Đồng hành cùng các gia đình trẻ: "Hãy tàn nhẫn đi em"

Quang X Nguyen

ĐỒNG HÀNH CÙNG CÁC GIA ĐÌNH TRẺ
“HÃY TÀN NHẪN ĐI EM”


Chúng ta vui mừng vì Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã và đang rất quan tâm đến đời sống gia đình của con cái mình. Sự quan tâm ấy hẳn là chính đáng, vì gia đình là một tế bào cơ bản trong thân thể Giáo Hội. Các Gia đình có thánh thiện, có bình an hạnh phúc, có đích thực là một mái ấm, có đích thực là một Hội Thánh Thu Nhỏ, đích thực là một cộng đoàn sống Tin Mừng, thì mới mong có những Giáo Xứ vững mạnh sức sống của Chúa Kitô.


Nếu ở ngàn năm thứ hai, Giáo Hội đặc biệt chú trọng đến vai trò của Giáo Sĩ, của các Linh Mục trong việc xây dựng Nước Thiên Chúa tại trần gian này, thì nay, ngàn năm thứ ba, cái nhìn của Giáo Hội thực sự chú trọng đến đời sống chứng tá của các Giáo Dân, mà trong đó, đời sống các Gia Đình Công Giáo của các Giáo Dân chính là Lời Chứng hùng hồn nhất vê Tin Mừng Cứu Rỗi. Các Giáo Sĩ, các Linh Mục coi xứ, giờ đây, trở về với sứ vụ căn cốt của mình là những mục tử dẫn dắt đoàn chiên đến nguồn ân sủng Bí Tích, hướng dẫn đoàn chiên sống và làm việc theo mẫu gương của Mục Tử Giêsu, đi tìm con chiên lạc, băng bó con chiên bị thương tích, mở cửa chuồng chiên mà đón con chiên trở về.


Trước một đoàn chiên Việt Nam đông đảo đang phải sống lăn lộn giữa đời, phải lo toan những chuyện ở đời để có cái sống phần xác, còn phải giữ lòng mình sao cho thanh thoát, cho khỏi vướng nhiễm mùi tục lụy, khỏi vướng mê muội những thứ làm hư đời sống Công Giáo, hỏng tinh thần Kitô hữu, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã nhận thấy cuộc sống gia đình luôn phải đối diện với những khó khăn và thách đố. Điều đáng mừng là nhiều gia đình Công Giáo đứng vững, trong đó có gia đình trẻ. Nhưng điều lo ngại lớn hơn là còn không ít gia đình Công Giáo đã buông xuôi theo những trào lưu xã hội, làm mất giá trị của Hôn Nhân Công Giáo, phần lớn là các gia trình trẻ.

Số 2, Thư chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam gửi dân Chúa, viết:

Trong năm 2018, chúng tôi đề nghị anh chị em tiếp tục quan tâm đến Mục Vụ Gia Đình, với điểm nhấn là: “đồng hành với các gia đình trẻ”.

Mặc dù có nhiều thách đố và khó khăn trong đời sống gia đình, vẫn có những chứng từ tốt đẹp nơi nhiều cặp vợ chồng trẻ Công Giáo. Họ chấp nhận những hy sinh lớn lao, vượt qua mọi khó khăn thử thách để sống trung thành với giao ước hôn nhân. Nhiều cặp vợ chồng đã can đảm giữ mầm sống trong mọi hoàn cảnh. Có những đôi bạn chấp nhận tình trạng son sẻ suốt đời, vượt qua cám dỗ muốn sử dụng những phương pháp trợ giúp Giáo Hội không cho phép, đồng thời đón nhận và thực thi tình phụ mẫu thiêng liêng qua việc đảm nhận những hoạt động tông đồ, bác ái xã hội với lòng nhiệt thành hân hoan. Nhiều bậc cha mẹ dù nghèo về kinh tế, vẫn cố gắng chu toàn bổn phận chăm lo cho con cái được giáo dục toàn diện về thể dục, trí dục, cũng như đức dục và tâm linh.

Tuy vậy, phải nhìn nhận rằng do ảnh hưởng trào lưu hưởng thụ, sống ảo, sống gấp và quan niệm lệch lạc về hôn nhân, một số không nhỏ những tiêu cực vẫn tồn tại và có nguy cơ phát triển, ngay trong cộng đồng Công Giáo như: phá thai, sống thử, kết hợp đồng tính, ly dị, lựa chọn giới tính. Những hiện tượng này đang làm mất đi những giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam, đi ngược lại với ý muốn của Đấng Tạo Hoá, để lại những hậu quả nghiêm trọng cho thế hệ mới.

Thiết nghĩ, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã nghiên cứu sát sườn về đời sống của các gia đình, đặc biệt, các gia đình trẻ, nghĩa là, những người làm công tác chăn dắt đoàn chiên mình, đang biết rất rõ hoàn cảnh sống và cuộc sống của đoàn chiên mình. Hoàn cảnh sống có ảnh hưởng ắt nhiên đến cuộc sống. Ai, gia đình nào, được trang bị đầy đủ về ý thức đạo đức Công Giáo, về hiểu biết tín lý, luân lý công giáo, và nhất là ý thức và lòng mến đời sống chứng tá Tin Mừng, thì hẳn sẽ anh dũng mà lội ngược dòng đời, lội người dòng những trào lưu xã hội đang làm băng hoại giá trị hôn nhân và gia đình. Còn ngược lại, ai không được trang bị đầy đủ những vốn liếng cần thiết ấy, hẳn nhiên sẽ dễ dàng buông xuôi theo dòng hơn.


Ai, gia đình nào, được trang bị đầy đủ về ý thức đạo đức Công Giáo, về hiểu biết tín lý, luân lý công giáo, và nhất là ý thức và lòng mến đời sống chứng tá Tin Mừng, thì hẳn sẽ anh dũng mà lội ngược dòng đời, lội người dòng những trào lưu xã hội đang làm băng hoại giá trị hôn nhân và gia đình.


Để đồng hành với các gia đình trẻ, hẳn chúng ta phải tìm hiểu hoàn cảnh xã hội mà gia đình trẻ đang phải sống chung, đang phải chiến đấu và làm chứng cho một Đức Tin vào Thiên Chúa. Hoàn cảnh như thế nào mà Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cho là “khó khăn và thách đố”. Vâng, tại đất nước Việt Nam này, chúng ta có thể dừng lại đôi chút để nhìn thấy một hoàn cảnh xã hội đáng thương, một hoàn cảnh xã hội đáng quan ngại, vì đã báo động nguy cơ bùng nổ theo cấp số nhân cái chiều hướng hạ đẳng làm ảnh hưởng đến đời sống luân lý đạo đức của toàn cộng đồng.

Đa số các bạn trẻ được giáo dục trong môi trường xã hội chủ nghĩa. Đã hơn 40 năm rồi mà bài học về nguồn gốc con người bởi con khỉ tiến hóa mà thành vẫn còn được dạy cho các em. Đã hơn 40 năm rồi mà những chuyện bài xích niềm tin vào Thiên Chúa vẫn còn nhan nhản trong các tiết học. Đã hơn 40 năm rồi mà Thiên Chúa vẫn chưa được cấp phép xuất hiện ở nhà trường. Đã hơn 40 năm rồi mà tự do tín ngưỡng vẫn là tự do tin, và tự do không tin, lại có thêm loại tự do đàn áp, bôi nhọ, bài xích, chế diễu, xúc phạm.

Chuyện tại một đêm diễn thời trang tối ngày 8.10.2017 tại Fame Club Hoàn Kiếm Hà Nội gần đây chẳng hạn. Một số nam nữ người mẫu diễn thời trang, nhại khăn lúp của Nữ Tu, nhại cổ cole của Linh Mục Công Giáo, cùng với Thánh Giá Chúa Kitô trên tấm thân người nõn nà khiêu gợi, vỏn vẹn chỉ mấy tấm vải che thân. Văn hóa thời trang hiện nay là như vậy đó sao? Văn hóa hay tha hóa? Làm cho đẹp hay đánh mất đi cái đẹp. Cái đẹp nết na, kín đáo của người phụ nữ Việt Nam tự nghìn xưa nay đã không còn nữa, đến nỗi, kể cả bà già 50 mươi tuổi cũng còn mang cái quần đùi sát háng như con nít, còn khoe cả vòng một vòng hai. Để mà chi? Để cho mọi người biết tôi cũng thích show hàng như vậy đó, ai cần thì có ngay! Hay vì lý do là phải trở về với nguồn cội của con người là loài khỉ ăn lông ở lỗ như vậy mới là loài người có hiếu thảo với tổ tông?


Vâng, bởi cái giáo dục vô thần duy vật ấy, mà một đại bộ phận quan trọng trong cộng đồng đang sống theo cái cách cốt đột của những chú khỉ hơn là những con người tiến hóa: sống theo bản năng của con vật không có lý trí, hoặc người ta cố tình bỏ cái lý trí đi, để sống theo cách của con vật, chủ yếu là để thỏa mãn cái nhu cầu của thân xác mình. Ý thức hệ duy vật, vô thần định hướng cho con người ta sống như thế đó. Người ta tưởng không tin có Thiên Chúa, và cho rằng cách sống duy chỉ vật chất là văn hóa, là văn minh, là mới mẻ, thực ra đó là một cách sống hạ đẳng, cách sống của những con thú vật nhiều hơn là của con người.

Vậy mà goi là văn hóa sao được?

Nếu văn hóa là làm cho ra tốt, cho ra đẹp, thì thiết tưởng, nhiều chuyện văn hóa thời nay, phải gọi là cái tha hóa, mới đúng, vì nó chẳng làm cho con người ra tốt, ra đẹp, mà lại làm mất đi vẻ đẹp, mất đi sự thiện hảo của con người đích thực. Chúng ta có thể thấy nhan nhản những chuyện thời nay của tuổi trẻ thời đại… HCM, của những “búp măng non lớn lên trong mùa cách mạng, “sướng vui” có đảng tiền phong”… bị tiêm nhiễm cách sống của hỗn độn những thứ tha hóa mà ung dung hãnh diện cho là văn hóa.


Chuyện yêu đương của các em thời nay hầu hết nhắm ngay tới việc sống thử. Làm thử chuyện vợ chồng – Nhà Nước cho phép kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn, nhà trọ, từ thành phố tới tận thôn quê. Người kinh doanh có lợi nhuận. Mục đích nhà nghỉ cho khách qua đường thì ít, mà cho trẻ con khám phá chuyện người lớn thì nhiều, cho người lớn có điều kiện ngoại tình, thỏa mãn ngoài hôn nhân thì nhiều. Mọi người có điều kiện để thỏa mãn tính dục, mà thời này người ta gọi là “tỏ bày tình yêu” cách văn hóa, không ai được cấm đoán.

Đủ mọi thành phần trong xã hội từ quan to xuống đến quan bé, quan y tế, quan giáo dục, quan văn hóa đủ mọi loại quan đều có thể hưởng thụ cái chuyện xác thịt của mình cách an toàn. Không kể nam giới, mà ngay nữ giới cũng tha thiết thèm thuồng chuyện tìm lại chính mình sau một thời bị nhốt trong cái khung luân thường đạo lý. Các em gái và cả phụ nữ thời nay ra vẻ dễ dàng với cái chuyện xác thịt ấy. Có những em gái mới có lớp 6, lớp 7 đã biết đủ chuyện chỉ dành riêng cho vợ chồng. Chúng biết sử dụng luôn cả các loại thuốc tránh thai, que thử thai, và biết luôn chỗ để can thiệp phá thai.

Xã hội duy vật không những hỗ trợ con người thời này bằng đủ mọi cách, mà còn cổ xúy cho một cuộc sống tha hóa, mà họ cho là văn hóa. Gia đình có hai con là có văn hóa!?! Không muốn có con thứ ba với vợ mình với chồng mình thì cứ ào ào đi ra ngoài tìm nơi hưởng lạc. Bao cao su, gel bôi trơn, thuốc kích dục, và các thứ hỗ trợ cho chuyện xác thịt bày bán khắp nơi. Ngay cả từ “bôi trơn” được sử dụng trên mặt báo trên tivi trên mạng truyền thông mà chẳng thấy gớm ghiếc gì, dành cho chuyện “làm thủ tục bôi trơn ông lớn bằng tiền đút lót”. Thế thì còn gì để nói! Chuyện đi hát, đi nhảy tự do nắm tay người này, tự do nhảy với người kia, tự do dụng chạm, tự do hôn hít, cả tự do những chuyện ngoài luồng.

Có người hỏi tại sao các vũ trường, quán cà phê, karaoke, massage… trá hình nhan nhản, và cả những người làm nghề kinh doanh bằng cái vốn tự có cũng đầy dãy, mà chính quyền không triệt để tiêu trừ đi. Nhưng câu trả lời của những người nghiên cứu xã hội cho rằng: Họ “vừa triệt vừa để”, vì nếu triệt đi luôn thì chẳng có nhà tù nào nào mà giam cho hết những tội phạm hiếp dâm, ấu dâm, loạn luân cả, cũng chẳng có Bộ Lao Động nào giải quyết công ăn việc làm cho hết ngần ấy con người sống bằng "vốn tự có". Hơn nữa, “vừa triệt vừa để” mới có lợi nhuận cho nhiều người, và cả lợi nhuận cho Nhà Nước.

Như thế đó, con người thời nay đã được giáo dục nghiêng hẳn về phía được tự do hưởng thụ cái xác thịt của mình. Và nó đã thành nếp sống của những cá nhân, của nhiều cá nhân, và của nhiều thành phần xã hội. Vì nếp sống ấy nên sinh ra những nhu cầu mà xã hội phải giải quyết, và tràn ngập những chuyện hư đời kia cứ nghiễm nhiên tồn tại. Thật đáng tiếc! Thật đáng thương cho những gia đình trẻ Công Giáo đang phải sống, phải đối diện với đầy dẫy những cám dỗ, có nguy cơ làm phương hại đến những giá trị căn bản thánh thiện của hôn nhân: mất niềm tin vào Thiên Chúa vô hình, đặt niềm tin vào những lạc thú, không giữ lòng chung thủy với vợ chồng vì quá nghiêng về đời sống tính dục, đời sống duy vật.


Một mảng khác của hoàn cảnh xã hội hôm nay là chuyện thất nghiệp. Thất nghiệp do bởi làm biếng, nhếch nhác cũng có, mà do việc làm không đủ cung ứng cho con dân cũng có. Tôi không chủ trương đổ thừa cho xã hội thiếu việc làm, tôi muốn quy trách nhiệm cho người trẻ không tha thiết với việc kiếm sống, không quý việc nhỏ, mà ảo tưởng việc lớn, không tập sống kham khổ, mà chỉ muốn sướng cái bản thân. Đã có biết bao bạn trẻ vì không chuộng việc làm, không ham làm việc, không khôn ngoan sử dụng thì giờ của Chúa ban nên đã sa đà vào con đường hư hỏng: trộm cắp, gian lận, ngáo đá, ma túy, thuốc lắc, cuộc sống bầy đàn. Có những nhóm nhỏ sống với nhau, không tương lai không ngày mai, không hôn nhân gia đình, cứ thoải mái sống với nhau như những con vật. Cha mẹ nào không đau lòng khi biết tin con mình sa đà vào cuộc sống bầy đàn ăn chơi hút chích tự do quan hệ tính dục. Kết quả là phạm tội, phạm pháp, tù tội, nô lệ.


Những nhóm trẻ tội phạm bị bắt ở tù, là để cải tạo cho nên người đàng hoàng, nhưng lại chính là một gánh nặng cho xã hội. Tiền của ở đâu mà nuôi những con người ấy, chi bằng, Nhà Nước sử dụng chính cái bản chất giang hồ du côn của họ, sử dụng chính cái chất máu lạnh của họ mà làm các việc không công cho chính phủ, có lợi cho chính phủ: cho chúng trà trộn vào đoàn người biểu tình để dẹp biểu tình, chẳng hạn, cho chúng trà trộn trong dân để thực hiện những cuộc đàn áp tôn giáo, để đấm vào mặt những ai tỏ ra bất bình với các chủ trương của Nhà Nước hay lên tiếng la ó, có âm mưu phản động, chẳng hạn.

Trời đất ơi, những bạn trẻ ấy có còn là con người nữa không, hay vì lầm lỡ, mà bây giờ trở nên một thứ công cụ của chế độ, để bảo vệ sự sống còn của chế độ? Một cô vợ tâm sự: “Chồng em lấy em về. Sáu tháng sau, em sinh. Tất cả mọi chuyện nhờ gia đình ngoại. Ảnh tà tà phây phây chẳng làm việc gì. Thêm cái cá độ bóng đá. Nợ người ta. Người ta đòi. Đánh lộn. Bị bắt. Ở tù… Em có thấy ảnh trên video clip đàn áp biểu tình. Lòng em đau như cắt. Con đã hai tuổi rồi. Em phải bỏ ảnh thôi”. Có đáng quan ngại cho những đôi vợ chồng trẻ không có công ăn việc làm ổn định, lại bị rủ rê sa lầy vào những băng nhóm tội phạm như thế không? Có đáng thương cho những người trẻ lấy vợ lấy chồng rồi, có con cái rồi, mà chẳng biết hôn nhân và gia đình là thế nào cả không?


Có những đôi vợ chồng trẻ có vẻ hạnh phúc bên nhau những ngày đầu, nhưng không bao lâu, đã có mầm mống của sự rạn nứt, bởi vì họ quá lệ thuộc vào phương tiện tiện nghi. Những nhu cầu vật chất tiện nghi trong nhà mang tính đua đòi cho bằng người, mà không lường khả năng làm kinh tế của vợ chồng, lại trở nên nguyên nhân của những đổ vỡ. Nhiều người trẻ quen sống đầy đủ, thoải mái, muốn gì được nấy, không chấp nhận nổi một cuộc sống thiếu thốn, thua thiệt. Họ có những nhu cầu về phương tiện, tiện nghi, nhưng không biết nhu cầu nào là thực sự chính đáng. Bởi vậy họ muốn đạt cho bằng được những nhu cầu không cần thiết, nếu không nói là vô bổ.


Gần đây, chúng ta có thể thấy xuất hiện hàng loạt ngân hàng cho vay không cần thế chấp, chỉ cần chứng minh nhân dân, được quảng cáo giới thiệu ngay trong tin nhắn điện thoại. Vợ cần tiền mua sắm nữ trang, làm đẹp, thời trang, chồng không lo đủ, cũng không sao, đã có những ngân hàng ma lo từ a đến z. Chồng cần tiền ăn chơi bên ngoài, đánh bài, cá độ, vợ không chi nổi, cũng không lo, đã có ngân hàng ma lo từ a đến z… Thế là phần vợ, vợ lặng thinh vay. Phần chồng, chồng kín đáo mượn. Cả hai cùng vay để sống cho thỏa mãn cái ảo vọng của mình. Ai dám biết những ngân hàng ma ấy là chủ trương của ai, nhưng khi vay thì dễ dàng, khi không kịp trả thì hãy cẩn thận, có cả một lực lượng xiết nợ không thương tiếc. Dĩ nhiên là người vay phải phát mãi cả nhà cửa tài sản, bất động sản.

Trắng tay ắt phải chia tay. Có phải là hoàn cảnh xã hội kinh tế hôm nay như một cái bẫy mà nếu các đôi vợ chồng trẻ không cảnh giác, không khôn ngoan tỉnh táo, thì sẽ vướng vào ngay. Và khi đã vướng vào, thì ôi thôi, không còn gì để mất, cả hạnh phúc gia đình cũng phải tan bay. Thật đáng thương cho các đôi bạn trẻ!

Trở lại với nhận định của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam rằng có nhiều thách đố và khó khăn trong đời sống gia đình… do ảnh hưởng trào lưu hưởng thụ, sống ảo, sống gấp và quan niệm lệch lạc về hôn nhân, phá thai, sống thử, kết hợp đồng tính, ly dị, lựa chọn giới tính…


Chúng ta thấy nhận định là chung chung, nhưng khi phân tích sơ sơ một vòng hoàn cảnh xã hội hôm nay thì thấy các Đấng đã nhận định thật chính xác. Nếu các bạn trẻ trong các gia đình trẻ cũng được giáo dục và tiêm nhiễm lối sống của duy vật vô thần như mọi người, thì hoàn cảnh này lại là hoàn cảnh quá dễ dãi thoải mái và quá ư là lý tưởng chứ phải khó khăn thách đố gì đâu. Muốn yêu thì yêu. Muốn lấy nhau thì lấy. Muốn bỏ nhau thì cứ bỏ, có gì mà phải thách đố hay khó khăn?


Nhưng không, họ gặp “khó khăn và thách đố” vì họ phải ý thức mình là người Công Giáo: Họ phải là những người Công Giáo sống đời sống Hôn Nhân Công Giáo với những giá trị thiêng thánh. Họ phải thực sự là những người có văn hóa, họ không thể có cuộc sống tha hóa như những người khác được. Họ phải một vợ một chồng, chung thủy, khiết tịnh. Họ phải xây dựng hạnh phúc gia đình trên nền tảng sống Tin Mừng. Vâng, có như thế thì họ mới thực sự là một gia đình hạnh phúc, và trở nên men muối cho cuộc đời.


Số 3 thư Hội Đồng Giám Mục Việt Nam gửi Dân Chúa mời gọi các gia đình trẻ hãy trân trọng giữ gìn và phát huy giá trị của Hôn Nhân Công Giáo, mời gọi các Mục Tử và mọi thành phần Dân Chúa đồng hành và giúp đỡ các gia đình xây dựng hạnh phúc. Mục vụ gia đình. Mục vụ hôn nhân không chỉ dừng lại ở khoá chuẩn bị nhưng phải đồng hành với các đôi vợ chồng trẻ trong những năm tiếp theo, bằng cách giúp họ hiểu rằng:
- Hôn nhân là một hành trình dài, trong đó mỗi người phải gạt đi những ảo tưởng để đón nhận bạn đời của mình như họ là, cùng nhau nên hoàn thiện hơn mỗi ngày;
- Hành trình này đòi hỏi sự kiên nhẫn, hiểu biết, hy sinh và quảng đại;
- Hành trình đó giúp đôi bạn đào sâu và làm phong phú hơn quyết định của họ khi bước vào đời sống hôn nhân (Niềm vui của tình yêu, số 223).


Đó là mời gọi của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Còn tôi, tôi muốn thưa các ban trẻ rằng, để bào đảm cho được hạnh phúc gia đình Công Giáo trước một hoàn cảnh xã hội vô thần duy vật, xin các bạn hãy tập từ buông bỏ đến tàn nhẫn. Hãy buông bỏ những điều bất chính. Hãy quyết liệt buông bỏ bằng cách đối xử tàn nhẫn với những điều có thể dẫn ta đến đời sống bất chính. Chính Chúa Giêsu rất quyết liệt với việc bảo vệ đức công chính của mỗi chúng ta, và xét cần hãy “tàn nhẫn” với chính mình, để bảo đảm sự sống đời đời:

“Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt. Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hoả ngục, Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục, nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt”. (Mc 9, 43-48)

Chúa Giêsu không dạy ta hãy có một chút tàn nhẫn mà không thương tiếc đấy sao? Chặt tay, chặt chân, móc mắt… một thái độ rất dứt khoát, rất tàn nhẫn với những gì có thể dẫn chúng ta tới điều bất chính, tới tội lỗi.


Bởi vậy, để giúp các bạn trẻ sống đời sống Hôn Nhân Gia Đình được trọn vẹn hạnh phúc trong tinh thần Công Giáo, giữa thời đại hôm nay, chúng ta hãy tha thiết kêu mời họ:

- Hãy tàn nhẫn đi. Tàn nhẫn với lòng kiêu căng vô độ của chính mình. Hãy chặt đứt cái kiêu ngạo vô thần, làm cho mình không tin có Thiên Chúa, làm cho mình không mời Chúa đến nhà, làm cho mình không giữ Chúa ở lại trong hôn nhân, trong gia đình. Hãy chặt đứt lòng kiêu ngạo ấy đi. Hãy móc con mắt ỷ lại vào sức của mình đi. Bởi nó đã làm cho mình không trông cậy vào Chúa, mà cứ cắm cúi trông cậy vào tiền bạc, vào sắc đẹp, vào phương tiện, vào nhục dục mà thôi.

- Hãy tàn nhẫn với những điều bất chính đi. Đừng nuông chiều nó nữa. Cũng hãy tàn nhẫn với tất cả những gì có thể dẫn chúng ta tới con đường bất chính, tội lỗi đi.

- Hãy tàn nhẫn với những nhu cầu vượt quá khả năng của mình đi. Hãy tập sống đơn sơ đi. Đừng ảo tưởng nhưng hãy thực tế chấp nhận vui vẻ cảnh sống khó nghèo với lòng tin tưởng cậy trông.

- Hãy tàn nhẫn với cái thói vũ phu của mình đi. Đừng tự cho mình cái quyền sửa phạt vợ con bằng nắm đấm, bằng dao búa. Hãy tàn nhẫn với cái thói đay nghiến chồng mình, cái tật so bì nhà mình với nhà người ta. Hãy tàn nhẫn với cái bệnh đứng núi này trông núi nọ, thờ ơ với nó đi, tàn nhẫn với nó đi, cho nó chết luôn đi, để chỉ còn một đôi ta gói với nhau nên một ngọn núi ân tình.

- Hãy tàn nhẫn với phấn son đắt tiền, với cái trau chuốt quá đáng cho nhan sắc của mình khi ra giữa phố chợ. Hãy tàn nhẫn với cái thời trang hở hang của mình. Đừng nuông chiều một loại sắc đẹp phô trương những đường cong của thân xác. Để có được sắc đẹp ấy, có thể các chị, các em phải tốn cả hằng trăm triệu, nhưng nên nhớ rằng, đó là loại sắc đẹp rẻ tiền vô bổ trong mắt những người khôn ngoan.

- Hãy tàn nhẫn với chiếc điện thoại thông minh. Đừng o bế nó, rồi làm tôi mọi cho nó. Không tàn nhẫn với nó, thì phải giấu cất chỗ này, phải di tản sang chỗ kia, phải yêu cầu vợ mình, chồng mình tôn trọng cái riêng tư trong chiếc điện thoại của mình. Có anh chồng tâm sự với vợ: “Tôn trọng em, thì anh cũng tôn trọng chiếc điện thoại của em, dĩ nhiên rồi em à! Nhưng liệu em có đủ khôn ngoan mà tránh khỏi bẫy tình của anh chàng u bắp vai vế nở nang khỏe mạnh kia không? Em biết anh ốm yếu mà! Tốt hơn là em hãy tàn nhẫn với nó, để giữ hạnh phúc với anh”.

- Hãy tàn nhẫn với cá độ bóng đá, bài bạc, rược chè, và những thứ thú vui rẻ tiền vô bổ đi. Đừng sợ mất lòng thằng bạn cá độ bóng đá, hãy sợ mất lòng vợ mình. Đừng sợ mất lòng đám bạn nhậu la cà say xỉn, hãy sợ mất lòng người vợ yêu dấu đang lặng lẽ nhìn đồng hồ thao thức trằn trọc suốt những đêm khuya.

- Hãy tàn nhẫn với cái ý thích hướng ngoại. Tàn nhẫn với sàn nhảy. Tàn nhẫn với những cuộc vui thâu đêm suốt sáng. Đừng sợ mất lòng anh bạn nhảy với mình như một cặp đôi hoàn hảo, nhưng hãy sợ mất người chồng đích thực hoàn hảo của mình đang ở nhà đi ra đi vào mềm môi nối những điếu thuốc buồn vô tận.

- Hãy tàn nhẫn với cô hàng xóm xinh đẹp dễ thương hơn vợ mình ở nhà đi! Cũng hãy tàn nhẫn với anh chàng lịch sự điển trai lúc nào cũng dành cho mình lời ngon lời ngọt hơn là thằng chồng khó tính của mình ở nhà đi. Đừng thấy chồng người ta chết mà nguyền rủa chồng mình: “Thấy chồng người ta chết mà ham, còn ông sao không chịu chết quách đi cho tôi nhờ?” Cũng đừng thấy vợ người ta nói ngọt nói ngào cười ngả cười nghiêng đú đởn mà đay nghiến vợ mình rằng: "Tui chẳng thấy khi nào bà lãng mạn với tui được một chút xíu!"

- Hãy tàn nhẫn với cái thèm khát nhục dục trong chúng ta đi. Đừng nuông chiều nó. Đừng quá bận tâm tới khả năng của mình, của vợ, của chồng. Hãy sống siêu thoát. Tất cả rồi cũng qua đi. Hãy đóng đinh tính xác thịt vào Thánh Giá Chúa đi. Hãy quý trọng đức Khiết Tịnh trong đời sống vợ chồng.

- Hãy tàn nhẫn với những khao khát bất chính đang ngủ ở trong lòng, chờ thời cơ thức dậy. Chuyện kể rằng: Hai vợ chồng đi khám bệnh. Bác sĩ bảo, chị hãy còn rất khỏe. Còn anh, ung thư giai đoạn cuối rồi. Về nhà, anh bảo chị làm một bữa tiệc để chia tay mọi người. Hôm ấy, tiệc 500 khách, anh đứng ra và nói: "Tôi cảm ơn bà con đã sống yêu thương và giúp đỡ tôi thời gian qua. Nay xin bà con tha thứ nếu tôi có gì thiếu sót, vì bác sĩ bảo tôi bị “siđa” rồi không còn sống bao lâu nữa”. Chị vợ hoảng hồn chạy lên. Ông nói kỳ cục vậy, Bác sĩ bảo là ông ung thư mà. Ông quá ác! Ông ta trả lời: "Thôi thì cứ nói siđa đi. Nói ung thư, anh sợ em khó sống, khó xử, với mấy thằng đàn ông thời nay kia em à…" Biết mình gần chết rồi mà còn thương vợ tới như thế đó. Sợ vợ phải khó xử với những con người xã hội ghê gớm này. Còn chị vợ thì sao? Có phải đang có những dự tính bất chính?

Vâng, Cứ hãy tàn nhẫn đi em!

Hãy tàn nhẫn với những điều bất chính trong cõi lòng mình, và hãy tàn nhẫn với những cám dỗ bất chính bên ngoài mình.

Nhưng tuyệt đối đừng bao giờ tàn nhẫn với những điều công chính.

Tại sao bạn có thể tàn nhẫn với vợ mình, với chồng mình, mà không dám tàn nhẫn với người tình không hôn thú, không thể tàn nhẫn với những thú vui bên ngoài gia đình? Có phải bạn đang sống trong một gia đình, mà vẫn rất ích kỷ, chỉ nghĩ đến mình thôi sao? Có phải bạn đang không thật thà với Chúa, với mình và cả với vợ, với chồng mình nữa? Sống gia đình như thế rõ ràng là một cuộc sống ảo.

Hãy tàn nhẫn đi, chặt tay, chặt chân, móc mắt đi, nếu nó sinh dịp tội cho bạn, nếu nó làm mất hạnh phúc gia đình nhà bạn.
Hỡi các bạn trẻ, hỡi các gia đình trẻ,

Đã đến lúc mà mỗi chúng ta phải quyết liệt lội ngược dòng đời, ngược dòng xã hội vô thần và duy vật. Hãy tàn nhẫn đi, tàn nhẫn với những điều bất chính. Hãy tàn nhẫn với lối sống vô thần, duy vật. Đừng nuông chiều nó nữa. Đừng vâng lời nó nữa!

PM. CAO HUY HOÀNG, 2017
(Ephata 778)