Người dẫn ta đi -- truyện ngắn của Tam mao

Quang X Nguyen

Người dẫn ta đi


Những ngày gần tết lòng man mác. Những nỗi nhớ không tên bỗng cuộn trào về. Chiều nay gặp lại em, lòng xa xăm vời vợi. Chiều nay gặp lại em. Cả một khoảng trời kỷ niệm ùa về. Đã sáu năm rồi mà như vừa mới hôm qua. 


Ngày đó, tôi và em là những sinh viên chân ướt chân ráo lên Sài Gòn. Bơ vơ. Lạ lẫm. Cũng may là có người quen giới thiệu, tôi đến với Nhóm và gặp được em. Cùng tham gia Nhóm sinh viên Công giáo. Tình yêu của chúng tôi bắt đầu từ đó. Qua những chuyến đi, nào là vui trung thu với các bé ở miền Tây, tổ chức tặng quà dịp lễ Giáng sinh cho các em ở Tây Nguyên, tình yêu của chúng tôi càng sâu đậm thắm thiết hơn. Chúng tôi càng yêu nhau hơn khi nhận ra tình yêu mỗi đứa dành cho nhau và cho cả những phận người mà chúng tôi gặp gỡ, qua những chuyến công tác xã hội nơi Nhóm. Tình yêu và cả sự ngưỡng mộ. Có lần em trêu tôi:


- Em thấy anh có vẻ giống thầy tu rồi đấy!
- Anh mà tu à, em biết anh ghét hạng người nào nhất trên đời không?
- Hạng nào?
- Thầy tu.
- Quỷ. Coi chừng Chúa phạt cho vật ra đấy.
- Thật đấy. Hồi bé mẹ hay bảo anh đi tu. Anh mới làm “công tác tư tưởng” cho mẹ, thế là từ đó không thấy mẹ nhắc đến chuyện tu tác gì nữa.

Em cười. Rồi tựa đầu vào vai tôi: “em đùa tí thôi, anh mà làm thầy được thì em cũng thành masơ”.
Chợt nghĩ, mình mà tu được à, ngày trước cứ mỗi mẹ lần nhắc đến chuyện muốn tôi đi tu là tôi lại nổi đóa. Đâu phải cứ đi tu là tốt. Mỗi người đi đúng con đường mà Chúa muốn cho mình là hạnh phúc nhất, là tốt nhất rồi. Đi tu mà trốn đời thì càng đau khổ hơn. Ngày ấy, chỉ mười mấy tuổi mà lý lẽ được vậy, đôi khi tự khen mình, hay vì lúc đó sợ đi tu quá nên phải vận dụng hết mọi công lực? Chắc là vậy.

Tôi liếc qua em. “Em mà đi tu được á, dòng nào nhận em vào chắc các sơ sẽ ra hết”.

Em nhéo tôi một cái đau điếng. “Anh đừng có mà xiên xỏ nhá”.

Nghĩ cũng phải. Em làm sao mà tu nổi. Nếu tôi có một chút hy vọng nào đó dù nhỏ nhoi, thì với em, dứt khoát không thể. Tôi quá biết rõ cái máu “nổi loạn",  không ở yên một chỗ của em.

Thời gian thấm thoắt trôi đi. Rồi chúng tôi cũng ra trường. Hai đứa có nhiều hứa hẹn cho tương lai. Em may mắn kiếm được việc làm ở chỗ thực tập. Còn tôi vẫn chưa đi làm. Tôi muốn một lần cuối cùng trong đời sinh viên được đi mùa hè xanh với Nhóm. Em không muốn tôi đi. Em bảo bây giờ không còn là sinh viên, phải lo cho tương lai hai đứa nữa chứ. Đó là lần đầu tiên chúng tôi giận nhau. Giận thật. Tôi cũng không hiểu sao mình lại quyết định đi mùa hè xanh. Hình như cái máu kiếm tiền trong tôi đã mai một ít nhiều. Vậy là tôi đi. Còn em. Em không thèm hỏi han tôi lấy một câu.

Một chuyến mùa hè xanh định mệnh. Tôi phải nói như vậy bởi nó đã làm cuộc đời tôi đảo ngược hoàn toàn. Trước đây tôi “ghét” người đi tu bao nhiêu thì bây giờ mới nhận ra rằng, họ không trốn tránh cuộc đời mà bởi tình yêu nơi họ quá lớn. Nhìn những nữ tu sớm hôm chăm sóc những con người mà dường như số phận đã vứt họ chỏng chơ ngoài cuộc đời, tôi càng ghét con người định kiến nơi mình. Tôi, ngoài việc dạy học cho đám “mờ moi” (tiếng Bana, có nghĩa là “trẻ con”), cũng phụ các sơ lau chùi vết thương cho những người bị phong. Mới nhận ra cuộc đời này còn quá nhiều số phận đau thương. Và trên hết, vẫn còn những tình yêu đủ lớn để ôm ấp họ. Kết thúc một tháng mùa hè xanh, tôi về lại Sài Gòn. Em đã hết giận tôi rồi. Nhưng vẫn còn nhõng nhẽo. Đòi tôi phải mua thật nhiều quà ở miền Thượng thì mới bỏ qua. Tôi cười tủm tỉm. Vẫn là cô bé nhí nhảnh ngày nào. Ngẫm lại cuộc đời mình thật hạnh phúc.


Dẫu vậy mà lòng vẫn rười rượi. Ngày rời buôn làng trở về miền xuôi. Cả thầy lẫn trò rưng rức từng giọt ngắn dài. Tôi đã không kìm được nước mắt khi đám “mờ moi” cứ ôm lấy chân, nằng nặc bắt tôi ở lại. “Thầy cô khác thì về nhưng con không cho thầy về đâu”. Dùng dằng mãi, chiếc xe lam mới đưa được chúng tôi ra khỏi làng. Để lại khoảng trống vắng chênh chao. Có lẽ niềm vui chúng tôi mang đến cho các em ít hơn là nỗi buồn chúng tôi để lại. Cũng từ hôm ấy. Tự nhiên tôi cứ thẫn thờ buồn bã. Em hiểu lòng tôi. Còn chính tôi lại không hiểu nổi lòng mình. Ngày qua đi trong bao nỗi buồn không tên. Dường như cuộc sống hiện tại với những niềm vui không thể làm tôi vui. Ngay cả chính tình yêu của em. Thế rồi tôi quyết định tìm hiểu về đời tu.


Tôi nói với em về ý định của mình. Em vẫn im lặng. Em có linh tính về chuyện hôm nay. Chỉ là không nghĩ nó là thật. Giữa tôi và em có nhiều khoảng cách. Nhất là từ sau khi tôi đi mùa hè xanh về. Em chỉ nói gọn lọn một câu, “anh đi tu thì em cũng vào dòng”. Rồi em quay đi. Em khóc. Một tiếng thở dài thườn thượt. Chẳng hiều vì buồn hay vì trút được một cái gì đó nặng nề. Tôi không gặp em nữa, chỉ nhắn tin xin em để tôi tự do một thời gian. Dù sao tôi cũng chỉ là để tìm hiểu xem mình có hợp với ơn gọi tu trì hay không. Tôi nói vậy chỉ là để mong em vơi bớt đau buồn. Vậy mà em cứ nhắn tin lại cách lạnh lùng. Em sẽ vào dòng. Tôi phản đối. Tôi biết em vào đó chỉ càng bức bối, đau khổ hơn. Em bất chấp.
Tôi vào nhà thỉnh. Em cũng xin vào nhà đệ tử. Những lần tôi gọi điện qua. Em khóc. Tôi bảo em về. Em bảo thà sống đau khổ trong này còn hơn là ở ngoài mà không có tôi. Lòng tôi càng trĩu nặng, xót xa. Thôi. Kệ. Tôi đã cố hết sức rồi. Thời gian sẽ chữa lành tất cả.


Thắm thoắt năm tập cũng trôi qua. Năm tập không liên lạc với cuộc sống bến ngoài nên tôi cũng chẳng biết cuộc sống của em như thế nào. Ngày khấn tôi có gọi điện qua dòng của em, các sơ nói em đã về nhà rồi. Không tu nữa. Tôi định gọi về nhà em. Nhưng rồi lại thôi. Vết thương lòng đã nguôi ngoai thì đừng khuấy lên nữa làm gì. Ngày khấn xong, tôi phải qua tỉnh dòng ở Pháp để bắt đầu chương trình học hiến định của mình nên cũng vội vàng ra đi mà không mấy ai hay. Tôi muốn đi âm thầm.


Năm năm học xong, tôi trở về Việt Nam. Đúng dịp Nhóm sinh viên mừng lễ tất niên. Là dịp để họp mặt tất cả thành viên cựu và tân. Tôi cũng được mời. Chiều nay về gặp lại những người bạn thuở nào. Lòng bỗng lạ lùng. Nhìn những gia đình mới vui vẻ rộn ràng. Thật tuyệt vời. Chỉ như mới ngày hôm qua. Sáu năm trôi qua, nếu người ta thường xuyên gặp nhau thì khó mà nhận ra được những thay đổi. Đã sáu năm tôi chưa gặp họ. Tôi hôm nay gặp lại chỉ như vừa mới hôm qua. Những đổi thay ngỡ ngàng. Các cô cậu sinh viên ngày nào chỉ biết ăn ngủ, rồi lên nhóm quậy tưng lên. Ai ngờ hôm nay trở lại đã là những ông bố bà mẹ, vai nặng gánh cuộc đời.


Hôm nay tôi cũng gặp lại em. Thực ra dù không liên lạc nhưng tôi vẫn qua người nay người kia trong nhóm, biết được em đã lấy chồng sau hai năm rời nhà dòng. Và cũng biết gia đình nhỏ của em hôm nay cũng tề tựu về đây.

“Chào thầy ạ!” Chồng em cười hỏi thăm tôi.
Tôi lại gần bắt tay anh, hỏi thăm cả nhà rồi nựng đứa bé đang quấn lấy em: “bé dễ thương quá”
“Chào thầy đi con”. Em ngại ngùng cúi xuống nhìn bé đang mếu vì gặp người lạ.

Tôi bất chợt nhìn em. Nhưng ánh mắt em đã lẩn trốn đi đâu đó. Ngập ngừng một lúc tôi cũng phá vỡ được khoảng lặng đó, “à cả nhà mình chụp hình tiếp đi!” Em nhìn tôi nở một nụ cười e lệ dịu dàng. 

Tôi bỗng giật mình. Em đã thay đổi nhiều. Từ trong ánh mắt đó nói cho tôi biết em đã không còn là cô bé bướng bỉnh, bất chấp như ngày xưa nữa. Qua bao biến cố cuộc đời, giờ đây em đã trưởng thành. Em đã trở thành một người vợ, một người mẹ của một gia đình bé nhỏ hạnh phúc. Em cũng đã hiểu được con đường tôi đã chọn. Giữa không khí rộn ràng ồn ào của buổi tiệc tất niên, chúng tôi không trò chuyện lâu, chỉ dăm ba câu xã giao. Tôi nhận ra có một khoảng lặng đang ẩn giấu đâu đó. Khoảng lặng của những tháng ngày sinh viên với trái tim rạo rực qua năm tháng. Khoảng lặng giữa tôi và em. Khoảng lặng của sáu năm xa cách. Nhưng mạch sống thì vẫn tiếp nối. Những khoảng lặng ẩn giấu đâu đó vẫn là vỉa mạch cho dòng sự sống chảy không ngừng. Đứng từ xa nhìn gia đình nhỏ rộn ràng của em đang loay hoay với mấy kiểu chụp hình, tôi thầm cảm ơn Chúa vì mọi sự Người đã an bài, vì con đường Người đã dẫn chúng tôi đi.

Tam mao

(Tác giả gửi về BBT VTCG)