Dòng sông ly biệt

Văn thơ Công giáo
(Mã số 18-034)

“Ngẫm hay muôn sự tại trời
Trời kia đã bắt làm người có thân
Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao…”
Trong buổi chiều mưa lạnh giá của tiết trời xứ Nghệ vào những ngày lập đông, ngồi miên man bên ly trà, tôi lặng nghe cụ già hàng xóm ngâm khe khẽ mấy câu thơ truyện Kiều. Nghĩ cũng tài thay cho cụ Nguyễn Du, quả là một thiên tuyệt bút khi dệt nên thân phận của một nàng Kiều với đầy sắc thái của một kiếp người.
 Ngẫm người lại nghĩ đến ta, nhớ chuyện gia đình bà Loan trong làng mà thương cô con dâu chịu cay chịu đắng suốt mấy năm trời.
Ngày thằng Bình dẫn con Xuân về ra mắt gia đình, bà Loan mẹ thằng Bình đã không thuận. Không phải vì Xuân không xinh đẹp nhưng vì Xuân là con của mụ góa ăn xin sống ở gầm cầu. Sở dĩ người ta gọi mẹ Xuân như thế là vì bà đến cái xóm này đã lâu với thân phận một người ăn xin. Hình ảnh một người phụ nữ mù dẫn đứa bé gái ngày nào cũng ngồi nơi góc chợ, đã dần quen trong ánh mắt của dân làng Văn Bảng. 
Thời gian trôi đi thật nhanh, cô bé Xuân đã trở thành một thiếu nữ rất xinh đẹp. Với đồng vốn ít ỏi chắt chiu hằng ngày của hai mẹ con, Xuân đã biết buôn bán từ mớ rau đến con tôm con cá. Dần dần cũng đủ tiền để thuê cho mẹ một căn phòng trọ khá thoải mái cho hai người.
Ngày thằng Bình chở bà Loan đi chợ cũng là ngày trái tim của nó rung động trước cô bé bán cá ngoài chợ. Nhìn nụ cười duyên với khuôn mặt thanh tú của Xuân khiến nó không sao chợp mắt ngủ. 
Rồi chuyện cũng đến tai bà Loan. Bà nhất quyết phản đối chuyện tình cảm của hai đứa. Ngày Bình dẫn Xuân về ra mắt gia đình cũng là ngày Xuân bẽ mặt trước thái độ của bà Loan.
Mới bước vào nhà Xuân đã gặp ngay mẹ của Bình.
- Dạ con chào bác!
- Cô Xuân đấy à!… Tôi nghe nói cô là con nuôi của mụ góa hầm cầu phải không?... Đũa mốc mà đòi chòi mâm son! Không hiểu sao thằng Bình nó lại thích cô được.
Xuân bước vội ra khỏi cổng nhà mặc cho Bình hết lời giải thích. Lời bà Loan vẫn cứ văng vẳng bên tai khiến Xuân khóc rất nhiều.
Một bên là tình yêu cô dành cho Bình, một bên là sĩ diện của hai mẹ con. Xuân muốn chấm dứt tình cảm với Bình nhưng không đành lòng nhìn thấy người mình yêu đau khổ.
Áp lực Bình tạo ra khiến gia đình bà Loan phải chấp nhận cho hai người cưới nhau. 
Vì thương vợ Bình đã xin ông Lục xây riêng một căn nhà trước khi hai người cưới nhau để Xuân có thể đưa mẹ về phụng dưỡng. 
Đám cưới của con ông Lục chủ tịch xã làng Quỳnh với cô bé bán cá con mụ góa hầm cầu chắc có lẽ là đám cưới lạ nhất từ trước đến nay ở cái cái đất Văn Bảng này.
Ngày cưới, mẹ của Xuân chỉ lặng lẽ treo vào cổ xuân một sợi dây màu đỏ có treo một cây Thánh giá bằng vàng. Bà chỉ thầm nói: “Hãy giữ mãi nó bên mình vì đó là kỉ vật của bố con để lại”. Xuân cố gạn hỏi mẹ bố Xuân là ai thì bà chỉ lặng lẽ mỉm cười và nói: “Sau này có cháu rồi mẹ sẽ kể”. Xuân cũng không hỏi mẹ nữa. Ai cũng thắc mắc tại sao Xuân lại đeo biểu tượng của một tín đồ Công giáo, vì chưng gia đình hai bên đều là người theo đạo Phật. 
Trong con mắt bà Loan, Xuân là nổi nhục lớn nhất mà bà phải chịu trước đám bạn bè của bà. Bà như muốn chạy trốn trước những câu hỏi thăm của mấy bà bạn trong giới nhà giàu mỗi khi họ đề cập đến Xuân, con dâu của bà.
***
Dịp hè đến bà Loan cảm thấy vui khi đám bạn rủ nhau đi chơi Quảng Bình. Bà hồ hởi chuẩn bị rất nhiều thứ cho chuyến đi chơi vì đấy là quê hương bà đã sinh ra. 
Ngày đi chơi cũng gần kề, Xuân hồ hởi vì được mẹ chồng cho đi chơi. Chuyến đi của họ gồm năm người, chỉ toàn là phụ nữ, hầu hết là đám bạn của bà Loan. 
Sau khi dùng cơm nước tại nhà tại nhà mẹ của mình, bà Loan bắt đầu hướng dẫn phái đoàn xuống thuyền của gia đình rồi tự tay bà chèo qua con sông tới khu rừng tràm rất đẹp nằm gần nhà bà. Đây cũng là dịp để bà khoe với đám bạn về tài chèo thuyền trên sông nước của bà.
Mặc cho đám bạn của mẹ chồng cười nói vui đùa, Xuân lặng lẽ thả hồn vào thiên nhiên, cô cảm nhận vẻ đẹp của phong cảnh nơi đây thật bình yên lặng lẽ. Đôi mắt cô chợt cảm thấy buồn ngủ, không hiểu sao cô lại không thể cưỡng nổi cơn buồn ngủ hôm nay, điều mà chưa bao giờ cô thấy. Ngồi nơi khoang thuyền cô ngủ lúc nào không hề hay biết. 
Khi thuyền cập bến bên rừng tram, mọi người đánh thức cô dậy nhưng cô không sao mở được mắt.
- Thôi để kệ nó ngủ… Bọn mình đi lên kia thăm phong cảnh đi!- Bà Loan khẽ tặc lưỡi nói.
Không quan tâm tới Xuân lắm cho nên đám bạn của bà Loan cũng mặc kệ cô ngủ. Bà Loan dẫn đám bạn đi sâu vào trong bãi trạm, nơi có con suối rất đẹp chảy qua, ở giữa có một đoạn khá rộng chỉ toàn đá sỏi, đây là nơi bà đã gắn liền với bao kỉ niệm tuổi thơ. Đám bạn của bà không cưỡng nổi sự cuốn hút của dòng nước dưới cái nắng mùa hè. Họ ngụp lặn dưới dòng nước mát tìm lại cảm giác tươi trẻ của tuổi xuân đã đi qua. 
Trời đã xế chiều, vứt lại bên suối mớ vỏ trái cây và mấy lon nước ngọt sau khi đã sát phạt nhau bằng những ván bài, họ trở lại thuyền để về nhà. Giật mình không thấy chiếc thuyền ở đâu. Họ cứ nghĩ Xuân thức dậy và chèo thuyền đi đâu đó. Họ chia nhau ra gọi, nhưng gọi mãi gọi hoài cũng không thấy. Bà Loan tỏ ra sốt ruột khẽ lẩm bẩm.
- Không hiểu cái con này nó chèo thuyền đi đâu nữa. Đúng là của nợ… Biết thế đừng cho nó đi.
- Ừ… Tôi đã bão bà đừng cho nó đi mà bà cứ cố tình… Giờ báo hại phải đợi đây.- Một bà trong nhóm xen vào.
- Biết thế này tôi đã cho nó ở nhà… Bực hết cả mình… Gọi điện cũng không được.
Từ thái độ bực tức họ bắt đầu chuyển sang lo lắng… Nơi đây vắng vẻ không người qua lại. Trời bắt đầu buông màn tối mà không thấy bóng dáng Xuân đâu. 
Bà Loan gọi điện cho người nhà tới, họ chia nhau ra tìm mà tuyệt nhiên không thấy bóng dáng chiếc thuyền cùng với Xuân đâu. 
Nước ở cuối hạ lưu con sông ngày càng chảy siết mạnh, đâu đó vọng lại tiếng cú kêu như oán như than. Sau mấy tiếng đồng hồ cố gắng tìm kiếm, đoàn người đành bất lực trở về trong tâm trạng lo lắng. Trong cái lo lắng của bà Loan vẫn ánh lên một niềm vui nho nhỏ nếu Xuân ra đi mãi mãi.
***
Cái tin Xuân chết khiến cho dân làng Văn Bảng đâu đâu cũng bàn tán. Thằng Bình như điên như dại trước cái chết của Xuân. 
Mẹ của Xuân, mụ góa hầm cầu, hai mắt đã mù nay nghe tin con chết đuối không tìm được xác cũng bỏ ăn bỏ uống, được hai ngày thì chết. 
Cả làng Văn Bảng ngậm ngùi trong cái cảnh tang chồng tang của hai mẹ con Xuân. Ông trời sao không có mắt để mẹ con họ phải chịu bao nhiêu đắng cay. Đến giờ chết vẫn còn chia cắt họ. 
Thằng Bình lo xong việc chôn cất cho mẹ vợ thì cứ ở một mình trong phòng. Ai gặp cũng không tiếp.
Bẵng đi một dạo người ta thấy bà Loan hay đi chùa thắp hương cúng vái. Dân làng Quỳnh được dịp, người nói ra kẻ nói vào.
Thời gian trôi đi nhanh, mới đó mà đã gần năm, chuyện gia đình Xuân cô bé bán cá con mụ Góa hầm cầu đã trôi vào quá khứ, ít ai nhắc đến. 
Không một ai nghi ngờ về cái chết của Xuân, bà Loan đã dàn xếp một cách hết sức thận trọng. Từ việc cho thuốc ngủ vào thức ăn của Xuân cho tới việc không cột dây thuyền lại khi lên bờ. Khi tất cả đám bạn của bà lên bờ, bà đã âm thầm tháo dỡ miếng nhựa nhỏ nơi góc thuyền, chỗ được chắp vá lại để chống nước vào thuyền. Bà ung dung lên bờ với kế hoạch sắp sẵn trong đầu cho một câu chuyện có hậu về cái chết của Xuân mà không ai nghi ngờ được điều gì. Mọi người chỉ nghĩ là Xuân đã chèo thuyền đi dọc bờ sông và vô tình bị úp thuyền ở cuối lưu vực nơi có dòng chảy siết khá mạnh.
Thằng Bình đã phần nào vui trở lại sau gần một năm đau khổ về cái chết của Xuân. Đám cưới được bà Loan sắp sẵn cho nó với con gái của chủ tiệm vàng được tổ chức rất lớn.
Lại nói chuyện của Xuân. Trong cơn buồn ngủ ập đến trên thuyền, Xuân vùi vào giấc ngủ sâu mà không hề hay biết chiếc thuyền đã dần trôi theo dòng nước. Nước vào thuyền mỗi lúc càng nhiều, nửa tỉnh nửa mê Xuân cảm nhận được mình đang dần chìm vào dòng nước của con sông. Miệng không thốt nên lời, Xuân chỉ khua đôi tay trong tuyệt vọng dưới làn nước lạnh đang dần nhấn chìm con thuyền. Dòng nước cuốn trôi tất cả, trong cơn tuyệt vọng đầy hoảng loạn Xuân chỉ cảm nhận mình được lôi đi bởi một sợi dây vô hình nào đó mà Xuân nắm trong tay, cho tới khi cô mê man bất tỉnh không còn biết gì nữa.

Mở mắt ra, thấy mình lạc lõng trong khu rừng tràm, Xuân không còn nhớ được điều gì nữa, trên đầu choáng váng vì hình như cô bị va đập vào chỗ nào đó trên dòng sông khiến đầu cô chảy máu. Màn đêm tĩnh mịch đầy sợ hãi, cô la hét cầu cứu mà không một ai đáp lại. Xuân lần mò tìm đường ra, Xuân cứ đi mãi đi mãi mà không biết mình đi đâu. Cô hoàn toàn  không còn nhớ được chuyện gì đã xảy ra nữa, ngay cả tên mình cô cũng chẳng còn nhớ nữa, đầu cô như một đứa trẻ lên ba sợ hãi bởi màn đêm đang vây quanh mình.
Nhìn xa xa có ánh điện đường của trung tâm khu du lịch động Phong Nha, Xuân lần theo đường mòn của ven rừng tràm đi mãi tới chân cầu dẫn sang bên kia đường nơi có ánh điện.
Xuân cứ đi, đi mãi cho tới khi mệt lã ngồi xuống bên cổng của ngôi thánh đường gần đấy, rồi ngủ thiếp đi lúc nào không biết.
Trời gần sáng, các xơ dòng Mến Thánh Giá Huế dậy đi lễ, gặp Xuân đang nằm nơi cổng nhà thờ. Các xơ thức Xuân dậy và hỏi nhưng Xuân chẳng biết gì, cô chỉ khóc, khóc như một đứa trẻ lên ba.
Thế là cuộc sống mới của Xuân nơi nhà dòng bắt đầu với vai trò của một cô bé giúp bếp cho nhà dòng. Xuân không biết mình đã có thai với Bình, bụng của cô một ngày một to lên, cô hoảng hốt không biết chuyện gì đang xảy ra với mình, vì tâm trí cô chẳng còn nhớ được gì nữa. Các xơ thì biết chuyện gì đang xảy ra với Xuân. Xuân được chuyển đến trung tâm của nhà dòng nơi dành cho các thiếu nữ lầm lỡ. 
Ngày Xuân sinh con cũng là ngày mừng kính thánh Anphongso. Ai nấy đều mừng cho Xuân sinh được đứa con trai kháu khỉnh. Cô thích thú trong mỗi giờ kinh và thánh lễ hằng ngày, không một ai biết Xuân là người theo đạo Phật, ngay chính bản thân cô, cô cũng không biết mình là người đạo Phật. Ai cũng nghĩ rằng Xuân là một người Công giáo vì trên cổ Xuân mang sợi dây có thánh giá. 
Thấm thoắt cũng đã gần một năm từ khi Xuân sinh con. Thằng bé được các xơ đặt tên là An Phong, với ý nghĩa là cơn gió bình yên, cũng là để nhớ ngày nó được chào đời. Xuân rất vui khi bé An Phong được rửa tội.
***
 Những giấc mơ về cuộc sống trước đây của Xuân ngày càng nhiều, cô dần nhớ lại tất cả những gì đã xảy ra cho cô. Các xơ thật vui mừng khi Xuân nhớ lại được những gì trong quá khứ. Giờ đây các xơ mới biết Xuân không phải là người Công giáo. Sau một năm được sống trong môi trường của nhà dòng, Xuân cảm nhận thật sâu sắc về niềm tin của người Công giáo được các xơ thể hiện qua đời sống. Xuân cảm thấy thật ghê tởm khi cô nhận ra âm mưu đằng sau của bà Loan mẹ chồng. Cô xin được rửa tội và gia nhập Hội thánh.
 Hôm đó, trong lúc bé An Phong đang chơi trong sân thì vô tình chạy thúc vào một vị khách đến thăm nhà dòng, ông là ân nhân hay giúp đỡ các xơ, thằng bé ngã lăn ra đất khóc thét lên. Ông khách ôn tồn ngồi xuống đỡ nó dậy. Xuân từ trong bếp nghe tiếng con khóc vội chạy ra. Cô đỡ con từ tay vị khách, khẽ mỉm cười cô cúi đầu xin lỗi:
- Xin lỗi ông… Thằng bé nghịch quá đã làm phiền ông.
- Không sao đâu cháu ạ… Thằng bé kháu khỉnh quá!- Ông khách đáp lời Xuân. 
Ông khách hết sức ngạc nhiên khi nhìn thấy sợi dây trên cổ Xuân và có nhã ý muốn được xem sợi dây đó. Xuân không ngần ngại tháo sợi dây khỏi cổ và trao cho vị khách.
Người đàn ông trạc ngoài năm mươi với mái tóc hoa râm cố nheo đôi mắt để đọc kĩ chữ ghi trên thánh giá. Chỉ vỏn vẹn hai kí tự K-H viết tắt tên hai người. Chữ mà Xuân chẳng biết là chữ gì vì cô không được đi học. Đôi mắt của vị khách dường như ngấn lệ:
- Từ đâu mà cháu có được sợi dây này?- Ông khách vội vã hỏi trước sự ngạc nhiên của mọi người đang đứng đấy. 
- Dạ là của mẹ cháu tặng trong ngày cháu lấy chồng. 
- Mẹ cháu tên là Hạ… Đến giờ cháu vẫn còn thắc mắc tại sao mẹ cháu lại trao cho cháu sợi dây này trong khi mẹ cháu lại là một người theo đạo Phật… Chắc ngày mai cháu sẽ về thăm mẹ… Từ hôm ra đi và bị nạn tới nay bây giờ cháu mới nhớ lại được tất cả những gì đã xảy ra cho mình. 
- Năm nay cháu bao nhiêu tuổi?- Ông khách nghẹn ngào hỏi mà không giấu được nước mắt.
- Năm nay cháu tròn hai mươi mốt tuổi. - Xuân trả lời.
- Vậy là đã hai mươi mốt năm trời cách biệt… Giờ tôi mới có cơ hội chuộc lại lỗi lầm.- Vị khách ngửa mặt lên trời cố để giọt nước mắt phải rơi xuống đất. 
Lặng một chút trong sự kinh ngạc đến nghẹt thở của mọi người đang đứng đó, Ông Khánh- tên của vị khách đó, bắt đầu kể:
- Ngày trước tôi và Hạ yêu nhau… Nhưng chỉ vì Hạ là trẻ mồ côi, lại là người đạo Phật nữa nên nhà tôi nhất quyết không cho tôi lấy Hạ… Mặc dù lúc đấy Hạ đã mang thai với tôi… Trong chuyến định cư ở Mĩ lần đó, gia đình tôi đã đưa cả tôi đi theo… Chúng tôi chia tay nhau trong nước mắt, tôi chỉ kịp đưa cho Hạ vật này làm tin và dặn: “Đến ngày nào đó tôi sẽ trở về đón mẹ con Hạ qua”. 
Khẽ hít một hơi thở thật sâu, ông Khánh chậm rãi kể tiếp:
- Bẵng đi gần mười năm tôi mới có dịp để về… Chỉ đinh ninh một điều Hạ vẫn còn ở gần Chùa Thiên Mụ như ngày trước, nên tôi vội vã đến tìm… Nhưng khi đến hỏi thăm hết người này đến người khác vẫn không biết tin tức của Hạ đâu… Tôi đau buồn trở về Mĩ khi hết kì nghỉ. Tưởng chừng như hoàn toàn tuyệt vọng không bao giờ còn được gặp lại mẹ con Hạ nữa… Về Việt Nam được hơn năm nay để làm ăn, không ngờ…
Nói đến đó ông Khánh không kìm được nước mắt nữa. Ông òa khóc như một đứa trẻ, rồi ôm chặt lấy Xuân mà khóc.
- Ba đây con… Giờ thì Ba tìm được con và mẹ rồi… Bao nhiêu năm nay Ba vẫn ở vậy để mong tìm được Hạ và con… Thứ lỗi cho Ba nhé!
Xuân đứng đấy, cô như chết lặng không còn biết phải làm gì, mặc cho những dòng nước mắt cứ chảy, không phân biệt được buồn vui tủi hận trên khóe mắt của cô. Bao nhiêu năm nay hai mẹ con Xuân đã chịu bao nhiêu cay đắng chỉ vì người đàn ông này đã không đủ can đảm để ở lại bên mẹ con Xuân. Cũng hai mươi năm người đàn ông này đã sống một mình để đợi chờ mẹ con Xuân. Giờ đây cô chẳng biết làm gì, chỉ khóc trong nổi buồn vui tủi hận. cô chỉ nghẹn ngào thốt lên được một câu: “Cháu của ba đó… Thằng An Phong đó!”. Rồi cô lại khóc nấc lên như một đứa trẻ.
Mọi người đứng chung quanh đấy không ai cầm được nước mắt trong niềm vui của bố con Xuân. Thật là một cuộc gặp gỡ hết sức bất ngờ đầy ngạc nhiên. Dường như Thiên Chúa đã an bài xếp đặt tất cả để Xuân tìm lại được người cha của mình.
- Mẹ khóc ba hoài nên đôi mắt mẹ đã không còn nhìn thấy gì nữa…- Xuân nghẹn ngào nức nở. Xuân không hề hay biết là bà Hạ đã ra đi không bao giờ trở lại sau tai nạn của Xuân mà bà cứ nghĩ là Xuân đã chết.
- Bây giờ ba sẽ đưa con về gặp mẹ… Con vào thu xếp đi rồi chúng ta sẽ đi luôn.
- Vâng, ba đợi con một chút, con vào chào quý xơ trong dòng rồi con sẽ đi ngay.
***
Chiếc xe chạy về đến làng theo hướng nhà ông chủ tịch xã rẽ vào. Xuân bước xuống xe rồi đi thẳng vào nhà, tay dắt thằng An Phong, theo sau là ông Khánh. Lúc đấy bà Loan đang ngồi trong nhà tụng kinh niệm Phật. Phải chăng bà tụng kinh niệm Phật để xóa bỏ đi cái mặc cảm tội lỗi của bà sau khi tìm cách để hại Xuân. Hay bà tụng kinh nệm Phật cho bà có cháu bế sau khi biết là con dâu bị vô sinh, Bình lại là con trai duy nhất của ông bà.
Đang ngồi tụng kinh nhìn thấy Xuân bước vào, bà như không còn tin vào mắt mình, bà bủn rủn hết chân tay, miệng nói không nên lời, bà chỉ ú ớ: 
- Con… con…
Xuân không nói gì chỉ lặng lẽ ngồi xuống.
- Vâng… Con chưa chết mẹ ạ! Ông trời còn thương mẹ con con…
Bất giác Xuân nhìn lên tường và trông thấy hình cưới của Bình với con gái chủ tiệm vàng… Nước mắt Xuân rơi xuống.
- Bạc… quá bạc anh Bình ạ! Sao lại nhanh thế!
Hai vợ chồng Bình từ trên nhà chạy xuống. Ông Lục từ sau nhà đi vào. Cả nhà tròn mắt lên ngạc nhiên.
Xuân ngồi đấy, tay ôm đứa trẻ, ngồi kế là một vị khách. 
Xuân chậm rãi nói:
 - Số tôi còn may mắn nên chưa chết sau khi ăn phải thức ăn có thuốc ngủ của bà… Bà hại tôi chìm theo chiếc thuyền chỉ vì bà ghét mẹ con tôi thân côi góa bụa. Đây… Ba tôi đây!- Xuân vừa nói vừa chỉ tay sang ông Khánh.
- Cũng nhờ vậy mà bố con tôi mới có cơ may gặp lại nhau. Giờ anh Bình đã có vợ tôi chẳng còn gì để luyến tiếc. Tôi xin phép để đón mẹ tôi… Chúng tôi sẽ không ở đây nữa.
Cả nhà đứng chết trân không nói được gì. Mãi sau Bình mới nói:
- Mẹ mất rồi em ạ… Mẹ đau buồn vì tưởng em đã mất nên bỏ ăn bỏ uống… Anh khuyên thế nào cũng không được… Mẹ đã mất gần được một năm nay. Anh hỏa táng mẹ, tro cốt vẫn còn đây… Nghĩ đợi tìm được em thì sẽ chôn cất một chỗ… Nào nghờ em vẫn còn sống… Sao em không về tìm anh, để anh ra nông nổi này?…
- Em mất trí nhớ từ khi gặp nạn tới nay mới hoàn toàn bình phục… Thôi thì duyên phận mình chỉ có thế thôi… Giờ anh đã lấy vợ, đường ai nấy đi… Em sẽ đưa mẹ đi với bố… với cả An Phong nữa… Nó là con anh đấy.- Xuân nghẹn ngào khóc nức nở. Ông Khánh cũng rơi nước mắt khi biết bà Hạ đã mất.
- Đừng bỏ anh mà đi Xuân ơi!- Bình khóc ôm chặt lấy đứa con của mình.
- Sau những gì mẹ anh gây ra cho mẹ con em thì em không thể ở lại đây được nữa… Giờ anh đã có vợ hãy chăm sóc cho cô ấy, đừng níu kéo em làm gì… Con em rứt ruột sinh ra nó sẽ theo em. 
- Anh không có con em ơi… Liên bị vô sinh…. Em làm ơn để An Phong lại để anh chăm sóc… Làm ơn đi Xuân!
- Không… Không bao giờ! Thôi chúng ta đi thôi ba…
Họ ra đi trước sự ngỡ ngàng của cả nhà bà Loan. Phải chăng đấy là một sự báo ứng.
Dân làng Văn bảng lại được dịp để bàn tán to nhỏ với nhau chuyện gia đình cái Xuân con của mụ góa hầm cầu bị bà Loan hãm hại. Ít lâu sau người ta lại thấy bà Loan như ngây như dại khi Bình uống thuốc sâu tự tử.
“Ngẫm hay muôn sự tại trời
Trời kia đã bắt làm người có thân
Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao…”