị Thắng,
Ôm món nợ 120 triệu đồng
Cùng với con dưới chân cầu Bến Thủy vùi thân …

Là em : nơi đất khách quê người, Ngô thị Nga,
Bị siết cổ chết bởi thằng chồng Hàn Quốc…

Là em : những vị ni cô chết vì đuối nước,
Chơ vơ giữa bờ biển lạnh oái ăm !...
Vâng, mỗi ngày trên đất nước Việt nam,

Không biết còn bao nhiêu,
Người phụ nữ Việt Nam da vàng bị đọa đày, bị giết ?

Hôm nay, ngày 8 tháng 3,
Đâu đó vọng về những lời ca kết :

“Ôi cái chết đau thương vô tình
Ôi đất nước u mê ngàn năm
Em đã đến quê hương một mình,
Riêng tôi vẫn âu lo đi tìm !”

Sơn Ca Linh