GIỜ THỨ 11
Đây là chủ đề bài giảng trong Thánh Lễ Chúa Nhật 24.9.2017 tại Giáo Xứ Công Lý, hạt Tân Định, Tổng Giáo Phận Sàigòn của cha Giuse Lê Quang Uy, DCCT, khởi đi từ bài Phúc Âm Mt 20, 1-10a. Xin ghi lại lời chia sẻ của cha như sau:
"Ông chủ vườn nho tất bật đi mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của ông vào nhiều giờ trong ngày: giờ thứ 1, giờ thứ 3, giờ thứ 6, giờ thứ 9, và giờ thứ 11, tức vào lúc 5 giờ chiều. Đến 6 giờ chiều, ông chủ vườn nho bảo người quản lý: anh gọi thợ lại và trả công cho họ, bắt đầu từ những người vào làm chót trở ngược lên. Người vào làm cuối hết được trả 1 đồng nên những người vào làm từ giờ đầu nghĩ chắc mình sẽ lãnh được 10 đồng, 8 đồng, nhưng không ngờ, họ cũng chỉ lãnh được 1 đồng.
Cứ sự thường, ai vào làm trước trả trước, làm sau trả sau, thì sẽ không có sự ganh tức. Đàng này ông chủ làm ngược lại. Chúng ta nhớ là đối tượng trong các bài dụ ngôn, đa số là Chúa Giêsu muốn nhấn đến các Kinh Sư, Thượng Tế, những người lãnh đạo trong dân Do Thái. Họ rất bực dọc khi thấy Chúa Giêsu hình như là thiên vị, là đứng hẳn về phía kẻ tội lỗi.
Chúa còn nói thẳng ra là "Tôi đến để cứu người tội lỗi. Người đau yếu mới cần thầy thuốc". Tôi là thầy thuốc. Tôi đến tôi cứu những người đau bệnh. Còn những người khỏe mạnh, những người đã ổn định đâu ra đó thì chẳng cần đến thầy thuốc. Vâng, Chúa Giêsu đứng hẳn về phía những kẻ bị mọi người khinh rẻ và kết tội. Đó là những người thu thuế, những cô gái điếm... và họ đã nẩy sinh ra ghen tức.
Con xin kể một câu chuyện chính con đã gặp, có thể minh họa cho bài Tin Mừng hôm nay:
Hồi đó, con lo mục vụ cho những người bị Siđa trong bệnh viện Hồng Bàng, nay gọi là bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. Khi đó, một cha bạn cùng Dòng, cùng lớp, đang phục vụ xa Sàigòn, một hôm nói với con: "Em có đứa cháu bị Siđa, đang điều trị giai đoạn cuối ở trong đó! Nó đạo gốc đàng hoàng. Gia đình có mấy người đi tu, mà nó bỏ đạo lâu rồi anh ơi! Bây giờ nó sắp chết, anh vào giúp nó giùm em, may ra, chứ… Bụt nhà không thiêng!" Con nhận lời ngay. Đến khi con vào tận nơi khuyên thì anh ta nằm quay mặt vào tường, đưa lưng ra ngoài. Cánh tay anh cứ phủi phủi như thế này! Con nói với anh về Chúa, về lòng nhân từ, về sự tha thứ, sự hoán cải... Con nói chuyện khoảng nửa tiếng đồng hồ, trong bụng có cầu nguyện thêm, sao cho anh ta mềm lòng mà nghe được tiếng Chúa, thế nhưng anh ta vẫn cứ lắc đầu và đưa tay đuổi…
Cuối cùng con đành phải đứng lên đi về. Khi ngang một giường bệnh gần đó thì thấy một anh bệnh nhân đang ngồi, ngồi chứ không nằm. Anh ta còn khỏe lắm. Anh ta chộp tay con kéo lại nói: "Cha ơi, tội nghiệp cha quá! Thằng đó là bạn con! Hai đứa tụi con từ Trung Tâm Trọng Điểm chuyển về đây cùng lúc. Con khỏe con ngồi, còn nó yếu quá nó nằm. Nãy giờ con nghe cha giảng cho nó, con thấy đạo hay quá, cha nói về Chúa hay quá, mà nó không thèm nghe, tội nghiệp cha! Thôi cha… rửa tội cho con đi."
Con mừng thầm trong bụng nhưng thấy đột ngột quá nên nói: "Tôi cảm ơn bạn. Việc học đạo theo Chúa đòi hỏi thời gian. Từ từ, tôi sẽ giúp anh, rồi hôm nào thuận tiện, sẽ rửa tội cho anh…" Anh ta khăng khăng: "Không, không không! Cha rửa tội cho con ngay hôm nay…" Con lại cứ cù cưa không muốn, trong bụng vẫn chưa hiểu tso anh ta lại nằng nặc đòi được rửa tội ngay?"
Lúc đó có anh y tá ở trong phòng, anh này mới kéo con ra ngoài hành lang bảo: "Cha ơi! Cha rửa tội cho thằng bé ấy đi. Mấy anh chàng Siđa này nó lạ lắm, chết lúc nào không biết! Thấy nằm bẹp như anh chàng kia mà chưa chắc chết đâu! Thôi cha rửa tội cho thằng bé này đi! Con là người Hà Tĩnh, dân Giáo Phận Vinh, cha yên tâm, con sẽ âm thầm dạy đạo cho anh ta sau, còn bây giờ cha rửa tội ngay cho nó đi! Nó xin, nó chân thành lắm đó!"
Con đành phải đồng ý. Rửa xong thấy anh ta vẫn khỏe mạnh, con mới hứa hôm sau sẽ trở lại thăm, sẽ mang cho anh ta một cuốn Tân Ước loại bỏ túi và một xâu chuỗi Mai Khôi với ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp.
Hôm sau, con trở vô thì thấy cái giường trống không, nghĩ là anh ta đi đâu đó. Anh y tá hôm qua đã hết ca trực, một anh y tá điều dưỡng khác nghe con hỏi, bảo: "Em đó nó chết đêm hôm qua rồi!"
Con bàng hoàng nhận ra là Chúa đã cho con một ơn lớn trong đời Mục Vụ, ơn được chạm đến bài Tin Mừng ngày hôm nay… Vâng, tình thương của Chúa, chính là một quan tiền dành cho tất cả chúng ta. Rất công bằng, rất công bằng, nhưng mà ở trong đó chan chứa lòng bác ái, lòng nhân từ của Thiên Chúa. Amen."
Sau bài giảng hôm ấy của cha Uy, cha chính xứ Công Lý đã cử hành Bí Tích Thánh Tẩy cho một cụ bà gần 80 tuổi. Bà nhận Thánh Têrêsa Calcutta làm bổn mạng. Bà là cô giáo thời Trung Học của cha xứ. Khi cha đi tu, ông bà có đến thăm và được cha tặng một cuốn Kinh Thánh. Sau đó, ông vượt biên và định cư tại nước Anh, rồi bà cũng sang Anh luôn.
Bà cho biết, từ xưa tới nay, hễ có điều gì khó khăn trở ngại trong cuộc sống, bà đều chạy đến Dền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp đường Kỳ Đồng, quận 3, Sàigòn, kêu cầu Mẹ giúp. Mẹ đã nhậm lời ban ơn như ý nguyện, nên bà được thúc đẩy xin vào đạo để tỏ lòng cảm tạ, tri ân Mẹ. Cụ thể là sáng ngày ông đi vượt biên cách nay mấy chục năm, bà đến với Mẹ xin cho ông đi bình an. Đêm đó, bà thấy Mẹ hiện ra cho biết ông đã được bình an. Sau đó, có tin về nhà là ông đã được một tàu Mỹ vớt rồi!
Chồng bà cách đây vài năm đã gia nhập đạo Tin Lành và ông được một mục sư giúp đỡ khi ở xứ lạ quê người. Riêng bà còn kẹt lại ở Việt Nam, khi muốn xin ơn này, ơn kia, bà vẫn nhó đến xin với Đức Mẹ ở đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Kỳ Đồng. Sau này được xuất cảnh, bà thường tìm đến kêu xin với Đức Mẹ ở Lộ Đức nước Pháp nữa.
Hôm nay thì cả hai ông bà đều về thăm Việt Nam và bà ngỏ ý xin được chính thức theo Chúa, theo Mẹ. Cha xứ Công Lý đã tặng cho ông bà một cuốn Kinh Thánh gồm cả Cựu và Tân Ước để ông bà đọc. Nếu có chỗ nào không hiểu, chỉ xem phần chú thích sẽ hiểu thôi.
Ông bà cảm ơn cha, cảm ơn cộng đoàn đã cho và được dự buổi lễ long trọng sốt sắng và đáng nhớ hôm nay tại đây. Có thể nói: bà là người được ông chủ là Thiên Chúa mời vào làm việc trong vườn nho của Ngài vào giờ thứ 11, lúc tuổi đời đã xế bóng.
Người viết được biết: Giáo sư Lê Ngọc Trụ, dạy Ngữ Học lâu năm tại Đại Học Văn Khoa và Đại học Sư Phạm Sàigòn trước năm 1975. Sau biến cố 30 tháng 4, lúc tuổi đời đã cao, giáo sư Trụ đã gia nhập Đạo Chúa, nhận Thánh Giuse làm bổn mạng. Giáo sư đã qua đời trong ơn nghĩa Chúa.
Và cách đây một năm, ngày 19.10.2016, Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh đã được Đức Giám Mục Mai Thanh Lương cử hành Bí Tích Thánh Tẩy gia nhập Đạo Công Giáo tại Nhà Thờ Saint Bonaventure Church ở Huntington Beach, California, nhận tên Thánh là Anphongsô. Ông cũng đã được lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức và Thánh Thể cùng ngày. Hiện diện trong dịp trọng đại này, có gia đình thân quyến và các bạn hữu lâu năm của ông đến từ xa, và Bác sĩ Nguyễn Ngọc Kỳ đã là người đỡ đầu. Trong Thánh Lễ đồng tế có cha Mai Khải Hoàn, cha Cao Phương Kỷ, cha Trần Đức, phó tế Chu Bình.
Xin được kể ra ở đây nhiều chi tiết về sự nghiệp lẫy lừng của Giáo sư, cho thấy một con người của Khoa học đã gặp và tin theo Chúa như thế nào.
Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh là nhà toán học, nhà khoa học không gian xuất sắc của Hoa Kỳ, lại cũng là nhà văn và nghệ sĩ. Ông từng là Đại tá Tư Lệnh Không Quân Việt Nam (1958-1962). Sau khi từ nhiệm quân vụ, ông sang Hoa Kỳ du học. Ông sinh năm 1930 tại Yên Bái, sinh viên Khoa Học Hà Nội, động viên theo học Khóa 1 Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức tháng 9.1951; thi đậu vào Trường Võ Bị Không Quân Pháp ở Salon de Provence năm 1952; và sau ba năm được huấn luyện ở Pháp và Bắc Phi, tốt nghiệp sĩ quan phi công với nhiều văn bằng đại học trước khi trở về nước phục vụ trong Quân Đội Quốc Gia. ông có bằng Tiến sĩ Khoa học Hàng không và Không gian tại Đại Học Colorado vào năm 1965, Tiến sĩ Quốc gia Toán học tại Đại Học Paris VI vào năm 1972. Ông được bầu vào Hàn Lâm Viện Quốc Gia về Hàng Không và Không Gian (Académie Nationale de l'Air et de l'Espace) của Pháp, từ 1984; và Hàn Lâm Viện Không Gian Quốc Tế (International Academy of Astronautics) từ năm 1986.
Trong suốt 20 năm (1979-1999) ông là phó chủ bút đặc trách môn Cơ Học Vũ Trụ (Astrodynamics) cho nguyệt san Acta Astronautica là tờ báo khoa học chính thức của Hàn Lâm Viện Không Gian Quốc Tế. Năm 1986, ông là viện sĩ chính thức của Viện Hàn lâm Không gian Quốc tế (International Academy of Astronautics). Năm 1998, khi về hưu, ông được Hội đồng Quản trị (Board of Regents) tại Đại học Michigan phong tặng chức Giáo sư danh dự vì công lao đóng góp cho khoa học và giáo dục. Trong nhiều năm ông đã được tham gia thuyết trình thỉnh giảng tại rất nhiều đại học lớn cũng như hội nghị quốc tế khắp nơi trên thế giới bao gồm Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Áo, Đức, Ý, Hoà Lan, Thụy Sĩ, Na Uy, Thụy Điển, Hungary, Israel, Nhật, Trung Quốc, Đài Loan và Úc.
Về văn học, ông lấy bút hiệu Toàn Phong và là tác giả cuốn sách "Đời Phi Công", một best seller và được giải thưởng Văn Chương Toàn Quốc năm 1961. Ông cũng là tác giả cuốn "Gương Danh Tướng" do bộ Quốc phòng in năm 1957 và tập tùy bút "Theo Ánh Tinh Cầu" do nhà sách Đại Nam xuất bản năm 1990. Khi còn trong quân đội, Toàn Phong đã viết bốn cuốn "Sách giáo khoa Toán học" bằng tiếng Việt được Bộ Quốc Gia Giáo Dục Việt Nam xuất bản. Ngoài ra ông đã viết hàng trăm tiểu luận về toán, về động học không gian và tối ưu hóa quỹ đạo…
Không rõ cơ duyên nào mà vị giáo sư tài ba này đã được gặp và theo Chúa, rồi chịu Bí Tích Thánh Tẩy và Thêm Sức vào lúc tuổi đời đã quá cao, 86 (1930- 2016). Có thể nói, giống như anh bệnh nhân Siđa trong câu chuyện của cha Uy kể trên, như cô giáo ngày xưa của cha chính xứ Công Lý, ông Nguyễn Xuân Vinh cũng là một người thợ được tuyển chọn làm vườn nho Chúa vào… giờ thứ 11.
THẠCH VINH
Ephata 778
Ephata 778