NHẬN RA CHÚA TRONG LÚC ĐAU KHỔ NHẤT
Một trong những ký ức của tôi hồi nhỏ là khi tôi nằm trong nôi kế chị tôi. Tôi nghĩ mình đã thức giấc vì lạnh. Không gian im lặng, tôi nhớ tôi đã nhìn ra ngoài cửa sổ và thấy những cành cây trơ trụi đầy tuyết trắng nổi bật giữa bầu trời màu đỏ. Căn phòng tối tăm, nhưng cửa hé mở nên thấy được vệt sáng. Tôi không nhớ lúc đó tôi có khóc hay không, nhưng tôi còn nhớ tôi cảm thấy đơn độc. Tôi muốn lúc đó có người bước vô phòng và thấy tôi đã thức. Ngay bây giờ, khi tôi đã trưởng thành, tôi cố gắng không nhớ lại cảnh đơn độc mà tôi cảm thấy hồi đó.
Đây không là lần đầu hoặc lần cuối tôi cảm thấy cô đơn và sợ sệt. Thật khó tin, nhưng tôi nhớ nhiều thứ trong thời thơ ấu của tôi, một vài điều tồi tệ hơn việc thức giấc mà không thấy ai. Có nhiều khuôn mặt và nhiều ngôi nhà đi qua cuộc đời tôi trước khi tôi có một gia đình đích thực.
Thời gian đau khổ của tôi ngắn ngủi và chắc chắn không nghiêm trọng như những người khác phải chịu. Nhưng điều đó đả xảy ra trong những năm đầu đời của tôi, chắc chắn cũng để lại dấu vết. Khi còn trẻ, tôi tránh nghĩ về quá khứ và những cuộc trò chuyện liên quan điều đó vì sẽ khiến tôi không thoải mái. Tôi cầu nguyện cho người ta, nhưng tôi không bao giờ đối mặt với ký ức khi cầu nguyện với Chúa. Tôi tin rằng Chúa sẽ yêu cầu tôi xử lý vết thương lòng trong quá khứ, nhưng cần đúng lúc.
Bây giờ, khi tôi đã có con cái, thời gian đó trở nên gần gũi hơn. Khi đứa con nằm trong nôi khóc đòi tôi, tôi phải chạy nhanh tới để nó biết có tôi đến với nó. Tôi cũng lo nó sẽ cảm thấy đơn độc như mẹ nó ngày xưa, vì tôi không có cơ hội gắn kết với ai. Tôi chưa sẵn sàng đối mặt với những điều đó, nhưng một câu hỏi được đặt ra cho tôi từ những người hướng dẫn tôi.
Khi nào Chúa Giêsu ở trong những nỗi đau khổ này? Tôi chưa bao giờ cân nhắc điều này trước khi được hỏi, nhưng điều đó khơi lại ký ức theo cách vừa ngọt ngào vừa cay đắng. Tôi không biết tại sao Thiên Chúa lại đứng bên cạnh tôi khi tôi còn là một đứa trẻ mà phải trải qua những điều đó. Tôi tìm kiếm Ngài mà không thấy theo cách thức hữu hình. Nhờ đức tin, tôi biết rằng Ngài vẫn có đó, nhưng tôi không thể giải thích lý do tại sao. Rồi tôi nhìn vào cách Chúa Giêsu chịu đau khổ.
Ngài bị treo trên Thập Giá, nhưng Ngài bị oan. Ngài là Con Thiên Chúa kia mà! Chúa Cha có thể giải thoát Ngài khỏi sự đau khổ dữ dội như vậy. Nhưng không, Đức Kitô đã bị treo trên Thập Giá ba giờ. Ngài hiện diện nơi Người Mẹ của Ngài. Ngài hiện diện nơi người môn đệ yêu dấu. Ngài hiện diện nơi bà Maria Mađalêna. Họ đứng bên chân Thập Giá và ngước nhìn Chúa Giêsu. Họ không la hét hoặc phản đối khi những chiếc đinh nhọn đâm thâu tay chân Chúa Giêsu. Trong nỗi đau khổ tột cùng, họ vẫn đứng bên Ngài để Ngài không cô đơn. Chúa Cha cũng ở đó với Ngài, khi Ngài hoàn tất sứ vụ cứu độ nhân loại.
Đó là cách Thiên Chúa chọn để hiện diện trong những niềm đau và thập giá chúng ta vác. Những nỗi đau khổ này phân cách chúng ta với Thiên Chúa, nhưng Ngài muốn chắc chắn rằng lời kêu than của chúng ta không hề vô ích. Cuộc khổ nạn, sự đóng đinh, sự chết và sự phục sinh của Đức Kitô là lời hứa mà Thiên Chúa không chỉ ở bên cạnh chúng ta, nhưng nỗi đau khổ của chúng ta sẽ là sự hướng dẫn hoàn hảo để hoàn toàn kết hiệp với Ngài. Chúa Cha chỉ yêu cầu chúng ta cố gắng nhận ra Ngài luôn hiện hữu trong những lúc đen tối nhất của cuộc đời chúng ta.
Tôi nhận thấy rằng có còn hơn không. Tôi đã bắt đầu nhận ra rằng Thiên Chúa xuất hiện trong những lúc tôi gặp khó khăn, nhưng tôi cảm thấy rằng có nhiều lúc Ngài có vẻ như không xuất hiện. Cũng có những lần tôi biết Ngài lắng nghe tôi, nhưng tôi không thể diễn tả nỗi khổ của tôi. Đó là lúc tôi nhận biết rằng tôi chỉ có thể trao mọi gánh nặng cho Lòng Thương Xót của Ngài và nhớ tới lời Ngài đã hứa với dân Ngài: “Chính Ta biết các kế hoạch Ta định làm cho các ngươi, kế hoạch thịnh vượng, chứ không phải tai ương, để các ngươi có một tương lai và một niềm hy vọng. Bấy giờ các ngươi kêu cầu Ta, các ngươi đến cầu nguyện với Ta, Ta sẽ nhận lời các ngươi. Các ngươi sẽ tìm Ta và các ngươi sẽ thấy, bởi vì các ngươi sẽ hết lòng kiếm Ta, Ta sẽ cho các ngươi được gặp” (Gr 29:11-14a).