BÀI THUỐC THẦN KỲ
Kịch bản văn học
Tác phẩm Kịch đoạt giải Nhất – Cuộc thi Sáng tác Văn Hóa – Nghệ Thuật Đất Mới 2017 của Tác giả Lê Quang Trạng
I. NHÂN VẬT VÀ KHUNG CẢNH KỊCH:
1. Nhân vật:
- Ông Viện trưởng Bệnh viện tâm thần. Khoảng 60 – 65 tuổi, tóc bạc, bận áo blu, đeo kính.
- Tu sinh tên Nam. Khoảng 23 – 25 tuổi. Bận áo dòng.
- 4 – 6 tu sinh nam khác. Khoảng 23 – 25 tuổi. Bận áo dòng.
- Bệnh nhân nữ mang số 26. Khoảng 50 – 60 tuổi. Bận áo đồng phục bệnh viện. Mang phù hiệu số 26 ở ngực. Đầu tóc cài hoa lá, bù xù.
- Khoảng 5 – 10 bệnh nhân khác. Nhiều độ tuổi khác nhau. Bận áo đồng phục bệnh viện. Mang phù hiệu có đề số ở ngực. Quần áo xộc xệch.
2. Khung cảnh kịch:
Sân của một bệnh viện tâm thần, ở giữa sân có một ngôi nhà nguyện nhỏ với 3 – 5 hàng ghế. Ở giữa nhà nguyện có tượng Chúa chịu nạn.
II. DIỄN BIẾN VÀ LỜI THOẠI:
CẢNH 1
Giọng đọc từ sân khấu:
Một đoàn tu sinh được Chủng viện cử đến giúp đỡ cho một Bệnh viện tâm thần do một nhóm y bác sĩ công giáo về hưu lập ra. Vị viện trưởng đón đoàn ở trước cửa bệnh viện.
Một đoàn tu sinh được Chủng viện cử đến giúp đỡ cho một Bệnh viện tâm thần do một nhóm y bác sĩ công giáo về hưu lập ra. Vị viện trưởng đón đoàn ở trước cửa bệnh viện.
Đoàn từ trong bước ra sân khấu. Vị viện trưởng bước từ trong sân khấu ra theo phía ngược lại.
Vị viện trưởng: Xin chào các quý thầy!
Các tu sinh: Xin kính chào viện trưởng.
Vị viện trưởng: Chúng tôi rất vui mừng khi các quý thầy không quản khó nhọc đến đây. Mời các thầy vào trong, nhận phòng nghĩ ngơi trước cái đã.
Các tu sinh: Dạ vâng, xin cảm ơn viện trưởng.
Các tu sinh bước theo vị viện trưởng đi vào phía trong. Vừa bước được mấy bước thì có một nữ bệnh nhân, mang số hiệu 26, đầu gắn đầy hoa lá, tay cầm một cây bông quơ quơ. Bất giác từ đâu lao đến nhóm tu sinh.
Bệnh nhân số 26: Ai đây? Các ngươi từ đâu đến vương quốc của ta?
Vị viện trưởng (khúm núm, chấp tay trước ngực, đầu cúi xuống cố ý cho không nhìn rõ mặt): Thưa quốc vương, chúng thần từ xứ xa đến lỡ đường. Xin quốc vương rộng lòng cho chúng thần tá túc qua đêm.
Bệnh nhân số 26: Ồ, thôi được, thuộc hạ đâu, đưa đám người này vào nơi nghĩ ngơi, dọn đồ ăn thức uống thật chu đáo.
Vị viện trưởng: Dạ, thuộc hạ xin kính cẩn thi hành.
Đoàn tu sinh ngơ ngác nhìn, bệnh nhân số 26 vừa tung tăng, quay mặt vừa đi vừa hát: “Ngày lấy chồng, em tưng tưng tưng tưng…” (Nhại theo bài hát “Sao em nỡ vội lấy chồng”)
Một tu sinh (tên Nguyễn Thành Nam) hỏi Vị viện trưởng: Ở đây, ai cũng phải diễn cho như thật vậy sao bác?
Vị viện trưởng: (cười, lắc đầu nhẹ): Không còn cách nào khác, thưa thầy! Nếu không diễn cho như thật, các bệnh nhân sẽ quậy lên. Mỗi lần quậy lên, đầu óc căng thẳng thì cả bệnh viện đều mất ăn mất ngủ đến cả tuần vì tiếng la hét.
Tu sinh Nam: Nhưng không có thuốc men hay cách điều trị nào hữu hiệu sao bác?
Vị viện trưởng: Các bệnh nhân ở đây đa phần là bệnh rất nặng, gia đình có hoàn cảnh éo le. Chúng tôi tuy có cố gắng điều trị, nhưng có mấy trường hợp thuộc dạng y học “bó tay”, thuốc men đã lờn; không còn cách nào khác là chiều họ, để họ dịu cơn.
Các tu sinh chăm chú lắng nghe, rồi trầm ngâm im lặng, bước đi tiếp đến khuất sang phía bên kia sân khấu.
******
CẢNH 2
Một ngôi nhà nguyện nhỏ, ở giữa sân bệnh viện. Lúc đó, có mấy bệnh nhân ngồi trong nhà nguyện, mỗi người đọc một bài kinh khác nhau, không ai giống ai. Bệnh nhân số 26 đứng thập thò ngoài nhà nguyện.
Tu sinh Nam (từ nhà nguyện bước lại gần bệnh nhân số 26): Thưa dì!... (câu nói bị ngắt ngang bởi lời của bệnh nhân số 26)
Bệnh nhân số 26: (vẻ mặt giận dữ, nhăn nhó, cau mày, quơ tay ra điệu bộ): Nhà ngươi bất kính, có biết ta là quốc vương của xứ sở này không? Mau mau cúi đầu kính cẩn.
Tu sinh Nam (từ ngơ ngác chuyển sang tự nhiên): Dạ, kính chào quốc vương. Thần là tu sinh từ xa đến đây. Mong quốc vương rộng lòng giúp đở.
Bệnh nhân số 26 (một tay lay vai tu sinh Nam): Nhà ngươi nói sao? Nhà ngươi là tu sinh? (chuyển giọng có vẽ ngạc nhiên, nói nhanh) Mà tu sinh có nghĩa là gì?
Tu sinh Nam: Dạ, thưa quốc vương. Tu sinh là người đi tu học, để phụng mệnh Chúa?
Bệnh nhân số 26 (có vẻ tò mò, nhìn thẳng vào tu sinh Nam): Nè nè, Chúa có phải là cái ông bị treo ở chỗ đó đó không (mắt quay sang nhìn về phía tượng Chúa chịu nạn ở giữa nhà nguyện)
Tu sinh Nam: Dạ, thưa phải ạ!
Bệnh nhân số 26 (kéo tu sinh lại gần, nói nhỏ): Ta quý ông ấy lắm, ta thương ông ấy lắm. Nhưng sao ông ấy lại bị treo trên đó?
Tu sinh Nam: Thưa quốc vương, vì lòng thương xót những đứa con của Người, Người đã tình nguyện chịu chết để cứu rỗi các con.
Bệnh nhân số 26 (mặt cảm động, mắt không thôi chớp, nhìn về một phía vô định): Trời ơi, lòng người cha mẹ nào mà không thương con, cha mẹ nào mà không hy sinh hết đời mình cho con. (Đổi giọng quạu quọ, hỏi dồn dập): Nhưng, nhưng các con Người có đến với Người không, chúng nó có hiếu thảo với Người không. Chúng nó có thức tỉnh không? (Vừa hỏi vừa nắm hai vai tu sinh Nam lắc mạnh)
Tu sinh Nam: Thưa quốc vương, đứa con nào của Chúa cũng hết lòng kính mến và thương yêu Người. Luôn luôn bên Người như Người đã bên chúng con. Quốc vương hãy nhìn xem, những đứa con đang về dưới chân Người để cầu nguyện, và Người đang lắng nghe, đang ban tình yêu thương cao cả của Người đến với những đứa con.
Bệnh nhân số 26 (nhìn về phía nhà nguyện): Đúng rồi, đúng rồi. Đó là những đứa con… (ôm đầu, quay quay đau đớn, cào cấu tóc tai).
Tu sinh Nam (nắm hai tay bệnh nhân số 26): Dì dì, dì ơi, bình tỉnh dì ơi. Dì có sao không dì…
Bệnh nhân số 26 (thôi vùng vẫy, mặt bình tỉnh, nhìn âu yếm, giọng từ tốn ngọt ngào nói với tu sinh Nam): Sao con cứu ta, ta vừa bị con của ta đấm đá, bỏ rơi trước cổng nhà thương điện. Con ta nói ta điên, nó muốn ta chết đi cho khuất mắt. Sao con lại cứu ta? (nói ghì mạnh giọng) Sao con lại cứu ta?
Tu sinh Nam (nhỏ nhẹ): Vì tình yêu thương của Chúa, chúng con yêu thương và nguyện cứu giúp tất cả mọi người.
Bệnh nhân số 26 (nắm lấy hai tay tu sinh Nam, vẻ van xin): Chúa ơi, con ơi, Chúa ơi, con ơi… Xin đừng bỏ rơi ta, ta buồn lắm, ta cô đơn lắm, ta lạnh lắm…. Chúa ơi, con ơi!
Tu sinh Nam: Chúa không bỏ rơi bất cứ đứa con nào của Người đâu dì ạ. Dì vào đây, vào đây.
Tu sinh Nam (nắm tay dì bước vào một băng ghế trong nhà nguyện, Bệnh nhân số 26 ngơ ngác, đi theo): Dì hãy đọc kinh với Chúa. (ngừng vài giây, nhìn Bệnh nhân số 26, bệnh nhân số 26 gật đầu. Tu sinh Nam nói tiếp) Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng.
Bệnh nhân số 26 (chấp tay giữa ngực mắt thành kính nhìn Chúa, đọc theo): Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng
Tu sinh Nam: Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.
Bệnh nhân số 26: Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.
Đèn sân khấu tắt dần, hoặc rèm từ từ kéo ngang.Vang tiếng đọc kinh bằng tiếng của bệnh nhân số 26, giọng đọc cảm động, nghẹn ngào: :
Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.
******
Giọng đọc từ trong sân khấu:
Một tuần sau…
Các bệnh nhân đang ngồi đọc kinh ở nhà nguyện. Tu sinh Nam cùng các tu sinh từ bên trong sân khấu chậm rãi bước ra, trên tay mỗi người cầm một tấm hồ sơ bệnh án.
Giọng đọc từ trong sân khấu:
Bệnh nhân số 26: Nguyễn Thị Thanh Tâm, không rõ tuổi tác và địa chỉ. Được một người dân phát hiện khi bị một thanh niên đánh đập, xua đuổi, rồi phóng xe đi mất. Được đưa vào viện ngày 20 tháng 12 năm 2010.
Các tu sinh bước ra đến giữa sân khi đọc dứt.
Bệnh nhân số 26 (ngồi phía trên quay mặt nhìn xuống. Mắt mở to, hét lớn): Minh con ơi, Minh ơi! Con ơi… (vừa nói vừa chạy nhanh ra ôm chầm lấy tu sinh Nam)
Tu sinh Nam (ban đầu ngơ ngác, hiểu ra, nhanh chóng bình tỉnh lại rồi nói): Mẹ…
Bệnh nhân số 26: Con hối hận rồi đúng không con, mẹ tin, mẹ tin mà. Mẹ không bỏ con thì con không bỏ mẹ mà. Con con, con vào đây. (níu tay tu sinh Nam) Con hãy tạ ơn Chúa và Đức Mẹ đã giúp mẹ con ta tìm lại gặp nhau. Con hãy đọc theo mẹ nè con: “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử. Amen.”
(Tu sinh Nam đọc theo. Các tu sinh khác bước vào nhà nguyện. Mỗi người nắm tay một bệnh nhân, vuốt tóc, sửa vai áo, phủi áo cho các bệnh nhân, ân cần như đối xử với người thân trong gia đình).
Tu sinh Nam (nắm tay bệnh nhân số 26, bước ra giữa sân khấu, cảm động, hát bài hát “Bông hồng cài áo”): Mẹ mẹ là dòng suối dịu hiền. Mẹ mẹ là bài hát thần tiên…
Bệnh nhân số 26 (tiếp lời hát): Là bóng mát trên cao, là mắt sáng trăng sao, là ánh
đuốc trong đêm khi lạc lối. (sau đó quay sang chấm tay lau mồ hôi ở trán cho tu sinh Nam).
(Nhạc bài hát nhỏ dần, đèn tắt dần hoặc màn khép dần dần, các nhân vật trên sân khấu vẫn y hành động cho đến khi đèn tắt hẳn hoặc màn khép kín)
******
Giọng đọc từ trong sân khấu:
Ba tháng sau…
Các tu sinh vác ba lô bước ra, các bệnh nhân đi theo. Vị viện trưởng đi trước, quay lại đứng kề các tu sinh.
Vị viện trưởng: Thật tình tôi không biết cảm ơn các thầy biết bao nhiêu cho hết (giọng nghẹn ngào, nghẹn lại). Các thầy đã dạy cho chúng tôi bài học về bài thuốc thần kỳ của Chúa, những vị thuốc chết xuất từ tình yêu thương đã chữa trị cho các bệnh nhân tưởng chừng suốt đời điên loạn, dần tỉnh táo.
Tu sinh Nam: Đó là sứ mệnh Chúa giao phó cho chúng cháu. Ông phải cảm tạ ơn Chúa mới phải. Chính tình yêu của Người đã giúp chúng ta, và giúp cho các bệnh nhân khỏi bệnh.
Bệnh nhân số 26 (từ trong đám đông bước ra):Thưa…
Tu sinh Nam (lại nắm tay bệnh nhân số 26): Thưa mẹ, con đi học, con sẽ về thăm mẹ.
Bệnh nhân số 26 (giọng nói chậm chạp, nghẹn ngào): Tối qua, là ngày con bình tĩnh nhất. Con cảm ơn thầy… Con cảm ơn thầy đã cho con tỉnh táo trở lại và con biết, con cái có the bỏ rơi con, nhưng Chúa, Chúa không bao giờ bỏ rơi con.
Tu sinh Nam (mừng rỡ nắm chặt tay bệnh nhân số 26): Dì, dì đã tỉnh hẳn rồi sao dì? Dì ơi! Con mừng lắm. (ngừng lại ba giây rồi nói tiếp, giọng chậm rãi, nhẹ nhàng) Dì, dì cho con nhận dì làm mẹ nuôi nha dì. Người mẹ đã cho con biết được tình yêu thương mới là thứ đáng giá nhất trên đời. Là bài thuốc thần kỳ mà Chúa đã ban cho loài người.
Bệnh nhân số 26 (ôm chặt lấy tu sinh Nam, giọng nghẹn ngào): Con, con của mẹ…
Các bệnh nhân khác cùng các tu sinh bịn rịn chia tay.
Giọng đọc từ trong sân khấu (ngâm thơ, chậm rãi, tình cảm; có thể phối nhạc, hoặc thổi sáo):
“Chúa đã cho con / tình yêu của người
Hơi ấm truyền cho / bao người lạc lối
Con đã tin, / dù trong đêm mưa tăm tối
Tình yêu của Người / soi sáng, / ấm / lòng con…”
*** HẾT ***
Lê Quang Trạng