(Mã số 18 - 022)
1.
Mặt trời dần dần nhú lên khỏi mặt biển. Gió nồm vẫn cứ thổi. Sóng vỗ dịu dàng, không mạnh như hồi chiều hôm qua, lúc thủy triều đang lên. Dưới ánh nắng sớm, hàng phi lao ngả bóng lên mấy dãy lầu của nhà dòng Phan Sinh. Dì Liên bước đều đều trên hành lang lầu hai, tay mân mê tràng hạt Mân côi. Từ sáng tới giờ, dì lần không biết bao nhiêu chuỗi, từ chuỗi Mân côi đến chuỗi lòng Chúa thương xót. Dì đang cầu nguyện cho linh hồn cụ bà Anna, một bệnh nhân phong vừa mới qua đời.
Bà cụ chết cách đây mấy hôm. Bà không phải chết vì bệnh phong mà chết vì cô quạnh lúc tuổi già khi vừa tròn bảy mươi. Đúng ra, bà không thể thọ đến tuổi ấy. Nhưng nhờ sự chăm sóc tận tình của các dì Phan Sinh mà bà sống thêm ngần ấy năm. Bà chỉ có một mình. Chồng bà đã chết cách đây 10 năm. Từ đó, bà sống thui thủi một mình trong căn nhà nhỏ lụp sụp do nhà nước cấp trong khu bệnh nhân phong Qui Hòa. Con cái bà đã bỏ đi làm ăn xa hết rồi. Lâu lâu, chúng gửi tiền về phụng dưỡng bà. Chúng ít khi về thăm bà. Chúng mắc cỡ vì có ba mẹ bị bệnh phong. Cũng thông cảm cho chúng. Từ lúc chúng sinh ra, đi học, đi làm cho đến giờ, người ta vẫn cứ coi chúng là đồ cùi hủi, là dòng dõi bệnh nhân phong. Chúng cất bước đi xa cũng chỉ để yên thân. Ở đấy, người ta không biết chúng là ai thì mới có cơ may ngóc đầu lên được. Vì thế, dù thương cha thương mẹ, chúng vẫn không thể trở về sống trên quê hương. Chính cha mẹ chúng cũng bị gia đình, dòng họ hắt hủi, phải trốn tránh mọi người và dạt về khu trại phong Qui Hòa này. Từ đó, cha mẹ chúng là những kẻ không dòng dõi gốc tích. Chúng ghét cái gốc tích của mình lắm! Thế là bà cụ Anna phải sống cô quạnh một mình trong những năm còn lại của cuộc đời. Bà sống cô quạnh và chết trong cô quạnh. Chỉ có các dì Phan Sinh là người đồng hành với bà mỗi ngày cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay.
2.
Dì Liên cứ nhớ mãi cái hôn của bà Anna trước lúc ra đi. Bà thì thào trong hơi thở cuối đời.
- Con cảm ơn dì Liên nhiều lắm…! Ước gì con có được những đứa con như dì!... Cảm ơn Chúa đã đưa dì đến với con. Xin dì cho con được ôm dì lần cuối…!
Mắt dì Liên đỏ hoe, nước mắt trào ra chảy dài trên hai gò má cao gầy. Dì cứ để cho nó chảy tự nhiên. Dì không kiềm được cảm xúc của mình. Thương bà cụ quá chừng quá sức! Dì đưa hai tay nắm lấy hai cùi tay của bà, đưa lên hôn rồi vòng tay ôm lấy bà hồi lâu. Dì thổn thức:
- Con cảm ơn cụ đã thương con, đã dành cho con nhiều tình cảm. Bà lại coi con như con gái. Thú thật, con chẳng được như bà nghĩ đâu… Khi bà về cùng Chúa, xin bà nhớ đến con!
Hai bà cháu ôm nhau khóc. Được ít phút, nước mắt bà cạn dần, tóc dựng lên, da lạnh dần. Bà cố nhồi người lên hôn vào má dì Liên rồi yếu dần và lịm đi. Bà đã về cùng Chúa trong vòng tay yêu thương của dì. Làm sao dì không nhớ, không xót xa trong lòng.
Dì Liên nhớ lại ngày trước, khi mới tập tò bước vào nhà thỉnh sinh của dòng, dì còn trẻ lắm, mới mười chín đôi mươi. Dì ước mong mình sẽ noi gương thầy chí thánh Giêsu và cha thánh Phan Sinh để lo cho những người nghèo khổ, bé mọn. Hết thời thỉnh sinh, bước lên nhà tập, dì lại càng lý tưởng con đường Phan Sinh hơn. Con đường ấy không gì khác là sống nghèo khó như những người nghèo của Chúa, sống với những người khổ cực, bệnh tật. Ngày đêm dì suy niệm cuộc khổ nạn của Chúa và thấm thía nỗi đau của những người bị đời ghẻ lạnh, hắt hủi. Dì tâm niệm, hành trình của Chúa là hành trình của con. Dù con yếu hèn nhưng con xin làm theo thánh ý Chúa. Thế rồi, mấy năm tập sinh cũng hết. Ngày bước lên cung thánh, quỳ trước Đức Giám mục và Mẹ Bề trên giám tỉnh để thề hứa là ngày vui khôn tả trong đời dì. Dì mừng đến khóc thành tiếng, không đọc nổi lời khấn. Kiềm nén cảm xúc mấy lần dì mới đọc xong. Dì hân hoan trong Chúa đến hết những ngày nghỉ phép.
Cuộc đời của dì Liên bắt đầu hành trình mới. Dì được bề trên sai về giúp cho trại phong Qui Hòa, ở giáo phận Qui Nhơn. Nghe đến trại phong, trong lòng dì rờn rợn một nỗi sợ. Dì mường tượng những bệnh nhân phong đầy ghẻ chốc, hôi hám, bị người đời hắt hủi. Dì phải chăm sóc những người này sao? Mặc dù, dì đã được học y tá, chuyên chăm sóc những bệnh nhân hiểm nghèo nhưng chưa bao giờ dì chăm sóc cho bệnh nhân phong. Dì lo lắng bối rối trong lòng. Tuy nhiên, vâng lời bề trên, dì đến với trại phong vào một ngày gió nồm thổi rất mạnh.
Dì Liên nhớ những ngày đầu bước vào chăm sóc cho những người cùi, dì muốn ói vì mùi hôi tanh tỏa ra từ các vết thương. Tay chân, mặt mày họ biến dạng, đầy mủ và nước. Mủ càng chảy, mùi càng hôi thối. Nhìn từng mắt tay mắt chân rơi rụng, từng miếng thịt bị rớt ra, dì rùng mình ớn lạnh. Bệnh gì mà ác nhân thế! Trưa hôm ấy, dì bỏ cơm, vì đi đâu dì cũng nghe mùi hôi thối và nhìn đâu dì cũng thấy ghẻ chốc. Dì thẫn thờ và hụt hẫng. Dì phải quỳ trước Thánh Thể Chúa hàng giờ để xin thêm sức mạnh.
- Lạy Chúa! Nếu Chúa không giúp con, chắc chắn con phải ra về thôi! Sức con làm sao chịu đựng nổi những cám dỗ ghê tởm trước đau khổ của những người bệnh.
- Này con, chẳng phải con đã muốn bước theo chân Cha sao? Con đã từng háo hức chờ đợi phút giây này sao? Con hãy nhìn họ và con sẽ thấy Cha. Cha chính là họ đấy! Cha đã từng đưa tay ra chạm vào biết bao nhiêu người bị đời coi là ô uế. Họ là những người cùi và cha đã bị cùi như họ. Cha sẽ vui sướng biết chừng nào khi con chạm đến Cha!… Nếu con ước muốn chạm đến Cha mỗi ngày trong bí tích Thánh Thể thì con cũng phải biết chạm đến Cha trong những người cùi này. Nào, con của Cha! Mạnh mẽ lên con. Cha ở cùng con...
- Dạ, thưa Cha! Xin Cha ở cùng con…!
Dì Liên giật mình kinh ngạc. Dì đang quỳ trước Thánh Thể Chúa. Ai đã nói với dì. Là Chúa Giêsu. Là Chúa… Không ai khác! Con đã hiểu rồi, xin Chúa giúp sức cho con…
Dì Liên thao thức suốt đêm ấy. Nhắm mắt là dì liền thấy Chúa Giêsu đứng bên cạnh những người cùi. Nước mắt dì trào ra vì hối lỗi và vì tình thương Chúa đã dành cho dì.
3.
Những ngày sau đó, lòng dì vẫn còn ghê tởm khi tiếp xúc với bệnh nhân phong. Tuy nhiên, dì điềm đạm hơn, mạnh dạn hơn, không còn nghe thấy mùi thối nơi cánh mũi của mình. Dì mừng thầm trong lòng. Dì không còn ghê rợn khi chăm sóc cho những vết thương đầy máu và mủ. Dì nhìn thấy nơi những vết thương đỏ hỏn kia chính là vết thương của Chúa Giêsu trên thập giá. Cho nên, mỗi tiếng rên la của họ là mỗi tiếng đau xé lòng dì. Chính bà cụ Anna cũng từng được dì chăm sóc cho đến lúc bà ra đi. Dì thương bà cụ lắm. Dì thương vì bệnh phong một thì thương vì hoàn cảnh cô quạnh của bà mười. Dì muốn bù đắp sự trống trải trong lòng bà. Cho nên, khi bà mất, lòng dì cũng trống đi một chỗ. Dì lần hạt cầu nguyện cho bà nhiều cũng vì thế.
- Chị Liên, hôm nay chị có đi dạy giáo lý không?
- Ừ, có. Mà em hỏi làm chi vậy?
- Đến giờ rồi! Em thấy chị cứ đứng ngẩn ngơ nên em nhắc.
- À phải! Bảy giờ rồi nhỉ! Chị cảm ơn em nghen. Chúc em một ngày bình an.
- Dạ, không có chi! Chị đi thong thả.
Dì Liên bước vào phòng, lấy chiếc cặp rồi bước xuống cầu thang, đi thẳng đến nhà thờ. Khi đi đến cổng nhà thờ, có nhóm người hỏi thăm.
- Chào chị! Xin cho hỏi, khu điều trị bệnh nhân phong ở chỗ nào?
- Chào anh! Anh đến đây làm chi?
- Dạ, đoàn của em nghe biết trong Qui Hòa này có trại phong nên đến đây thăm và muốn biếu ít quà cho bệnh nhân.
- À, thế hả! Cảm ơn anh. Anh đi thẳng đến ngôi nhà màu trắng kia, xin người ta dẫn vào thăm các bệnh nhân phong thì họ sẽ dẫn đi.
- Cảm ơn chị. Chúc chị ngày mới bình an...
Theo hướng chỉ của dì Liên, cả nhóm từ thiện đi vào bệnh viện. Họ được một nhân viên bệnh viện dẫn đi thăm những bệnh nhân phong đang được điều trị ở các dãy phòng. Họ nhìn thấy nhiều người cụt chân cụt tay, mặt mày biến dạng nhưng sạch sẽ gọn gàng. Tuy nhiên, họ chỉ nhìn thấy những lớp vải trắng băng kín những vết thương. Cho nên, họ chẳng thấy gì ghê tởm. Họ thăm người này, hỏi người kia rồi trao quà cho từng người. Họ hớn hở chụp hình hết chỗ này đến chỗ khác, với hết người này đến người nọ. Chốc lát mọi người đã thấy hình của họ đầy trên facebook. Họ tự hào về một ngày làm từ thiện đầy tiếng cười và niềm vui. Họ lướt hết trang này đến trang khác để khoe thành quả của mình. Xong việc, họ ra về trong vui vẻ mà đâu biết những đau đớn của các bệnh nhân mỗi khi đêm đến. Họ cũng đâu biết ai là người chăm sóc những vết lở loét đầy mủ và hôi thối của mỗi bệnh nhân. Họ chỉ biết thăm nom, tặng quà, chụp hình. Thế là xong! Cũng may là họ còn biết đến thăm những người đau khổ hơn họ. Bởi còn biết bao người dửng dưng, chẳng biết bệnh phong là gì, chẳng biết có những người đau khổ đang mang trên mình bệnh phong. Họ chỉ biết cùi hủi là đồ ghê tởm.
Dì Liên đi dạy giáo lý về, có người hỏi.
- Chị ơi! Cho em hỏi thăm mộ của nhà thơ Hàn Mạc Tử ở đâu?
- Chị cứ đi theo con đường này! Rẽ trái, đi ra tới biển, rồi rẽ trái đi theo con đường dọc bãi biển là tới mộ nhà thơ.
- Dạ, cảm ơn chị! Chào chị em đi…
Đi một đoạn lại có người hỏi.
- Chào chị! Chị cho hỏi, đây có phải là trại phong Qui Hòa không ạ?
- Chào chị! Dạ phải. Chị hỏi chi vậy?
- Em ở Sài Gòn ra. Nghe nói ở đây có bãi biển đẹp nên em ghé thăm chơi. Mà chị công tác ở trại phong này ạ?
- Dạ, đúng rồi! Đây là trại phong Qui Hòa. Chị cứ đi theo con đường này là ra tới biển. Biển chiều nay đẹp lắm!
- Cảm ơn chị, em đi đây...
4.
Dì Liên bước vào nhà, đi lên phòng rồi đứng trên hành lang nhìn ra bãi biển. Hàng phi lao vẫn cứ đu đưa theo chiều gió. Tiếng vi vu cứ rít lên từng hồi mỗi khi gió mạnh. Dì nhìn thấy từng đoàn người cứ ùn ùn kéo đến bãi biển. Người đi tắm, kẻ đi chơi. Họ lang thang khắp vườn dương, đi dọc theo bãi biển, ngắm nhìn các tượng đài Đức Mẹ, Chúa Giêsu, các thầy thuốc, các bệnh nhân… Họ trầm trồ khen ngợi. Đẹp, đẹp thật! Họ đâu để ý ngoài bãi biển đẹp, nơi đây còn có những người đau khổ vì bệnh phong, còn có những con người âm thầm phục vụ những người ấy. Họ đến nơi đây chỉ để vui chơi giải trí, chỉ để lướt qua đây như làn gió thoảng. Họ đến rồi đi như dã tràng xây tổ trên bãi biển. Họ ngụp lặn trong làn nước mát của biển mà chẳng biết ngoài khơi kia có những người cụt tay cụt chân vẫn phải mưu sinh hàng ngày. Mà họ đâu cần quan tâm. Đã có người làm giúp họ công việc ấy rồi. Đó là các dì Phan Sinh một đời lặng lẽ với các bệnh nhân.
Chiều nay, gió nồm thổi mỗi lúc một mạnh. Thủy triều mỗi lúc một dâng cao. Lẫn trong tiếng vi vu là tiếng kinh chiều của các dì. Trời mỗi lúc mỗi tối. Bãi biển càng lúc càng vắng người. Nơi đây, trại phong Qui Hòa, chỉ còn lại các dì âm thầm cầu nguyện cho những người đau khổ của Chúa.